Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Số lượng du học sinh tính tới ngày 1 tháng 5 năm 2020 hiện nay đã vượt quá 270 nghìn người[1]. Kết quả khảo sát năm 2019 hướng tới đối tượng là du học sinh tự túc, chỉ ra rằng hơn phân nửa số du học sinh có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, kết quả cuộc khảo sát cũng chỉ ra thực tế tỉ lệ có thể tìm được việc làm của du học sinh chỉ dưới 40%[2]. Chính phủ cũng từng bàn luận rất nhiều khi nêu ra mục tiêu để tỉ lệ du học sinh có thể tìm được việc tăng lên trên 50%[3]. Vấn đề chủ yếu từ phía du học sinh được đưa ra đó là việc không hiểu rõ cách thức của hoạt động tìm việc làm ở Nhật và không được truyền đạt những thông tin quan trọng[4].

Trước những bất cập như thế, LIGHTBOAT sẽ cung cấp những bài viết nhằm giới thiệu đến du học sinh cách thức tìm việc làm ở Nhật. Một phần trong số đó chính là những bài viết chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị du học sinh đã từng có trải nghiệm tìm việc làm tại Nhật.

 “Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.

Lần này, chúng mình đã phỏng vấn bạn Sai Shouei, nữ du học sinh người Trung Quốc vừa tốt nghiệp Đại học Sophia. Hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.

Người phụ trách phỏng vấn: chị Hoàng Thị Thúy Vân, anh Hyuga Taisuke và chị Koike Ayuko.

Giới thiệu khách mời phỏng vấn

Họ tênSai Shouei
Quê quánTrung Quốc
Tốt nghiệp đại họcĐại học Sophia (năm 2023)
Số năm ở Nhật6 năm
Tên công ty tuyển dụngCông ty cổ phần Proox

Lời mở đầu

Bạn Sai là du học sinh đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi học tập tại trường tiếng Nhật, bạn đã nhập học Đại học Sophia, ngành báo chí (thuộc Khoa Văn học)[5]. Sai sẽ ở lại Nhật làm việc theo đúng nguyện vọng ban đầu tại một công ty chuyên về thiết kế video quảng cáo sau khi tốt nghiệp.

Khi còn là du học sinh, Sai luôn nỗ lực để giao lưu với cộng đồng người Nhật. Trong trường đại học, bạn tham gia hết mình ở câu lạc bộ ngoại khóa và trải qua khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa. Sai chia sẻ rằng kinh nghiệm ở câu lạc bộ cũng giúp ích rất nhiều cho hoạt động tìm việc.

Với Sai, hoạt động tìm việc có những điều không thể hiểu nổi, nhưng chính sự không cam lòng đó là động lực thúc đẩy, bạn đã tìm ra điều bản thân mình thực sự muốn làm. Hãy cùng nghe câu chuyện về cuộc sống du học sinh và hoạt động tìm việc ở Nhật của Sai – người luôn lạc quan cầu tiến, có thể nói tiếng Nhật trôi chảy không thua gì người bản xứ!

Muốn thử thách bản thân ở nước ngoài, quyết tâm du học Nhật

‐ Hãy cho chúng mình biết cơ duyên nào đã khiến Sai có suy nghĩ muốn tới Nhật để du học?

Cơ duyên đó là vì mình luôn có suy nghĩ muốn thử thách bản thân ở nước ngoài. Mình nghĩ rằng nếu cứ ở mãi Trung Quốc thi cấp 3 rồi học lên đại học, sẽ thật uổng phí và sống một cuộc đời nhàm chán mất.

Công việc cũng vậy, dù bố mẹ của mình khá bảo thủ đấy, họ có quan điểm rằng phải làm việc ở quê nhà, kết hôn với người cùng quê, rồi trải qua cuộc sống lúc về già ở quê, nhưng mình thì không muốn trải qua một vòng lặp cuộc sống như thế.

Vì vậy, ngay từ đầu mình đã hi vọng có thể tìm được việc làm ở Nhật. Cũng vừa hay mình có học tiếng Nhật hồi cấp 3, nên quyết định du học Nhật, một nước khá gần Trung Quốc.

– Trước khi tới Nhật bạn đã có trình độ tiếng Nhật như thế nào?

Ban đầu mình đã lấy được chứng chỉ JLPT N2 rồi. Sau đó, trước khi tới Nhật mình đã lấy được N1.

Vì thích anime Nhật Bản từ hồi học cấp 2, mình đã tự học 50 âm tiết tiếng Nhật. Nhưng mình chính thức bắt đầu học tiếng là khi vào lớp 10 ở lớp học thêm và sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình đi du học và học thêm 2 năm tại một trường tiếng Nhật ở Tokyo.

Ăn tối cùng các bạn sau buổi lễ tốt nghiệp trường tiếng Nhật
(Sai ngồi thứ 4 bên tay phải, và ngồi đối diện là cô giáo chủ nhiệm)

Cú sốc văn hóa đầu tiên, và sau đó cháy hết mình với bộ môn dancesport

– Cuộc sống sinh viên của bạn thú vị chứ?

Trong chuyên ngành báo chí, các môn học chủ yếu là tin tức, báo chí, ngoài ra còn có truyền thông đại chúng như quảng cáo hay PR. Ở tầng hầm của trường đại học có phòng thu, nơi có tiết học về đăng video, ngoài ra mình học các môn chung trong trường đại học.

Lễ nhập học ở Đại học Sophia

Mình còn tham gia câu lạc bộ ngoại khóa ở trường. Từ hồi còn nhỏ, mình đã học múa cổ truyền của Trung Quốc, và nghĩ rằng nếu vào đại học sẽ tham gia một câu lạc bộ liên quan đến nhảy múa, mình quyết định vào câu lạc bộ khiêu vũ thể thao.

Hoạt động ở câu lạc bộ (tiếng Nhật gọi tắt là bukatsu)[6] rất bận rộn, mỗi ngày mình đều phải luyện nhảy. Văn hóa của câu lạc bộ liên quan đến thể dục thể thao ở Nhật khá đặc biệt, cực kỳ khắc nghiệt đấy. Khi vào câu lạc bộ, ban đầu mình đã bị sốc văn hóa.

– Bạn đã bị sốc văn hóa ở mặt nào?

Mối quan hệ cấp trên – cấp dưới hồi đó rất gay gắt. Vốn dĩ trong tiếng Trung không có kính ngữ phức tạp như tiếng Nhật, ở trường cấp 3 mình có thể dùng ngôn từ thân thiết với anh chị lớp trên, đó là mối quan hệ “cân bằng”. Dù đã từng xem anime của Nhật và có hình dung trước về quan hệ cấp trên – cấp dưới, tuy nhiên giờ mình mới thực sự thấm thía “à, hóa ra nó là như thế này!”.

Phải mất nửa năm mình mới quen được và 4 năm qua, những cốt cách của “hội thể dục thể thao” chắc đã ngấm vào máu mình (cười).

Một sự kiện ở trường Đại học Sophia: Ngày Yukata (Sai đứng thứ 2 từ trái sang)

– Học kính ngữ trong tiếng Nhật rất khó phải không?

Mình có thể hiểu thể “desu/masu”, nhưng không giỏi khiêm nhường ngữ và tôn kính ngữ đâu. Đối với thầy cô mình cũng chỉ sử dụng trong tầm hiểu biết của bản thân thôi.

– Câu lạc bộ hầu hết toàn người Nhật phải không? Bạn đã từng tham gia cộng đồng người nước ngoài ở Nhật chưa?

Đúng là câu lạc bộ gần như toàn người Nhật thôi. Mình chưa từng tham gia cộng đồng của người nước ngoài. Mình nghĩ nếu vào Hội du học sinh thì sẽ có cộng đồng người Trung Quốc và nói tiếng Trung, nhưng mình ưu tiên cho việc nhảy múa, mình cũng có chút e ngại không muốn tham gia vào cộng đồng nói cùng loại ngôn ngữ vì đã cất công đến Nhật như thế này.

Tổng duyệt cho tiệc hóa trang Haloween năm 2022
(Sai đứng hàng cuối thứ 4 từ bên phải sang)

Chìa khóa thành công – “kể được câu chuyện của chính mình”

Tham dự thi đấu dancesport

– Bạn đã chuẩn bị gì cho hoạt động tìm việc làm?

Trong quá trình tìm việc, dù đã trải qua quá trình “thử và sai” như viết ES[7] hay phỏng vấn giả định, nhưng điều mình chuyên tâm nhất vẫn là hoạt động câu lạc bộ. Trường hợp của mình là câu lạc bộ nhưng ngoài ra, các bạn có điều gì tâm huyết nhất thời sinh viên, chẳng hạn như làm thêm cũng được, bạn có thể ghi điều này vào ES. Và nó cũng tùy vào việc bạn đã chuyên tâm đến đâu nữa.

– Cụ thể thì bạn đã bắt đầu hoạt động tìm việc từ lúc nào vậy?

Mình bắt đầu hoạt động tìm việc khá muộn. Sinh viên năm 3 có vai trò lớn trong hoạt động của câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, và do đại dịch Covid-19 nữa nên số lượng thành viên ít đi khiến mình vất vả hơn.

Những bạn bè cùng khóa người Nhật xung quanh mình đã nộp đơn đăng ký đi thực tập, vì vậy mình cũng biết đến việc có chương trình thực tập, nhưng mình đã không đi bất kỳ chỗ nào. Ở sân khấu vào tháng 12 khi đã có người thay thế, lúc này mình mới chính thức bắt đầu hoạt động tìm việc làm.

– Dù biết nhưng bạn vẫn không đi thực tập nhỉ. Lúc đó bạn không lo lắng sao?

Mình đã nghĩ rằng thực tập không phải là tiêu chuẩn tuyển chọn. Với trường hợp của mình, mình cũng không có suy nghĩ kiểu “Nếu không phải công ty lớn mình sẽ không vào đâu!”, nên mình thấy vẫn ổn dù không đi thực tập.

– Thực tế bạn đã tiến hành hoạt động xin việc như thế nào vậy? Chia sẻ về quá trình cho chúng mình nhé.

Vì có khá ít công ty có quy chế riêng cho du học sinh, nên mình đã tiến hành hoạt động xin việc, quy chế và các bước giống hệt người Nhật. 

Từ khoảng tháng 12, tháng 1 mình bắt đầu tham gia các buổi giới thiệu về công ty, viết và nộp ES. Sau đó, mình tìm kiếm công ty bằng cách sử dụng những trang web về thông tin tuyển dụng như My Navi. Mình đã quyết định sẵn phương hướng những công việc mình muốn làm và công ty muốn ứng tuyển, vì vậy mình đã tập trung tra cứu theo hướng đó.

Cơ bản là ngay từ đầu mình muốn được làm việc phòng/ban kế hoạch, mình muốn dùng phương tiện truyền thông để quảng bá sản phẩm. Mình từng ứng tuyển ở một công ty về mỹ phẩm, dù có một môi trường làm việc tốt nhưng tiếc là mình đã bị trượt ở vòng phỏng vấn đầu tiên.

Mình đã xem xét lại vì sao lại như vậy, rút kinh nghiệm khi phỏng vấn. Nhờ đó, mình nhận ra rằng có lẽ nhà tuyển dụng đã nhìn thấu bản thân, “Không phải công ty của chúng tôi cũng được”. Từ đấy, mình đã có thể sửa đổi phương hướng, vốn dĩ chỉ tập trung vào những công ty quảng cáo hay PR, giờ mình xác định rõ hơn, “Tại sao nhất định phải là công ty này!”

Việc trượt ở vòng phỏng vấn trở thành cơ hội tốt, giúp mình suy nghĩ kỹ xem điều mình muốn làm và có thể thực hiện được ở công ty đó hay không.

Điều mình thấy bối rối ở hoạt động tìm việc là, họ ghi “trang phục tự do” nhưng đến địa điểm tuyển dụng mọi người đều mặc âu phục (suit). Những nơi mình ứng tuyển hầu hết liên quan đến quảng cáo hoặc truyền thông, vì thế nhiều công ty quy định mặc thường phục, nhưng mọi người đều ý thức là trang phục đi làm (bộ đồ vest) và mặc chúng.

– Ở trường hợp của Sai, mình nghĩ bạn có lợi thế đó là có thể nói tiếng Trung, ngoài ra bạn còn có điểm mạnh nào riêng của du học sinh không?

Mình có chứ. Mình đã thể hiện rằng nếu có những dự án liên quan đến Trung Quốc, mình sẽ đảm nhận và mở rộng tiếp thị sang Trung Quốc. Sau đó, mình cũng nhấn mạnh về tinh thần ưa thử thách khi qua nước ngoài học tập và làm việc cũng như điểm mạnh của mình.

– Bạn có bí quyết thành công riêng trong hoạt động tìm việc làm không?

Đó chính là hãy xem xét cẩn thận kỹ lưỡng “bản thân mình muốn làm gì ở công ty đó?”. Mình nghĩ nên nhờ các anh chị đã đi làm đọc ES, nghe lời khuyên và cảm nghĩ của họ. Mình đã nhận được nhiều lời khuyên từ những anh chị ở câu lạc bộ, những người học cùng ngành với mình.

Ngoài ra, mình cũng tích cực tận dụng Trung tâm việc làm ở trường đại học. Họ giúp mình chỉnh sửa ES cũng như phỏng vấn thử. Ngoài ra, mình cũng sử dụng hãng đại diện của học sinh hội thể dục thể thao. Việc chỉnh sửa ES mình cũng nhờ tới thầy cô ở trường tiếng Nhật mình từng theo học.

Sau đó, mình thường sử dụng My Navi và Shukatsu Kaigi (Hội nghị tìm việc làm) để thu thập thông tin. Trên Shukatsu Kaigi có đăng những kinh nghiệm thực tế, mình có thể biết những người thi đỗ đã chuẩn bị gì cho phỏng vấn lần 1, lần 2 nên mình tham khảo và học hỏi được rất nhiều.

Nói đến bí quyết thành công, mình nghĩ sẽ dễ viết ES hơn nếu thời sinh viên các bạn từng dành hết tâm huyết làm việc gì đó, bạn có thể kể lại câu chuyện của mình không, điều đó tuyệt đối quan trọng.

– Câu chuyện của Sai là như thế nào?

Mình đã viết về những điều ở câu lạc bộ. Mình nghĩ việc liên quan đến điều hành câu lạc bộ trong vòng một năm hồi mình học năm 3 thật sự là kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra mình cũng viết về việc tham dự các giải đấu. Mình đã viết câu chuyện về quyết định điều mình muốn làm, quyết tâm nỗ lực làm như thế nào và lấy nó để PR bản thân.

Tham dự giải đấu dancesport Akitobu và giành những thứ hạng cao: giành giải 3 bộ môn khiêu vũ điệu Valse, và giải tư ở điệu Foxtrot

– Bạn nhận được quyết định tuyển dụng từ công ty như thế nào vậy?

Một công ty khởi nghiệp chuyên về video quảng cáo, chính xác đó là công ty quảng cáo. Mình làm ở bộ phận kế hoạch, nhưng mình nghĩ cũng có những công việc kiểu làm sales nữa. Có thể hình dung công việc của mình là bắt đầu từ việc đặt lịch hẹn, tìm hiểu xem khách hàng đang gặp phải vấn đề gì, quyết định xem cần quay video như thế nào, sau đó thì đặt hàng thiết kế video ở một công ty khác.

Đây là công ty phù hợp nguyện vọng và cũng thực hiện được điều mình muốn làm. Kết quả nói ngắn gọn là, cuối cùng vì đây chính là công ty mình muốn đến làm việc nhất, nên mình đã hoàn tất hoạt động tìm việc.

– Kế hoạch và triển vọng sự nghiệp sau này của Sai như thế nào, có thể chia sẻ cho chúng mình chứ?

Dù nói là kế hoạch cho sự nghiệp tương lai nhưng đầu tiên mình vẫn muốn thử thách những thứ bản thân có thể làm được. Sau đó, mình muốn thử sức với những công việc khó hơn nữa. Mình là kiểu người làm thử trước rồi mới suy nghĩ, nên tạm thời mình vẫn làm việc thử xem sao, nếu như không phù hợp với bản thân thì mình sẽ suy nghĩ lại.

Hiện tại mình đã nghỉ câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, điều cuối cùng mình muốn làm đó là giúp câu lạc bộ được mọi người biết đến nhiều hơn và hi vọng họ có thể trở thành một thành viên của câu lạc bộ.

Xuất phát điểm như người Nhật, tận dụng điểm mạnh của bản thân

Luôn tươi cười niềm nở ở chỗ làm thêm

– Bạn có nghĩ cuộc sống ở Nhật phù hợp với tính cách của bản thân mình hay không?

Ban đầu mình đã không thể hiểu rõ được kiểu “người Nhật bình thường” là như thế nào. Mỗi người đều có tính cách khác nhau, thế giới đang tiến tới toàn cầu hóa vì thế mình đã không suy nghĩ nhiều. Trong hoạt động tìm việc cũng vậy, không phải cách nhìn đây là công ty Nhật Bản, mà mình đã nhìn nhận nét đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp. Mình cảm thấy công ty mình nhận được naitei (quyết định tuyển dụng) hiện nay là phù hợp với bản thân.

– Bạn có gặp khó khăn gì khi tìm việc làm ở Nhật không?

Mình nghĩ vì tiếng Nhật của mình khá ổn nên cũng không khó khăn gì cả. Mình nghĩ nếu các bạn hiểu được tiếng Nhật thì các bạn cũng có thể đặt câu hỏi, vì vậy tốt nhất hãy hỏi ai đó nếu gặp khó khăn.

– Bạn hãy gửi lời nhắn nhủ cho những bạn du học sinh cũng đang có ý định tìm việc làm tại Nhật nhé.

Nếu bạn học ở đại học, thay vì vào một cộng đồng có những người cùng quốc gia với mình, mình nghĩ tốt hơn là vào cộng đồng của người Nhật. Trải qua 4 năm, bạn cũng quen với văn hóa Nhật Bản và dĩ nhiên cũng quen thuộc với tiếng Nhật, cuối cùng thì bạn cũng có thể đứng chung vạch xuất phát với người Nhật.

Trong 4 năm đại học, hãy chuyên tâm và hết mình làm một điều gì đó, suy nghĩ xem những kinh nghiệm thu được ở đó có thể tận dụng vào ES không, và tích cực xin lời khuyên của những người xung quanh.

Điều cuối cùng và không kém phần quan trọng đó là: đừng mất tập trung kể cả khi đã nhận được naitei! Tiến hành thủ tục chuyển đổi tư cách lưu trú càng sớm càng tốt! Mình đã gây phiền toái cho bộ phận nhân sự chỉ vì sự bất cẩn của mình. Những cũng nhờ thế, mình thấy may mắn vì tìm được công ty tốt!

Phần kết

Bạn Sai từ lâu đã có hứng thú với những chủ đề văn hóa như là anime và manga. Sai từ bỏ vòng lặp cuộc sống ở đất nước của mình và quyết tâm thử thách bản thân ở nước ngoài. Và bạn đã đến Nhật du học, tiến hành hoạt động tìm việc làm hoàn toàn giống người Nhật, cuối cùng đã có thể nhận được quyết định tuyển dụng từ công ty theo đúng nguyện vọng.

Khả năng ngôn ngữ tiếng Nhật lưu loát thi thoảng lại pha trò khi chính là thành quả học tập miệt mài của Sai trước khi đến Nhật.

Tuy vậy, Sai không hề ỷ lại vào khả năng tiếng Nhật của mình, mà từ khi đến Nhật bạn dụng tâm đặt bản thân mình vào trong cộng đồng người Nhật, cảm nhận thực tế không chỉ tiếng Nhật mà còn văn hóa Nhật, mang tâm thế sẵn sàng học hỏi.

Trong quá trình phỏng vấn, bọn mình có thể nhận thấy tính cách cởi mở lạc quan của Sai qua câu nói: “Nếu có gì không hiểu cứ hỏi mọi người là ổn thôi!”. Có lẽ đây là sự chuẩn bị cần thiết cho mọi du học để cuộc sống ở một đất nước xa lạ trở nên phong phú hơn.

Ngoài ra, chúng mình cảm thấy bí quyết thành công trong hoạt động tìm việc của bạn Sai: “Khi còn là sinh viên, hãy chuyên tâm vào một điều gì đó, hãy kể lại câu chuyện đó, của chính mình!”, không chỉ đúng với các bạn du học sinh mà mà cả những bạn đã đi làm.

LIGHTBOAT tiếp tục đồng hành cùng các bạn du học đang tìm kiếm việc làm và mang đến những thông tin hữu ích cho các bạn.

Xem bài viết bằng tiếng Nhật: https://lightboat.lightworks.co.jp/article/job-hunting-in-japan-interview6


[1] Tổ chức hỗ trợ học sinh Nhật Bản (JASSO) “Kết quả điều tra tình hình du học sinh người nước ngoài đang học tập năm 2020 (Reiwa 2)”, công bố tháng 3 năm 2021 https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html (Ngày xem: 09/03/2023)

[2] Tổ chức hỗ trợ học sinh Nhật Bản (JASSO) “Tóm tắt điều tra tình trạng thực tế sinh hoạt của du học sinh tự túc người nước ngoài năm 2019”, công bố tháng 6 năm 2021, https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 09/03/2021)

Tổ chức hỗ trợ học sinh Nhật Bản (JASSO) “Kết quả điều tra tình hình lộ trình tương lai/Phong tặng học vị của du học sinh nước ngoài năm 2019”, công bố tháng 3 năm 2021, https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 09/03/2021)

[3] Trụ sở phục hồi kinh tế Nhật Bản “Chiến lược phục hồi Nhật Bản 2016 – hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ngày 2 tháng 6 năm 2016, trang 207 https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf (Ngày xem: 09/03/2023)

[4] Bộ lao động, “Biên bản cuộc thảo luận liên quan đến những chính sách hiện có về sử dụng người nước ngoài lần thứ 4”, https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 09/03/2023)

[5] Khoa văn học, Đại học Sophia, https://www.sophia.ac.jp/jpn/academics/ug/ug_human/ (Ngày xem 13/03/2023)

[6] Viết tắt của từ câu lạc bộ

[7] Viết tắt của Entry Sheet (đơn đăng ký)