“Việt Nam cũng có Tết, còn ở Nhật, mọi người thường làm gì vào ngày Tết nhỉ?”

“Mình sẽ đón năm mới ở Nhật, nên làm gì để tận hưởng những ngày đầu năm đây?”

Đối với người Nhật, Oshougatsu – tức Tết truyền thống, là sự kiện quan trọng và được mong chờ nhất trong năm. Đường phố được trang hoàng theo phong cách năm mới, các đền thờ đều tấp nập người đi lễ đầu năm, tạo nên “không khí ngày Tết” trên khắp xứ sở Phù Tang. Vì vậy, trong những ngày này, bạn có thể bắt gặp những khung cảnh “đậm chất Nhật Bản” nhất trong năm.

Bên cạnh đó, ở Nhật cũng có những phong tục tương tự như Trung Quốc và Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, chẳng hạn như về quê đoàn tụ cùng gia đình, họ hàng, hay trẻ nhỏ được nhận lì xì từ người lớn, v.v..

Trong bài viết này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu về nguồn gốc và cách trải nghiệm Tết truyền thống của người Nhật. Trong khi đọc, bạn hãy thử tìm những điểm tương đồng và khác biệt với Tết ở Việt Nam nhé!

1. Oshougatsu là khi nào?

Tết ở Nhật Bản được tính theo năm dương lịch, không phải năm âm lịch, vì vậy Oshougatsu diễn ra sớm hơn khoảng một tháng so với Tết Nguyên Đán theo lịch âm ở Trung Quốc và Việt Nam.

Tết ở Nhật Bản được tính từ ngày 1 tháng 1 của năm dương lịch (được gọi là Ganjitsu) đến ngày 7 tháng 1, khoảng thời gian này được gọi là Matsunouchi. Đồ trang trí năm mới được cất đi sau khi Matsunouchi kết thúc, vì vậy từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 7 tháng 1 được coi là những ngày đầu năm mới.

Bên cạnh đó, ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng 1 được gọi là Sanganichi, nhiều công ty tại Nhật sẽ nghỉ lễ đầu năm mới trong khoảng thời gian này. Hãy lưu ý vì những năm gần đây, ngày càng có nhiều siêu thị và nhà hàng đóng cửa trong dịp Sanganichi.

2. Lịch sử và nguồn gốc của Tết Nhật Bản

Oshogatsu là sự kiện lâu đời nhất ở Nhật Bản, tồn tại từ thế kỷ thứ 6 khi Phật giáo du nhập tới Nhật. Vị thần của năm mới là Toshigamisama, được coi là vị thần đem lại sự ấm no, thịnh vượng và mùa màng bội thu, đồng thời mang đến nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Cho đến khoảng năm 1945, đã tồn tại một phong tục mang tên “kazoedoshi”, có nghĩa là tất cả mọi người đều tăng thêm một tuổi đúng vào thời điểm bước sang năm mới. Vì lý do này, người Nhật cho rằng Oshougatsu – ngày mà mỗi người thêm một tuổi và các vị thần cũng ghé thăm họ, chính là sự kiện trọng đại nhất trong năm.

Năm 1873, lịch dương bắt đầu được sử dụng và Tết Nhật Bản cũng bắt đầu được diễn ra theo năm dương lịch. Mặc dù vậy, ở một số khu vực như Okinawa và quần đảo Nansei vẫn có phong tục đón năm mới theo lịch âm. Ngoài ra, các sự kiện trong dịp Tết Nguyên Đán cũng được tổ chức hàng năm tại các khu phố người Hoa ở Yokohama và Kobe.

3. Các món ăn truyền thống trong dịp Oshougatsu

Vào ngày đầu năm mới, người Nhật thường thưởng thức những món ăn để cầu may, được gọi là Shogatsu-ryori. Shogatsu-ryori bao gồm những món ăn dưới đây.

Ozoni

Ozoni ở Tokyo và vùng Kanto
Ozoni ở Kyoto

Ozoni là một món súp với mochi (giống bánh dày), rau và nhiều nguyên liệu khác, song mỗi vùng lại có những đặc điểm riêng, các nguyên liệu được thêm vào cũng đều có một số ý nghĩa nhất định.

Chẳng hạn, ở khu vực Tokyo, các nguyên liệu như thịt gà, nấm hương, rau xanh, v.v.. được thêm vào súp cùng với nước tương và rượu mirin, trong đó, thịt gà mang ý nghĩa “đón nhận hạnh phúc”.

Ở Kyoto, khoai môn, củ cải và bánh mochi tròn được thêm vào cùng miso trắng. Bánh mochi hình tròn mang ý nghĩa “gia đình hòa thuận, vạn vật đủ đầy”. Ngoài ra, một số vùng còn sử dụng bánh mochi nhân đậu đỏ, hay nêm nếm gia vị ngọt như zenzai (chè đậu đỏ).

Nhìn chung, có không ít sự khác biệt trong cách chế biến ozoni ở Nhật, đến nỗi đôi khi người ta biến nó trở thành một món ăn khác. Thậm chí, ngay cả người Nhật cũng phải ngạc nhiên và thốt lên rằng “Đây là ozoni ư?” khi nhìn thấy món ăn này từ các vùng khác. Khi nói chuyện cùng người Nhật, bạn hãy thử hào hứng nói chuyện về ozoni xem sao nhé!

Osechi

Osechi-ryouri được đựng trong chiếc hộp được gọi là “jubako” với ý nghĩa “hạnh phúc đong đầy”. Việc bài trí các món ăn theo từng tầng cũng sẽ có những quy tắc nhất định. Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về một số quy tắc tiêu biểu nhé.

Ichi no Ju”

Ichi no Ju

Tầng trên cùng được gọi là Ichi no ju, bao gồm các món đồ nhắm để chúc mừng (Iwaizakana) và đồ nhắm với rượu (Kuchitori).

Iwaizakana

Trứng cá trích (Kazunoko)

Trứng cá trích chế biến bằng nước dùng Dashi, được coi là biểu tượng cho mong ước “con đàn cháu đống”.

Đậu đen (Kuromame)

Đậu đen được nêm nếm vị ngọt, màu đen như cháy nắng của hạt đậu tượng trưng cho nguyện vọng sống và làm việc khoẻ mạnh trong năm tới.

Kuchitori

Chả cá hai màu (Kamaboko)

Chả cá hai màu được chế biến từ bột cá thân trắng, màu đỏ tượng trưng cho bùa hộ mệnh, màu trắng tượng trưng cho sự linh thiêng.

Hạt dẻ nghiền (Kurikinton)

Hạt dẻ nghiền là món ăn kết hợp giữa hạt dẻ luộc ngọt và bột khoai lang. Hạt dẻ tượng trưng cho sự sung túc, thể hiện mong muốn gia tăng vận may về tiền bạc.

Ni no Ju

Tầng thứ hai trong Osechi bao gồm các “món nướng” với phần lớn là hải sản mang lại may mắn từ biển cả, và “món chua” được ngâm giấm với thời hạn sử dụng lâu dài.

Món nướng

Tôm biển (Ebi)

Biểu trưng cho sự trường thọ.

Cá tráp đỏ (Tai)

Vì “Tai” trong từ “Omedetai” mang ý nghĩa “điềm lành”, món ăn này được coi là đem lại sự tốt lành.

Món chua

Dưa góp cà rốt củ cải (Kohaku Namasu)

Củ cải và cà rốt được trộn cùng nước dùng dashi và giấm. Ngoài sự kết hợp sắc đỏ và trắng với ý nghĩa chào đón năm mới, món ăn làm từ củ cải và cà rốt này còn thể hiện ước mong về cuộc sống bình an và ổn định.

San no Ju

Tầng thứ ba của Osechi bao gồm Nishime (món hầm), chủ yếu là các món ngon từ vùng núi.

Nishime

Thịt gà hầm (Chikuzenni)

Món ăn này bao gồm các nguyên liệu như thịt gà, cà rốt, khoai sọ, v.v.. được hầm cùng với nước tương. Tất cả các nguyên liệu được hầm trong một nồi tượng trưng cho mong ước gia đình hoà thuận, gắn bó.

4. Trang trí ngày Tết ở Nhật Bản

Những món đồ trang trí ngày Tết ở Nhật là dấu hiệu chào đón các vị thần của năm mới. Sau đây hãy cùng tìm hiểu về một số món đồ trang trí ngày Tết điển hình nhé.

Kadomatsu

Kadomatsu được đặt ở trước lối ra vào như một dấu hiệu để mời các vị thần năm mới đến nhà. Món đồ trang trí này được làm từ thông và tre, trong đó thôngbiểu tượng cho sức sống vì vẫn luôn xanh tươi ngay cả trong mùa đông giá rét, còn tre tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng bởi đặc tính sinh trưởng nhanh chóng.

Shimekazari

Shimekazari cũng rất hay được trang trí tại các đền thờ thần, mang ý nghĩa là nơi trú ngụ của thần linh. Quả quýt được gắn ở giữa là biểu tượng của mặt trời và sức sống. Shimekazari thường được đặt ở vị trí cao trước cửa ra vào hoặc cột nhà, là dấu hiệu của một nơi mà thần linh có thể yên tâm cư ngụ.

Kagamimochi

Kagamimochi là lễ vật dâng lên thần linh trong ngày đầu năm mới. Gạo – nguyên liệu chính của món bánh này, chứa đựng một sức mạnh linh thiêng, bên cạnh đó, bánh mochi được làm bằng cách nhào bột gạo nên được xem như là một món ăn vô cùng thiêng liêng.

Sau khi kết thúc thời gian năm mới, mọi người trong gia đình sẽ cùng ăn Kagamimochi để nhận được sức mạnh từ thần linh. Phong tục này được gọi là “Kagamibiraki”.

5. Đi lễ đầu năm ở Nhật

Nếu như ở nhà riêng, người Nhật chào đón thần Toshigami – vị thần của năm mới, thì khi đi lễ đền chùa ngày đầu năm, họ chào đón thần Ujigami – vị thần cai quản địa phương.

Khi đi lễ đầu năm, người Nhật bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần và cầu nguyện cho sự bình an cùng những mong ước trong năm tới. Ngoài ra còn có một số hoạt động khác như viết những điều ước lên miếng gỗ nhỏ (ema), đoán vận mệnh trong năm thông qua quẻ bói (omikuji) và mua lá bùa hộ mệnh (omamori).

Dưới đây là một số ngôi đền nổi tiếng rất hay được ghé thăm khi đi lễ đầu năm.

Đền Meji-Jingu ở Tokyo

Ngôi đền này nổi tiếng vì có số lượng người ghé thăm vào dịp lễ đầu năm lớn nhất ở Nhật. Nơi đây thờ Thiên hoàng Minh Trị (tức Thiên hoàng thứ 122) và Hoàng hậu Shoken (Hoàng hậu Shoken Taigo của Thiên Hoàng Minh Trị).

Đền Itsukushima ở Hiroshima

Ngôi đền này được biết đến với đặc trưng là cổng Torii nổi trên mặt biển. Cổng Torii hướng ra biển nên từ đây có thể chiêm ngưỡng bình minh đầu tiên trong năm mới.

Đền Dazaifu-Tenmangu ở Fukuoka

Ngôi đền này nổi tiếng vì thờ vị thần học vấn, thu hút rất nhiều người có dự định học lên hoặc đi làm ghé thăm.

<Column> Những từ tiếng Nhật liên quan đến Oshougatsu

Trong tiếng Nhật, có một số từ vựng đặc biệt chỉ được sử dụng vào dịp Tết. Nếu sống ở Nhật, chắn hẳn bạn đã từng nghe qua một vài lời chào hỏi cuối năm và đầu năm mới khác với chào hỏi ngày thường, hay những từ ngữ nghe khá lạ tai thường xuất hiện trên đường phố hay các đoạn quảng cáo trên tivi.

Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu một số từ vựng tiêu biểu liên quan đến ngày Tết, đồng thời cố gắng ghi nhớ để vận dụng vào hội thoại hàng ngày nhé!

<Câu chào hỏi>

・ 「よいお年を」 (Yoi otoshi wo)

Đây là câu chào hỏi cuối năm, được sử dụng khi gặp đối phương vào những ngày cuối cùng trong năm. Với ý nghĩa “Chúc một năm mới tốt lành”, bạn có thể sử dụng cách nói đầy đủ là “よいお年をお迎えください” (Yoi otoshi wo omukae kudasai) khi giao tiếp với người có vai vế cao hơn mình.

・ 「あけましておめでとうございます」 (Akemashite Omedeto Gozaimasu)

Đây là câu chào hỏi được sử dụng vào dịp đầu năm mới, là cách nói chúc mừng năm mới đã đến một cách bình an.

<Từ vựng dùng trong thiệp năm mới và đồ trang trí Tết>

・謹賀新年(きんがしんねん) (Kinga-Shinnen)

Đây là lời chúc chủ yếu được sử dụng trong các tấm thiệp năm mới, có nghĩa là “謹んで新年をお祝いいたします (Tsutsunde shinnen wo oiwai itashimasu)” – tạm dịch: “Kính chúc một năm mới tốt lành”. Vì là kính ngữ nên cụm từ này thường được dùng với người có vai vế trên mình.

・賀正(がしょう) (Gashou)

Cụm từ này có nghĩa là “正月を祝います(Shougatsu wo iwaimasu) “ – Tạm dịch: “Chúc mừng năm mới” và được sử dụng với bạn bè, đàn em và cấp dưới.

・迎春(げいしゅん) (Geishun)

Cụm từ này có nghĩa là “新年を迎えましたね(Shinnen wo mukaemashita ne)” – Tạm dịch: “Chào mừng năm mới” và cũng được sử dụng với bạn bè và đàn em.

・寿(ことぶき)(Kotobuki)

Cụm từ này thường xuất hiện trong các đồ vật trang trí Tết, với ý nghĩa là “おめでたいですね(Omedetai desune)” – Tạm dịch: “Chúc mừng!”.

6. Người nước ngoài chào đón năm mới ở Nhật

Khi đón năm mới ở Nhật, có thể bạn sẽ nghĩ rằng “Không về quê nghĩa là cũng chẳng có gì làm dịp năm mới”. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, chắn hẳn bạn cũng muốn tận hưởng ngày lễ Tết “đậm chất Nhật” phải không nào! Dưới đây, LIGHTBOAT sẽ gợi ý một số cách tận hưởng ngày Tết Nhật Bản dành cho người nước ngoài.

Trang trí đồ Tết

Nếu trang trí đồ Tết trong không gian nhỏ ở lối vào hoặc trong phòng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ hơn không khí ngày Tết và háo hức đón chào năm mới!

Các cửa hàng 100 yên và cửa hàng tạp hóa đều có bán Kadomatsu và Kagamimochi cỡ nhỏ, nhưng mặt hàng được khuyên dùng nhất là Etokazari. Etokazari là đồ trang trí mô phỏng các con giáp, nhiều loại chỉ có kích thước bằng lòng bàn tay, vì vậy bạn vẫn có thể trang trí chúng trong nhà mà không tốn quá nhiều diện tích.

Etokazari

Etokazari khác với các loại đồ trang trí Tết khác ở chỗ chúng có thể được trưng bày trong phòng quanh năm. Etokazari dành cho năm mới luôn được xếp trong các cửa hàng tạp hóa từ cuối năm cho đến đầu năm mới hàng năm.

Nếu dạo quanh các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng trực tuyến, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy rất nhiều Etokazari, từ truyền thống đến hiện đại. Hãy thử tìm kiếm Etokazari mà mình yêu thích nhé!

Đi mua sắm đầu năm và sở hữu “túi may mắn (fuku-bukuro)”

Hatsu-uri là đợt bán hàng đầu tiên tại một cửa hàng vào năm mới. Trong đợt bán hàng đầu năm mới này, bên cạnh việc giảm giá các sản phẩm, điều đặc biệt hơn cả đó là bạn có thể mua “túi may mắn” (fuku-bukuro) với giá ưu đãi.

Những chiếc túi may mắn chứa đựng những món đồ giá trị mà bạn không biết bên trong có gì. Về cơ bản, bên trong có các sản phẩm đắt hơn giá niêm yết mà bạn đã mua. Ví dụ, một chiếc túi may mắn được mua với giá 10.000 yên có thể bao gồm trang phục trị giá lên đến 30.000 yên. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể để bạn dễ hình dung.

<Ví dụ về chiếc túi may mắn>

  • Cửa hàng cà phê
    Túi vải, bình nước/bình giữ nhiệt, cà phê, phiếu đồ uống, v.v..
    (Túi may mắn trị giá khoảng 8.000 yên)
  • Cửa hàng thời trang
    Áo khoác ngoài, áo ngắn, quần, đầm
    (Túi may mắn trị giá khoảng 10.000 yên)

Gần đây, số lượng túi may mắn chỉ có thể mua trực tuyến đã tăng lên và những loại fuku-bukuro được yêu thích có thể đã hết hàng từ cuối tháng 12. Nếu có thứ gì đó bạn muốn mua hoặc một chiếc túi may mắn mà bạn đang tìm kiếm, hãy tìm hiểu sớm nhé!

Đặt mục tiêu cho năm mới

Người Nhật có thói quen thiết lập các mục tiêu trong năm vào ngày đầu năm mới. Bạn hãy thử đặt một mục tiêu cho năm mới, chẳng hạn như vượt qua một kỳ thi, tập thể dục mỗi tuần một lần hoặc cải thiện khả năng nấu ăn, v.v..

Thay vì chỉ nghĩ về những mục tiêu đó trong đầu, việc viết ra và dán trong phòng sẽ giúp bạn luôn ghi nhớ những mục tiêu năm mới dù đã trải qua một thời gian. Việc viết các mục tiêu ra một cuốn sổ cũng là một cách hay.

Đi lễ đầu năm

Nếu đón năm mới ở Nhật, bạn hãy thử trải nghiệm đi lễ đầu năm. Bạn có thể ghé thăm ngôi đền gần nhà, hoặc đi xa hơn một chút để đến những ngôi đền nổi tiếng.

Không quan trọng việc đến một ngôi đền gần nhà hay một ngôi đền nổi tiếng, chỉ là nếu lựa chọn đi một ngôi đền nổi tiếng, bạn cần chú ý rằng ba ngày đầu năm sẽ rất đông người. Nếu ngại đông, bạn nên đi muộn hơn một chút, chậm nhất là đến khoảng giữa tháng 1.

Ở Nhật có một số nghi thức khi đến thăm đền thờ, không chỉ giới hạn ở việc đi lễ đầu năm. Dù bạn không thể thực hiện một cách hoàn hảo, song nếu nắm rõ quy trình, bạn có thể hoàn thành chuyến viếng thăm đền của mình một cách suôn sẻ. Để hiểu chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo video dưới đây.

[Nghi thức khi viếng thăm đền thờ] Cách rửa tay

[Nghi thức khi viếng thăm đền thờ] Cách thờ cúng

<Column> Đừng quên điều này! Tổng vệ sinh và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ đầu năm mới

Để đón Tết về, việc chuẩn bị trước thềm năm mới là rất quan trọng! Dưới đây là một số thói quen mà người Nhật thường làm để chào đón năm mới một cách vui vẻ.

  • Osouji (Tổng vệ sinh)

Trong thời kỳ Edo, vào ngày 13 tháng 12 hàng năm, lễ Susuharai được tổ chức tại thành Edo và các thị trấn xung quanh. Susuharai là một trong những công việc chuẩn bị chào đón vị thần năm mới Toshigami, và ngày nay được gọi là Osouji

Thói quen này vẫn tồn tại đến ngày nay, và người Nhật thường hoàn thành việc vệ sinh toàn bộ ngôi nhà vào cuối năm.

Khi tổng dọn dẹp căn nhà, hãy cẩn thận lau chùi những khu vực không mấy khi động đến như cửa sổ, bếp và quạt thông gió trong bếp, lau hộp đựng giày và hệ thống thông gió. Dù hơi vất vả một chút nhưng việc dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trước năm mới sẽ giúp bạn đón Tết một cách thoải mái hơn.

  • Ăn Toshikoshi-soba và ngắm bình minh đầu tiên trong năm

Vào đêm giao thừa, tức ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn món Toshikoshi-soba.

Có nhiều cách giải thích khác nhau cho lý do ăn mì soba, một trong số đó là vì sợi mì soba mỏng và dài, tượng trưng cho “sự trường thọ”, bên cạnh đó, vì soba cũng dễ cắt nên mang ý nghĩa “cắt bỏ xui xẻo“, và thường được mọi người ưa chuộng vì rất dễ ăn.

Ngoài ra, nhiều người đi ngắm bình minh đầu tiên của năm mới, vì truyền thuyết kể rằng “Vị thần năm mới sẽ đến cùng với bình minh”. Vì bình minh đầu tiên trong năm là một vị thần, nên việc ngắm bình minh vào thời điểm này được diễn tả trong tiếng Nhật bằng khiêm nhường ngữ “拝む (ogamu) – chiêm ngưỡng” thay vì động từ thường “見る(miru)” (nghĩa là “nhìn/ngắm”).

Sau khi kết thúc việc tổng dọn dẹp, hãy ăn Toshikoshi-soba và chiêm ngưỡng ánh bình minh đầu tiên của năm… Bạn còn chần chừ gì mà không thử trải nghiệm phong cách đón ngày lễ cuối năm và đầu năm mới mang đậm phong vị Nhật Bản nhỉ?

7. Phần kết

Oshougatsu – Tết Nhật Bản tính từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 7 tháng 1 dương lịch. Đây được coi là sự kiện lâu đời nhất ở Nhật Bản, đồng thời là dịp lễ đáng mong chờ trong năm để chào đón vị thần của năm mới Toshigami. Bên cạnh đó, Tết Nhật Bản cũng có những nét văn hóa tương đồng với Tết Nguyên Đán của Trung Quốc và Việt Nam.

Trong dịp đầu năm mới, người Nhật thường ăn những món ăn ngày Tếttrang trí cho năm mới. Đồ ăn và đồ trang trí ngày Tết chứa đựng những ý nghĩa tốt lành. Ngoài ra, người Nhật có phong tục đi lễ đầu năm để cầu khấn thần linh và mong muốn một năm an lành, hạnh phúc.

Nếu có cơ hội đón năm mới ở Nhật Bản, bạn hãy thử trải nghiệm phong cách đón Tết “kiểu Nhật” bằng cách trang trí Tết, mua túi may mắnđi lễ đầu năm mới nhé! LIGHTBOAT tin rằng, bạn sẽ cảm nhận được sự tương đồng trong văn hoá đón Tết của Nhật Bản và Việt Nam, cùng với đó là những nét hấp dẫn chỉ có ở Nhật mà bạn chưa từng thấy trước đây.

Nguồn tham khảo:

JOHO, “Ở nước ngoài có tiền mừng tuổi không?”, ngày 20 tháng 1 năm 2022, https://www.joho-translation.com/news/7470/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Đền Kyoto Jishu, “Ngày đầu năm mới trên khắp thế giới”, https://www.jishujinja.or.jp/shougatsu/world/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Mixtend, “Tết đến bao lâu?”, “With Chousei-san”, https://chahouseisan.com/l/post-101238/ (Ngày xem: 13/12/2022)

Hướng dẫn viên địa phương, “Cùng tìm hiểu lịch sử ngày Tết và nguồn gốc các món ăn ngày Tết! Vui năm mới cùng thời đại ~”, “Kufu Live! ”, 22 tháng 3 năm 2021, https://live.kufu.co.jp/posts/3591 (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Naoki Shintani, “Thấu hiểu trái tim người Nhật trong dịp năm mới,” Kokugakuin University Media, ngày 20 tháng 12 năm 2018, https://www.kokugakuin.ac.jp/article/99178 (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

LIFULL, “Cùng tìm hiểu Tết Nguyên đán ~ Tết Nguyên đán Nhật Bản và Thế giới ~”, “BÁO CÁO CỦA LIFULL HOME”, ngày 06 tháng 2 năm 2016, https://www.homes.co.jp/cont/press/buy/buy_00456/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Shogakukan, “Tết Nguyên đán là gì? Giới thiệu lý do tại sao nó không quen thuộc ở Nhật Bản và các quốc gia tổ chức ngày lễ này”, “Domani”, ngày 31 tháng 1 năm 2021, https://domani.shogakukan.co.jp/433597 ( Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Recruit, Tuyển chọn 27 “Ozoni địa phương” từ khắp Nhật Bản. Cảm nhận hương vị qua số liệu!”, “Tin tức Jalan”, ngày 28 tháng 12 năm 2019, https://www.jalan.net/news/article/126818/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Tokyo Gas, “Ý nghĩa và nguồn gốc của Osechi Ryori – Giới thiệu các quy tắc và công thức đựng Osechi!”), “Uchikoto”, https://tg-uchi.jp/topics/3424(Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Suzuhiro Group, “Ẩm thực Osechi tiêu chuẩn – 21 loại. Giải thích ý nghĩa của các món và cách sắp xếp trong Jubako,” Living with Kamaboko, ngày 21 tháng 12 năm 2022, https://www.kamaboko.com/column/43633/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Shirogohan.com, https://www.sirogohan.com/ (Ngày xem: 16 tháng 12 năm 2022)

Recruit, “Trang trí ngày Tết từ khi nào và đến bao giờ? Ý nghĩa, cách trang trí, chủng loại và cách thu dọn”, Jalan News, 28/10/2020, https://www.jalan.net/news/article/502819/ (Ngày xem: ngày 13 tháng 12 năm 2022)

Khám phá Nhật Bản, “Ý nghĩa của việc trang trí ngày Tết là gì? Những điều cơ bản của ngày Tết”, “Khám phá Nhật Bản”, ngày 28 tháng 12 năm 2020, https://discoverjapan-web.com/article/44757 (Ngày xem: 23 tháng 12 năm 2022)

Cho thuê kimono VASARA, “【Asakusa】Giới thiệu về nguồn gốc của Hatsumode | Chuyên mục Kimono Encyclopedia”, https://vasara-h.co.jp/tips/detail.html?id=231 (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Mynavi, “Không thể dung câu ‘Chúc mừng năm mới’ cho người lớn tuổi sao? Giới thiệu ý nghĩa và các câu ví dụ”, Mynavi News, ngày 2 tháng 12 năm 2022, https://news.mynavi.jp/article /20201225-1605181/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Yasuko Miura, “‘Chúc mừng năm mới’ và ‘Chào xuân’ là gì? Các loại thiệp mừng năm mới và ý nghĩa, Những điều kiêng kị trong thiệp mừng năm mới”, “All About Living”, 30/11/2022, https://allabout.co.jp/gm/gc/220632/ (Ngày xem: tháng 12 năm 2022 ngày 13 của tháng)

In đồ họa đặt hàng qua thư, “Ngạc nhiên chưa!?” Chúc mừng năm mới,” “Chúc Tân xuân,” “Chúc mừng”… Các từ được sử dụng trong thiệp chúc mừng năm mới có ý nghĩa khác nhau!”, ngày 1 tháng 11 năm 2022, https://www.graphic.jp/new_years_card/columns/new_years_terms_usage (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Ujitawara Tea House, “Bây giờ tôi không thể hỏi bạn về trang trí năm mới. Ý nghĩa, địa điểm và thời hạn trang trí là gì?”, “Phiên bản WEB ‘Cha no Ma’ hàng tháng”, ngày 16 tháng 12 năm 2020, http://5106.jp/lifestyle/5358/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Starbucks Coffee Japan, “Starbucks Lucky Bag 2023”, https://www.starbucks.co.jp/youkou/luckybag/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

ZOZO, “Phong bao lì xì 2023”, “ZOZOTOWN”, https://zozo.jp/fukubukuro/ (Ngày xem: 13/12/2022)

Cho thuê kimono VASARA , “Du khách đến thăm năm mới số một ở Nhật Bản!! Sự quyến rũ của <Meiji Jingu>”,

https://vasara-h.co.jp/tips/detail.html?id=228 (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Meiji Jingu, “Meiji Jingu là gì?”, https://www.meijijingu.or.jp/about/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Setonaikai Kisen, “Bình minh đầu tiên của năm mới – Di sản văn hóa thế giới Miyajima “Đền Itsukushima” – Du thuyền hatsumode”, “Dịch vụ du lịch Setonaikai Kisen”, http://setonaikaikisen.co.jp/travel/package/6223/ (Ngày xem: 2022 Ngày 13 tháng 12 năm 2013)

Đền Dazaifu Tenmangu, https://www.dazaifutenmangu.or.jp/ (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Trụ sở chính của đền thờ “Susuharai”, https://www.jinjahoncho.or.jp/omatsuri/katei/susuharai (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)

Shogakukan, “Kiệu người lên! Năng ly! Lén lút đi tăng 2! Vui quá, Văn hóa Osouji thời Edo [Tháng 12]”, Waraku web, ngày 5 tháng 12 năm 2021, https://intojapanwaraku.com/culture/ 54037/ (Ngày xem: 27/12/2022)

Yasuko Miura, “Ý nghĩa và nguồn gốc của toshikoshi soba, tại sao lại ăn vào đêm giao thừa? Ăn vào thời điểm nào?”, “All About Life”, ngày 30 tháng 11 năm 2022, https://allabout.co.jp/gm/gc /490278/ (Ngày xem: 13/12/2022)

Kibun Foods, “Sự kiện ngày đầu năm mới | Nguồn gốc “Năm mới” | Năm mới của Kibun”, https://www.kibun.co.jp/knowledge/shogatsu/iware/gantan.html (Ngày xem: 13 tháng 12 năm 2022)