“Liệu mình có thi đỗ học bổng không”
“Phải chuẩn bị từ đâu bây giờ?”
Chắc hẳn những bạn đang cân nhắc về việc đăng kí học bổng du học Nhật đang đặt ra cho mình nhiều băn khoăn, lo lắng. Những lúc như thế này, cách tốt nhất để giải toả những nỗi lo trong lòng là hãy lắng nghe và học hỏi từ những người có kinh nghiệm, những người từng thi đỗ học bổng chẳng hạn. Bạn sẽ nhận được lời khuyên hữu ích, trong đó bạn sẽ học được cả những kinh nghiệm về thất bại.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm của chính bản thân mình. Tôi từng thi đỗ học bổng du học 3 lần và trong nhiều năm làm giáo viên tiếng Nhật, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ chính những sinh viên của mình, những bạn cũng từng có kinh nghiệm trong các kì thi giành học bổng.
Tôi đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm qua mỗi lần đăng kí học bổng, tham khảo thêm kinh nghiệm của các bạn học viên cũ, nên qua bài viết này, tôi muốn gửi đến các bạn góc nhìn của một giáo viên khi quan sát và phân tích về những ưu nhược điểm của sinh viên Việt Nam qua mỗi kì thi học bổng. Dưới đây là 3 bí kíp và 3 điểm cần lưu ý khi săn học bổng. Hi vọng sẽ đem đến thông tin hữu ích cho các bạn.
Hoàng Vân
Tốt nghiệp Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Giảng viên tiếng Nhật tại Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Luật Nhật Bản (Hà Nội) – Đại học Nagoya (từ năm 2009 đến 2021)
Có kinh nghiệm du học tại 3 trường Đại học của Nhật: Đại học Ibaraki, Đại học Senshu và Đại học ngoại ngữ Tokyo (Tốt nghiệp Thạc sĩ – chuyên ngành Giáo dục tiếng Nhật)
Từ tháng 10/2021, trở thành nhân viên chính thức của công ty cổ phần Lightworks. Hiện tại đang xúc tiến các dự án “Hỗ trợ người Việt đang học tập – làm việc tại Nhật”
1. Bí kíp giành học bổng du học
Các bạn đăng kí học bổng sẽ bắt đầu bằng việc chuẩn bị hồ sơ. Đặc biệt, thư tiến cử cực kì quan trọng. Nếu lọt qua vòng hồ sơ, các bạn sẽ vào vòng thi viết hoặc phỏng vấn. Có một số bí kíp để thi vòng phỏng vấn và nếu nắm được bí kịp đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Trước hết, mình cùng xem các bước chuẩn bị nhé.
1-1. Chuẩn bị hồ sơ
Bước đầu tiên là chuẩn bị hồ sơ. Đây là bước đơn giản nhất, tuy nhiên các bạn cần hết sức lưu ý và cẩn thận chuẩn bị những giấy tờ liên quan như bảng điểm, bằng tốt nghiệp…
Đầu tiên, hãy bắt đầu với những loại giầy tờ mình có thể tự chuẩn bị, như viết bản kế hoạch học tập ở Nhật Bản chẳng hạn. Viết xong, bạn cần dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Có những trường không cung cấp bảng điểm bằng tiếng Anh, trong trường hợp đó bạn cũng phải tự dịch bảng điểm của mình sang tiếng Anh.
Với những giấy tờ như bảng điểm hay chứng nhận tốt nghiệp, bạn còn một bước nữa là phải xin công chứng.
Bí quyết của mình là cùng một lúc chuẩn bị hết các loại giấy tờ này. Nếu các bạn chuẩn bị từng thứ từng thứ một, thì sẽ vô cùng mất thời gian và có thể mất công vô ích. Thế nên mình chuẩn bị hết các giấy tờ trên để dịch và công chứng một lần, vừa tiết kiệm thời gian, vữa đỡ mất công.
Sau khi chuẩn bị xong, mình scan toàn bộ giấy tờ cần nộp để lưu giữ dưới dạng file PDF. Vì những giấy tờ này có thể tái sử dụng nếu có dịp đăng kí các loại học bổng khác về sau.
Một điểm cần lưu ý nữa là nên sắp xếp các giấy tờ đã chuẩn bị theo đúng thứ tự trong danh sách mà phía trường hoặc quỹ học bổng yêu cầu. Với cách làm này, các bên liên quan có thể dễ dàng kiểm tra xem mình còn thiếu giấy tờ gì hay không?
1-2. Thư tiến cử
Một trong những giấy tờ quan trọng nhất khi đăng kí học bổng chính là thư tiến cử.
Nếu là thư tiến cử từ phía Việt Nam, bạn cần nhờ thầy/cô hiệu trưởng hoặc trưởng khoa nơi bạn đang theo học viết thư tiến cử. Để nhờ các thầy cô viết thư tiến cử cho mình, bạn hãy ghi rõ những điểm nổi trội của bản thân, thành tích học tập, thành tích tham gia các hoạt động tình nguyện hay có đóng góp cho xã hội, các giải thưởng… Các thầy cô sẽ dựa trên những điểm này để viết thư tiến cử cho bạn.
Nếu đăng kí học bổng thông qua trường bên Nhật, bạn cần được trường đang theo học hoặc giáo sư phụ trách viết thư tiến cử cho mình. Để được thầy cô giáo biết đến và nhớ đến nhiều hơn, hãy tích cực phát biểu ý kiến trong giờ học hoặc năng nổ tham gia những hoạt động tình nguyện, hoạt động vì cộng đồng mà trường tổ chức.
Làm thế, bạn sẽ dễ dàng nhờ được trường hoặc giáo viên trong trường viết thư tiến cử hơn. Và cũng đừng quên, đăng kí học bổng không chỉ có 1 lần, bạn còn rất nhiều cơ hội ở phía trước.
1-3. Cách trả lời phỏng vấn
Hầu hết vòng thi cuối cùng của kì thi học bổng là phỏng vấn.
Thông thường trước khi phỏng vấn, bạn được mọi người khuyên “Hãy chuẩn bị nội dung câu hỏi và luyện tập kĩ vào!”, “Hãy tự tin và trả lời câu hỏi nhé” v..v. Tuy nhiên, dù bạn có chuẩn bị kĩ càng bao nhiêu, bạn vẫn có thể bị hỏi những câu không ngờ tới hay không thể diễn đạt trôi chảy điều mình muốn nói.
Với kinh nghiệm 3 lần vượt qua các kì phỏng vấn như thế, tôi muốn chia sẻ đến các bạn những bí quyết để tạo được ấn tượng tốt đẹp cho người phỏng vấn.
Bí kíp 1 : Hiểu chính xác nội dung câu hỏi và ý đồ của người phỏng vấn rồi mới trả lời
Phần lớn các bạn sẽ tham dự phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài và nếu không nghe được câu hỏi, đầu tiên phải hỏi lại. Hãy lịch sự đề nghị với người phỏng vấn như sau: “Em xin lỗi nhưng thầy/ cô có thể nhắc lại câu hỏi được không ạ?”.
Nếu chưa nghe rõ nội dung câu hỏi mà đã trả lời, bạn có thể sẽ hiểu sai ý đồ của của câu hỏi.
Ngoài ra, khi hỏi lại, bạn có thêm một chút thời gian để sắp xếp lại ý tứ cho câu trả lời của mình. Tuy nhiên, với bất kì câu hỏi nào bạn cũng áp dụng cách này thì ngược lại, sẽ tạo ấn tượng không tốt. Thế nên, chỉ hỏi lại khi bạn thực sự chưa nghe rõ câu hỏi.
Bí kíp 2 : Sau khi nắm bắt được nội dung câu hỏi, hãy trình bày bằng cách đưa ra kết luận đầu tiên
Sau câu kết luận đó, bạn có thể diễn giải một số luận chứng cụ thể. Hãy sắp xếp thành các mục và trình bày theo thứ tự. Ví dụ, “Em có 3 lí do. Lí do đầu tiên là… Lí do thứ 2 là…”
Các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam thường trình bày dông dài tất cả những kiến thức mình có được, nhưng cuối cùng hội đồng ban giám khảo không hiểu, “Thế rốt cuộc, em muốn nói gì?”
Ngoài ra, với những câu hỏi dạng “Có hoặc Không”, đầu tiên hãy trả lời rõ ràng “Có” hay “Không” trước, sau đó thì giải thích ngắn gọn lí do vì sao.
Bí kíp 3 : Hãy trả lời ngắn gọn, súc tích với mỗi câu hỏi
Thời gian phỏng vấn mỗi thí sinh được quy định từ trước, thế nên, nếu bạn mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi thì có thể bạn không chuyển đến câu hỏi tiếp theo được.
Ban giám khảo vẫn có thể cho dừng phỏng vấn nếu hết thời gian, mặc dù bạn chưa đến được câu cuối cùng.
Chính vì vậy, hãy lưu ý không trả lời quá dài dòng với mỗi câu hỏi.
Bí kíp 4 : Nhìn thẳng vào camera khi tham gia phỏng vấn
Hiện nay, phỏng vấn từ xa (hay còn gọi là online) ngày càng phổ biến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khi tham dự phỏng vấn online hãy cố gắng nhìn thẳng vào camera. Nếu bạn nhìn vào màn hình hoặc theo dõi người đang nói, thì khi phản chiếu lên màn hình của đối phương, mắt bạn trông như đang nhìn xuống dưới.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào camera, thì biểu cảm trên khuôn mặt bị cứng và thiếu tự nhiên, nên thi thoảng có thể nhìn sang hướng khác và với mức độ vừa phải. Tóm lại, để tạo biểu cảm tươi vui, phong thái tự tin trước ban giám khảo, hãy cố gắng nhìn thẳng vào camera, thỉnh thoảng có thể đổi điểm nhìn sao cho tự nhiên.
2. Những điều tuyệt đối nên tránh
Cuối cùng, chúng ta hay cũng xem “những điều nên tránh” khi đăng kí học bổng là gì nhé.
(1) Lưu ý khi nhờ viết thư tiến cử
Dù là Việt Nam hay Nhật Bản thì tôi cũng muốn lưu ý các bạn một điều là tuyệt đối không được nhờ hai giáo sư trong cùng một trường viết thư tiến cử.
Để có thể đăng kí nhiều loại học bổng cùng một lúc, có những bạn đã nhờ đến hai hoặc trên hai giáo sư của cùng một trường viết thư tiến cử cho mình. Bạn có biết kết quả sẽ như thế nào không? Không những bạn đánh mất lòng tin từ tất cả các giáo sư bạn đã nhờ, mà nó còn làm xấu đi mối quan hệ tốt đẹp với các giáo sư đó.
Việc giành được học bổng hay không chưa bàn đến ở đây, nhưng thử suy nghĩ hậu quả về sau xem sao nhé. Những hành động như thế tuyệt đối không mang lại kết quả tốt đẹp.
(2) Chú ý “những loại học bổng không thể đăng kí cùng lúc”
Điều thứ hai cần lưu ý là với loại học bổng kèm điều kiện không thể đăng kí cùng lúc với học bổng khác, dù thành tích học tập của bạn có thể rất tốt. Thế nên, trước khi đăng kí học bổng đầu tiên, hãy đọc kĩ các điều kiện/ điều khoản về đăng kí học bổng.
(3) Chú ý về “khả năng có được làm thêm hay không”
Điểm thứ 3 các bạn cần lưu ý ở đây là có những loại học bổng sẽ kèm điều kiện về việc làm thêm. Chẳng hạn, có những điều kiện là bạn phải giảm thời gian làm thêm hoặc không khuyến khích làm thêm. Những học bổng có kèm điều kiện như vậy vì những người trao học bổng mong muốn các bạn sau khi nhận được học bổng sẽ chuyên tâm vào việc học nhiều hơn và không còn gánh nặng về tiền sinh hoạt phí.
Trước khi nhận học bổng, bạn phải kí vào giấy cam kết với quỹ học bổng. Nếu vi phạm những điều ghi trong giấy cam kết, bạn có thể bị ngừng cấp học bổng, thế nên hãy đọc thật kĩ và tuân thủ đúng nội dung đã cam kết.
3. Phần kết
Hãy cũng điểm lại bí kíp săn học bổng và những điều cần lưu ý nhé.
- Bước chuẩn bị hồ sơ: quan trọng nhất là chuẩn bị thật cẩn thận
- Thư tiến cử: Tích cực phát biểu ý kiến trong giờ học, năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện – hoạt động vì cộng đồng, sẽ thuận lợi hơn trong việc nhờ các thầy cô viết thư tiến cử cho mình
- Cách trả lời phỏng vấn: hiểu chính xác nội dung câu hỏi rồi mới trả lời cực kì quan trọng
Ngoài ra, khi đăng kí học bổng, “những điều tuyệt đối nên tránh” đó là:
- Nhờ hai giáo sư cùng một trường đại học viết thư tiến cử cùng một lúc
- Đăng kí nhiều học bổng cùng lúc dù trong đó có loại học bổng không cho phép nhận đồng thời cùng học bổng khác
- Vi phạm cam kết với quỹ học bổng
Sau khi đọc xong những bí kíp săn học bổng mà tôi giới thiệu hôm nay, các bạn đã thêm vững tin, và suy nghĩ tích cực hơn về việc du học Nhật Bản chưa?
Hi vọng những thông tin tôi chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích với những bạn đang cân nhắc về việc du học Nhật Bản.