Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã vượt quá 270.000 người[1].

Theo kết quả khảo sát năm 2019, số sinh viên du học tư phí có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra khác, số sinh viên thực sự có thể ở lại Nhật làm việc là dưới 40%[2]. Như vậy, có trên 50% sinh viên quốc tế vì một lý do nào đó đã từ bỏ ý định xin việc tại Nhật[3].

Nguyên nhân chính được chỉ ra là các bạn du học sinh chưa nắm rõ cơ chế tìm việc làm ở Nhật Bản hay chưa có đủ thông tin cần thiết. Cung cấp thông tin về xin việc và việc làm cho du học sinh là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này[4].

LIGHTBOAT sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh những nội dung liên quan đến phương thức việc làm tại Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến một dự án đặc biệt, chia sẻ những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của anh chị cựu du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật đã lựa chọn ở lại làm việc trong các công ty Nhật.

“Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật?”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.

Chúng tôi hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.
Người phụ trách phỏng vấn lần này là chị Hoàng Thị Thúy Vân (người quản lý dự án) và chị Misawa Mai.

Giới thiệu khách mời phỏng vấn

Họ tênBùi Thu Hằng
Đại họcĐại học Kanagawa (năm 2018)
Học bổng từng được nhậnHọc bổng quỹ Rotary Yoneyama
Công ty hiện tạiCông ty Global Trust Networks Co., Ltd(từ năm 2018)

Lời mở đầu

Hằng đến Nhật năm 10 tuổi, vì lý do công việc của gia đình. Bố mẹ Hằng trở về Việt Nam khi bạn ấy còn đang học cấp 2 nhưng Hằng lựa chọn tiếp tục sống ở Nhật cùng chị gái. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Khoa ngoại ngữ Đại học Kanagawa, Hằng vào làm việc cho một công ty Nhật.

Từ một cô bé hoàn toàn không biết tiếng Nhật, sau đó chuyển đến học tại một trường tiểu học công lập và trải qua quãng đời học sinh sống xa bố mẹ, ở hoàn cảnh ấy, Hằng luôn tự đặt ra mục tiêu cho chính mình. Chúng tôi đã lắng nghe và ghi lại câu chuyện về cuộc sống sinh viên cũng như công việc hiện tại của Hằng với tổng quãng thời gian sống ở Nhật là 15 năm.

Chuyển đến trường tiểu học ở Nhật. Ban đầu, thậm chí không đọc được sách giáo khoa

– Được biết cơ duyên đưa Hằng đến Nhật Bản là bởi công việc của bố. Việc đột ngột chuyển đến trường tiểu học của Nhật trong khi không biết tiếng Nhật thật sự là vất vả đúng không! Hằng đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

Khi sang Nhật, mình đang học lớp 4, tức là 10 tuổi. Mình đã chuyển đến học tại một trường tiểu học công lập ở Tokyo, nơi gần Đại sứ quán nhất. Lúc đầu, mình không đọc được sách giáo khoa và không hiểu chút nào về nội dung giờ học. Phải lên năm lớp 6, mình mới có thể đọc và viết bằng tiếng Nhật.

Mình tham gia một lớp học tiếng Nhật của quận khoảng 1 – 2 lần/ 1 tuần. Tại đó, mình được học thêm về những điều không hiểu trên lớp. Mình cũng có một người bạn Việt Nam trạc tuổi và giống như mình, cô ấy sang đây theo diện gia đình của nhân viên Bộ Ngoại giao được cử sang Nhật làm việc. Chúng mình đến lớp học cùng nhau và trao đổi với nhau về những gì không hiểu ở trường.

Về những khó khăn ngoài chuyện học hành, mình cũng mất thời gian để hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Khi còn học tiểu học ở Việt Nam, có một lớp học để chúng mình có thể giao lưu với người nước ngoài. Khi đó, trẻ em Việt Nam rất hứng thú và chủ động bắt chuyện nên dấu ấn trong mình về việc đón nhận học sinh nước ngoài là như vậy.

Tuy nhiên, ở Nhật, dù một học sinh lớp 4 là người nước ngoài mới chuyển đến, các bạn trong lớp cũng không hay chủ động bắt chuyện. Mọi người đều chơi với bạn bè từ trước của họ và lúc đầu mình cảm thấy thật cô đơn.

Bố mẹ trở về Việt Nam và suy nghĩ về việc tự lập

– Hằng có thể chia sẻ về việc bố mẹ bạn trở về Việt Nam được không?

Bố mình làm việc tại Nhật 3 năm, nhiệm kì của ông kết thúc đúng năm mình tốt nghiệp tiểu học. Hồi đầu mới đặt chân đến Nhật, mình cũng dự định ở lại đây 3 năm.

Thế nhưng, sau khi học hết lớp 6 tiểu học, mình đã có thể đọc và viết tiếng Nhật, lúc đó mình muốn hiểu về Nhật Bản hơn một chút. Chị gái mình cũng đang học đại học nên mình quyết định ở lại Nhật với chị.

– Tư cách lưu trú của Hằng đã thay đổi như thế nào kể từ khi bố mẹ bạn trở về nước?

Mình được chuyển sang diện “Visa gia đình”, với tư cách là người thân của chị gái mình. Khi học lên cấp 3, mình được cấp “Thẻ lưu trú” và mình đã tự xin cấp tư cách lưu trú theo diện “Du học”.

– Vậy cuộc sống ở Nhật của hai chị em thế nào, Hằng có thể chia sẻ được không?

Có niềm vui và cũng có vất vả, tuy nhiên khi nhìn lại mình thấy vất vả nhiều hơn. Đặc biệt là thời gian đầu, thật khó khăn vì chúng mình phải tự làm tất cả mọi thứ từ nấu nướng hay làm việc nhà. Mặc dù đang trong độ tuổi cấp 2 vốn được coi là thời kì nổi loạn nhưng khi đó mình đã nghĩ rằng dù sao mình cũng phải tự lập.

Khi mình học cấp 3, chị gái mình làm việc ở tỉnh Gunma nhưng chị vẫn trở về Tokyo vào cuối tuần vì lo lắng cho mình. Dẫu vậy mình cũng rất cô đơn khi phải xa bố mẹ. Vì không có smartphone như bây giờ, nên mình thường gọi qua máy tính và thật tốt khi mình có thể gọi về nhà cho bố mẹ 1, 2 lần mỗi tuần.

Sau khi về nước, bố mẹ mình ở Việt Nam khoảng 3 năm rồi chuyển sang Mỹ công tác. Mình đã qua Mỹ chơi khoảng 1 tháng. Khi ấy, mình có thể chọn tiếp tục đi học ở Mỹ nhưng mình đã bỏ qua cơ hội này vì không muốn bỏ dở việc học ở Nhật.

– Hằng là một người có ý thức tự lập từ khi còn học cấp 2. Vậy bạn đã trải qua cuộc sống ở trường như thế nào?

Ở trường cấp 2, mình đã có thể nói chuyện với các bạn học xung quanh. Hồi cấp 1 mình không tham gia hoạt động ngoại khóa nào nhưng khi lên cấp 2 thì mình bắt đầu hoạt động câu lạc bộ. Đó là một câu lạc bộ hiếm hoi trong trường và mình đã vào câu lạc bộ nghiên cứu bộ chữ nổi.

Khoảng thời gian này, mình luôn đặt mục tiêu nhất định phải tốt nghiệp đại học ở Nhật và sau đó nghĩ về con đường tương lai của mình. Mình cũng có chia sẻ với bố mẹ về điều này.

Chuyến đi dã ngoại nhân dịp tốt nghiệp năm thứ 3 THPT

Mục tiêu tốt nghiệp đại học ở Nhật

– Đâu là yếu tố quyết định mục tiêu tốt nghiệp đại học ở Nhật của Hằng?

Hồi cấp 2, mình thấy điều đó còn khá mơ hồ nhưng lên cấp 3 mình có quãng thời gian thật sự vui vẻ. Lúc đó, mình đã có được những người bạn cùng vui đùa, cùng đi chơi với mình.

Sau đó, mình cũng ý thức rõ về những gì mình muốn học ở trường đại học và mình muốn tìm hiểu về văn hóa quốc tế. Mình thích đi du lịch nên mình quan tâm cả đến lĩnh vực du lịch và khi nghĩ về chủ đề “xã hội cộng sinh và đa văn hóa”, mình nhận thấy bản thân đã thực sự trải nghiệm cuộc sống đó với tư cách là người trong cuộc.

Mình nghĩ công việc của bố tại Đại sứ quán cũng có ảnh hưởng nhất định đến mình. Sau khi đến Nhật, mình dần hiểu được công việc của bố và bắt đầu quan tâm đến giao lưu quốc tế.

– Vậy Hằng đã theo học chuyên ngành quốc tế ở trường đại học đúng không?

Đúng vậy, mình đã thi vào Đại học Kanagawa, Khoa Ngoại ngữ, Chuyên ngành Giao lưu văn hóa quốc tế (hiện tại, Khoa Nhật Bản Quốc tế mới được thành lập và Chuyên ngành Giao lưu văn hóa quốc tế được chuyển về đó). Thật là vui khi có thể học những gì mình muốn học. Mình cũng có bạn bè là những người học cùng.

Mình đăng ký Zemi với hai chủ đề. Một là “Xã hội cộng sinh và đa văn hóa”, hai là “Cảnh quan ngôn ngữ”[5]. Từ năm thứ 2, mình đã quan tâm đến ký hiệu ngôn ngữ trong thành phố và nghiên cứu về chúng trong các giờ Zemi “Cảnh quan ngôn ngữ”.

Thời điểm đó mình sống ở Shin-Okubo, nơi được biết đến là khu phố Hàn ở Nhật và cũng là một khu vực đa quốc gia vì có rất nhiều người ngoại quốc sống ở đó. Khu phố này có các cửa hàng cửa hiệu của nhiều nước khác nhau và bảng hiệu của họ thường được viết bằng nhiều thứ tiếng khiến mình chú ý.

Chẳng hạn như trên bảng hiệu của một tiệm giặt tự động sẽ có khoảng 10 loại ngôn ngữ. Mình cũng đã viết luận văn tốt nghiệp về chủ đề bảng hiệu quanh khu vực Shin-Okubo.

– Thật tuyệt khi Hằng đã tìm thấy chủ đề của riêng mình và miệt mài nghiên cứu. Ngoài việc học tập, cuộc sống của bạn thế nào? Bạn có tham gia câu lạc bộ thể thao hay đi làm thêm không?

Mình có đến thăm một số câu lạc bộ thể thao nhưng mình có ấn tượng rằng họ uống rất nhiều rượu nên mình không tham gia. Các hoạt động thể thao hay câu lạc bộ không phổ biến ở các trường học Việt Nam nhưng vì đã sống ở Nhật một thời gian dài nên mình không cảm thấy lạ lẫm với cách thức hoạt động cũng như bầu không khí của từng câu lạc bộ.

Mình đi làm thêm từ khi học năm thứ 2 THPT. Khi ấy, mình làm việc ở một cửa hàng tiện lợi và khi lên đại học thì mình làm thu ngân trong một trung tâm thương mại.

– Được biết Hằng có nhận được học bổng lúc đi học, bạn đã tự tìm kiếm học bổng đó phải không?

Mình cũng đã tìm hiểu về học bổng nhưng mãi mà không tìm được học bổng nào phù hợp với bản thân. Vừa hay lúc đó, mình nhận được cuộc gọi từ phòng công tác sinh viên của trường đại học. Ban đầu, mình cuống lên vì nghĩ rằng mình đã gây ra vấn đề gì đó (cười).

Tại đây mình đã được giới thiệu về Quỹ học bổng tưởng niệm Rotary Yoneyama (gọi tắt là Học bổng Rotary Yoneyama). Học bổng này không tiếp nhận cá nhân ứng tuyển nhưng nhờ có sự tiến cử của trường nên mình được tham gia phỏng vấn và nhận được học bổng.

Việc giới thiệu học bổng này cũng cho thấy Đại học Kanagawa là một trường luôn hỗ trợ tận tình cho các sinh viên nước ngoài. Trong trường còn có một trung tâm quốc tế để hỗ trợ sinh viên đi du học từ Nhật Bản và sinh viên đến Nhật Bản du học.

Đôi nét về Quỹ học bổng Rotary Yoneyama
・ Được thành lập vào năm 1952. Là một tổ chức tư nhân hỗ trợ học bổng cho sinh viên nước ngoài cư trú tại Nhật Bản.
・ Tổng số 21,023 sinh viên đã được nhận học bổng. Các sinh viên này đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến tháng 7/2019). Đây là quỹ học bổng tư nhân lớn nhất tại Nhật Bản.
・ Có khoảng 2.300 câu lạc bộ Rotary trên toàn nước Nhật và các sinh viên nhận học bổng sẽ giao lưu, trao đổi với các thành viên khác tại “Sewa Club” của quỹ.

Hoạt động tìm việc, lần đầu tiên do dự về nước hay ở lại

– Hằng thật xuất sắc khi được trường đại học giới thiệu học bổng. Mặc dù vậy, có vẻ như bạn vẫn gặp khó khăn trong quá trình tìm việc phải không?

Trong thời gian tìm việc, mình băn khoăn không biết nên ở lại Nhật hay về Việt Nam. Bản thân mình cũng tìm việc giống như các sinh viên Nhật khác. Ngoài ra, mình có sử dụng một số trang web tuyển dụng dành cho du học sinh nước ngoài. Vì mình học về giao lưu quốc tế nên mình muốn tìm một công việc mà mình có thể làm cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Ban đầu, mình bắt tay vào tìm kiếm việc làm để tiếp tục ở lại Nhật, nhưng mọi thứ không diễn ra như mình mong đợi. Khi đó, mình nghĩ rằng mình có thể làm những việc mình muốn, ngay cả khi trở về Việt Nam mà không phải ở Nhật.

Thế rồi lúc ấy, mình chợt nhớ đến Global Trust Networks Co., Ltd. Công ty này mình đã làm part time một thời gian khi còn học đại học và giờ là công ty mình làm việc chính thức. Mình ứng tuyển vì cảm thấy công ty quan tâm đến sự xã hội cộng sinh đa văn hóa ở Nhật và tại đây mình có thể làm việc bằng cách tận dụng thế mạnh tiếng Nhật và tiếng Việt của bản thân.

– Được biết chị gái của Hằng cũng đang làm việc ở công ty này, vậy công việc part time của bạn có phải do chị gái giới thiệu không?

Không đâu, việc chị mình được nhận vào làm và việc mình đến làm part time cho công ty tình cờ xảy ra cùng thời điểm. Khi đến công ty, mình đã rất ngạc nhiên vì có chị gái ở đó (cười). Sau khi tốt nghiệp, mình lại trở thành nhân viên chính thức của công ty. Bố mẹ mình rất yên tâm khi hai chị em làm cùng một chỗ.

– Hằng đã vào làm việc ở công ty được 3 năm rồi, vậy công việc hiện tại của bạn là gì?

Mình tham gia vào mảng kinh doanh di động, chuyên cung cấp SIM điện thoại di động cho người nước ngoài sống ở Nhật. Công việc chính của mình là xử lý các câu hỏi của khách hàng qua mail, điện thoại, SNS, v.v.. Vào thời điểm này trong năm, mình thường lên kế hoạch cho các chiến dịch cuối năm hay Giáng Sinh, v.v..

– Hằng có gặp khó khăn gì trong công việc không?

Mình làm việc trong một nhóm có nhiệm vụ hỗ trợ ngôn ngữ 6 quốc gia, gồm có tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Indonesia và tiếng Nepal. Tất cả nhân viên nhóm mình đều là người nước ngoài. Vì ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người khác nhau nên ngôn ngữ chung của chúng mình là tiếng Nhật.

Vì là người nước ngoài sử dụng tiếng Nhật với nhau, chúng mình cần lựa chọn cẩn thận từ ngữ để truyền đạt chính xác và tránh gây hiểu nhầm. Bản thân mình học tiếng Nhật cũng lâu rồi nhưng đôi khi việc giao tiếp vẫn không hiệu quả và mình cảm thấy thật khó để cải thiện.

Lễ tốt nghiệp Đại học

Mục tiêu mới, không chỉ dừng lại ở tốt nghiệp đại học

– Quả thật là Hằng đang làm việc bằng cách tận dụng thế mạnh tiếng Nhật và tiếng Việt của mình. Vậy bạn có hình dung thế nào về sự nghiệp mà bạn muốn theo đuổi trong tương lai?

Mình được giao vị trí trưởng nhóm trong bộ phận hiện tại. Tính ra mình cũng đã ra trường và đi làm được vài năm rồi. Mình muốn trở thành một người có khả năng dẫn dắt mọi người và tiến về phía trước.

Công ty của mình đang phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau nên mình cảm thấy có rất nhiều cơ hội thử thách. Công ty cũng có chi nhánh ở Việt Nam và mình thấy có triển vọng trong tương lai. Mình sẽ cố gắng hết sức!

Ngày còn nhỏ, mình không ở bên bố mẹ nhiều nên một ngày nào đó mình muốn về Việt Nam và sống cùng bố mẹ như một cách bày tỏ lòng hiếu thảo. Mình muốn đi du lịch cùng với bố mẹ.

– Như vậy, thời điểm hiện tại, Hằng vẫn muốn tiếp tục nỗ lực và làm việc ở Nhật đúng không? Bạn có điều gì muốn thực hiện khi ở Nhật không?

Mình thích du lịch và mình muốn đi vòng quanh Nhật Bản. Nếu nói đến các địa phương ở Nhật, mình mới chỉ đi khoảng 10 tỉnh. Mình chưa bao giờ đến Kyushu nên mình muốn thử đi du lịch ở Fukuoka chẳng hạn.

– Cuối cùng, Hằng có thể gửi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn du học sinh đang có ý định làm việc tại Nhật Bản được không?

Mình nghĩ việc chuẩn bị trước là vô cùng quan trọng. Tốt hơn hết là các bạn nên suy nghĩ về định hướng và ngành nghề mà bạn muốn theo đuổi trước khi lên năm 3 đại học.

Sau đó, hãy đi thực tập. Mình đã không đi thực tập và cảm thấy hối hận vì lẽ ra mình nên làm như vậy. Mình nghĩ sẽ là một lợi thế nếu các bạn có thể đi thực tập và biết được một công ty Nhật là như thế nào.

– Cảm ơn Hằng rất nhiều vì những chia sẻ ngày hôm nay!

Phần kết

Hằng đến Nhật khi còn là một học sinh tiểu học, đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học ở Nhật và đã hoàn thành mục tiêu đó. Do tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ nên bạn ấy đã gặp khá nhiều khó khăn để bắt nhịp với cuộc sống học đường và theo kịp việc học như các bạn cùng lớp.

Điểm tựa của Hằng chính là ý nghĩ “Mình không muốn khép lại cuộc sống ở Nhật nửa chừng nửa vời”, ý chí tự lập, sự hứng thú đối với “xã hội cộng sinh đa văn hóa”, đặc biệt ước mơ “trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản” đang dần trở thành hiện thực.

Mới chỉ bắt đầu xây dựng sự nghiệp nhưng ở Hằng đã hình hành tư duy linh hoạt và sự tận tâm bởi từ nhỏ, Hằng đã có cơ hội quan sát xã hội Nhật Bản từ bên ngoài, tiếp nhận nó một cách tự nhiên, để rồi chọn sống ở Nhật và dần hòa nhập với cuộc sống đó. Chúng tôi cảm nhận rằng Hằng đã được nuôi dưỡng và trưởng thành bởi chính những trải nghiệm như vậy.

Có lẽ Hằng đã và đang đóng vai trò cầu nối Việt – Nhật thông qua chính công việc bạn ấy làm và qua bài phỏng vấn này. Thông qua dự án LIGHTBOAT, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các dịch vụ khác nhau để có thể cung cấp thông tin hữu ích mà Hằng chính là một nhịp cầu nối đến các bạn.

Tái bút: đôi nét về “Những đứa trẻ dịch chuyển”

Sau khi nghe câu chuyện của Hằng, ban biên tập đã có cơ hội tìm hiểu về những trẻ em sang Nhật vì lý do gia đình từ khi còn nhỏ giống như Hằng, hay những trẻ em sinh ra ở Nhật – thế hệ thứ hai trong gia đình có bố mẹ là công dân nước ngoài.

Tính đến năm 2018, ở Nhật có hơn 40,000 trẻ em nước ngoài cần hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật[6]. Ngoài ra, đối với trường hợp đã tốt nghiệp trung học và tìm được việc làm nhưng vẫn cần hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật thì có đến 40% trong đó đang làm công việc thời vụ, tỷ lệ những người không học tiếp hoặc không đi xin việc chiếm đến 20%[7].

Kể từ những năm 1980, khi số lượng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản tăng lên nhanh chóng, số lượng trẻ em được gọi là “trẻ em dịch chuyển”[8] cũng tăng lên. “Những đứa trẻ dịch chuyển” là những đứa trẻ sống trong môi trường đa ngôn ngữ do hoàn cảnh gia đình và không hiếm trường hợp như Hằng, những đứa trẻ này không thể chủ động lựa chọn quốc gia để sinh sống.

Trong đó có không ít trường hợp mà các em không thể tiếp thu hiệu quả cả ngôn ngữ mẹ đẻ và cả ngôn ngữ tiếng Nhật bởi các em chưa đạt đến độ tuổi tiếp thu đầy đủ nhiều ngôn ngữ cùng lúc và vô hình chung “lỗ hổng bị nhân lên gấp đôi”.

Nhật Bản đang tích cực thu hút nguồn nhân lực nước ngoài do vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn không chỉ về những người đến Nhật làm việc mà mà cả những đứa trẻ sang Nhật cùng gia đình và cùng chung sống, để xem cần thực hiện những hình thức hỗ trợ như thế nào. Đây cũng chính là quá trình hiện thực và tiến đến “xã hội cộng sinh đa văn hóa”, cũng là chuyên ngành Hằng từng theo học.

Những tổn thất phát sinh từ xã hội cộng sinh đa văn hóa là hoàn toàn không đáng có. Sắp tới, dự án LIGHTBOAT của chúng tôi sẽ tăng cường cung cấp tài liệu học e-Learning để phục vụ nhu cầu học tiếng Nhật. Đặc biệt, khi “những đứa trẻ dịch chuyển” đến độ tuổi cần phải suy nghĩ về tương lai, việc tạo ra môi trường học tập miễn phí là điều vô cùng cần thiết. Chúng tôi mong muốn mang đến cơ hội học tập mà ở đó mọi người ở mọi lứa tuổi có thể vượt qua “lỗ hổng gấp đôi” và lựa chọn ở lại Nhật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cuộc sống và công việc của những người nước ngoài ở Nhật Bản trở nên thú vị hơn thông qua học tập và hiểu biết. Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bạn trong những hoạt động tiếp theo của LIGHTBOAT!

[1] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát hàng năm về tình hình tuyển sinh du học sinh năm 2020”, công bố vào tháng 3/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html(Ngày xem: 20/12/2021)

[2] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Tóm tắt khảo sát về tình hình đời sống của du học sinh tư phí năm 2019”, công bố vào tháng 6/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)

Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát về tình hình nghề nghiệp/bằng cấp của du học sinh năm 2019”, công bố vào tháng 2/2021.

https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)

[3] Trụ sở phục hồi kinh tế nhật Bản “Chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản 2016 – Hướng đến cuộc cải cách công nghiệp lần thứ 4” (trang 207, công bố ngày 2/6/2016)

https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf(Ngày xem: 20/12/2021)

[4] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Xem xét về giải pháp tuyển dụng lao động nước ngoài lần thứ 4”, (Biên bản thảo luận)

https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 20/12/2021)

[5] Ký tự ngôn ngữ trong không gian công cộng. Ví dụ: Bảng hiệu, áp phích, biển báo, v.v..

[6] Về kết quả “Khảo sát tình hình tiếp nhận học sinh tiểu học có nhu cầu được giảng dạy tiếng Nhật” của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ

https://www.mext.go.jp/b_menu/houdou/31/09/1421569_00001.htm (Ngày xem: 28/12/2021)

[7] Như trên

[8] Ikuo Kawakami viết và biên soạn, “Những đứa trẻ dịch chuyển” và Giáo dục ngôn ngữ Nhật Bản – Suy nghĩ về giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em không nói tiếng Nhật như ngôn ngữ mẹ đẻ”, Akashi Shoten, năm 2006