Chào mọi người! Mình là Nam, thuộc bộ phận biên tập của LIGHTBOAT.

Hơi đột ngột nhưng mà mọi người ơi, về những từ chuyên ngành được dùng khi tìm việc làm, mọi người biết được khoảng bao nhiêu vậy? Khi tham gia hoạt động tìm việc (shukatsu), mình từng nghe hay nhìn thấy nhiều thuật ngữ đặc biệt mà hầu như không được dùng trong cuộc sống thường ngày.

Trong bài viết lần này, bằng kinh nghiệm thực tế khi đã tìm việc làm ở Nhật, mình sẽ giới thiệu đơn giản “Những thuật ngữ thường dùng trong hoạt động tìm việc ở Nhật”.

Trong bài còn có nhiều lời khuyên cực kỳ hữu ích từ chị Minato Akari – tiền bối người Nhật của mình ở công ty, nên các bạn hãy đọc kỹ toàn bộ bài viết này nhé!

1. “Thuật ngữ chuyên ngành về shukatsu” là gì?

Mặc dù không có định nghĩa chính xác về “Từ chuyên ngành liên quan đến shukatsu”, nhưng nhìn chung, đó là những từ ngữ mà người phụ trách phía doanh nghiệp và những người tham gia tìm việc hay dùng trong quá trình shukatsu. Có rất nhiều thuật ngữ đặc trưng liên quan đến shukatsu, những từ như thế học sinh – sinh viên hay người đi làm ít sử dụng và khá vất vả để ghi nhớ.

Tuy nhiên, dù chỉ là những từ ngữ cực kỳ cơ bản đi chăng nữa, nếu nhớ và hiểu rõ ý nghĩa của chúng, chắc hẳn bạn sẽ bớt hoang mang và tự tin hơn khi tham gia buổi giới thiệu công ty hay khi dự phỏng vấn.

2. Những thuật ngữ liên quan đến shukatsu

Lần này, mình sẽ giới thiệu 12 từ ngữ cơ bản trong hoạt động tìm việc làm. Các bạn cùng tham khảo nhé!

●Thực tập (Intern)

Thực tập (Intern) là viết tắt của từ Internship. Thực tập là việc trải nghiệm thực tế làm việc tại công ty. Điều này có ích cho việc tìm hiểu về công ty, ngành nghề cũng như công việc. Ở Nhật, rất nhiều kỳ thực tập ngắn hạn (từ 1 ngày đến khoảng 1 tuần) được tổ chức vào dịp nghỉ hè của các trường đại học, tức là rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 hàng năm.

★Những đánh giá khi tham gia thực tập cũng được coi là một tiêu chí quyết định tuyển dụng. Hãy nhanh chóng thu thập thông tin và tích cực tham gia thực tập nhé!

●Nộp đơn đăng ký (Entry)

“Nộp đơn đăng ký” (entry) trong hoạt động tìm việc làm nghĩa là nộp thông tin cá nhân cho các công ty, đăng ký tham gia tuyển chọn chính thức. Có một từ gần giống đó là “thử nộp đơn đăng ký” (pre-entry), tuy nhiên từ này có nghĩa là “bạn đang hứng thú với một công ty nào đó và tiến hành thu thập thông tin về công ty này”. 

★Khi nộp đơn đăng ký, có trường hợp bạn phải nộp đơn xin việc (ES), sơ yếu lý lịch của bản thân v.v. Cũng có trường hợp sẽ có thời hạn nộp các loại giấy tờ cần thiết.Vì vậy điều quan trọng là phải quản lý lịch trình một cách chặt chẽ.

●ES (Entry Sheet)

Là từ viết tắt của Entry Sheet. Nó được hiểu là đơn đăng ký gửi tới công ty để tham gia buổi tuyển dụng. Nội dung ghi trong đó bao gồm “Bài viết PR bản thân”, “Điều bạn đã chuyên tâm/nỗ lực hết mình thời đại học (Gakuchika)” hay “Động cơ/lý do ứng tuyển”, v.v. Tùy từng công ty ứng tuyển, nội dung câu hỏi sẽ khác nhau.

★Không phải cứ nộp đơn xin việc là chắc chắn tiến vào được vòng phỏng vấn đâu nhé. Vì có những lúc sẽ bị đánh giá không đạt, nên việc tìm tòi trước về cách viết đơn xin việc là rất quan trọng!

●Bài kiểm tra trên web (web test)

Khi tham gia tuyển chọn của công ty, sẽ có bài kiểm tra viết dự thi trên web. Ở Nhật, những hình thức kiểm tra tiêu biểu là “SPI” hay “Tamatebako”. Đây là một phần ở vòng tuyển chọn hồ sơ, là việc dự thi trước khi phỏng vấn, ví dụ “Tamatebako” gồm 4 bài thi “Ngôn ngữ”, “Toán”, “Tiếng Anh”, “Kiểm tra tính cách”. Cần tìm hiểu những bài thi mà công ty mình ứng tuyển sẽ áp dụng và tìm thêm tài liệu tham khảo để ôn luyện.

★Mình đã mua giáo trình tại các hiệu sách và tiến hành ôn luyện cho bài kiểm tra. Có trường hợp bị giới hạn thời gian, nên mình đã rất khó hoàn thành bài thi khoảng thời gian được quy định…

●Thảo luận nhóm (GD)

Là viết tắt của từ Group Discussion. Đây là phương thức tuyển chọn bằng cách cho một nhóm ứng viên cùng thảo luận về một chủ để được đưa ra. Có trường hợp từng nhóm sẽ phải phát biểu kết quả thảo luận, việc quan trọng chính là tất cả thành viên trong nhóm biết cách hợp tác và tiến hành thảo luận.

★Thường thì cách tuyển chọn này, ứng viên được đánh giá dựa trên các tiêu chí như: “năng lực phát biểu dễ hiểu”, “tham gia tích cực”, “năng lực lãnh đạo”, “sự quan tâm đến người khác”, v.v. những tố chất mà công ty Nhật đòi hỏi đối với nhân viên của họ.

●Buổi giới thiệu chung của doanh nghiệp (Gosetsu)

Là viết tắt của từ “Goudou Setsumeikai”. Là buổi giới thiệu được tổ chức chung bởi một số công ty. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều buổi Gosetsu như thế này được tổ chức trực tuyến (online), cũng có những trường hợp nghe giới thiệu của từng công ty và trao đổi riêng với những nhân viên đang làm việc tại công ty.

★Mình đã tham gia ngày hội tuyển dụng và gặp gỡ được những công ty mà mình vốn không biết họ. Nhưng vì cẩn thận ghi chú lại và thu thập rất nhiều thông tin, điều đó rất có ích cho việc tìm hiểu công ty của mình.

●Phân tích bản thân (Jiko bunseki)

Là việc tự phân tích bản thân từ điểm mạnh, điểm yếu, suy nghĩ về sự vật sự việc chẳng hạn. Bằng việc phân tích bản thân, bạn có thể nhìn nhận bản thân phù hợp với công việc gì và mục tiêu tương lai như thế nào. Ngoài ra, bạn có thể tăng tính thuyết phục cho phần giới thiệu bản thân hay động cơ ứng tuyển.

★Phân tích bản thân là một trong những điều quan trọng nhất trong hoạt động tìm việc làm. Có nhiều phương pháp dùng để phân tích bản thân, chẳng hạn: viết tiểu sử bản thân, sử dụng những công cụ phân tích bản thân trên mạng, v.v. Hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu sâu sắc về bản thân trước khi tiến bước vào quá trình tuyển chọn!

●Nỗ lực thời sinh viên (Gakuchika)

Là viết tắt của cụm từ “Điều mình đã nỗ lực hết mình thời sinh viên”, tiếng Nhật gọi tắt là Gakuchika. Đây được coi là câu hỏi truyền thống, hầu như ở tất cả vòng phỏng vấn ở các công ty đều sẽ được hỏi câu hỏi này. Không chỉ vòng phỏng vấn, khi viết ES cũng sẽ có mục này, vậy nên hãy sắp xếp lại trải nghiệm của bản thân diễn đạt lại thành lời nhé.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá tính cách ứng viên thông qua Gakuchika như, “Bạn đã làm gì để đạt được thành công hay mục tiêu?”, hay “Bạn đã chuẩn bị, nỗ lực như thế nào?”, v.v.

●Tiêu chí Shukatsu (Shukatsu no jiku)

Là tiêu chuẩn khi lựa chọn công ty và công việc. Từ những việc như phân tích bản thân, nghiên cứu ngành nghề, công ty, tham dự buổi giới thiệu công ty, và dựa trên việc lựa chọn công ty hãy tìm ra “điểm không thể nhượng bộ”. Nếu làm rõ được “tiêu chí shukatsu”, bạn sẽ nâng cao hiệu suất để tìm được công ty phù hợp.

★Mục đích là để làm rõ bản thân có phù hợp với mẫu hình công ty mình đang tìm kiếm hay không, khi phỏng vấn cũng có thể bị hỏi về điều này, vì vậy hãy sắp xếp lại tiêu chí của chính mình!

●Nghiên cứu ngành nghề (Gyoukai kenkyuu)

Đầu tiên, “ngành nghề” trong hoạt động tìm việc làm nghĩa là phân loại công ty dựa trên ngành nghề kinh doanh và dịch vụ. Vì vậy, “nghiên cứu ngành nghề” có ý nghĩa là việc nghiên cứu đặc điểm, phân loại của ngành nghề hiện có, với mục đích là tìm ra ngành nghề mà bản thân thực sự muốn làm.

Những ngành nghề ở Nhật có thể phân thành 8 loại lớn bao gồm: “sản xuất”, “thương mại”, “bán lẻ”, “tín dụng”, “dịch vụ”, “phần mềm – thông tin”, “truyền thông”, “cơ quan công quyền – doanh nghiệp nhà nước – tổ chức đoàn thể”.

●Email cầu chúc (Oinori mail)

Là mail thông báo bạn không trúng tuyển. Cuối thư thường sử dụng câu “Chúc bạn thành công!”, nên email này có cách gọi như vậy. Có trường hợp dù không trúng tuyển bạn cũng không nhận “email cầu chúc”, cái này được gọi là “cầu chúc trong im lặng”, tiếng Nhật là “silent oinori”. 

●Quyết định tuyển dụng (naitei)

 “Naitei” (Quyết định tuyển dụng) dùng trong shukatsu để chỉ tình trạng đã “thành lập hợp đồng lao động”. Công ty sẽ gửi thông báo tuyển dụng cho ứng viên, ứng viên nộp cho công ty thư đồng ý gia nhập công ty, và dựa trên việc xác nhận ý chí giữa các bên hợp đồng lao động được xác lập.

Vì ở Nhật có quy định thời gian công ty có thể đưa ra quyết định tuyển dụng đối với sinh viên, do đó trước “quyết định tuyển dụng” (naitei) có những công ty sẽ đưa ra “lời hứa sẽ đưa ra quyết định tuyển dụng trong tương lai = quyết định tuyển dụng tạm thời (nainaitei)”

Các bạn muốn tìm hiểu thêm về hoạt động tìm việc làm tại Nhật, hãy kiểm tra ngay thông tin sau đây!

https://lightboat.lightworks.co.jp/job-hunting-lp

Có thể học trực tuyến, ngay bây giờ!

3. Phần kết

Lần này mình đã giới thiệu những từ chuyên ngành rất cơ bản, thường được dùng trong hoạt động tìm việc làm tại Nhật.

Nhất định hãy tham khảo và vận dụng cho hoạt động tìm việc của mình nhé!

Xem bài viết bằng tiếng Nhật: https://lightboat.lightworks.co.jp/article/the-terms-of-job-hunting-in-japan