Đối với người Nhật, ngày 7 tháng 7 là một ngày đặc biệt và thời tiết sẽ được quan tâm hơn so với bình thường. Vào buổi đêm trời trong mây tạnh, nhiều người nhìn lên bầu trời đầy sao và liên tưởng về câu chuyện tình yêu của một cặp đôi trong truyền thuyết.

Trong bài viết này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu về ý nghĩa của Lễ Thất Tịch ngày 7 tháng 7, và cách tận hưởng các sự kiện liên quan trong ngày lễ này.

Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé!

1. Ngày Thất Tịch 7/7 (Tanabata) là ngày lễ gì?

Ngày Thất Tịch (tiếng Nhật đọc là Tanabata) là một trong những lễ hội truyền thống vô cùng quen thuộc có từ thời xa xưa ở Nhật.

Mỗi năm khi gần tới ngày Tanabata, mọi người thường tận hưởng bằng cách viết những điều ước của mình lên những dải giấy ngũ sắc gọi là Tanzaku, sau đó treo chúng lên cành cây tre và ngước lên ngắm nhìn bầu trời đầy sao.

Tại sao người Nhật lại viết điều ước của mình và ngắm nhìn bầu trời đầy sao trong Lễ Thất Tịch? Lý do nằm ở nguồn gốc của ngày lễ này.

Có 3 câu chuyện chủ yếu kể về nguồn gốc của Lễ Thất Tịch: “Tanabata Tsume Shinko”, “Kikoden” và “Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ Kengyu – Orihime”.

Tanabata Tsume Shinko là một phong tục có từ thời xa xưa ở Nhật – cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu và dâng bộ trang phục Kimono lên các vị thần vào ngày 7 tháng 7.

Kikoden là một sự kiện ở Trung Quốc – cầu nguyện đến các vì sao với mong muốn nâng cao kỹ năng may vá hay trình diễn nghệ thuật vào ngày 7 tháng 7.

Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ Kengyu – Orihime bắt nguồn ở Trung Quốc kể về những ngôi sao. Ngưu Lang Kengyu (Altair) là ngôi sao phụ trách nghề nông và Chức Nữ Orihime (Vega) là ngôi sao phụ trách nghề may. Truyền thuyết kể lại rằng, hai người vì mải mê yêu đương mà bỏ bê công việc nên đã bị các vị thần chia cắt và chỉ được phép gặp nhau mỗi năm một lần ở bên kia dải ngân hà, vào đêm mùng 7 tháng 7.

Lễ Thất Tịch hiện đại ngày nay là sự kết hợp 3 câu chuyện này vào và nó bắt dầu từ khoảng thế kỷ thứ 10. Trong dịp này, mọi người bắt đầu viết những điều ước của mình lên những dải giấy Tanzaku và ngước nhìn lên bầu trời đầy sao với hy vọng rằng Ngưu Lang[1] và Chức Nữ sẽ có thể gặp lại nhau vào ngày 7 tháng 7.

Bên cạnh đó, việc mọi người viết ra những điều ước của mình trên những dải giấy Tanzaku thay vì chỉ cầu nguyện tới các vì sao, có ảnh hưởng từ văn hóa thơ Hòa Ca (Waka) ở Nhật.

Thơ Hòa Ca là một thể thơ trong đó suy nghĩ, tâm tư của tác giả được viết ra bằng bút lông.

Đối với giới quý tộc vốn coi trọng Lễ Thất Tịch, thơ Hòa Ca là một trong những thú vui tao nhã trong ngày này. Vì vậy, khi muốn viết ra một điều ước vào ngày 7 tháng 7, người ta thường sáng tác một bài thơ Hòa Ca trong lúc ngắm nhìn các vì sao và viết nó xuống chiếc lá Kaji[2].

Sau đó, vào khoảng thế kỷ 18, khi Lễ Thất Tịch bắt đầu phổ biến hơn trong dân chúng, và được coi như một sự kiện thường niên ở Nhật, những chiếc lá Kaji được cải tiến thành dải giấy Tanzaku và được trang trí lên cây tre.

【Column】Lễ Thất Tịch ở các quốc gia trên thế giới

Lễ Thất Tịch là một trong những sự kiện được tổ chức rộng rãi không chỉ riêng ở Nhật mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Tuy nhiên, nội dung sự kiện sẽ có phần khác nhau giữa các quốc gia.

Ví dụ, Lễ Thất Tịch của Trung Quốc ban đầu là một dịp để người dân dâng lên thần linh những món đồ truyền thống như bánh ngọt, trái cây và hoa, để cầu nguyện cho sự phát triển của nghề thủ công. Tuy vậy, gần đây, việc nam giới tặng quà cho phụ nữ và việc các cặp đôi hẹn hò đã trở nên phổ biến như một ngày lễ tình nhân thứ hai, liên quan đến truyền thuyết Kengyu – Orihime (Ngưu Lang – Chức Nữ).

Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc hay Đài Loan cũng là thời điểm các cặp đôi tặng quà cho nhau, nhưng có một số vùng ở Đài Loan, lễ trưởng thành được tổ chức vào ngày Thất Tịch và đây cũng được coi như là ngày sinh nhật của ngôi sao Chức Nữ.

2. Trang trí trong ngày Lễ Thất Tịch

Ở Nhật, trong dịp này, những đồ trang trí vô cùng đa dạng, bao gồm dải giấy Tanzaku, đồ trang trí nhà cửa và đường phố. Đồ trang trí cho ngày lễ bao gồm:

Dải giấy Tanzaku

Là dải giấy ngũ sắc để bạn viết những điều ước của mình rồi sau đó treo chúng trên những cành tre. Màu lam (hay màu lục) tượng trưng cho sự phát triển, màu đỏ tượng trưng cho lòng biết ơn, màu vàng tượng trưng cho niềm tin, màu trắng tượng trưng cho các quy tắc và nghĩa vụ, còn màu đen tượng trưng cho trí tuệ.

Dải băng Fukinagashi

Là một đồ trang trí làm từ một quả bóng giấy phía trên với rất nhiều dải giấy dài ngũ sắc được đính xung quanh tượng trưng cho những sợi chỉ dệt được dâng cho nữ thần may vá Orihime. Ý nghĩa của nó là cầu chúc cho ngành dệt may luôn phát triển.

Ngàn con hạc giấy (Senbazuru)

Hạc giấy origami tượng trưng cho sự trường thọ, với lời cầu nguyện về một cuộc sống an khang và thịnh vượng của gia đình.

Bao tiền Kinchaku

Được gấp theo hình dạng của ví nhỏ đựng tiền xu kiểu Origami, được treo cùng với những chiếc ví thật, với mong muốn làm ăn phát đạt và dư dả hơn về tài chính.

【Column】 Cách viết điều ước lên các mảnh giấy Tanzaku

Khi bạn viết một điều ước (bằng tiếng Nhật) lên dải giấy Tanzaku, hãy thêm từ “masuyo ni” (ますように) vào cuối mỗi điều ước.

Cùng xem một số ví dụ sau.

・Khi muốn vượt qua các kỳ thi tuyển sinh

“Hy vọng tôi sẽ đỗ kỳ thi 〇〇” (Ví dụ: Hy vọng tôi sẽ đỗ kỳ thi N1)

・Khi muốn nâng cao tay nghề của mình

“Hy vọng tôi sẽ làm tốt 〇〇” (Ví dụ: Hy vọng tôi sẽ giỏi piano!)

・Khi bạn muốn một thứ gì đó

“Hy vọng tôi có thể nhận được 〇〇” (Ví dụ: Hy vọng tôi có thể nhận được một vé xem show trực tiếp)

・Khi bạn muốn có cho mình một nghề nghiệp cụ thể

“Hy vọng tôi sẽ trở thành 〇〇” (Ví dụ: Hy vọng tôi sẽ trở thành phi công!)

“Masuyo ni” (ますように) mang ý nghĩa cầu nguyện, chủ yếu được dùng khi cầu nguyện đến thần linh khi viếng thăm đền chùa, v.v.

Bên cạnh đó, liên quan đến chủ đề này, theo một cuộc khảo sát với khoảng 30.000 người dùng, được thực hiện bởi LINE Corporation – công ty vận hành ứng dụng SNS “LINE”, những lời chúc phổ biến nhất vào Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản có nội dung như sau.

Vị trí thứ nhất: Cầu mong bình an và khỏe mạnh 29,4%

Thứ 2: Cầu mong hạnh phúc 11,4%

Thứ 3: Cầu mong giàu sang phú quý 8,1%

Thứ 4: Cầu mong gia đình hòa thuận 7,8%

Thứ 5: Cầu mong tìm được nửa kia 6,2%

Thứ 6: Cầu mong tình yêu êm đẹp 3,2%

Thứ 7: Cầu mong công việc suôn sẻ 3,1%

Thứ 8: Cầu mong ăn kiêng thành công 3.0%

Thứ 9: Cầu mong thế giới hòa bình 2,8%

Thứ 10: Cầu mong tai qua nạn khỏi 2,7%

Tại Nhật, có rất nhiều người cầu nguyện cho sức khỏe và bình an vào Lễ Thất Tịch.

Vậy bạn sẽ cầu nguyện điều gì vào dịp này?

3. Ba lễ hội Tanabata lớn nhất tại Nhật Bản

Ở Nhật, mặc dù Lễ Thất Tịch là ngày 7 tháng 7, nhưng trên thực tế, thời gian và cách tận hưởng nó khác nhau tùy theo khu vực. Ở phần 3 này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu 3 lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản, có thể kéo dài từ trước đến sau ngày 7 tháng 7.

【Miyagi】Lễ hội Sendai Tanabata

Đặc trưng của lễ hội này là những đồ trang trí bằng tre lung linh sắc màu, chẳng hạn như những dải băng có chiều dài hơn 5m. Đây là một lễ hội quy mô lớn được tổ chức từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 8 tháng 8 hàng năm và thu hút hơn 2 triệu người tới thăm quan.

Website chính thức: https://www.sendaitanabata.com/

【Kanagawa】Lễ hội Shonan Hiratsuka Tanabata

Hàng năm, tại Lễ hội Shonan Hiratsuka Tanabata, nơi những đồ trang trí bằng tre được thắp sáng vào ban đêm, bạn có thể thưởng thức khoảng 500 món đồ trang trí Lễ Thất Tịch ở trung tâm thành phố và khoảng 3.000 chiếc trên toàn thành phố. Các cuộc diễu hành, sự kiện sân khấu và ẩm thực địa phương cũng là những điểm thu hút du khách đến với nơi này.

Website chính thức: http://www.tanabata-hiratsuka.com/summary/#noscript

【Aichi】Lễ hội Ichinomiya Tanabata

Điểm nổi bật là những dải băng Fukinagashi với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau, và đoàn người diễu hành (Onzo Hoken Dai Gyoretsu) dài 300 mét. Sân khấu và các gian hàng cũng được chuẩn bị, rất nhiều sự kiện khác nhau được tổ chức hàng năm, chẳng hạn như lễ hội Bon Odori, khiêu vũ Nhật Bản và biểu diễn trống Nhật Bản. Lễ hội này được tổ chức trong bốn ngày vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Bảy.

Website chính thức: https://www.138ss.com/tanabata/

4. Phần kết

Bạn cảm thấy thế nào về ngày Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản? Rất nhiều màu sắc và đầy thú vị phải không nào !

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về ý nghĩa của Lễ Thất Tịch 7/7, cách tận hưởng và các sự kiện liên quan trong dịp này.

Lễ Thất Tịch là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời ở Nhật.

Mỗi năm khi dịp này tới gần, mọi người thường tận hưởng bằng cách viết những điều ước của mình lên những dải giấy ngũ sắc gọi là Tanzaku, sau đó treo chúng lên cành cây trengắm nhìn bầu trời đầy sao.

Có 3 câu chuyện chủ yếu kể về nguồn gốc của Lễ Thất Tịch: “Tanabata Tsume Shinko”, “Kikoden” và “Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ Kengyu – Orihime”. Hình thức ban đầu của Lễ Thất Tịch hiện đại ngày nay là sự kết hợp 3 câu chuyện này và nó bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 10.

Đồ trang trí trong dịp này vô cùng đa dạng, chẳng hạn như dải giấy Tanzaku, dải băng Fukinaoshi, ngàn con hạc giấy Senbazuru và bao tiền Kinchaku.

Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản trên thực tế có thời gian và cách tận hưởng khác nhau tùy theo từng khu vực. Ba lễ hội lớn trong dịp này ở Nhật được tổ chức và kéo dài từ trước đến sau ngày 7 tháng 7.

【Miyagi】Lễ hội Sendai Tanabata

【Kanagawa】Lễ hội Shonan Hiratsuka Tanabata

【Aichi】Lễ hội Ichinomiya Tanabata

Lễ Thất Tịch vốn bắt đầu từ giới quý tộc và dần trở thành một sự kiện quen thuộc của người dân Nhật. Trong dịp này, những cây tre và dải giấy Tanzaku được trang trí ở nhiều nơi khác nhau quanh thị trấn, chẳng hạn như đền thờ, hàng quán, và bất kỳ ai cũng có thể thoải mái viết điều ước của mình lên đó.

Đừng chần chừ mà hãy bước ra ngoài và trải nghiệm Lễ Thất Tịch ở Nhật vào khoảng ngày 7 tháng 7 nhé!


[1] Tiếng Nhật thường được gọi là Hikoboshi.

[2] Một loại cây thuộc họ dâu tằm. Bề mặt lá sần sùi.