“Obon” là một phong tục truyền thống lâu đời của người Nhật. Nhiều trường học hay công ty cho nghỉ dịp lễ Obon và mọi người sẽ tranh thủ về thăm quê, đi tảo mộ, những người sống xa quê sẽ trở về đoàn tụ bên gia đình.

Đối với người Nhật, Obon vừa là khoảng thời gian bận rộn như chuẩn bị về thăm quê, đi viếng mộ, v.v., nhưng cũng vừa là cơ hội tuyệt vời để những người con xa quê lâu ngày có thể đoàn tụ với gia đình, người thân, bè bạn.

Trong bài viết này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu với các bạn về ngày lễ Obon như: “Obon nghĩa là gì?”, nguồn gốc của ngày lễ này, cách người Nhật đón Obon, cũng như những sự kiện mà ngay cả người nước ngoài cũng có thể tham gia trong dịp lễ Obon v.v.

1. Obon là gì? Ý nghĩa của từ “Obon”

Tên chính thức của Obon là Urabone hoặc Urabon. Tên gọi này là một từ trong Phật giáo, từ gốc là “Urabanna”, có nghĩa là “treo ngược” (theo tiếng Phạn).

Còn trong tiếng Nhật, “Obon” có nghĩa là “cái khay”. Cũng có giả thuyết cho rằng chính những chiếc khay, nơi đặt đồ cúng cho các linh hồn, đã trở thành cách gọi tên các linh hồn đó, và việc nhầm lẫn với “Urabon” dẫn đến sự kiện này được gọi là “Obon”.

2. Nguồn gốc của lễ Obon

Có một câu chuyện như thế này trong kinh “Urabon” và được coi là nguồn gốc của Lễ hội Urabon.

Mokuren, một đồ đệ của Đức Phật, nhờ vào phép thần thông đã biết được mẹ quá cố của mình đang phải chịu đau khổ vì bị treo ngược dưới địa ngục.

Mokuren vì cảm thấy thương xót cho mẹ của mình nên đã tìm đến Phật Tổ, và được Đức Phật chỉ dạy rằng “Vào ngày 15 tháng 7, hãy mời các nhà sư đến và chuẩn bị thật nhiều đỗ cúng để dâng lên các chư tăng“. Mokuren đã làm theo chỉ dẫn đó và linh hồn mẹ ông đã có thể trở về miền cực lạc.

Ở Nhật Bản, từ xa xưa đã có phong tục tổ chức lễ cúng tổ tiên vào mùa hè. Người ta cho rằng lễ Obon, lễ thờ cúng tổ tiên vào ngày 15 tháng 7 (âm lịch) ra đời nhờ việc kinh Urabon được truyền bá rãi đến Nhật Bản.

3. Những điều người Nhật cũng không biết về lễ Obon

Lễ Obon ở Nhật Bản có những khác biệt nhỏ tùy thuộc vào địa phương hay phong tục của mỗi nơi, thậm chí người Nhật thường không biết nhiều về phong tục ở nơi khác ngoài phong tục của chính gia đình mình. Ví dụ, có sự khác biệt theo loại và địa phương như sau:

Hatsubon (Lễ Obon đầu tiên)

Hatsubon là lễ Obon đầu tiên được tổ chức sau đám giỗ 49 ngày kể từ khi người quá cố qua đời.

Đây được coi là lần đầu tiên linh hồn của người đã khuất trở về nhà sau khi từ giã cõi đời, vì vậy lễ Obon này được tiến hành trang trọng, lịch sự hơn lễ Obon thông thường. Tùy vào từng địa phương mà cách gọi cũng khác nhau như “Hatsubon”, “Uibon”, hay cũng có những nơi gọi là “Shinbon” hay “Arabon”.

Kyubon (Lễ Obon cũ)

Kyubon chỉ lễ Obon được tổ chức vào tháng Tám.

Ở Nhật bản, lịch dương được áp dụng từ thời Minh Trị, nhưng vì lễ Obon nếu tính theo dương lịch sẽ vào khoảng giữa tháng 7, trùng với vụ mùa bận rộn, nên nó được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, cũng khá gần với tháng 7 âm lịch.

Hiện nay, Lễ Obon phổ biến nhất chính là Kyubon được tổ chức vào tháng 8.

Shinbon (Lễ Obon mới)

Shinbon cũng được dùng với nghĩa tương tự như Hatsubon, nhưng còn có nghĩa là “Lễ Obon dương lịch”.

Lễ Obon tổ chức vào tháng 7 dương lịch được gọi là “Shinbon” và được áp dụng ở một số vùng.

4. Thời gian tổ chức lễ Obon và khác biệt của từng địa phương

Thời gian tổ chức lễ Obon khác biệt theo từng vùng, cụ thể như sau:

Khu vực tổ chức Shinbon (13-16/7)

Khu vực Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, khu phố cổ của thành phố Kanazawa – tỉnh Ishikawa và một số địa phương thuộc tỉnh Kumamoto

Khu vực tổ chức Kyubon (13-16/8)

Gần như toàn quốc

Khu vực tổ chức theo lịch âm từ 13 đến 16/7

Tỉnh Okinawa, vùng Amami – tỉnh Kagoshima

※Hiện nay, các khu vực này vẫn tổ chức lễ Obon theo lịch âm và ngày tổ chức thay đổi hàng năm.

Column Ngày lễ ở nước ngoài giống lễ Obon

Trong thời gian lễ Obon được tổ chức tại Nhật Bản, ở nước ngoài cũng có những nơi tổ chức các sự kiện tương tự. Cùng LIGHTBOAT tìm hiểu một số sự kiện nhé!

・Tiết Trung nguyên

Đây là ngày lễ của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, ngày được cho là có nhiều vong linh quay về nhất, người ta làm lễ cúng để an ủi những vong linh này.

・Lễ Vu Lan

Đây là ngày lễ của Việt Nam. Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, người Việt sẽ tiến hành lễ cúng để báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên, dựa theo truyền thuyết của Kinh Urabon.

・Lễ Chuseok

Đây là ngày lễ của Hàn Quốc. Ngày 15 tháng 8 âm lịch, đồng thời trước và sau đó 1 ngày là ngày nghỉ lễ, người dân Hàn tiến hành viếng mộ tổ tiên và tạ ơn mùa màng bội thu.

Mặc dù có sự khác nhau về đối tượng và mục đích làm lễ như “an ủi vong linh”, “thờ cúng tổ tiên” hay “tạ ơn mùa màng”, nhưng thật thú vị khi những ngày lễ tương tự nhau được tiến hành trong cùng một thời gian phải không nào?

5. Cùng trải nghiệm lễ Obon ở Nhật

Trên thực tế, lễ Obon diễn ra như thế nào? Cùng LIGHTBOAT tìm hiểu các hoạt động phổ biến nhé!

Ngày mùng 1

Ngày đầu tiên của tháng Obon được gọi là “Kamabutatsuitachi”. Kamabutatsuitachi được cho là ngày mở nắp địa ngục.

Từ ngày này trở đi được coi là lễ Obon, mọi người dọn dẹp phần mộ, viếng mộ, lau chùi bàn thờ Phật và chuẩn bị đèn lồng Obon v.v.

Ngày mùng 7

Ngày này tiếng Nhật gọi là “Tanabata” (ngày Thất tịch).

Trải một tấm khăn trên bàn, chuẩn bị “shoryo-uma” (ngựa linh hồn) được làm từ cà tím hoặc dưa chuột, lập bàn thờ vong linh (tiếng Nhật gọi là “shoryodana”), để làm lễ đón gia tiên về nhà.

Làm gì vào ngày Thất Tịch 7/7? Cùng tìm hiểu 3 lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản!

Nội dung chính1. Ngày Thất Tịch 7/7 (Tanabata) là ngày lễ gì?2. Trang trí trong ngày Lễ Thất Tịch3. Ba lễ hội Tanabata

Ngày 13

Ngày 13 được coi là chính thức bước vào dịp lễ Obon. Vào buổi chiều tối, người ta sẽ tiến hành nghi thức đốt lửa “Mukaebi” để chào đón tổ tiên về nhà.

Người ta tin rằng việc đốt lửa là sẽ giúp linh hồn những người đã khuất không bị lạc đường và quay về nhà một cách an toàn.

Ngày 14 và 15

Hai ngày này không thể để thiếu lễ vật và đồ cúng, vì mọi người cho rằng ông bà tổ tiên sẽ trú lại trên ban thờ.

Ngày 16

Mọi người tin rằng tổ tiên sẽ ở lại nhà đến trưa nên buổi sáng là lúc tiến hành cúng viếng.

Đến chiều tối, mọi người sẽ thu dọn và đốt lửa “Okuribi” để đưa tiễn tổ tiên.

 

6. Những sự kiện diễn ra trong dịp Obon

Nhắc đến tụ họp gia đình hay tưởng nhớ gia tiên, có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh lễ Obon bình yên bên người thân của mình.

Tuy nhiên, khách du lịch và người nước ngoài có thể tham gia một vài sự kiện được tổ chức trong dịp Obon. Có những địa điểm du lịch đặc trưng và nổi tiếng ở Nhật, hãy thử tìm hiểu và ghé thăm trong dịp lễ Obon này nhé!

Gozan no Okuribi, Kyoto

Ngọn lửa soi đường tiễn đưa các linh hồn của Obon được thắp trên 5 ngọn núi ở Kyoto. Người ta nói rằng nếu bạn viết tên của mình lên Gomagi (thanh gỗ nhỏ) đốt cháy bằng lửa đưa tiễn, nó sẽ giúp bạn giải hạn.

Nghi thức thả đèn lồng

Những chiếc đèn lồng được thắp sáng và thả trôi xuống biển hoặc sông, sự kiện này được tổ chức như một phần của “Okuribi” trong lễ Obon.

Có nhiều nơi tiến hành nghi thức này ở Nhật, một số địa điểm nổi tiếng như thả đèn lồng lớn ở chùa Eihei – tỉnh Fukui, thả đèn ở Miyazu – Kyoto hoặc ở hồ Kawaguchiko – tỉnh Yamanashi, v.v.

Mặc dù đây vốn là sự kiện để đưa tiễn tổ tiên, nhưng ở một số nơi, khách du lịch cũng có thể tham gia và viết những lời cầu nguyện, lời nhắn của mình lên đèn lồng và thả đi.

Bon-Odori (Điệu nhảy Obon)

Ban đầu, đây là một sự kiện để tưởng nhớ tổ tiên, nhưng trong những năm gần đây, có những nơi sự kiện này tập trung hoàn toàn vào điệu nhảy Obon truyền thốngthúc đẩy gắn kết cộng đồng, vì vậy bạn có thể dễ dàng tham gia.

Awa Odori ở Tokushima, Gujo Odori ở Gifu và Nishimonai Bon-Odori ở Akita được cho là ba sự kiện nhảy Obon lớn nhất Nhật Bản.

<Column> Hãy thử tham gia Bon-Odori!

Có hai cách để thưởng thức Bon-Odori là “đứng xem cổ hoặc “trực tiếp tham gia”.

Tùy vào từng địa phương, có những điệu nhảy Obon chỉ có một số người nhất định nhảy, những người khác sẽ đứng xem và cổ vũ, nhưng về cơ bản, bất kỳ ai cũng có thể tham gia ở những lễ hội Obon-odori. Chỉ cần bắt chước những người xung quanh và nhảy, bạn sẽ làm được.

Các bài hát thường được kết hợp với điệu nhảy Obon được dùng rộng rãi trên cả nước bao gồm “Tokyo Ondo”, “Tankobushi”, “Soran Bushi” v.v. Nếu bạn nung nấu ý định, “Mình muốn thử nhảy Bon-Odori!”, nhất định hãy nghe qua các bài hát trên 1 lần nhé!

Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy phấn khích hơn nếu mặc yukata và nhảy Bon-Odori đấy! Có nhiều gian hàng xung quanh nữa, vì vậy hãy tận hưởng nó trong dịp lễ hội này xem sao!

7. Phần kết

Tên chính thức của lễ Obon là “Urabone”, bắt nguồn từ một câu chuyện trong kinh Urabon.

Trong kinh Urabon có một phần kể rằng: vào ngày 15 tháng 7 người ta tưởng nhớ linh hồn của người đã khuất bằng cách đặt đồ cúng lên khay Obon. Có thuyết cho rằng lễ Obon ngày nay ra đời dựa trên chính kinh Urabon và phong tục truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Nhật.

Có những sự kiện khác nhau trong dịp Obon, như Hatsubon – nghênh đón linh hồn người quá cố lần đầu tiên trở về sau khi từ giã cõi trần, Kyubon được tổ chức vào tháng 8, và Shinbon được tổ chức vào tháng 7. Thông thường khi nhắc đến Obon, người ta sẽ nghĩ ngay đến Lễ Obon được tổ chức vào tháng 8 nhưng trên thực tế có những địa phương coi Obon chính thức là vào tháng 7.

Trong thời gian diễn ra lễ Obon, người dân chuẩn bị đồ cúng, đốt lửa “Mukaebi” để đón tổ tiên trở về và đốt lửa “Okuribi” vào buổi tối ngày cuối cùng của lễ Obon, để đưa tiễn tổ tiên.

Trong lễ Obon, có những sự kiện mà người nước ngoài có thể tham gia, chẳng hạn như Gozan no Okuribi (Kyoto), thả đèn lồng hay Bon-Odori. Đặc biệt, Bon-Odori là một sự kiện vui nhộn giống như lễ hội, bất kỳ ai cũng có thể tham gia.

Lễ Obon là một sự kiện thờ cúng linh hồn người đã khuất, nhưng cũng là cơ hội để người nước ngoài trải nghiệm tinh thần trân trọng gia đình và tổ tiên của người Nhật, cảm nhận cảnh đẹp và những sự kiện đậm chất mùa hè ở Nhật. Nhất định hãy tự mình thử cảm nhận lễ Obon của Nhật Bản một lần nhé.