“Đủ 20 tuổi mới được phép uống rượu bia!” (Osake ha hatachi ni natte kara)

Ở Nhật, bạn sẽ thường thấy cụm từ này xuất hiện trong các đoạn quảng cáo trên tivi hay trên biển hiệu quảng cáo. Nếu chưa rành tiếng Nhật, có thể bạn sẽ thắc mắc “Hatachi” nghĩa là gì?

Hatachi” là cách nói 20 tuổi trong tiếng Nhật. Luật pháp Nhật Bản quy định người từ đủ 20 tuổi trở lên mới được phép uống rượu bia, do đó, “Hatachi” được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi từ trẻ con thành người lớn.

“Lễ Thành Nhân (Seijinshiki)” tại Nhật Bản là dịp trọng đại để chúc mừng những người đã đủ 20 tuổi. “Thành nhân” có nghĩa là “người trưởng thành”. Những bạn trẻ vừa bước sang tuổi 20 sẽ chào đón sự trưởng thành của mình trong buổi lễ Thành Nhân với trang phục Kimono truyền thống hay âu phục.

Trong bài viết này, hãy cùng LIGHTBOAT tìm hiểu kỹ hơn về “Lễ Thành Nhân” tại Nhật Bản nhé!

1. Lễ Thành Nhân ở Nhật – Dịp lễ mừng những người trưởng thành

Tại đất nước mặt trời mọc, lễ Thành Nhân là một sự kiện thường niên để chúc mừng những người đã trưởng thành. Lễ Thành Nhân được tổ chức tại các địa phương vào “Ngày Thành Nhân” (Seijin no hi), tức thứ Hai của tuần thứ hai tháng 1 hàng năm.

Đối tượng tham gia Lễ Thành Nhân là thanh niên 20 tuổi, thường là những người có ngày sinh nhật từ ngày 2/4 của năm trước lễ Thành Nhân đến ngày 1/4 của năm tổ chức lễ Thành Nhân. Ví dụ, các bạn sinh từ ngày 2/4/2002 đến ngày 1/4/2003 có thể tham gia lễ Thành Nhân năm 2023.

2. Quy định về “tuổi thành niên” ở Nhật, 18 hay 20?

Trước đây, độ tuổi được xem là thành niên ở Nhật là 20 tuổi. Tuy nhiên, pháp luật đã có sự thay đổi, từ tháng 4/2022, độ tuổi thành niêm giảm xuống 18 tuổi.

Theo đó, cũng đã phát sinh những băn khoăn về độ tuổi tham gia lễ Thành Nhân. Vào năm 2022, phần lớn chính quyền địa phương vẫn tổ chức lễ Thành Nhân cho những người 20 tuổi như trước đây. Tuy nhiên, cũng có nơi đã đổi tên “Lễ Thành Nhân” thành tên gọi khác như “Buổi gặp mặt những người 20 tuổi”, v.v..

Trong tương lai, có thể cái tên “Lễ Thành Nhân” sẽ biến mất, độ tuổi tham gia, hay nội dung của buổi lễ cũng có khả năng sẽ thay đổi.

Column> Điều gì thay đổi khi bạn đủ tuổi thành niên ở Nhật?

Tuổi thành niên ở Nhật đã được giảm từ 20 tuổi xuống 18 tuổi. Vậy, theo quy định của pháp luật Nhật Bản, điều gì thay đổi khi bạn đủ tuổi thành niên?

Nói một cách đơn giản, bạn có thể tự quyết định những vấn đề quan trọng trong cuộc sống mà không cần sự đồng ý của bố mẹ. Chẳng hạn như việc ký kết hợp đồng thuê nhà hay điện thoại, hoặc kết hôn, v.v..

Tuy nhiên, một số việc như hút thuốc, uống đồ uống có cồn, v.v.., bị cấm nếu bạn chưa đủ 20 tuổi. Nghe có vẻ dễ nhầm lẫn, vì vậy sau đây hãy cùng tìm hiểu một số việc mà 18 tuổi hoặc 20 tuổi được phép thực hiện nhé!

  Những việc 18 tuổi hoặc 20 tuổi được phép làm

Những việc người đủ 18 tuổi (đủ tuổi thành niên) có thể làm○Ký kết hợp đồng mà không cần sự đồng ý của bố mẹ
  Hợp đồng điện thoại
  Hợp đồng vay, trả góp
  Hợp đồng làm thẻ tín dụng
  Hợp đồng thuê nhà sống một mình, v.v..
○Làm hộ chiếu có hiệu lực 10 năm
○Lấy các chứng chỉ quốc gia như chứng chỉ kế toán công, chứng chỉ chuyên viên tư pháp, giấy phép y sĩ, giấy phép dược sĩ, v.v..
○Kết hôn
  Độ tuổi được phép kết hôn của nữ giới đã tăng từ 16 tuổi lên 18 tuổi, do đó, độ tuổi kế hôn của nam và nữ đều là 18 tuổi
○Những người rối loạn định dạng giới có thể nhận làm thủ tục tại tòa án để nhận phán quyết được đối xử đúng với định dạng giới của bản thân
※Cũng giống như trước đây, người đủ 18 tuổi trở lên có thể lấy giấy phép lái xe ô tô thông thường
Những việc người đủ 20 tuổi mới được làm
(Không thay đổi so với trước đây)
○Uống đồ có cồn
○Hút thuốc lá
○Mua vé cá cược như đua ngựa, đua xe đạp, đua ô tô, đua thuyền, v.v..
○Nhận con nuôi
○ Lấy giấy phép lái xe ô tô cỡ trung bình, cỡ lớn

Được tạo bởi Lightworks dựa trên bài viết “Từ 18 tuổi được xem là “người trưởng thành”! Những điều thay đổi và giữ nguyên khi độ tuổi thành niên giảm”, tham khảo Trang thông tin chính phủ online, https://www.gov-online.go.jp/useful/article/201808/2.html (Xem ngày 23/12/2022)

Nội dung này được áp dụng chung với người nước ngoài đang sống ở Nhật. Cho dù ở quốc gia của bạn cho phép người chưa đủ 20 tuổi uống rượu bia, hút thuốc lá thì ở Nhật Bản sẽ bị xem là phạm pháp, vì vậy hãy nhớ kỹ điều này!

3. Nguồn gốc của lễ Thành Nhân

Ở Nhật Bản thời xưa, sự khác biệt giữa “trẻ con” và “người lớn” được thể hiện qua trang phục và kiểu tóc. Việc chuyển đổi từ trang phục, kiểu tóc trẻ con sang người lớn được thực hiện trong nghi lễ trưởng thành. “Nghi lễ Genpuku của nam giới”, “Mogi của nữ giới” được xem là nguồn gốc của lễ Thành Nhân.

Nghi lễ Genpuku

Vào thời Nara, nam giới tổ chức nghi lễ trưởng thành vào khoảng 15 tuổi. Họ đội mũ có dạng túi được gọi là “Eboshi”, thay đổi kiểu tóc, trang phục sang kiểu người lớn và cũng thay đổi tên sang tên được sử dụng cho người lớn.

Nghi lễ Mogi

Từ thời Heian đến thời Kamakura, các thiếu nữ có xuất thân quyền quý sẽ được tổ chức nghi lễ trưởng thành vào khoảng 12-16 tuổi, độ tuổi mà họ đã ý thức về việc kết hôn. “Mo” chỉ quần áo của phụ nữ trưởng thành và nó được mặc lần đầu tiên trong lễ Mogi, phần tóc vốn để xõa sẽ được buộc lên để tạo kiểu tóc trưởng thành.

4. Người nước ngoài cũng có thể tham dự lễ Thành Nhân ở Nhật

Thông báo về lễ Thành Nhân sẽ dược gửi đến những người vừa bước sang tuổi 20 tuổi tại mỗi địa phương. Nếu đã đăng ký cư trú, thì người nước ngoài cũng sẽ nhận được thông báo về lễ Thành Nhân giống người Nhật.

Có rất nhiều người nước ngoài tham gia lễ Thành Nhân, chẳng hạn như ở quận Shinjuku, Tokyo, nơi tập trung đông người nước ngoài sinh sống, số người nước ngoài tham gia lễ Thành nhân năm 2020 chiếm gần một nửa. Nếu đón tuổi thành niên ở Nhật, bạn nhất định hãy tham gia lễ Thành Nhân nhé!

5. Trang phục phù hợp trong lễ Thành Nhân

Dưới đây, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu đến bạn những loại trang phục tiêu biểu cho lễ Thành Nhân. Ngoài các trang phục này, bạn cũng có thể mặc trang phục truyền thống của đất nước mình để tham gia lễ Thành Nhân.

Furisode

Furisode là loại Kimono cao cấp nhất trong số các loại Kimono được mặc bởi phụ nữ chưa lập gia đình. Với đặc trưng là tay áo dài, họa tiết lộng lẫy trải dài khắp áo, Furisode được hầu hết các thiếu nữ mặc trong ngày lễ Thành Nhân.

Vì mua Furisode khá tốn kém, nên thông thường, người ta chọn đi thuê. Tuy nhiên, nhiều nơi cho thuê đã kín lịch đặt trước cho hơn một năm, vì vậy bạn nên lưu ý đặt sớm.

Âu phục

Nam giới thường sẽ mặc âu phục. Tại Nhật Bản, nam sinh sẽ mặc âu phục trong lễ nhập học đại học, vì vậy, nhiều người thường chọn bộ âu phục dùng trong lễ nhập học để mặc vào lễ Thành Nhân.

Mặc dù không có quy tắc cụ thể, nhưng những bộ âu phục có màu sắc trầm như đen, xám, xanh đậm, v.v.. rất được ưa chuộng.

Trang phục khác ngoài Furisode và âu phục

Hầu hết mọi người sẽ mặc Furisode và âu phục để tham dự lễ Thành Nhân, nhưng cũng có người tham dự buổi lễ trong trang phục “Montsuki Hakama (Kimono của nam)” hay váy dự tiệc. Nếu là du học sinh, việc diện trang phục truyền thống của đất nước mình để tham dự lễ Thành Nhân cũng rất tuyệt phải không nào?

Montsuki Hakama

Ở những nơi tổ chức lễ Thành Nhân vào mùa hè, nhiều người chọn mặc váy dự tiệc vì Furisode quá nóng. Tùy theo từng khu vực sẽ có sự khác biệt, vì vậy bạn có thể hỏi những người xung quanh xem nên mặc loại trang phục nào trong buổi lễ Thành Nhân.

6. Các hoạt động trong lễ Thành Nhân

Trong lễ Thành Nhân, những người tham dự sẽ nghe phát biểu chúc mừng và nhận quà lưu niệm tại hội trường. Một buổi lễ Thành Nhân điển hình sẽ kéo dài khoảng một giờ với trình tự như sau:

(1)Tuyên bố khai mạc

(2)Thị trưởng, quận trưởng, v.v.. đọc thư chúc mừng

(3)Khách mời đọc thư chúc mừng                                            

(4)Đại diện những người mới thành niên phát biểu

(5)Bế mạc

Ngoài ra cũng có nhiều hoạt động khác được tổ chức như các buổi hòa nhạc, bình luận từ những người nổi tiếng, chơi bingo, v.v.. Đặc biệt, lễ Thành Nhân ở Chiba và Osaka thu hút sự chú ý khi được tổ chức tại Disneyland hoặc Universal Studios Japan.

Sau khi lễ Thành Nhân kết thúc, mọi người sẽ chụp ảnh ở hội trường và tham gia các buổi họp lớp tiểu học, trung học cơ sở.

7. Phần kết

Lễ Thành Nhân ở Nhật Bản được tổ chức vào “Ngày Thành Nhân” (thứ Hai tuần thứ hai của tháng 1 hàng năm). Từ năm 2022, độ tuổi thành niên được giảm từ 20 tuổi xuống 18 tuổi, song lễ Thành Nhân vẫn tiếp tục được tổ chức dưới tên gọi khác, chẳng hạn như “Buổi gặp mặt những người 20 tuổi”, v.v..

Du học sinh cũng có thể tham gia lễ Thành Nhân tại Nhật Bản. Chắc hẳn, việc mặc Furisode, âu phục hay trang phục dân tộc của đất nước mình để chào đón tuổi trưởng thành sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời trong khoảng thời gian ở Nhật của bạn. Với những bạn đón tuổi 20 tươi đẹp khi đang du học Nhật Bản, nhất định hãy thử tham gia lễ Thành Nhân nhé!

Nguồn tham khảo:

Quận Koto, “Buổi họp mặt những người 20 tuổi (Lễ Thành Nhân) năm Reiwa thứ 5 (năm 2023)”, 9/12/2022,https://www.city.koto.lg.jp/105020/kodomo/seshonen/seijinshiki.html (Xem ngày 20/12/2022)

Trang thông tin chính phủ online , “Từ 18 tuổi được xem là “người trường thành”! Những điều thay đổi và giữ nguyên khi độ tuổi thành niên giảm”, 23/12/2022, https://www.gov-online.go.jp/useful/article/201808/2.html (Xem ngày 23/12/2022)

Sankei Photo, “Lễ trưởng thành trong trang phục dân tộc – Shinjuku , gần một nửa là người nước ngoài”, 13/1/2020, https://www.sankei.com/photo/story/news/200113/sty2001130017-n1.html (Xem ngày 21/12/2022)

Studio Mario, “Thực sự tò mò! Mọi người mặc gì trong buổi lễ trưởng thành?”, https://www.studio-mario.jp/event/comingofage/article/014/ (Xem ngày 21/12/2022)

Cửa hàng Haregi no Marusho ở Yokohama, “Lần đầu mặc Furisode: Furisode là gì?  Mặc loại kimono nào và cho những dịp nào?”, “Arekore trong trang phục đẹp nhất”, 16/8/2021, https://www.hareginomarusho.co.jp/contents/furisode/177/ (Xem ngày 21/12/2022)

Furiho – Cuộc cách mạng trong buổi lễ trưởng thành của Studio Alice, “Lễ Thành Nhân là gì? Giới thiệu cơ bản về nguồn gốc của lễ Thành Nhân, lý do mặc Furisode, v.v..”, https://www.studio-alice.co.jp/seijin/furiho/about_coming-of-age_ceremony/ (Xem ngày 21/12/2022)