Nội dung chính
Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn
MUJI là thương hiệu toàn cầu đại diện cho Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2021, công ty phát triển thương hiệu này là Ryohin Keikaku Co., Ltd. (tên gọi tắt là Ryohin Keikaku) đã có cửa hàng ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới[1]. Ở trụ sở của công ty tại Nhật Bản, cũng có nhiều nhân viên có quốc tịch khác nhau đang cùng làm việc.
Lần này, LIGHTBOAT có cơ hội trò chuyện với một nhân sự người nước ngoài của Ryohin Keikaku, người đã có duyên hiện thực hóa giấc mơ “tận hưởng công việc Nhật, cuộc sống Nhật”.
Qua đó, chúng tôi đã hiểu rõ về cách thức của công ty trong việc xây dựng môi trường phù hợp và hiệu quả, đó là coi giao tiếp với từng nhân viên và lặp đi lặp lại việc thử nghiệm, sửa chữa sai lầm như một phương pháp tích lũy kinh nghiệm, thay vì tiếp cận theo kiểu hình thức. Cũng nhờ đó, chúng tôi có thể nhìn thấy được những thành quả của hiện tại và cả thách thức trong tương lai.
Đây sẽ là một tài liệu tham khảo tuyệt vời cho nhiều công ty Nhật Bản đang cân nhắc tuyển dụng nhân sự nước ngoài.
Ngoài ra, câu chuyện và trải nghiệm của những người biết tận dụng tối đa thế mạnh của mình để gây dựng sự nghiệp và hỗ trợ phát triển thương hiệu MUJI từ Nhật Bản – nơi khởi nguồn thương hiệu, chắc chắn sẽ là bài học quý giá đối với những người nước ngoài muốn làm việc tại Nhật Bản.
Mời các bạn đón đọc số thứ ba trong “Chuyên mục phỏng vấn nhân sự người nước ngoài tại Ryohin Keikaku”.
Giới thiệu khách mời phỏng vấn: Bạn Becky
Họ và tên | Theint Zin Htoo(Tên thường gọi, Becky) |
Quê quán | Cộng hòa Liên bang Myanmar |
Tốt nghiệp đại học | Đại học Myanmar (2008) Đại học Autralia (2013) |
Năm gia nhập công ty | 2015 (Làm bán thời gian tại MUJI Global Sourcing Private Limited vào năm 2014) |
Số năm ở Nhật | 8 năm |
Nơi làm việc hiện tại | MUJI Ginza |
Lời mở đầu
Becky đến Nhật Bản sau khi tốt nghiệp hai trường đại học. Ban đầu, cô dự định đi học cao học ở Nhật Bản, nhưng cuộc sống của cô thay đổi từ khi cô bắt đầu công việc làm thêm trong thời gian theo học tại một trường Nhật ngữ. Con đường sự nghiệp từ đó bắt đầu trở nên đầy thử thách, chông gai nhưng cũng rất lý thú và tràn đầy niềm vui. Chúng tôi đã phỏng vấn Becky, hiện đang làm việc tại MUJI Ginza, trong một căn phòng tại MUJI HOTEL thuộc tổ hợp cửa hàng – khách sạn tại Ginza.
Công việc bán thời gian tại Ryohin Keikaku làm thay đổi cuộc đời tôi
– Bạn có thể cho chúng tôi biết lý do bạn quyết định đến Nhật Bản không, Becky?
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Myanmar, mình có một thời gian sống ở Singapore. Singapore có chế độ cho phép sinh viên học liên thông lên một trường đại học khác tại Singapore sau khi tốt nghiệp trường Senmon. Do đó, sau khi tốt nghiệp trường Senmon, mình đã tiếp tục theo học kinh doanh tại khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Australia.
Chị gái mình sống ở Singapore, vì vậy mình có thể lựa chọn ở lại đó sau khi tốt nghiệp. Nhưng mình muốn thử thách bản thân ở một đất nước không sử dụng tiếng Anh.
Mình có vài người bạn Nhật ở Singapore, nên mình cũng khá quan tâm đến Nhật Bản. Sau khi đi du lịch tại Nhật, mình đã quyết định sẽ đi du học tại đất nước này.
Người Nhật trong ấn tượng của mình là những người tốt bụng và quan tâm đến người khác. Ví dụ, khi sử dụng bất cứ thứ gì, họ luôn nghĩ tới người sẽ sử dụng sau đó. Điều đó vô cùng mới mẻ đối với mình.
Mình còn yêu thích văn hóa ẩm thực. Có rất nhiều món ăn Nhật Bản mà mình thích, chẳng hạn như Sushi, thịt nướng, bánh xèo kiểu Nhật hay Takoyaki v.v.. Mình đã được thưởng thức những món ăn đó khi còn ở Singapore.
– Gia đình bạn có ủng hộ việc bạn đến Nhật Bản không?
Sau khi tốt nghiệp Đại học Australia, mình trở lại Myanmar một lần và theo học tại một trường dạy tiếng Nhật. Mẹ muốn mình sống ở Singapore với chị gái. Khi đó, mình tình cờ thấy một tấm áp phích giới thiệu về học bổng ở hành lang và thuyết phục mẹ rằng, nếu đỗ học bổng[2], mẹ sẽ trả chi phí đi lại cho mình. Kết quả là mình đã thi đỗ. Sau khi tới Nhật, mình có thể trả học phí cho trường Nhật ngữ bằng học bổng và mẹ cũng đã hiểu cho quyết định của mình. Bây giờ bố mẹ đều biết rằng mình đang tận hưởng cuộc sống của chính mình, vì vậy họ ủng hộ việc mình sống ở Nhật Bản.
– Cuộc sống của bạn sau khi đến Nhật Bản như thế nào?
Sau khi tới Nhật, mình theo học tại một trường Nhật ngữ trong vòng một năm. Mình từng nghĩ nếu theo học trường tiếng, tiếng Nhật sẽ cải thiện ngay lập tức, nhưng không, tiếng Nhật khó hơn so với tưởng tượng của mình.
Mình nghĩ bản thân có thể tiến bộ bằng cách bắt đầu một công việc bán thời gian, vì vậy mình bắt đầu công việc bán thời gian là làm trợ lý phát triển sản phẩm tại MUJI Global Sourcing Private Limited (MGS) khi đang học tại trường Nhật ngữ. MGS là công ty con của Ryohin Keikaku, chủ yếu phát triển và phân phối sản phẩm tại các cơ sở ở nước ngoài. Trải nghiệm của mình tại MGS rất thú vị. Các tiền bối ở công ty rất tốt bụng, mỗi ngày làm việc tại đây đều thực sự rất vui.
Quả thật mình cũng đã học thêm được nhiều về tiếng Nhật trong công việc. Có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, mình đều ghi chúng lại rồi sau đó tra cứu trên Internet hoặc xác nhận lại với những người xung quanh.
Không phải ai đó cụ thể mà tất cả mọi người đều đã dạy mình tiếng Nhật cũng như chỉ bảo mình cách làm việc. Mình đã không được dạy tiếng Nhật một cách bài bản, vì vậy bây giờ nhìn lại, có thể mình đã sử dụng kính ngữ khá tùy ý, nhưng mình nhận thấy rằng mình có khả năng giao tiếp tốt.
Mặt khác, mình cũng đã cảm nhận được kha khá sự khác biệt về văn hóa. Mình thuộc tuýp người luôn nói thẳng vào vấn đề, nhưng ở Nhật, khi truyền đạt điều gì đó, ngay cả khi trao đổi qua email thì người ta hay thêm những câu rào đầu hay “ngôn từ đệm” lịch sự đúng không nào? Mình học được từng chút một về những cách biểu đạt như thế và hồi đó mình được dạy về “ngôn từ đệm” lịch sự.
– Sau đó thì bạn vào làm việc tại Ryohin Keikaku luôn đúng không?
Đúng vậy. Sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ, mình có ý định học lên cao học. Nhưng khi được MGS hỏi về con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp, mình quyết định tiếp tục làm việc ở đây.
Vào năm 2015, mình vào làm việc tại Ryohin Keikaku với tư cách là nhân viên chính thức. Tại thời điểm đó, tư cách cư trú của mình đã được thay đổi từ “Lưu học sinh” sang “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế”.
Dự định ban đầu của mình là sẽ quay về Myanmar sau khi tốt nghiệp cao học. Vậy nên, “mình” của những ngày đầu tới Nhật mà biết được về sự nghiệp hiện tại của mình chắc hẳn sẽ ngạc nhiên lắm.
Thương mại hóa cà phê ở quê hương Myanmar
– Kinh nghiệm ở phòng phát triển sản phẩm, những cuộc gặp gỡ với tiền bối hay đồng nghiệp chắc hẳn rất có ý nghĩa, đến mức Becky đã thay đổi cả kế hoạch sự nghiệp nhỉ. Vậy sau khi chính thức gia nhập Ryohin Keikaku, bạn đảm nhận công việc gì?
Mình đã đảm nhận việc phát triển sản phẩm trong 3 năm rưỡi. Sau đó, mình được chuyển đến Phòng Kinh doanh vì xã hội, ở đó mình tham gia vào việc phát triển hoạt động kinh doanh mới, công việc là đánh giá các sáng kiến có thể được thực hiện từ quan điểm của SDGs.
Đó là một trải nghiệm thực sự khó quên khi lập kế hoạch và thương mại hóa “Cà phê hạt Myanmar”[3]. Không chỉ biến sản phẩm của quê hương mình trở thành sản phẩm mang thương hiệu MUJI, việc bán cà phê còn làm tăng thu nhập cho người nông dân, điều này góp phần làm giảm diện tích trồng cây thuốc phiện và đóng góp cho xã hội Myanmar.
Trong quá trình phát triển sản phẩm, mình thường phải đi thực địa. Mình và cấp trên thường đi công tác ở Myanmar, đàm phán với nông dân. Mình có thể thảo luận bất cứ điều gì với cấp trên, do đó việc đề xuất dự án trở nên khá dễ dàng.
Ngoài ra, mình còn tham gia vào dự án MUJI HOTEL, cũng chính là nơi đang thực hiện bài phỏng vấn này, công việc của mình là phát triển các tiện ích và xây dựng quy trình tiếp nhận phản hồi của khách hàng.
Công việc phát triển sản phẩm lẫn phát triển kinh doanh đều rất thú vị, nhưng cũng đầy chông gai. Khi mới gia nhập công ty với tư cách là nhân viên chính thức, mình ngay lập tức tham gia vào dự án phát triển sản phẩm trong một lĩnh vực mà ngay cả MUJI cũng chưa có kinh nghiệm. Khi đó, mình vừa phải bắt kịp tiến độ dự án, vừa phải tự mình tiếp thu kiến thức trong lĩnh vực mới này.
Mình cũng đang làm việc cùng với nhiều bộ phận khác để thúc đẩy phát triển dự án, nhưng điều đó không có nghĩa là có thể giao mọi việc cho các bộ phận chuyên môn. Tuy có bộ phận quản lý chất lượng, nhưng khi lập kế hoạch, bản thân mình cũng cần phải hiểu về chất lượng sản phẩm và mình được học hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như lập kế hoạch bán hàng.
– Bạn đã hoạt động vô cùng tích cực chỉ sau vài năm gia nhập công ty đúng không nào? Còn tại MUJI Ginza, nơi bạn hiện đang làm việc thì bạn đảm nhận công việc gì?
Mình bắt đầu làm việc tại MUJI Ginza từ năm 2021, và cách đây nửa năm mình đã trở thành trưởng nhóm quản lý bán hàng tại tầng 3[4].
Hiện tại, mình đang lên kế hoạch cho các dự án như “Đồng sáng tạo đa văn hóa” v.v.. với nhiều dự án sẽ được tiến hành tại các cửa hàng. Vào tháng 5 năm nay, 3 nhà hàng Pháp đã khai trương tại MUJI Ginza trong khuôn khổ dự án mang tên “Thành phố Tsunagaru phiên bản nước Pháp”.
Mình nghe nói tại Nhật thì nhà hàng nước ngoài nhiều nhất chính là nhà hàng Pháp, mình chọn Pháp vì mình muốn bắt đầu dự án này với đất nước có văn hóa mà người Nhật thấy quen thuộc.
Dần dần, mình cũng muốn giới thiệu văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ vốn chưa được biết đến nhiều ở Nhật. Và không chỉ giới thiệu những thứ hữu hình, mình còn muốn sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như âm nhạc để thúc đẩy trao đổi đa văn hóa.
Thông qua các sự kiện, mình rất vui nếu không chỉ khách hàng mà cả nhân viên của cửa hàng Ginza cũng có cơ hội giao lưu văn hóa, học được thêm nhiều tri thức mới.
Có 4 người nước ngoài làm việc tại MUJI Ginza, bao gồm cả mình, mọi người giao tiếp với nhau không phân biệt người Nhật hay người nước ngoài, vì vậy không có cộng đồng dành riêng cho nhân viên nước ngoài.
Mặt khác, cũng có những lúc việc giao tiếp trở nên khó khăn. Vì cửa hàng hoạt động theo hệ thống chia ca nên không phải lúc nào tất cả mọi người đều có mặt, chỉ riêng cửa hàng Ginza đã có khoảng 150 nhân viên. Môi trường hoàn toàn khác với MGS, nơi có khá ít nhân viên. Vì lý do này, sau khi được bổ nhiệm tới Ginza, mình đã trăn trở nhiều về làm thế nào để giao tiếp hiệu quả bất kể quốc tịch nào.
Mình hi vọng số lượng khách hàng nước ngoài và nhân viên nước ngoài ngày càng tăng trong tương lai. Đồng thời, bất kể họ có phải là người nước ngoài hay không, mình muốn hướng đến một môi trường mà nhân viên có thể làm việc suôn sẻ và được đào tạo kỹ lưỡng hơn nữa.
Khung cảnh trong ngày diễn ra lễ hội “Thành phố Tsunagaru phiên bản nước Pháp”. Ảnh chụp tại cửa hàng bánh. Ảnh chụp tại góc Found MUJI trên tầng 4. “Nồi cà ri không gỉ” do Becky phát triển cũng được xếp ở phía sau.
Mong ước một xã hội nơi người nước ngoài có thể yên tâm xây dựng sự nghiệp
– Bạn mong muốn một xã hội Nhật Bản như thế nào trong tương lai?
Mình đã sống ở Nhật Bản 8 năm, nhưng vẫn cảm thấy rằng thông tin dành cho người nước ngoài còn khá khó hiểu.
Hồi trước, mình từng nộp hồ sơ xin tư cách “Vĩnh trú” nhưng không được thông qua vì không đủ giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên trang web về việc xin tư cách “Vĩnh trú”, mình hoàn toàn không hiểu đâu là những giấy tờ thiết yếu. Thông tin trên web thật khó hiểu. Hơn nữa, mình cũng không rõ phải hỏi ai để được giải đáp thắc mắc.
Mình cũng thường được nghe những câu chuyện tương tự về việc tìm nhà ở Nhật Bản trong hoàn cảnh không có ai để trao đổi. Nếu bạn mới đến Nhật và không quen ai thì sẽ rất khó khăn để nhờ một người Nhật đứng ra bảo lãnh cho một hợp đồng cho thuê nhà[5]. Nếu công ty có thể đứng ra ký hợp đồng cho thuê hoặc nhờ được cấp trên giúp đỡ thì quá tốt rồi, nhưng xung quanh mình vẫn có những người bạn gặp khó khăn về vấn đề nhà cửa.
Hiện nay, mình vẫn đang làm thủ tục xin tư cách “Vĩnh trú”. Mình tham khảo ý kiến của bộ phận nhân sự của công ty không chỉ về việc xin tư cách “Vĩnh trú” mà còn về các thủ tục và giấy tờ khác. Bộ phận Nhân sự đã giúp dỡ mình rất nhiều. Trong công ty, mình chính là trường hợp đầu tiên cần tư vấn về những vấn đề trên, vì vậy mình rất biết ơn bộ phận Nhân sự đã kiểm tra mọi thứ và giúp mình trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Một điều nữa mà mình muốn xã hội Nhật Bản nhận thức sâu sắc hơn là vấn đề công việc của người nước ngoài. Tuy người nước ngoài không cần được đối xử đặc biệt, nhưng đương nhiên sẽ có sự khác biệt trong suy nghĩ về con đường sự nghiệp ở Nhật và đất nước của họ[6]. Mình nghĩ điều quan trọng là cấp quản lý trong công ty cần trang bị kiến thức về sự đa dạng văn hóa.
Ngoài ra, mình cảm thấy phạm vi nghề nghiệp mà người nước ngoài có thể thực hiện ở Nhật Bản còn hạn chế. Từ khi đến Nhật, cơ hội về nghề nghiệp bị thu hẹp. Đặc trưng về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau tùy vào mỗi nước, ví dụ như ở Myanmar, mình có ấn tượng là rất nhiều người có thể tận dụng khả năng tiếng Anh để làm kỹ sư trong các công ty CNTT và các ngành sản xuất của Nhật Bản. Tất nhiên, đó mới chỉ là cái nhìn một chiều, nhưng mình mong muốn mọi người đều có thể thoải mái chọn những gì mà mình muốn làm, không bị ràng buộc trong phạm vi “những nghề thường làm ở Nhật Bản.”
Mình cũng cũng nhận ra “à, mình thấy hứng thú với cái này” nhờ việc tham gia phát triển sản phẩm khi làm công việc bán thời gian tại MGS. Sẽ rất hữu ích khi có một nơi để bạn được trải nghiệm thực tế, chẳng hạn như hội chợ việc làm.
– Becky có dự định gì về sự nghiệp sau này không?
Nhờ làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau, mình được mở mang tầm nhìn, kể cả việc làm việc tại các cửa hàng, vì vậy một ngày nào đó mình muốn chuyên môn hóa sự nghiệp của mình. Mình cũng rất mong muốn được tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm.
Thông qua Ryohin Keikaku, mình mong bản thân có thể cân bằng giữa những gì muốn làm và duy trì một cuộc sống ổn định.
– Cuối cùng, Becky có lời khuyên nào dành cho những người nước ngoài đang có ý định làm việc tại Nhật Bản không?
Cố gắng hết sức với tinh thần cởi mở. Tự tin là chính mình nhưng cũng nên coi trọng việc tiếp thu văn hóa Nhật Bản.
– Cảm ơn Becky rất nhiều vì đã dành thời gian cho chúng tôi ngày hôm nay!
Phần kết
Becky đã nói ra mong muốn của mình là xã hội Nhật Bản cần “cung cấp thông tin rõ ràng và dễ hiểu cho người nước ngoài” hay “tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực ở Nhật Bản”.
Đây cũng là vấn đề LIGHTBOAT muốn hướng tới với tư cách là một kênh truyền thông, hỗ trợ người nước ngoài muốn làm việc tại Nhật.
Việc bộ phận nhân sự của công ty và cấp trên cùng đồng hành với nhân viên nước ngoài để giải quyết các thủ tục và các vấn đề trong cuộc sống hẳn là nguồn hỗ trợ to lớn để Becky có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp của mình.
Mặt khác, như Becky đã nói, có rất nhiều thông tin về cuộc sống ở Nhật Bản mà người nước ngoài cảm thấy khó hiểu. Đặc biệt, những thủ tục hành chính mà ngay cả người Nhật còn cảm thấy khó khăn cũng là một trở ngại lớn đối với người nước ngoài.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, đã có 239 cuộc tham vấn liên quan đến thủ tục hành chính từ người nước ngoài trong năm 2019[7]. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm trước. Mặt khác, cũng không khó để hình dung về việc có trường hợp người nước ngoài không biết về sự tồn tại của bàn tư vấn ngay cả khi họ có điều thắc mắc. Chính vì thế, 239 trường hợp chỉ là phần nổi của tảng băng và số người gặp khó khăn trong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Ngay từ đầu, có thể có những trường hợp không nhận thức được mục đích và tầm quan trọng của các thủ tục.
Do rào cản ngôn ngữ và sự phức tạp của quy trình nộp hồ sơ, thủ tục hành chính đang trở thành một rào cản lớn đối với người nước ngoài. Và LIGHTBOAT cũng đang phát triển các dịch vụ cụ thể đáp ứng giải quyết vấn đề trên. (Dự kiến ra mắt vào mùa Thu/Đông năm 2022)
Trước đó, LIGHTBOAT cũng đang tiến hành xây dựng và phát hành tài liệu học e-Learning về các quy định liên quan đến tư cách lưu trú, luật cần lưu ý, những điểm cần lưu ý khi tuyển dụng, v.v.. Đây là giáo trình dành cho công ty tuyển dụng người nước ngoài.
Không chỉ các công ty mà các cá nhân cũng nên tham gia các tài liệu giảng dạy này và tiếp thu kiến thức về tình trạng cư trú và việc làm của người lao động nước ngoài.
Điều thứ hai mà Becky mong đợi từ xã hội Nhật Bản là “người nước ngoài sẽ có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực ở Nhật Bản”. Để hiện thực hóa được điều này, các công ty cần chú trọng tới việc để cho không chỉ những người phụ trách một số bộ phận liên quan mà cả những nhân viên, quản lý làm việc trực tiếp với người nước ngoài có thể tìm hiểu về tư duy nghề nghiệp của nguồn nhân lực nước ngoài và có kiến thức về sự đa dạng văn hóa.
Chúng tôi tin rằng việc thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người như Becky, những hiện thân của phương châm “tận hưởng công việc Nhật, cuộc sống Nhật”, có thể giúp những người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản suy nghĩ thêm về sự nghiệp của bản thân. Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản sẽ có thể gây dựng sự nghiệp bản thân cũng như làm việc tích cực với người Nhật. Và điều này sẽ dẫn đến việc hình thành một xã hội cộng sinh đầy mới lạ.
Trong tương lai, LIGHTBOAT có kế hoạch phát triển dịch vụ kết nối giữa người nước ngoài muốn làm việc tại Nhật Bản với các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ thông qua giáo dục, truyền thông, tư vấn việc làm, v.v.. để người nước ngoài có cơ hội thử thách sự nghiệp của bản thân và thể hiện hết khả năng của mình.
[1] Ryohin Keikaku Co., Ltd., bài viết “Ryohin Keikaku nhìn từ những con số”, công bố tháng 8/2021, https://ryohin-keikaku.jp/corporate/about.html (Xem ngày: 5/4/2022)
[2] Becky nhận được học bổng từ Quỹ học bổng giao lưu quốc tế Kyoritsu (Kyoritsu International Scholarship Foundation). Được thành lập vào năm 1995, quỹ cung cấp học bổng cho các du học sinh du học tự túc từ 24 quốc gia, bao gồm cả Myanmar.
[3] Ryohin Keikaku “Thông báo bán hàng “Cà phê hạt Myanmar”, xuất bản vào ngày 17 tháng 9 năm 2020, https://ryohin-keikaku.jp/news/2020_0917.html(Xem ngày:27/6/2022)
[4] Tầng 3 chủ yếu tập trung các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, tất/đồ lót, văn phòng phẩm/đồ dùng văn phòng, v.v..
MUJI Ginza, https://shop.muji.com/jp/ginza/ (Xem ngày: 8/6/2022)
[5] Hiện nay, cũng có các dịch vụ tư nhân đóng vai trò là người bảo lãnh. Một công ty bất động sản có thể chỉ định một công ty bảo lãnh chung cho người thuê nước ngoài. Hỗ trợ đa ngôn ngữ cũng được cung cấp vì dịch vụ dành riêng cho người nước ngoài.
[6] Ở Nhật Bản, kể từ sau thời kỳ phát triển “thần kì”, “tuyển dụng kiểu thành viên” đã trở thành xu hướng chủ đạo để bồi dưỡng những người có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ trong khi luân chuyển công việc. Mặt khác, ở nước ngoài, “tuyển dụng dựa trên công việc” là xu hướng chủ đạo, đó là tuyển dụng người phát huy chuyên môn với tư cách chuyên gia cho một công việc xác định. Trước hết, nội dung công việc của người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản được quy định bởi tư cách cư trú của họ và sự luân chuyển công việc vượt quá các loại nghề nghiệp có thể vi phạm Đạo luật Kiểm soát Nhập cư. Vì lý do này, người nước ngoài sống ở Nhật Bản thường được tuyển dụng theo hướng “tuyển dụng dựa trên công việc”. Nhiều công ty và nhà quản lý không nhận thức được điều này.
[7] Bộ Nội vụ và Truyền thông “Phản hồi tham vấn hành chính của Bộ Nội vụ và Truyền thông cho người nước ngoài (năm 2019)” được công bố vào ngày 16 tháng 10 năm 2020 , https://www.soumu.go.jp/menu_news/s-news/201016000144727.html (Xem ngày 8/6/2020)