Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã vượt quá 270.000 người[1].

Theo kết quả khảo sát năm 2019, số sinh viên du học tư phí có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra khác, số sinh viên thực sự có thể ở lại Nhật làm việc là dưới 40%[2].Như vậy, có trên 50% sinh viên quốc tế vì một lý do nào đó đã từ bỏ ý định xin việc tại Nhật[3].

Nguyên nhân chính được chỉ ra là các bạn du học sinh chưa nắm rõ cơ chế tìm việc làm ở Nhật Bản hay chưa có đủ thông tin cần thiết. Cung cấp thông tin về xin việc và việc làm cho du học sinh là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này[4].

LIGHTBOAT sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh những nội dung liên quan đến phương thức việc làm tại Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến một dự án đặc biệt, chia sẻ những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của anh chị cựu du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật đã lựa chọn ở lại làm việc trong các công ty Nhật.

“Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.

Chúng tôi hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.
Người phụ trách phỏng vấn lần này là chị Hoàng Thị Thúy Vân (người quản lý dự án) và chị Misawa Mai.

Giới thiệu về khách mời phỏng vấn

Họ tênBùi Thu Hương
Tốt nghiệpĐại học Kyorin (năm 2013)
Học bổng từng được nhậnKhông
Công ty hiện tạiCông ty cổ phần Global Trust Networks (từ năm 2016)

Lời mở đầu

Đã 5 năm kể từ khi Hương bước chân vào Global Trust Networks Co., Ltd., nơi bạn ấy đang làm việc. Hương chia sẻ rằng chỗ làm hiện tại rất dễ chịu và thực ra trước đây bạn ấy từng chuyển việc hai lần sau khi tốt nghiệp đại học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và bất ngờ đến Nhật vì lý do gia đình, Hương đã vượt qua nhiều thử thách khác nhau như tiếng Nhật, thi đầu vào đại học, tìm việc làm và chuyển việc, với vũ khí là sự tích cực vốn có của mình. Đằng sau đó luôn có sự hiện hữu và ủng hộ từ phía gia đình. Chúng tôi đã lắng nghe và ghi lại câu chuyện của Hương từ những ngày đầu bỡ ngỡ khi đến Nhật Bản cho đến hiện tại.

Tốt nghiệp cấp 3, bất ngờ sang Nhật

―Cơ duyên nào đã đưa Hương đến với Nhật Bản?

Trước tiên là bố mình, ông đến Nhật vì lý do công việc rồi sau đó mình cũng đến Nhật. Bố mình là nhân viên Bộ Ngoại giao và được phân công công tác 3 năm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đó là năm 2006, khi mình học năm thứ 3 phổ thông trung học. Mình đã suy nghĩ về con đường học lên tiếp ở Việt Nam và ban đầu mình không định sang Nhật. Tuy nhiên, bố mẹ và cô em gái nhỏ hơn mình 8 tuổi sau khi thử sống ở Nhật một thời gian đã nói với mình rằng, “Nhật Bản có nhiều món ăn ngon, an toàn và sẽ là một trải nghiệm tốt, hay con thử sang Nhật học xem sao?”. Thế là, mình quyết định sang Nhật.

―Khi mới học lớp 12 và đột nhiên được nói là “sẽ sống ở nước ngoài”, lúc đó Hương có ý nghĩ là”mình muốn ở lại Việt Nam” không?

Lúc đó, mình hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bố mẹ để mình tự lựa chọn đi Nhật hay ở lại Việt Nam. Có lẽ chính tính cách “tùy theo hứng lúc đó” của mình trở thành yếu tố quyết định. Và mình cảm thấy là nên đi thử xem sao.
Mình sang Nhật với tâm lý “cứ đi, nếu không hợp thì quay về cũng được”, mặc dù mình từng có suy nghĩ nếu cả nhà đi Nhật, mình ở lại Việt Nam thì có thể đi chơi thỏa thích (cười). Mình cũng thích manga và anime, vậy nên mình chỉ nghĩ đơn giản là nếu ở Nhật mình có thể xem sớm hơn so với việc nếu ở lại Việt Nam.

―Ấn tượng của Hương khi đến Nhật là gì?

Lúc ấy ở Việt Nam chưa có tàu điện[5] mà ở Tokyo thì có rất nhiều, tàu lại luôn đến đúng giờ nên mình cảm thấy thật tuyệt vời! Sau đó, khi thấy mọi người xếp hàng trước quán ăn để đợi đến lượt, ban đầu mình đã rất ngạc nhiên. Ở Nhật, với quán ăn nổi tiếng và được yêu thích thì việc xếp hàng là bình thường phải không nào?
Ở Việt Nam, giá cả phải chăng và có thể ăn ngoài kể cả bữa ăn sáng. Có rất nhiều quán ăn nên mọi người thường bảo “Đi quán khác và được phục vụ ngay mà không cần xếp hàng”, nên hễ quán nào đông khách thì sẽ chuyển ngay quán khác.

Trau dồi tiếng Nhật nhờ công việc làm thêm

―Hương đã chuẩn bị cho kỳ thi đại học kể từ khi đến Nhật phải không?

Đúng vậy. Mình đến Nhật bằng visa gia đình, nhưng lúc đó mình hoàn toàn không nói được tiếng Nhật và không hiểu gì, kể cả chữ Hiragana. Thời gian đầu, mình vừa học tại một trường Nhật ngữ và vừa làm thêm. Khoảng 1 năm rưỡi sau đó, mình tham dự kỳ thi dành cho du học sinh tại Đại học Kyorin và trúng tuyển vào khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành Tiếng Anh.

―Dự thi bằng tiếng Nhật và đỗ đại học chỉ sau 1 năm rưỡi. Thật đáng ngưỡng mộ! Việc học tập của bạn hẳn là rất vất vả phải không?

Mặc dù mình không thích việc học (cười), nhưng mình thấy cũng không quá khó đâu. Mình có theo học tại một trường Nhật ngữ, nhưng mình nghĩ tiếng Nhật của mình chủ yếu được rèn giũa ở quán ăn mình làm thêm. Được một người quen của bố mẹ giới thiệu, ba tháng sau khi đến Nhật, mình bắt đầu làm việc trong bếp của một nhà hàng Nhật. Mình rất tò mò về những món ăn ở Nhật và rất vui khi có thể ăn nhiều bữa khác nhau tại nhà hàng (cười). Sau khi đi làm thêm, mình nhận ra tiếng Nhật được học ở trường và tiếng Nhật sử dụng trong thực tế quả thật rất khác nhau. Mặc dù được học kính ngữ ở trường, nhưng thường không sử dụng nhiều trong hội thoại hàng ngày. Ngoài ra, khi bỏ “mashi” trong từ “tabemashita”, mình có từ “tabeta” phải không nào? Mình thậm chí không biết đó là cùng một từ.

―Vậy là tiếng Nhật của Hương đã được rèn giũa thông qua công việc làm thêm. Bạn có gặp khó khăn gì về mặt từ vựng không?

Mình không nhớ lắm về những khó khăn gặp phải. Tuy nhiên, có những lúc chẳng hạn, “mình không sao truyền đạt đúng những gì mình đang nghĩ” và điều đó vẫn xảy ra hàng ngày. Thời điểm đó mình được nhiều người giúp đỡ, nhưng thật tiếc là mình đã không thể bày tỏ lòng biết ơn đến họ như cách mình mong đợi.

Cuộc sống thời đại học với nỗ lực học tập và làm thêm

―Hương có tiếp tục đi làm thêm sau khi vào đại học không?

À, mình đã kiếm tiền đóng học phí từ công việc làm thêm. Học phí lúc đó rơi vào khoảng một triệu yên (khoảng 200 triệu Việt Nam Đồng) một năm. Nơi làm thêm của mình là một nhà hàng cao cấp. Và mức lương theo giờ cũng cao nên mình kiếm được khoảng 120.000 yên (khoảng 24 triệu Việt Nam Đồng/1 tháng). Vào kì nghỉ lễ thì khoảng 200.000 yên. Mặc dù nơi làm thêm đã nâng đỡ mình rất nhiều, nhưng nếu giờ mình quay lại với tư cách khách hàng bình thường thì giá cả ở nhà hàng đó cũng là trở ngại và rất cần sự can đảm hay “tinh thần chịu chi” (cười).

Trong Zemi của Giáo sư Suwanai tại Đại học Kyorin

―Ngoài việc làm thêm, Hương có tham gia câu lạc bộ nào ở trường đại học không?

Mình bận học và làm thêm nên không tham gia câu lạc bộ nào. Mặc dù chuyên ngành của mình là tiếng Anh, nhưng mình đăng kí Zemi học về giao lưu văn hóa. Chủ đề nghiên cứu của mình là sự khác biệt về phong tục – tập quán giữa các quốc gia. Mình tập trung đi làm thêm, vừa có cơ hội học hỏi thêm tiếng Nhật và công việc, lại vừa được ăn ngon, toàn là điều tốt đẹp cả (cười).
Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu được thì nên tham gia câu lạc bộ nào đó có lẽ vẫn tốt hơn. Vào thời điểm đó, không có nhiều sinh viên nước ngoài trong trường. Mình vốn là người nhút nhát nên không có nhiều mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, sau khi lấy những giờ Zemi năm 3, mình đã rất vui khi được đi chơi và giao lưu với các bạn sinh viên cùng khóa. Ngay cả bây giờ, mình vẫn duy trì mối liên hệ với bạn bè của mình hồi đó.

Lần đầu tìm việc với cảm giác “Có vẻ khó đây!”

―Vậy là thời đại học, Hương đã kết bạn và có một cuộc sống thật trọn vẹn. Tiếp theo, Hương có thể chia sẻ về cách tìm việc ở Nhật được không? Hương đã có khởi đầu giống như bao sinh viên Nhật Bản khác phải không ạ?

Không đâu, lúc đầu mình nghĩ sẽ về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, vì thế mình không tham gia “hoạt động tìm việc”. Nhưng bố mẹ mình nói, “Dù sao con cũng đang ở Nhật, hay thử làm việc ở Nhật xem sao?”. Vậy nên mình bắt đầu tìm việc từ năm 4, xuất phát điểm muộn và khó khăn. Tuy nhiên, lúc đó bố đã gọi cho mình và động viên rằng, “Nếu mọi việc không như ý thì con có thể về nước, vẫn còn rất nhiều cơ hội và lựa chọn”. 
Mình đã rất sốt ruột vì bạn bè xung quanh chuẩn bị rất kỹ lưỡng và bắt đầu đi tìm việc sớm hơn, rồi thường xuyên nghe tư vấn từ anh chị khóa trên. Sau khi nghe tư vấn tại trường đại học và được giới thiệu, mình đã lọt vào vòng phỏng vấn và cuối cùng mình được nhận vào làm tại một công ty phái cử lao động ở thị trấn Oizumi, tỉnh Gunma.

―Mặc dù rất vất vả lúc tìm việc do xuất phát điểm muộn hơn bạn bè, nhưng cuối cùng Hương cũng nhận được lời mời làm việc đúng không?

Đúng vậy. Mình đã rất may mắn. Vào thời điểm đó, nhiều du học sinh Việt Nam về nước vì không xin được việc tại Nhật và đó có vẻ là “xu thế chung”. Cũng có thể là do chúng mình không nắm rõ về cơ chế tuyển dụng sinh viên mới ra trường của Nhật, nhưng thực tế khi đó ở Nhật không có nhiều công việc liên quan đến người Việt như bây giờ.

Hai lần chuyển việc và cuộc sống với em gái

―Công ty Hương vào làm lúc mới ra trường là công ty như thế nào?

Đó là một công ty phái cử chuyên về nguồn nhân lực nước ngoài, phần lớn là giới thiệu công việc cho người Brazil hoặc Mexico, nhưng sau đó họ bắt đầu hướng tới đối tượng người Việt Nam nên mình đã vào làm tại công ty này.

―Được biết là Hương đã chuyển việc hai lần, bạn có thể chia sẻ thêm về việc bạn đã làm việc tại công ty đầu tiên trong bao lâu không ạ?

Một năm! Nơi làm việc của mình ở Gunma nhưng em gái kém mình 8 tuổi thì ở lại Tokyo. Ngày trong tuần mình ở Gunma và cuối tuần sẽ trở về Tokyo. Tuy nhiên việc di chuyển rất mất thời gian và mình nghĩ sẽ thật tuyệt nếu tìm được chỗ làm ở gần để tiện chăm sóc em gái.
Sau khi nhận được tư vấn từ phía Hello Work, mình được giới thiệu đến một Nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh Việt Nam tại Tokyo và chuyển công tác về đó. Mình cũng sử dụng một trang web tuyển dụng dành cho người nước ngoài, tuy nhiên không có nhiều công việc được đăng tải trên đó.
Tại Nghiệp đoàn, công việc chủ yếu là biên phiên dịch Việt – Nhật. Vất vả ở chỗ mình phải lái xe hàng ngày để nắm bắt tình hình của các bạn thực tập sinh kỹ năng. Có những hôm phải đi xa tận Fukushima. Ban đầu, mình nghĩ sẽ rất vui nếu được đi đến nhiều vùng đất khác nhau nhưng thật khó để có thể duy trì thể lực trong thời gian dài nên mình đã chuyển việc lần thứ hai.

―Vậy là Hương đã chuyển việc sang công ty hiện tại đúng không nào? Khi đó bạn đã tìm việc như thế nào?

Đúng rồi, năm nay là năm thứ 5 mình làm việc tại đây. Khi đó mình cũng thông qua Hello Work, hiện nay số lượng công việc được đăng trên trang web tuyển dụng ngày càng nhiều và các công việc liên quan đến tiếng Việt cũng tăng lên so với hồi mình chuyển việc trước đây. Công ty hiện tại của mình cũng được giới thiệu trên một trang web tuyển dụng hướng tới người nước ngoài với nội dung “Tuyển nhân viên biết sử dụng tiếng Việt”.

―Giữa những lần chuyển việc như thế, Hương có bao giờ nghĩ “Hay là về Việt Nam thôi nhỉ”?

Lý do ban đầu khiến mình suy nghĩ về việc ở lại Nhật làm việc là bởi bố mẹ mình nói, “Hay con thử ở lại Nhật làm việc xem sao”. Thế nhưng, lý do lớn hơn lại chính là việc em gái mình mong muốn được ở lại Nhật. Để có thể ở cạnh em gái, mình đã nghĩ, “Nhất định mình phải làm việc ở Nhật!”. Nếu chỉ có một mình, chắc hẳn mình đã không thể cố gắng nhiều đến vậy kể từ lần đầu đi xin việc.

―Sự có mặt của em gái thực sự là động lực to lớn để Hương có thể cố gắng đến tận bây giờ. Cụ thể Hương đang làm công việc gì ở công ty hiện tại?

Global Trust Networks Co., Ltd. là công ty tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau nhằm hỗ trợ cuộc sống của người nước ngoài tại Nhật Bản. Mình hiện làm việc ở một bộ phận khác với bộ phận hồi mới vào, nhưng dù ở bộ phận nào thì mình cũng có sự tương tác với khách hàng và người thuê nhà. Hiện tại, công việc của mình là giới thiệu phòng thuê cho khách hàng, thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính mình dùng trong công việc. Tất nhiên, mình cũng dùng thành thạo cả tiếng Nhật và tiếng Việt.
Đây là công ty mang màu sắc quốc tế đa dạng, một phần vì công ty này đang kinh doanh mảng dịch vụ hỗ trợ dành cho người nước ngoài. Nhân viên công ty mang nhiều quốc tịch khác nhau, với số lượng mình nghĩ là khoảng hơn chục quốc gia. Có khoảng 2 – 30 nhân viên người Việt.

―Hiện tại em gái Hương cũng tự lập và đi làm rồi, Hương có mong muốn trở về Việt Nam một lần nữa không?

Mình hình dung ra cả hai viễn cảnh, nếu ở lại Nhật thì làm gì và nếu trở lại Việt Nam thì làm gì. Nhưng hiện tại, mình nghĩ là mình sẽ ở Nhật. Mặc dù đã chuyển việc hai lần, song nhìn lại mình đã có khoảng thời gian làm việc vui vẻ với đồng nghiệp và mình cảm thấy công ty hiện tại có môi trường làm việc dễ chịu nhất. Bây giờ, vì tình hình đại dịch Covid-19 nên hơi khó, nhưng nếu trở lại cuộc sống bình thường, mình có thể về Việt Nam du lịch chẳng hạn, nên mình không có lý do đặc biệt nào bắt buộc phải trở về hay làm việc ở Việt Nam.

―Cuối cùng, Hương có thể gửi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn du học sinh đang có ý định làm việc tại Nhật Bản được không?

Hiện nay, các bạn có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng nhưng mình nghĩ tốt hơn hết là bạn nên xem những điều kiện nào và ngành học nào là cần thiết để làm việc trong công ty hoặc ngành mà bạn có nguyện vọng muốn làm. Khi vào Nghiệp đoàn – nơi làm việc thứ hai, mình phải đi thi bằng lái xe sau khi được tuyển vì đó là điều kiện bắt buộc. Lúc phỏng vấn mình có nói sẽ thi lấy bằng ngay, rồi sau đó mới có thể yên tâm làm việc, nhưng có lẽ các bạn nên chuẩn bị điều này từ trước. Ở nhật có nhiều chứng chỉ quốc gia khác nhau cho mỗi ngành nghề, vì vậy mình nghĩ việc học và thi đỗ khi còn là sinh viên là một lợi thế.

―Cảm ơn Hương rất nhiều vì những chia sẻ ngày hôm nay!

Phần kết

Hương đã chọn đến Nhật với một tâm thế nhẹ nhàng ban đầu, nhờ cơ duyên với nước Nhật của gia đình mình. Mặc dù được gia đình động viên, “Nếu mọi việc không như ý thì con có thể về nước bất cứ lúc nào!” nhưng bạn ấy đã chọn ở lại Nhật và trải qua hành trình tìm việc – chuyển việc vì em gái mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, lý do khiến Hương nỗ lực hết mình để tìm việc – chuyển việc chính là bởi: “tìm được việc” đồng nghĩa với “sẽ ở lại Nhật”.
Về nguyên tắc, du học sinh sau khi tốt nghiệp không thể tiếp tục sống ở Nhật, trừ khi họ thay đổi tư cách lưu trú từ “du học” sang tư cách lưu trú dành cho người lao động. (Phần lớn là tư cách lưu trú “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế”)

Hiện nay, tỷ lệ du học sinh có việc làm trên thực tế là dưới 40%. Việc đáp ứng việc làm ở Nhật cho hơn 60% còn lại và hỗ trợ thiết thực là điều cần cần thiết để phục hồi kinh tế và giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản.

LIGHTBOAT hỗ trợ việc làm cho nguồn nhân lực nước ngoài chủ yếu thông qua giáo dục. Ví dụ, chúng tôi sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích trong việc học tiếng Nhật và tìm kiếm việc làm, v.v.. dưới dạng e-Learning (đã ra mắt vào tháng 2/2022). Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ mang đến nhiều thông tin đa dạng qua các bài viết trên Blog, vì vậy rất mong nhận được sự theo dõi và đón chờ của tất cả các bạn!

[1] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát hàng năm về tình hình tuyển sinh du học sinh năm 2020”, công bố vào tháng 3/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[2] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Tóm tắt khảo sát về tình hình đời sống của du học sinh tư phí năm 2019”, công bố vào tháng 6/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát về tình hình nghề nghiệp/bằng cấp của du học sinh năm 2019”, công bố vào tháng 2/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[3] Trụ sở phục hồi kinh tế nhật Bản “Chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản 2016 – Hướng đến cuộc cải cách công nghiệp lầ thứ 4” (trang 207, côn bố ngày 2.6.2016). https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf (Ngày xem: 20/12/2021)
[4] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Xem xét về giải pháp tuyển dụng lao động nước ngoài Lần 4”, (Biên bản thảo luận) https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[5] Tháng 11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào vận hành tại Hà Nội. Cho đến thời điểm đó, tuyến đường sắt chính là tuyến Bắc Nam, nối Hồ Chí Minh ở khu vực phía Nam với Hà Nội ở khu vực phía Bắc.
NHK News “Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam – Hà Nội vận hành trong bối cảnh ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng”
https://www3.nhk.or.jp/news/html/20211106/k10013337001000.html
Hankyu Travel International Co.,Ltd.”Tình hình giao thông nội địa Việt Nam”
https://www.hankyu-travel.com/guide/vietnam/traffic.php