Nội dung chính
Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn
Tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã vượt quá 270.000 người[1].
Theo kết quả khảo sát năm 2019, số sinh viên du học tư phí có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra khác, số sinh viên thực sự có thể ở lại Nhật làm việc là dưới 40%[2]. Như vậy, có trên 50% sinh viên quốc tế vì một lý do nào đó đã từ bỏ ý định xin việc tại Nhật[3].
Nguyên nhân chính được chỉ ra là các bạn du học sinh chưa nắm rõ cơ chế tìm việc làm ở Nhật Bản hay chưa có đủ thông tin cần thiết. Cung cấp thông tin về xin việc và việc làm cho du học sinh là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này[4].
LIGHTBOAT sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh những nội dung liên quan đến phương thức việc làm tại Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến một dự án đặc biệt, chia sẻ những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của anh chị cựu du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật đã lựa chọn ở lại làm việc trong các công ty Nhật.
“Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật?”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.
Chúng tôi hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.
Người phụ trách phỏng vấn lần này là chị Hoàng Thị Thúy Vân (người quản lý dự án) và chị Misawa Mai.
Giới thiệu khách mời phỏng vấn
Họ tên | Nguyễn Linh Chi |
Tốt nghiệp | Trường senmon Phúc lợi Asahikawa (năm 2021) |
Học bổng từng nhận | Học bổng cho sinh viên của trường senmon Phúc lợi Asahikawa |
Công ty hiện tại | Nghiệp đoàn hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch Hokkaido (từ năm 2021) |
Lời mở đầu
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Việt Nam, chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật và có hai năm kinh nghiệm làm việc trong nước, Chi quyết định đến Nhật vào năm 2019. Kết thúc chương trình học tập kéo dài một năm rưỡi tại một trường senmon ở Higashikawa, Hokkaido, hiện tại, Chi đang làm công việc liên quan đến dịch vụ hỗ trợ người Việt Nam làm việc tại Hokaido.
Thị trấn Higashikawa, nơi Chi đã trải qua thời sinh viên của mình, được biết đến với những nỗ lực đáng kể trong việc tiếp nhận du học sinh nước ngoài. Chúng tôi đã lắng nghe và ghi chép lại những chia sẻ, tâm sự của Chi về cuộc sống ở Hokaido cũng như dự định của Chi ở Nhật Bản trong tương lai.
Từ niềm yêu thích “Nodame” đến chuyên ngành tiếng Nhật
– Mình được biết Chi đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam trước khi sang Nhật. Chi có thể chia sẻ bạn đã học gì ở trường đại học được không?
Mình là cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong hai năm đầu ở đây, mình học tiếng Nhật, hai năm tiếp theo mình theo đuổi chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật.
Hành trình học tiếng Nhật của mình bắt đầu từ khi bước chân vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, hồi mình học cấp ba, chị gái mình khi đó cũng đang học tiếng Nhật và cho mình xem rất nhiều bộ phim Nhật. Nhờ vậy, mình bắt đầu hứng thú với tiếng Nhật. Mình đặc biệt thích bộ phim “Nodame Cantabile[5]”. Lúc đó mình thấy nội dung phim rất thú vị và phát âm tiếng Nhật thật đáng yêu.
– Vậy là Chi đã học chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật ở trường đại học nhỉ? Sau khi tốt nghiệp đại học, Chi đã làm công việc gì?
Trong vòng hai năm kể từ khi tốt nghiệp, mình đã trải qua một số công việc tại Việt Nam. Ban đầu, mình vào làm việc cho một công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu nhân sự, có chi nhánh ở Việt Nam. Mình đã dạy tiếng Nhật cho các bạn có nguyện vọng sang Nhật làm ngành điều dưỡng hay hộ lý.
Điều kiện để nhập cảnh Nhật Bản đối với các bạn điều dưỡng tối thiểu là phải có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N3, đặc biệt nếu có chứng chỉ N2 sẽ được ưu tiên hơn[6]. Đây là một trở ngại lớn đối với các bạn học viên. Việc học của các bạn không như kì vọng và số lượng các bạn không thể đến Nhật ngày càng tăng lên khiến mình dần mất đi động lực.
Đến năm thứ hai, mình đã quyết định thử thách bản thân ở một công việc hoàn toàn mới. Mình trở thành thông dịch viên ngành IT (hay còn biết đến với cái tên là IT comtor), công việc là phiên dịch giữa công ty phát triển phần mềm ở Việt Nam với khách hàng là công ty Nhật. Tại thời điểm đó, mình nhớ được nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó liên quan đến IT.
– Trải qua hai công việc như vậy, cơ duyên nào khiến Chi quyết định đi Nhật?
Mặc dù có sử dụng tiếng Nhật trong công việc, nhưng mình luôn cảm thấy dường như khả năng tiếng Nhật của bản thân vẫn không tiến bộ. Lúc đó, mình rất muốn được sống ở Nhật để học tập, tìm hiểu không chỉ là tiếng Nhật mà cả văn hóa và cách suy nghĩ của người Nhật.
Mặt khác, từ hồi sang Nhật theo chương trình trao đổi và dù chỉ là hai tuần ngắn ngủi thời sinh viên, mình đã luôn nung nấu ý định “một ngày nào đó sẽ quay lại Nhật”.
Bắt đầu cuộc sống Nhật Bản từng ấp ủ, tại vùng đất phương bắc
– Tại sao Chi lại chọn Hokaido để bắt đầu hành trình tại Nhật của mình?
Mình được một người bạn đã tốt nghiệp trường senmon Phúc lợi Asahikawa giới thiệu rằng giáo viên và chương trình giáo dục ở đây rất tốt, vì thế, mình quyết định đăng ký nhập học ngôi trường này. Các thủ tục do một công ty tại Việt Nam liên kết với trường thực hiện.
Trong ấn tượng của mình, Hokaido cực kỳ lạnh, nhưng mình muốn được ngắm tuyết và háo hức được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây.
– Việc học tại trường senmon của Chi thế nào?
Mình nhập học vào khoa tiếng Nhật, một trong bốn khoa của trường, đây cũng là khoa có số lượng sinh viên Việt Nam nhiều nhất. Ngoài khoa tiếng Nhật, còn có một số khoa khác và có rất nhiều sinh viên người Nhật đang học ở các khoa đấy.
Ở khoa tiếng Nhật, lớp học được phân ra dựa vào trình độ tiếng Nhật. Mình đã học lại một lần nữa ở lớp N2 và sau đó mới chuyển sang lớp N1.
Ngoài việc học tiếng Nhật, còn có nhiều hoạt động ngoại khóa rất thú vị để trải nghiệm văn hóa Nhật Bản như trà đạo, kiếm đạo, v.v.. Đặc biệt, trong hoạt động trải nghiệm múa truyền thống Nhật Bản, mình đã rất ấn tượng khi được mặc kimono.
– Học phí và chi phí sinh hoạt của bạn như thế nào?
Về học phí, mình được hưởng chế độ học bổng của trường. Để nhận được chế độ này, cần trải qua một số vòng thi, kết quả ở vòng phỏng vấn là mình được miễn toàn bộ học phí. Chi phí sống tại ký túc xá của trường là 30.000 yên/1 tháng, đã bao gồm ba bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, để trang trải sinh hoạt phí, mình có làm thêm một số việc như công việc tại quán thịt nướng ở Asahikawa, thị trấn ngay bên cạnh.
Thị trấn Higashikawa, nơi trường mình tọa lạc, còn phát hành thẻ IC dành riêng cho thị trấn và mỗi sinh viên quốc tế được tặng 8000 điểm vào thẻ mỗi tháng, tương đương 8000 yên, coi như là tiền trợ cấp sinh hoạt. Người dân trong thị trấn đã quen với sự hiện diện của du học sinh, chính vì vậy, khi bạn bắt chuyện với họ trên đường, họ cũng rất niềm nở đáp lại. Ngoài ra, ở đây, các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi, mọi người cùng tổ chức các sự kiện như đón Tết Nguyên đán theo lịch của Việt Nam.
– Ấn tượng của Chi về cuộc sống tại Nhật Bản là gì?
Gạo ở Nhật rất ngon, mình đã tăng 2 cân từ lúc sang Nhật (cười). Món ăn Nhật Bản mà mình thích chính là sushi và sashimi. Ngay từ đầu mình không hề ngại món cá sống, nhưng mình kinh ngạc với món trứng sống. Thế nhưng, bây giờ mình rất thích trứng sống, món này có thể kết hợp với cơm, ramen, thịt hay bất cứ thứ gì.
Mình cảm thấy có sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là cách người Nhật hay nói vòng vo. Có nhiều điều người nước ngoài sẽ không hiểu chính xác được nên những lúc như thế, mình cảm thấy vui hơn nếu họ nói thẳng và rõ ràng hơn.
Ngoài ra, điều khiến mình bất ngờ nhất là việc phải khóa cửa khi sử dụng nhà vệ sinh. Ở Việt Nam, chỉ cần cửa nhà vệ sinh đóng là mọi người hiểu đang có người sử dụng nó. Khi đến Nhật, nhận ra sự khác biệt này, mình thấy rất xấu hổ (cười).
Mình còn thấy ấn tượng với bồn cầu có bệ ngồi ấm và chức năng rửa tự động. Mặc dù hiện nay ở Việt Nam cũng đã bắt đầu bán sản phẩm bồn cầu có chức năng rửa tự động của Nhật, nhưng lần đầu tiên sử dụng nó ở Nhật, mình đã rất muốn mang về Việt Nam (cười).
Hỗ trợ người Việt, từ Sapporo đến Abashiri
– Như vậy, hiện nay, Chi đang làm việc liên quan đến hỗ trợ người lao động nước ngoài có tư cách lưu trú là kỹ năng đặc định. Tại sao bạn lại lựa chọn công việc này?
Khi còn đi học tại trường senmon, mình đã có cơ hội làm thông dịch viên cho các bạn thực tập sinh kỹ năng. Hồi đấy, mình thấy công việc này có ích cho nhiều người. Đó cũng là lý do mình muốn tìm công việc như hiện tại. Khi bắt đầu tìm việc, mình cũng đã tìm kiếm trên các website tuyển dụng, nhưng cuối cùng nhờ bạn bè giới thiệu, mình đã có công việc bây giờ.
Mình có phần may mắn hơn khi có việc ngay sau khi tốt nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, chỉ 1/3 những bạn du học sinh xung quanh mình tìm được việc làm. Tuy nhiên, vì không có chuyến bay nên những bạn chưa tìm được việc buộc phải chuyển sang tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định”, làm các công việc bán thời gian cho đến khi có thể trở về nước, đó ắt hẳn là quãng thời gian rất vất vả.
– Đúng là công việc hiện nay rất có ý nghĩa phải không Chi? Cụ thể, bạn đang thực hiện việc hỗ trợ như thế nào?
Nghiệp đoàn hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch Hokkaido, nơi mình đang làm việc, là một cơ quan hỗ trợ được cấp phép[8]. Ở đây, bọn mình cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ khác nhau, cho các bạn người nước ngoài có tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định”, từ việc xin tư cách lưu trú đến hỗ trợ các vấn đề trong cuộc sống.
Như một phần của công việc, mình tổ chức các cuộc gặp gỡ định kỳ ở khắp các địa phương trong Hokaido, từ Sapporo – nơi đặt văn phòng của nghiệp đoàn, đến Shiretoko hay Abashiri. Mình còn thực hiện hỗ trợ trực tuyến. Ngoài ra, mình đang hỗ trợ cả thực tập sinh kỹ năng hay du học sinh sang thực tập.
– Thời gian tới, bạn muốn phát triển sự nghiệp như thế nào?
Mình muốn giới thiệu các công việc tốt đến người Việt. Quả thực, mình đã rất buồn khi xem những tin tức về vấn nạn người Việt trộm cắp, mặc dù nó không xảy ra tại nơi mình đang sinh sống. Mình muốn truyền tải đến nhiều người hơn nữa về việc sống một cách đúng đắn ở Nhật Bản.
Hiện nay, mình chưa có ý định quay trở về Việt Nam vì còn rất nhiều điều mình muốn học hỏi tại Nhật. Mình đã từng đến một số nơi ở Kanto và Kansai, song mình vẫn muốn đi du lịch nhiều hơn nữa, đến nhiều vùng đất khác nhau trên nước Nhật.
Chuyến đi đến đảo Awaji cùng bạn bè Đền thờ Fushimi Inari-taisha ở Kyoto
– Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn du học sinh đang muốn tìm việc tại Nhật?
Các bạn có thể tìm kiếm thông tin trên internet hoặc hỏi qua người quen. Tuy nhiên, mình nghĩ tìm đến các Trung tâm giao lưu quốc tế ở địa phương[9] cũng là một lựa chọn rất tốt.
Trong quá trình tìm việc, cần xác định rõ “bản thân có thể làm gì?” hay “mình muốn làm gì?”, từ đó xây dựng hình ảnh bản thân có sự phản chiếu với đòi hỏi từ nhà tuyển dụng. Và để truyền đạt chính xác điều đó thì quan trọng nhất là khả năng tiếng Nhật. Chính vì vậy, hãy nỗ lực học tập tiếng Nhật các bạn nhé!
Cuối cùng, số lượng sinh viên tốt nghiệp chắc chắn sẽ rất nhiều, do đó các bạn nên trao đổi sớm với với giáo viên ở trường. Cố lên nhé!
– Cảm ơn Chi đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Phần kết
Chi đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nước ngoài mỗi ngày ở nơi làm việc. Ước muốn của Chi là “Người nước ngoài ở Nhật Bản sẽ có được cuộc sống tốt đẹp và đúng đắn”, đó cũng chính xác là thông điệp của LIGHTBOAT.
Chúng tôi thật sự rất biết ơn và cảm thấy yên tâm vì Chi, một người nước ngoài ở Nhật nhưng luôn nghĩ cho nước Nhật. Đồng thời, không thể phủ nhận, chính sự hiện diện của những người nước ngoài như Chi là chìa khóa để cùng xây dựng một xã hội cộng sinh đa văn hóa.
Chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói của nhiều người hơn nữa, để những nỗ lực của LIGHTBOAT, một dự án được thúc đẩy bởi một doanh nghiệp Nhật Bản, thật sự có giá trị chứ không phải điều viển vông.
Cũng phải nói thêm, thị trấn Higashikawa ở Hokkaido, nơi Chi đã trải qua những ngày tháng ở trường senmon, được biết đến như là một thị trấn điển hình, tích cực thúc đẩy sự hồi sinh khu vực bằng cách tiếp nhận nhiều sinh viên nước ngoài. Tính đến tháng 2 năm 2021, dân số của thị trấn là 8.445 người, trong đó có 390 người nước ngoài (bao gồm cả những người nước ngoài không phải du học sinh)[10].
Năm 2015, thị trấn Higashikawa đã thành lập trường Nhật ngữ đầu tiên do chính quyền địa phương quản lý trên nước Nhật[11]. Trước đó, các du học sinh sau khi tốt nghiệp thường về nước, nhưng hiện nay thị trấn đang nỗ lực trong hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm[12]. Ý tưởng về việc hiểu biết lẫn nhau không chỉ qua ngôn ngữ mà cả văn hóa, giá trị quan của thị trấn Higashikawa cũng chính xác là nguyện vọng của Chi khi đến Nhật.
Ngoài ra, để tránh xảy ra tình trạng lao động bất hợp pháp của du học sinh, chính quyền địa phương thực hiện các chính sách về học bổng và trợ cấp chi phí sinh hoạt[13]. Xây dựng môi trường học tập và làm việc thân thiện, tiến hành những hỗ trợ cần thiết chính là nền tảng “để có được cuộc sống tốt đẹp và đúng đắn”, như ước muốn của Chi dành cho người Việt Nam đang làm việc ở Nhật.
Nhật Bản, đặc biệt là các địa phương đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, không thể ỉ lại vào ý chí và nỗ lực của mỗi cá nhân với suy nghĩ “Ai muốn đến cứ đến” được nữa, vấn đề cấp thiết được đặt ra lúc này là “Có thể làm gì và làm được đến đâu?” và nó cũng chính là câu hỏi chung cho cộng đồng và vì cộng đồng. Điều này phải chăng cũng đúng với các doanh nghiệp đang dần thiếu hụt nguồn nhân lực? Qua bài phỏng vấn lần này, chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng, chân thực hơn thực trạng đó.
Tại LIGHTBOAT, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe những câu chuyện của nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở những địa phương khác nhau, đồng thời suy nghĩ và tìm hiểu về cách làm việc, môi trường sống, cũng như những giải pháp dành cho các doanh nghiệp Nhật – phía tiếp nhận lao động, cần phải thực hiện.
[1] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát hàng năm về tình hình tuyển sinh du học sinh năm 2020”, công bố vào tháng 3/2021.
https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html(Ngày xem: 20/12/2021)
[2] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Tóm tắt khảo sát về tình hình đời sống của du học sinh tư phí năm 2019”, công bố vào tháng 6/2021.
https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát về tình hình nghề nghiệp/bằng cấp của du học sinh năm 2019”, công bố vào tháng 2/2021.
https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[3] Trụ sở phục hồi kinh tế nhật Bản “Chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản 2016 – Hướng đến cuộc cải cách công nghiệp lần thứ 4” (trang 207, công bố ngày 2/6/2016)
https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf(Ngày xem: 20/12/2021)
[4] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Xem xét về giải pháp tuyển dụng lao động nước ngoài lần thứ 4”, (Biên bản thảo luận)
https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[5] Bộ phim truyền hình Nhật Bản, dựa trên nguyên tác là một bộ manga cùng tên rất nổi tiếng của Nhật, được đăng trên tạp chí Kiss từ tháng 7/2001 đến tháng 10/2009.
[6] Bộ Lao động và Phúc lợi, “Về việc tiếp nhận y tá, điều dưỡng người Việt Nam”, https://www.mhlw.go.jp/stf/seisakunitsuite/bunya/0000049737.html (Ngày xem: 06/5/2022)
Trung tâm tư vấn hỗ trợ cho du học sinh muốn trở thành điều dưỡng, “Q&A dành cho du học sinh quốc tế”, https://www.kaigo-ryugaku-support.net/faq/students.php (Ngày xem: 06/5/2022)
[7] Thị trấn Higashikawa đưa ra ý tưởng về “Thị trấn qua ảnh” với mục tiêu là tăng cường giao lưu quốc tế thông qua những bức ảnh.
Higashikawa – “Thị trấn qua ảnh”, https://higashikawa-town.jp/portal/photo (Ngày xem: 06/5/2022)
Trường senmon Phúc lợi Asahikawa “Cuộc thi ảnh lần thứ nhất”, http://www.hokko.ac.jp/kyokufuku/content/2496/ (Ngày xem: 06/5/2022)
[8] Cơ quan nhận ủy thác của đơn vị tiếp nhận lao động, hỗ trợ các vấn đề trong cuộc sống đối với người nước ngoài mang tư cách lưu chú “Kỹ năng đặc định loại 01”. Thực hiện hỗ trợ trong 10 lĩnh vực chính.
[9] Tổ chức giao lưu quốc tế là cơ sở nền tảng tổ chức các hoạt động xúc tiến giao lưu giữa người nước ngoài và dân địa phương, hỗ trợ người nước ngoài. Chi cũng thường sử dụng “Senpyua”, cơ sở giao lưu phức hợp của thị trấn Higashikawa. Ngoài thư viện và phòng trưng bày, cơ sở có không gian để tổ chức các sự kiện và bàn tư vấn cho người nước ngoài. Trường Nhật ngữ do thị trấn lập và ký túc xá sinh viên cũng thuộc cơ sở này.
Website của Senpyua: https://higashikawa-town.jp/CENTPURE (Ngày xem: 06/5/2022)
[10] Thị trấn Higashikawa, “Thay đổi về dân số và hộ gia đình”, https://town.higashikawa.hokkaido.jp/administration (Ngày xem: 06/5/2022)
[11] Trường Nhật ngữ Higashikawa, thị trấn Higashikawa, “Giới thiệu về chúng tôi”, http://higashikawa-jls.com/index.html (Ngày xem: 06/5/2022)
[12] Hokkaido, “Tuyển tập các nghiên cứu điển hình về các biện pháp để mở rộng việc tiếp nhận và cùng chung sống với nguồn nhân lực nước ngoài”, 8/2020, trang 42.
[13] Báo Nishinippon, “Hy vọng cho những sinh viên nước ngoài, học bổng trường Nhật ngữ, hỗ trợ việc làm, khuyến khích lao động và định cư ở thị trấn Higashikawa, Hokkaido”, 21/4/2019 https://www.nishinippon.co.jp/item/n/504364/ (Ngày xem: 06/5/2022)