Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã vượt quá 270.000 người[1].

Theo kết quả khảo sát năm 2019, số sinh viên du học tư phí có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra khác, số sinh viên thực sự có thể ở lại Nhật làm việc là dưới 40%[2]. Như vậy, có trên 50% sinh viên quốc tế vì một lý do nào đó đã từ bỏ ý định xin việc tại Nhật[3].

Nguyên nhân chính được chỉ ra là các bạn du học sinh chưa nắm rõ cơ chế tìm việc làm ở Nhật Bản hay chưa có đủ thông tin cần thiết. Cung cấp thông tin về xin việc và việc làm cho du học sinh là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này[4].

LIGHTBOAT sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh những nội dung liên quan đến phương thức việc làm tại Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến một dự án đặc biệt, chia sẻ những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của anh chị cựu du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật đã lựa chọn ở lại làm việc trong các công ty Nhật.

“Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật?”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.

Chúng tôi hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.
Người phụ trách phỏng vấn lần này là chị Hoàng Thị Thúy Vân (người quản lý dự án) và chị Misawa Mai.

Giới thiệu khách mời phỏng vấn

Họ tênNguyễn Hữu Trường Quyền
Tốt nghiệpĐại học kinh tế Nagoya(Năm 2021)
Học bổng từng được nhậnQuỹ hỗ trợ tương lai(Quỹ học bổng Đại học kinh tế Nagoya)
Công ty hiện tạiKanesue Co., Ltd.(từ năm 2021)

Lời mở đầu

Quyền bỏ dở con đường học đại học ở Việt Nam khi đang là sinh viên năm nhất. Sau những trăn trở về sự nghiệp, Quyền quyết định bắt đầu lại ở Nhật Bản. Năm 2015, Quyền đến Nhật, học tiếng Nhật và sau đó thi đỗ vào Khoa quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế Nagoya. Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2021, Quyền vào làm tại Kanesue Co., Ltd., một công ty điều hành chuỗi siêu thị hoạt động chủ yếu ở tỉnh Aichi.

Quyền chia sẻ rằng sau một năm trở thành “shakaijin” (người trưởng thành và bắt đầu đi làm) thì công việc hiện tại “rất vui”. Chúng tôi đã lắng nghe bạn ấy kể về chuyện học tập, chuyện xin việc ở Nhật, cuộc sống sau khi đi làm cũng như ước mơ trong tương lai.

Bỏ học đại học ở Việt Nam, đến Nhật với 0 yên trong tay

– Cơ duyên nào đã đưa Quyền đến với nước Nhật?

Thực ra mình từng học đại học ở Việt Nam nhưng rồi bỏ dở chỉ sau 1 năm. Chuyên ngành của mình là IT, thường xuyên phải viết code nhưng nó không hợp với mình chút nào. Vì vậy, mình đã suy nghĩ lại xem bản thân muốn học gì, và câu trả lời hiện lên trong tâm trí mình là quản trị, kinh tế, v.v.. Với mong muốn được học tại Nhật, tháng 10/2015 mình đã đến Nhật.

– Lý do gì khiến bạn muốn học về quản trị và kinh tế?

Ban đầu mình nghĩ đơn giản là bởi mình có hứng thú với quản trị kinh doanh. Tuy nhiên càng học mình càng nhận ra đây chính là ảnh hưởng từ bố mẹ. Thực ra, bố mẹ mình có một cửa hàng ở Việt Nam. Tuy là cửa hàng nhỏ thôi, nhưng đó là nơi đã nuôi dưỡng mình nên mình đặc biệt quan tâm đến việc quản lý kinh doanh bán lẻ.

Khi quyết định học về quản trị, mình muốn đi học đại học ở Nhật thay vì Việt Nam. Mình cũng quan tâm đến thực tế là Nhật Bản giàu có về kinh tế hơn Việt Nam và đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ.

Bố mẹ mình nói “Vậy con đi xem sao” mà không hề phản đối. Mình còn được động viên rằng mình vẫn còn trẻ nên có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và bố mẹ cũng chẳng giận chuyện mình đã bỏ học.

– Khi đến Nhật Bản, ấn tượng của Quyền về đất nước này như thế nào?

Điều khiến mình ấn tượng là “ngay cả lốp xe tải cũng sạch!” (cười). Ở Việt Nam, lốp xe tải thường bám bẩn. Người Nhật thì có thói quen vệ sinh lốp xe. Mình đã rất ngạc nhiên.

Về chuyện ăn uống, ban đầu mình hơi ngại ăn cá sống. Nhưng sau nhiều lần bị bạn bè rủ rê thì mình đã ăn thử và rồi “nghiện” nó. Bây giờ mình cực kỳ thích ăn sushi.

– Quyền đã bắt đầu cuộc sống của mình ở Nhật như thế nào?

Đầu tiên, mình đi học ở một trường Nhật ngữ. Mình bắt đầu học tiếng 3 tháng trước khi sang Nhật nhưng chữ Kanji thì đặc biệt khó và mình chẳng đọc được chữ nào khi đến trường.

Khi sang Nhật, thực ra mình không có đồng nào trong người. Vì mình có một người bạn đã sang đây trước nên mình nghĩ rằng sẽ ổn thôi (cười). Mình vay tiền yên của người bạn đó rồi bố mẹ mình trả tiền cho bố mẹ bạn đó ở Việt Nam.

Về chỗ ở thì trường Nhật ngữ của mình có nhà cho thuê. Chúng mình sống 3 người đều là du học sinh trong một căn hộ 2LDK[5] với giá thuê khoảng 25,000 yên.

– Thật là liều lĩnh khi không mang theo đồng nào sang Nhật! Quyền đã đối mặt thế nào với những vấn đề phát sinh như chi phí đi lại?

Trong trường hợp của mình, bố mẹ chi trả cho mình. Trước khi đến Nhật, mình đã đóng khoảng 1 triệu yên cho trung tâm tiếng Nhật (công ty xuất khẩu lao động). Trong 1 triệu yên đó, có 700.000 yên là học phí trường Nhật ngữ còn 300.000 yên là tiền vé máy bay.

Có một mô hình chung đó là, trước tiên bạn phải đến trung tâm tiếng Nhật học vài tháng, sau đó trung tâm sẽ giới thiệu cho bạn một trường Nhật ngữ và tiến hành phỏng vấn tại trường. 70 – 80% các du học sinh phải đi vay để trả khoản tiền 1 triệu yên này.

– Nghe nói có rất nhiều du học sinh phải vay tiền để sang Nhật.

Đúng vậy. Có những người không vay từ ngân hàng mà là từ từ nhiều nguồn khác nhau nên phải trả nợ sớm. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng “nếu đi làm thêm ở Nhật, có thể kiếm đủ tiền để gửi về ngay trong lúc còn đang đi học” nhưng thực tế là rất khó để bạn vừa trả nợ vừa trang trải cuộc sống.

Về phía mình, mình có chỗ dựa là bố mẹ và bố mẹ mình cũng không cần đi vay tiền nên so với các bạn du học sinh khác, mình có thể tập trung học tập và không cảm thấy quá áp lực.

Tìm thấy con đường của riêng mình khi học đại học ở Nhật

– Quyền có thể chia sẻ về trường đại học của bạn được không? Tính đến thời điểm dự thi đại học bạn đã ở Nhật được bao lâu?

Mình đến Nhật và học ở trường Nhật ngữ 1 năm rưỡi. Sau đó, mình tham gia kỳ thi đầu vào dành cho người nước ngoài của Đại học Kinh tế Nagoya và đỗ vào Khoa quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Nội dung thi bao gồm phần luận văn và phần phỏng vấn.

– Không biết ấn tượng của Quyền về trường đại học ở Nhật thế nào nhỉ?

Vì mình đã từng đi học đại học ở Việt Nam nên khi so sánh với trường đại học ở Nhật thì mình thấy bầu không khí hai nơi thật khác nhau. Ví dụ, ở Nhật bạn có thể mặc quần đùi đi học. Nhưng ở Việt Nam thì không có chuyện thoải mái như vậy đâu (cười). Bên này, mình không tham gia vào câu lạc bộ nào trong trường đại học.

Tuy nhiên, có rất nhiều sinh viên Việt Nam tại Đại học Kinh tế Nagoya. Cùng khóa với mình có khoảng 100 bạn. Chính vì vậy, trường mình chẳng khác gì một trường đai học của Việt Nam (cười).

– Quyền có thể chia sẻ về chi phí sinh hoạt và học phí đại học của bạn được không?

Đối với chi phí sinh hoạt, mình kiếm tiền từ việc làm thêm. Nơi làm việc đầu tiên của mình là do bạn bè giới thiệu. Khi còn học ở trường Nhật ngữ, hầu hết là công việc làm ở xưởng. Tuy nhiên, khi lên đại học, tiếng Nhật của mình đã khá hơn một chút nên mình thử sức làm phục vụ ở quán ăn và duy trì công việc này được 3, 4 năm.

Về học phí thì năm đầu tiên mình tự chi trả. Từ năm thứ 2 trở đi, mình được miễn. Mình có gửi hồ sơ tới “Quỹ hỗ trợ tương lai” (Quỹ học bổng Đại học Kinh tế Nagoya) do trường mình sáng lập và đã nhận được học bổng.

Mình tình cờ tìm thấy học bổng trên trang web của trường đại học. Lúc đầu, giảng viên của mình nói là “Sinh viên quốc tế không thể nộp hồ sơ được”. Thế nhưng, ngay khi mình về đến nhà thì vị giảng viên đó gọi điện cho mình và cho biết sau khi tìm hiểu thì có vẻ như mình có thể đăng ký học bổng này và cần nộp hồ sơ sớm.

Cuối cùng, mình thấy ghi điều kiện để nộp hồ sơ là thành tích ở trường đại học phải đạt trên một mức nhất định, nên mình thấy mọi thứ rõ ràng hơn. Lúc nộp đơn, mình đã viết ra những điều mình muốn trình bày trong khóa luận tốt nghiệp và nơi mình muốn xin việc.

Trên thực tế, đề tài luận văn tốt nghiệp của mình là “Về chiến lược phát triển siêu thị trong tương lai gần”. Khi học về quản trị kinh doanh, mình cảm nhận sâu sắc rằng điều này có mối liên hệ với công việc mà bố mẹ đã làm.

Mình nghĩ rằng việc có một kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng là lý do chính để Quyền nhận được học bổng. Xung quanh bạn có nhiều du học sinh biết hoạch định tương lai như vậy không?

Thành thật mà nói, mình nghĩ không có nhiều người có kế hoạch sự nghiệp rõ ràng đến như vậy. Khi mình học năm hai, các bạn sinh viên quốc tế ở xung quanh mình không nắm được thông tin về chế độ học bổng. Sau đó, nhờ có rất nhiều thông báo từ trường đại học nên mọi người mới biết đến. Bản thân mình cũng đã chỉ cho bạn bè và các em khóa dưới về chế độ học bổng.

Tìm kiếm việc làm với sự hỗ trợ của trường đại học

– Năm 3 đại học là thời điểm tìm kiếm việc làm. Quyền có tìm việc theo như cách mà các bạn sinh viên Nhật vẫn làm không?

Đúng vậy! Mình tham gia buổi hội thảo tại trung tâm hỗ trợ việc làm của trường đại học. Với những chỗ mình không hiểu, chẳng hạn như cách viết CV, nhân viên phụ trách cũng đã đến trò chuyện với mình.

Quy trình của hoạt động tìm việc là phải tham gia các buổi giới thiệu, tiếp nhận phỏng vấn và lựa chọn, sau đó là tới vòng phỏng vấn cuối với 3, 4 công ty. Mình cũng làm như thế và nhận được lời mời làm việc từ 3 công ty. Mình thi cùng cơ chế như người Nhật nên cả phỏng vấn và bài kiểm tra đều thực hiện bằng tiếng Nhật.

Mình không biết rõ nhưng mình nghĩ khoảng 70% du học sinh xung quanh mình tìm được việc làm.

Mình nghĩ rằng có một số du học sinh không giỏi tiếng Nhật. Vậy trong trường hợp đó, các bạn ấy đã tìm việc như thế nào?

Việc trao đổi tại trung tâm hỗ trợ việc làm cần sử dụng tiếng Nhật, nên trong trường hợp đó các bạn ấy sẽ trao đổi với bạn bè hoặc nhờ người đại diện của những doanh nghiệp tư nhân, họ là những người phụ trách giới thiệu việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Gia nhập công ty, lần đầu kết bạn với người Nhật

– Quyền hẳn là một nhân viên mới có sức hút và tạo được ấn tượng tốt. Được biết, Quyền mới gia nhập công ty từ tháng 4 này (tháng 4/2021). Đó là công ty Kanesue Co., Ltd. – một công ty kinh doanh chuỗi siêu thị có mối liên hệ mật thiết với địa phương và hoạt động chủ yếu ở tỉnh Aichi. Hiện tại công việc của bạn là gì?

Hiện tại, mình đang làm việc ở trung tâm chế biến, bộ phận thủy sản. Mình quản lý từ khâu mua và chế biến nguyên liệu cho đến khi thành phẩm được gửi về siêu thị.

– Quyền cũng hay đến cửa hàng đúng không nhỉ?

Mình thì không phải đến cửa hàng. Theo kế hoạch đào tạo chung cho nhân viên, cũng có trường hợp nhân viên làm việc đến năm thứ 4, thứ 5 sẽ được đào tạo một năm tại cửa hàng rồi trở thành quản lý cửa hàng. Hiện tại mình đang vừa làm việc tại trung tâm, vừa học nghề để một ngày nào đó có thể chỉ dạy cho các bạn làm việc bán thời gian.

Khoảng 50 năm trước, Kanesue là một cửa hàng nhỏ. Từ đó đến nay, công ty đã phát triển thêm khoảng 80 cửa hàng. Xuất phát điểm là một cửa hàng nhỏ, điểm này thực sự giống với việc kinh doanh cửa hàng của bố mẹ mình.

Việc mở rộng kinh doanh từ một cửa hàng và lớn mạnh như thế này thực ra cũng có mối liên hệ với mảng nghiên cứu của mình tại trường đại học, ngoài ra mình học hỏi được rất nhiều điều.

– Không khí nơi làm việc của Quyền thế nào?

Công việc của mình rất vui. Không những vậy, mình là người nước ngoài đầu tiên được công ty tuyển dụng. Đó chính là lý do mọi người biết đến mình (cười).

– Quyền hẳn đã trở thành một người nổi tiếng ở công ty. Bạn có nhận được đãi ngộ đặc biệt nào, chẳng hạn như được đào tạo hay hỗ trợ về ngôn ngữ không trong khi đây là lần đầu tiên công ty bạn tuyển người nước ngoài vào làm việc?

Cùng thời gian gia nhập công ty với mình có 38 người khác. Tuy nhiên mình được đào tạo giống với các bạn ấy. Mình không gặp nhiều khó khăn với tiếng Nhật nhưng với các thuật ngữ chuyên môn như “nimai oroshi” (phi lê cá thành 2 tấm có giữ xương), “doren sui” (nước xả) , v.v.. ban đầu mình không hiểu được.

Các bạn vào làm cùng lúc với mình có vẻ cũng vậy. Chúng mình được công ty phát cho cuốn từ điển về các thuật ngữ chuyên môn nên lúc không hiểu thì mọi người sẽ cùng đọc và tra cứu.

– Quan hệ của Quyền với các bạn gia nhập công ty cùng thời điểm thế nào?

Do dịch bệnh Covid nên công ty mình làm việc online. Tuy nhiên, bọn mình vẫn đi ăn uống với nhau mỗi tháng 1 lần. Khi còn là sinh viên, mình gần như không có bạn là người Nhật nên mình cảm thấy thật mới lạ.

Thời đại học, xung quanh mình có rất nhiều bạn học là người Việt Nam nên thành thật mà nói mình không giao tiếp nhiều với người Nhật. Khi còn là sinh viên đại học, khoảng 70% ngôn ngữ mình dùng là tiếng Việt. Bây giờ thì ngược lại, tiếng Nhật chiếm khoảng 80%. Chính vì vậy, khả năng tiếng Nhật của mình đã tiến bộ hơn kể từ khi đi làm.

– Vậy là những người gia nhập công ty cùng thời điểm đã trở thành những người bạn Nhật đầu tiên của Quyền. Điều thú vị là trong suốt 6 năm kể từ khi đến Nhật, đây có lẽ là lần đầu tiên xung quanh bạn chỉ toàn người Nhật. Ngoài công việc, cuộc sống đời thường của Quyền thế nào? Bạn có kết thân với những người hàng xóm nơi bạn sống không?

Mình nghĩ rằng có rất ít người nước ngoài trong thành phố của mình. Mình cũng không thân với hàng xóm xung quanh. Thế nhưng, mình luôn chào họ rất to và rõ ràng (cười). Vì vậy mà mình cũng được mọi người đáp lại.

Văn hóa Nhật mà mình yêu thích là “chào hỏi”. Tất nhiên, ở Việt Nam chúng ta cũng thường chào hỏi nhau. Tuy nhiên, ví dụ như ở công ty trước khi ra về, người Việt mình chỉ nói “Tôi về nhé!” còn người Nhật lại có câu “Bạn đã vất vả rồi!”. Sự biết ơn thể hiện trong chính lời chào hỏi của người Nhật như vậy đó.

Nhìn thấy con đường sự nghiệp phía trước

– Quyền đang và sẽ gây dựng sự nghiệp của mình ở Nhật. Vậy bạn có mơ ước gì cho tương lai không?

Thực ra, ở đâu đó trong tâm trí mình, mình hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam và biến cửa hàng của bố mẹ trở thành một siêu thị lớn. Dù sao thì công việc hiện tại của mình cũng rất vui.

Lái xe cùng bạn gái vào ngày nghỉ

– Cuối cùng, Quyền có muốn gửi thông điệp gì tới các bạn du học sinh đang có ý định đến Nhật không?

Mình sang Nhật khi chưa được học nhiều về tiếng Nhật. Thế nhưng, mình nghĩ tốt hơn hết là các bạn nên trau dồi tiếng Nhật đến một trình độ nào đó rồi mới sang đây.

Có rất nhiều cách để chúng ta trau dồi tiếng Nhật, chẳng hạn như làm thêm ở nhà hàng Nhật vì ở Việt Nam cũng có nhiều nhà hàng Nhật, tham gia các sự kiện giao lưu văn hóa để học hỏi thêm về văn hóa Nhật, v.v.. Mình nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là khả năng tiếng Nhật. Chỉ cần có nó, bạn có thể tự làm bất cứ điều gì sau khi sang Nhật.

– Cảm ơn Quyền rất nhiều vì những chia sẻ ngày hôm nay!

Phần kết

Quyền đã chuyển hướng từ lĩnh vực IT mà bạn ấy theo học lúc đầu tại Việt Nam sang ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học ở Nhật, nỗ lực hết mình trong học tập và hiện giờ, bạn ấy đang phát triển từng ngày trong lĩnh vực bán lẻ. Ở Quyền có lòng nhiệt huyết và động lực mạnh mẽ, nó xuất phát từ việc bạn ấy quan sát bố mẹ kinh doanh một cửa hàng nhỏ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phải kể đến lý do rất lớn giúp Quyền có thể thực sự tập trung vào việc học sau khi xác định được chuyên ngành mình muốn theo đuổi chính là có được sự hậu thuẫn từ phía gia đình thông qua việc hỗ trợ chi phí đến Nhật, hay chế độ học bổng ở trường đại học giúp Quyền được miễn học phí từ năm thứ 2.

Khoản nợ lớn trước khi đến Nhật là nguyên nhân khiến nhiều du học sinh buộc phải làm thêm nhiều giờ, vượt quá quy định của pháp luật hoặc bỏ bê việc học. Các khoản phí thường do các công ty môi giới xuất khẩu lao động đặt ra, dù đó là những khoản phí không có trong quy định.

Những du học sinh Việt Nam sang Nhật với nguyện vọng như Quyền sẽ không thể tập trung vào việc học như mong muốn ban đầu nếu phải gánh khoản nợ là chi phí đắt đỏ để sang Nhật. Khoản nợ ấy có thể khiến tinh thần và thể xác kiệt quệ, thậm chí dẫn đến tử vong. Với tư cách là công dân của quốc gia tiếp nhận du học sinh nước ngoài, chúng tôi mong muốn đóng góp phần nào đó để tránh xảy ra tình trạng đáng buồn như thế.

Dự án LIGHTBOAT của chúng tôi ra đời nhằm tri ân những người nước ngoài đã chọn Nhật Bản là nơi sinh sống, học tập và làm việc.

Ngoài các bài viết với nội dung đa dạng, chúng tôi cung cấp tài liệu học e-learning miễn phí liên quan đến ngôn ngữ, văn hoá doanh nghiệp,v.v.. cho những người nước ngoài đang cân nhắc đến Nhật Bản du học hoặc làm việc, để họ có thể cảm thấy thoải mái, tận hưởng công việc cũng như cuộc sống ở Nhật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho các công ty Nhật Bản tiếp nhận người lao động nước ngoài, giúp hai bên thấu hiểu lẫn nhau cũng như cùng chung sống trở nên dễ dàng hơn. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn với những hoạt động tiếp theo trên LIGHTBOAT!

[1] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát hàng năm về tình hình tuyển sinh du học sinh năm 2020”, công bố vào tháng 3/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html(Ngày xem: 20/12/2021)

[2] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Tóm tắt khảo sát về tình hình đời sống của du học sinh tư phí năm 2019”, công bố vào tháng 6/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)

Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát về tình hình nghề nghiệp/bằng cấp của du học sinh năm 2019”, công bố vào tháng 2/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)

[3] Trụ sở phục hồi kinh tế nhật Bản “Chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản 2016 – Hướng đến cuộc cải cách công nghiệp lần thứ 4” (trang 207, công bố ngày 2/6/2016)

https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf(Ngày xem: 20/12/2021)

[4] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Xem xét về giải pháp tuyển dụng lao động nước ngoài lần thứ 4”, (Biên bản thảo luận)

https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 20/12/2021)

[5] Căn hộ bao gồm phòng khách, bếp (cũng là phòng ăn) và 2 phòng ngủ