Nội dung chính
Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn
Tính đến ngày 1 tháng 2 năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã vượt quá 270.000 người[1].
Theo kết quả khảo sát năm 2019, số sinh viên du học tư phí có nguyện vọng ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra khác, số sinh viên thực sự có thể ở lại Nhật làm việc là dưới 40%[2].Như vậy, có trên 50% sinh viên quốc tế vì một lý do nào đó đã từ bỏ ý định xin việc tại Nhật[3].
Nguyên nhân chính được chỉ ra là các bạn du học sinh chưa nắm rõ cơ chế tìm việc làm ở Nhật Bản hay chưa có đủ thông tin cần thiết. Cung cấp thông tin về xin việc và việc làm cho du học sinh là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này[4].
LIGHTBOAT sẽ cung cấp cho các bạn du học sinh những nội dung liên quan đến phương thức việc làm tại Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi xúc tiến một dự án đặc biệt, chia sẻ những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của anh chị cựu du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Nhật đã lựa chọn ở lại làm việc trong các công ty Nhật.
“Các anh chị mang theo hy vọng gì khi đến Nhật”, “Làm thế nào để xin việc sau khi tốt nghiệp?”, “Làm thế nào để phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp?”. Chắc hẳn không có một mẫu số chung nào cả. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh, kinh nghiệm cũng như suy nghĩ và câu chuyện của riêng mình.
Chúng tôi hi vọng các bạn du học sinh hiện vẫn trong thời gian học tập có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước và làm nên “câu chuyện” của chính mình.
Người phụ trách phỏng vấn lần này là chị Hoàng Thị Thúy Vân (người quản lý dự án) và chị Misawa Mai.
Giới thiệu về khách mời phỏng vấn
Họ tên | Cao Thanh Ly |
Tốt nghiệp | Đại học Rikkyo (năm 2011) |
Học bổng từng được nhận | ・Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO) ・Học bổng chính phủ(MEXT) |
Công ty hiện tại | Công ty cổ phần Nifco(từ năm 2011) |
Lời mở đầu
Bạn Cao Thanh Ly tốt nghiệp chuyên ngành Nhật Bản học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm thứ ba đại học, Ly đã sang Nhật du học theo diện sinh viên trao đổi tại Đại học Senshu. Sau khi về nước, Ly hoàn thành năm học thứ tư tại Việt Nam, sau đó quay lại Nhật Bản và nhập học tại Đại học Rikkyo theo chương trình chuyển tiếp giữa hai trường.
Sau khi tốt nghiệp, Ly lựa chọn ở lại Nhật tìm việc và trúng tuyển vào Công ty cổ phần Nifco. Tính đến tháng 11 năm 2021, Ly đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản. Vậy, trong khoảng 15 năm kể từ lần đầu đặt chân đến Nhật Bản, Ly đã trải qua cuộc sống du học như thế nào? Cơ duyên nào đã đưa Ly đến với quyết định sinh sống và làm việc tại Nhật Bản? Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của bạn Cao Thanh Ly nhé!
“Ban đầu, mình không hứng thú với Nhật Bản lắm!”
-Mình được biết Ly xuất thân từ ngành Nhật Bản học, vậy Ly đã đến Nhật Bản bằng cách nào vậy nhỉ?
Khi mới vào đại học, mình được lựa chọn chuyên ngành theo quốc gia hoặc khu vực trong khoa mình và một cô bé 18 tuổi như mình khi đó đã nghĩ rằng, “Ồ, tiếng Nhật có vẻ dễ học”. Tiếng Trung thì trông khó hơn vì toàn là Hán tự. Tiếng Nhật cũng có chữ Hán, nhưng sau khi thấy những chuỗi ký tự bao gồm cả Hiragana, mình đã nghĩ “À, thế này thì mình có thể đọc được”.
Ngoài ra, mình cũng yêu thích lịch sử, nên mình có ấn tượng với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản chỉ trong vòng 20 năm sau thất bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vốn dĩ ban đầu, mình không có hứng thú đặc biệt với đất nước mặt trời mọc.
Cơ duyên đưa mình đến với Nhật Bản là chương trình trao đổi sinh viên của Khoa Đông phương học liên kết với Đại học Senshu. Mình đã may mắn được lựa chọn tham gia chương trình. Vì mình sang trao đổi tại Đại học Senshu với tư cách sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Lịch sử, nên mình vừa được tham gia khóa học tiếng Nhật, vừa được học cùng lớp với các bạn sinh viên người Nhật. Chuyên ngành của mình là Lịch sử Nhật Bản cận hiện đại.
Đôi nét về ngành Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:
– Thành lập và bắt đầu đào tạo tiếng Nhật từ năm 1993. Mục đích là đào tạo và bồi dưỡng các nhà nghiên cứu.
– Ngoài tiếng Nhật, một số môn học bắt buộc là địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, chính sách đối ngoại, v.v.. của Nhật Bản.
– Liên kết với Đại học Senshu, Đại học Rikkyo, Đại học Waseda,v.v..
-Ly có thể chia sẻ đôi chút về ấn tượng khi lần đầu đến Nhật Bản và cuộc sống du học được không nhỉ?
15 năm trước, khi lần đầu tiên trông thấy một khu phố ở Nhật Bản, ấn tượng của mình là “sự tối giản”. Mình nhận ra người Nhật thường chỉ mặc những trang phục màu đen hoặc xám và không chọn những bộ đồ quá sặc sỡ.
Nhìn từ ngoài, những ngôi nhà ở Nhật mang nhiều màu sắc trông khá cô đơn, đường phố cũng mang lại cảm giác vắng vẻ, buồn bã vì chẳng mấy khi có tiếng còi xe. Mặc dù nền kinh tế rất phát triển, nhưng đây quả thực là một “đất nước quá bình lặng”.
Sống ở Nhật Bản một thời gian, mình nhận ra nước Nhật tương đối dễ sống và người Nhật khá thân thiện với người nước ngoài, hầu như không có sự phân biệt đối xử. Mình có cảm giác rằng dù không hiểu ngôn ngữ, thì mọi người vẫn cố gắng giao tiếp với mình bằng cách này hay cách khác.
Các giờ học trên trường của mình đều bằng tiếng Nhật, nên mình không dám nói là có thể hiểu hết 100% nội dung bài học. Trên lớp, giảng viên sẽ thường đề cập đến nhiều kiến thức chuyên ngành, nên ngoài giờ học, mình còn phải tự đọc thêm sách.
-Hồi đó Ly cũng đã rất chăm chỉ làm thêm phải không nhỉ?
Đúng rồi. Hồi còn là sinh viên trao đổi, mình làm thêm tại một nhà hàng Việt Nam ở Shibuya. Hồi đó còn chưa có điện thoại thông minh, nên mình phải gọi điện trực tiếp đến các cửa hàng có dán giấy thông báo tuyển người và nói rằng mình muốn ứng tuyển.
Tuy nhiên, mình trượt tất cả các cửa hàng đó vì hầu như họ chưa từng tuyển người nước ngoài và khi đó tiếng Nhật của mình cũng chưa được tốt lắm. Dù sao thì việc thuê người đến từ quốc gia khác mà họ không hiểu rõ, thì luôn có những trở ngại nhất định mà. Không còn cách nào khác, mình buộc phải mở rộng phạm vi tìm kiếm và cuối cùng thì quyết định xin vào làm tại một nhà hàng Việt Nam.
Hồi đó, phần lớn sinh viên Việt Nam đều muốn “tập trung cho việc học” và không có thói quen đi làm thêm. Nhưng với riêng bản thân mình, vì đã đặt chân đến nước Nhật nên mình rất muốn trải nghiệm một điều gì mới mẻ mà mình khó có cơ hội thực hiện khi học đại học ở Việt Nam.
-Ly có thể cho mình biết thu nhập từ việc làm thêm của bạn là khoảng bao nhiêu không nhỉ?
Lương theo giờ ở nhà hàng Việt Nam khi đó là 900 yên, một tuần mình làm thêm 4 buổi, từ 17h đến 21h30. Ngoài việc học, mình cũng thích kiếm tiền nên đã làm việc rất chăm chỉ.
Các bạn cùng trang lứa thường xuyên đi du lịch, còn mình thì bận làm thêm nên chẳng mấy khi đi chơi. Vậy nên sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và chuyển tiếp sang Đại học Rikkyo, mình đã rất tích cực đi chơi! (cười)
Bắt đầu sự nghiệp ở Nhật Bản
-Sau khi về nước, Ly đã quyết định quay trở lại Nhật để du học phải không nhỉ. Có phải vì Ly cảm thấy mình đi chơi chưa đủ không? (cười)
À không phải vậy (cười). Thực ra lý do mình quyết định quay trở lại Nhật là vì có cơ hội nhận được học bổng. Vào thời điểm đó, có một chương trình mang tên “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực châu Á”, do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp phối hợp với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tài trợ. Đây là chương trình cấp học bổng cho sinh viên quốc tế tại các trường đại học ở Nhật Bản và hỗ trợ tìm việc làm tại Nhật sau khi tốt nghiệp.
Khoa Du lịch – Đại học Rikkyo đã nhận được ngân sách từ chương trình đó và giao cho ngành Nhật Bản học – Đại học KHXH&NV tổ chức tuyển chọn, điều kiện ứng tuyển do Đại học Rikkyo quyết định. Lúc đó mình nghĩ, “Mình từng có cơ hội đi du học với tư cách là sinh viên trao đổi, biết đâu đây lại là cơ duyên đưa mình đến với nước Nhật lần nữa?”. Hơn nữa, nếu quay lại Nhật, mình sẽ có việc làm.
Kết quả là, cả lớp mình có 45 sinh viên, nhưng chỉ có 3 người ứng tuyển và đều vượt qua kỳ thi tuyển chọn. Mình cảm thấy bản thân thực sự rất may mắn, vì trước kia nếu không học ngành Nhật Bản học thì chắc hẳn mình đã không có được cơ hội quý giá này.
-Ly có thể cho mình biết tiền học bổng của bạn khoảng bao nhiêu không nhỉ?
Học bổng của mình tại Đại học Rikkyo là học bổng Chính phủ, nên mình được cấp gần 130.000 yên một tháng. Khoản tiền này dùng để chi trả chi phí sinh hoạt, bọn mình được miễn học phí. Nói chung, tiền học bổng giúp mình trang trải cuộc sống tại Nhật mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Hồi học ở Đại học Senshu, mình cũng được miễn học phí, ngoài ra mình nhận được học bổng từ quỹ JASSO (Tổ chức hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản), nhưng tiền học bổng tại Đại học Rikkyo gấp khoảng 1.5 lần số tiền đó.
-Ôi, Ly giàu thật đó!
Chắc là vậy đó (cười). Mình cũng muốn đi làm thêm, nhưng chương trình học tại Đại học Rikkyo không phải là du học trao đổi mà là chuyển tiếp hai năm nên mình phải lấy đủ tín chỉ mới được tốt nghiệp. Vì vậy đến lần du học thứ hai, mình khá bận, không đi làm thêm và mất nửa năm mới quen dần với việc học ở môi trường mới.
Thậm chí sau đó, mình chỉ làm thêm khi có kỳ nghỉ dài. Công việc mình tìm được khi đó là làm thêm tại một khách sạn kiểu Nhật, ở hẳn trong khách sạn vào thời gian được nghỉ dài, hoặc thỉnh thoảng có nhận dịch ở nhà.
-Ly có nói là đã rất tích cực đi chơi trong lần du học thứ hai, vậy kỷ niệm nào khiến Ly cảm thấy vui nhất? Chẳng hạn như tham gia câu lạc bộ trong trường?
Kỷ niệm đẹp nhất với mình là những lần đi du lịch cùng bạn bè. Ngoài những điểm du lịch trong nước Nhật, bọn mình còn đi du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc và đảo Saipan (Mỹ). Nói về những lần đi chơi tại Nhật thì mình thích nhất du lịch Osaka và tắm suối nước nóng ở Tohoku.
Khi còn học đại học ở Việt Nam, mình không có cơ hội tham gia câu lạc bộ, nên lần này mình quyết định thử sức, nhưng chỉ tham gia vài lần và được một thời gian ngắn thì bỏ. Câu lạc bộ của mình chuyên về monozukuri (làm đồ thủ công), mỗi người được phân công nhiệm vụ và làm theo chuỗi như một “dây chuyền sản xuất”. Mình thầm nghĩ, “chỉ cần tay chuyển động, không bắt kịp câu chuyện của mọi người cũng chẳng sao nhỉ?”. Nhưng thật vô nghĩa nếu cứ ở mãi một nơi mà không có sự giao tiếp hay tương tác với nhau.
Ở Nhật Bản, mọi người được tham gia câu lạc bộ từ hồi học cấp 2, cấp 3 nên mỗi cá nhân đều biết làm thế nào để hòa nhập vào một tổ chức hay câu lạc bộ. Ngược lại, ở Việt Nam thời của bọn mình gần như không có câu lạc bộ hay hoạt động ngoại khóa trong trường học ở tất cả các cấp.
Vì vậy, dù đã tìm hiểu kỹ về các hoạt động của câu lạc bộ tại đại học ở Nhật, mình vẫn cảm thấy không dễ dàng để có thể hòa nhập.
Tìm việc bằng cách tra cứu “Tuyển dụng du học sinh”
-Ở lần du học thứ hai, Ly tốt nghiệp sau hai năm học chuyển tiếp, vậy thời điểm tìm việc là khoảng nửa năm kể từ khi sang Nhật phải không nhỉ? Quá trình tìm việc của Ly có giống như sinh viên Nhật Bản không?
Đúng rồi. Trường hợp của mình thì quỹ học bổng (Quỹ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Châu Á) giới thiệu cho bọn mình về hoạt động tìm việc tại Nhật, vì vậy mình đã suy nghĩ về công việc ở Nhật Bản ngay cả trước khi đến Nhật. Chương trình này bao gồm hoạt động hỗ trợ như “Cách tìm việc” hay “Cách trả lời phỏng vấn?”.
Mình cũng không xác định rõ bản thân muốn làm gì, nhưng vì đã được hỗ trợ tận tình thế này nên mình quyết định thử sức.
Cứ mỗi lần phải lựa chọn điều gì đó, mình không có nhiều cơ hội chọn “cái mình muốn làm”, ngay cả khi chọn ngành Nhật Bản học thời đại học cũng vậy. Chỉ có cảm giác giống như mình đang bước đi trên con đường được định sẵn vậy.
-Có thể nói Ly rất có tài nắm bắt cơ hội nhỉ. Vậy khi tìm việc làm, Ly đã thấy trước con đường đó như thế nào?
Thời điểm mình tìm việc là năm 2010, ngay sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Vậy nên mình đơn giản nghĩ rằng, “Thôi thì công ty nào cũng được miễn là được tuyển”.
Ban đầu, vì học Khoa Du lịch nên nếu có thể, mình muốn làm việc trong ngành du lịch. Vậy nên mình đã ứng tuyển vào một số khách sạn và công ty du lịch, nhưng tiếc là hầu hết đều không vượt qua kỳ thi “đánh giá mức độ phù hợp”. Chắc là do bản thân mình không hợp với những nơi mang đậm tính chất của ngành dịch vụ như vậy.
Sau nhiều lần thất vọng, mình quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm. Để ứng tuyển vào những công ty đang tích cực tuyển dụng du học sinh, mình đã lên mạng tra cứu bằng cách gõ từ khóa “tuyển dụng du học sinh”, rồi nộp hồ sơ cho tất cả các công ty đã hiện ra. Bất cứ khi nào được chấp nhận hồ sơ và nhận được lời mời phỏng vấn lần đầu, mình đều tham gia.
Kết quả là mình nhận được thư mời làm việc chính thức từ ba công ty và cuối cùng quyết định chọn công ty hiện tại.
-Mình nghĩ câu chuyện thành công của Ly xuất phát từ việc hiểu rõ bản thân và thay đổi định hướng đúng lúc, đây cũng là thông tin rất hữu ích dành cho những bạn đang có ý định tìm việc tại Nhật. Nhân tiện, Ly có thể cho mình biết là chương trình học bổng của Quỹ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Châu Á có đưa ra điều kiện như là “phải làm việc bao nhiêu năm ở Nhật” không nhỉ?
À không có chuyện đó đâu. Trong số sinh viên nhận học bổng, có người tiếp tục học lên nhưng cũng có một số người trở về Việt Nam. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy sinh viên ở lại Nhật làm việc càng nhiều càng tốt, tuy nhiên đây lại không phải quy chế bắt buộc, nên cuối mình vẫn được tự do quyết định.
Xây dựng sự nghiệp – gia đình tại Nhật Bản và những dự định cho tương lai
-Ly có thể cho mình biết quá trình làm việc sau khi gia nhập công ty hiện tại được không?
Sau khi trở thành nhân viên chính thức và được đào tạo trong ba tháng, mình được bố trí vào “Phòng cung ứng – phân phối hàng hóa” và làm việc tại một nhà máy ở thành phố Toyota. Mình đã vô cùng bất ngờ vì đột nhiên được phân công làm việc ở một nơi mà trước đó mình không hề biết.
Ban đầu mình được bố trí vào Bộ phận tiếp nhận đơn đặt hàng thuộc Phòng cung ứng – phân phối hàng hóa. Vì là người nước ngoài nên mình đã có chút hy vọng “Liệu mình có được làm công việc liên quan đến ngôn ngữ không nhỉ?”, nhưng thực tế là công việc của mình không khác gì người Nhật.
Mình nhận đơn đặt hàng từ khách hàng qua điện thoại, như “Tôi muốn mua cái này”, “Tôi muốn hủy” hay “Tôi muốn giao hàng nhanh”, v.v.. Công việc này liên quan đến việc sắp xếp các linh kiện được sử dụng cho dây chuyền của nhà máy và không được phép xảy ra sai sót. Thế nên mình luôn tự hỏi, “Để người Nhật làm chẳng phải tốt hơn sao?”. Mình bị áp lực suốt 2 năm, đến năm thứ 3 mới quen hơn với công việc.
Trái với suy nghĩ của mình, công ty mình hoàn toàn không có bó buộc nào như “vì là người nước ngoài nên…”. Công việc đầu tiên mình được giao cũng bắt đầu cùng với đồng nghiệp người Nhật và thậm chí ngay cả nhân viên người nước ngoài cũng có cơ hội thăng chức lên vị trí quản lý. Ban đầu mình thấy khá vất vả, nhưng giờ nghĩ lại thì, những văn hóa doanh nghiệp hay chính sách như thế cũng là một điểm tốt của công ty mình.
-Hiện tại Ly vẫn làm việc tại bộ phận đó chứ?
Hiện tại thì mình có hai bé 3 tuổi và 5 tuổi, trước đó mình đã xin nghỉ phép để chăm con, nhưng sau khi quay lại, bộ phận tiếp nhận đặt hàng không còn vị trí trống. Vậy nên, mình đã chuyển sang một bộ phận khác cùng phòng ban, chuyên phụ trách thu mua và thay đổi nguyên vật liệu, sắp xếp ngày giao hàng.
Trước đây, mình làm bên bộ phận tiếp xúc với khách hàng, nhưng lần này là vị trí mới, liên quan đến điều chỉnh nội bộ trong công ty. Ví dụ, khi thay đổi nguyên vật liệu, mình cần phối hợp với nhiều phòng ban khác nhau, trên cơ sở đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngày giao hàng thì đương nhiên là phải tuyệt đối tuân thủ rồi. Dù tính chất công việc khá phức tạp, nhưng cũng chính vì vậy mà mình cảm thấy rất vui mỗi khi làm việc.
-Mình được biết là Ly cũng đã kết hôn nhỉ. Vậy Ly có thể chia sẻ cảm nhận của bạn về cuộc sống gia đình ở Nhật không?
Mình đã kết hôn (chồng mình là bạn học cấp 3 của mình) và bảo lãnh cho chồng sang Nhật. Chồng mình thậm chí còn không hiểu biết về nước Nhật hơn cả bản thân mình hồi mình 18 tuổi, vậy mà sau khi mình nói sẽ ở lại Nhật làm việc, anh ấy quyết định bỏ việc tại Việt Nam và sang Nhật với mình. Chồng mình bảo rằng chưa bao giờ ra nước ngoài nên muốn đi thử xem sao.
Anh ấy vừa tìm việc làm tại Nhật, vừa cùng mình chăm con. Cách đây vài năm, chúng mình đã mua nhà và gia đình mình nay đã có thêm hai bé. À, nhân đây cũng chia sẻ luôn là mình đã phải đi vay tiền để mua nhà đấy (cười).
Đối với hai bé nhà mình thì mình luôn cố gắng để các con không phải gặp bất cứ khó khăn nào khi học trong các trường học ở Nhật. Mình muốn dạy cho các con cả tiếng Việt và tiếng Anh, vậy nên mình đang tự trau dồi thêm vốn tiếng Anh.
-Ôi, câu chuyện kết hôn của Ly kết thúc thật viên mãn. Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu tìm việc, nên chắc hẳn cuộc sống tại Nhật đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với Ly phải không nhỉ. Vậy Ly đã có những suy nghĩ hay dự định gì về tương lai sau này chưa?
Mình định sẽ tiếp tục sống tại Nhật. Vì đã ở Nhật khá lâu, từ lúc học chuyển tiếp nên bây giờ mình chẳng biết gì mấy về tình hình ở Việt Nam. Mình cũng đã mua nhà tại Nhật và có cuộc sống ổn định bên này.
Nếu có ý định về Việt Nam, thì có lẽ thời điểm thích hợp nhất là năm thứ hai khi mới vào công ty, khi đó mình thấy rất áp lực với công việc. Vậy mà mình đã quyết định ở lại, nên mình sẽ tiếp tục cuộc sống tại Nhật. Tư cách lưu trú hiện tại của mình là “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (tiếng Nhật gọi tắt là Gijinkoku) và mình đang làm thủ tục đăng ký tư cách vĩnh trú. Hai năm trước, mình đã làm thủ tục đăng ký, nhưng rất tiếc là lần đó lại không được chấp nhận.
Điều kiện quan trọng nhất khi xét duyệt tư cách vĩnh trú là thu nhập có ổn định hay không, và phải có thời gian lưu trú trên 5 năm. Lần đăng ký trước rơi đúng thời điểm mình đang nghỉ việc để chăm con, nên đợt đó mình nghĩ có khả năng “thu nhập không ổn định cũng ảnh hưởng đến kết quả xét hồ sơ”.
“Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” là tư cách lư trú của người lao động. Chẳng may bị mất việc thì sẽ mất tư cách lưu trú và con cái cũng buộc phải theo bố mẹ về nước.
Nếu có tư cách vĩnh trú thì giả sử có đột ngột mất việc làm, mình vẫn có thể ở lại Nhật. Mình cũng muốn làm việc lâu dài ở công ty hiện tại, nhưng không thể biết trước tương lai thế nào. Mình nghĩ tư cách vĩnh trú là rất cần thiết để con cái sau này có thể sinh sống ổn định tại Nhật.
-Cuối cùng, Ly có lời nhắn nhủ nào dành cho các bạn du học sinh muốn làm việc tại Nhật Bản không?
Nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực ở Nhật Bản đang ngày một tăng. Nếu bạn có ý định làm việc tại Nhật thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Mình chỉ mong các bạn là một khi đã quyết định thì hãy nỗ lực hết sức vì mục tiêu của mình, dù có khó khăn vất vả thì cũng đừng từ bỏ mà hãy luôn kiên định theo đuổi mục tiêu đến cùng. Mình tin là sẽ có rất nhiều hoạt động hỗ trợ trong xã hội dành cho các bạn. Vì vậy hãy thử tìm kiếm xem sao nhé!
-Cảm ơn Ly rất nhiều vì những chia sẻ vô cùng hữu ích trong buổi phỏng vấn hôm nay!
Phần kết
Ly đã chia sẻ rằng ban đầu bản thân không thực sự có ấn tượng đặc biệt với Nhật Bản. Lý do Ly lựa chọn học tập và làm việc tại Nhật Bản là vì chương trình học bổng bao gồm cả hoạt động hỗ trợ tìm việc.
Thực ra, nhiều sinh viên Nhật khi mới lên đại học cũng chưa xác định được mục tiêu tương lai của mình. Trong quá trình định hướng – lựa chọn nghề nghiệp, trải nghiệm nhiều công việc làm thêm, hay tham gia hoạt động tìm kiếm việc làm, bạn sẽ hiểu thêm về bản thân mình, từng bước đưa ra những lựa chọn tốt nhất vào từng thời điểm và rồi cứ thế dần dần trở thành một người đi làm thực thụ.
Khi nghe đến cụm từ “tuyển dụng du học sinh nước ngoài”, chắc hẳn nhiều bạn sẽ hình dung là “những công ty quốc tế tìm kiếm nguồn nhân lực nước ngoài, nhằm đẩy mạnh mảng kinh doanh tại nước ngoài” phải không?
Trên thực tế, thời đại đó đã kết thúc và xu hướng phổ biến hiện nay là “du học sinh cũng trở thành một trong những nguồn nhân lực xuất sắc mà các doanh nghiệp muốn tuyển dụng”. Có thể nói, Ly chính là người tiên phong cho xu hướng này.
Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, Ly đã cười và nói “Liệu câu chuyện của mình có hữu ích không nhỉ?”. Nhưng khi lắng nghe những chia sẻ từ Ly, chúng tôi cảm nhận rõ ý chí, sự linh hoạt và cá tính mạnh mẽ của Ly. Đồng thời, bản thân Ly cũng nhận ra rằng không biết tự lúc nào Ly đã có được “cuộc sống của chính mình” trên nước Nhật như mọi người Nhật khác, dù với vai trò là người đi làm hay một công dân bình thường.
Sứ mệnh của chúng ta là phải xây dựng một đất nước, một xã hội và doanh nghiệp được những nhân tài như Ly lựa chọn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tìm hiểu xem điều gì mới là yếu tố hấp dẫn đối với mỗi bạn du học sinh, hay những thông tin và hoạt động hỗ trợ như thế nào là cần thiết đối với họ.
LIGHTBOAT sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích để có thể hoàn thành sứ mệnh đó!
[1] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát hàng năm về tình hình tuyển sinh du học sinh năm 2020”, công bố vào tháng 3/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/zaiseki/data/2020.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[2] Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Tóm tắt khảo sát về tình hình đời sống của du học sinh tư phí năm 2019”, công bố vào tháng 6/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/seikatsu/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
Cơ quan hỗ trợ học sinh – sinh viên của Nhật Bản(JASSO)“Kết quả khảo sát về tình hình nghề nghiệp/bằng cấp của du học sinh năm 2019”, công bố vào tháng 2/2021. https://www.studyinjapan.go.jp/ja/statistics/shinro-and-gakui/data/2019.html (Ngày xem: 20/12/2021)
[3] Trụ sở phục hồi kinh tế nhật Bản “Chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản 2016 – Hướng đến cuộc cải cách công nghiệp lầ thứ 4” (trang 207, côn bố ngày 2.6.2016). https://www.kantei.go.jp/jp/singi/keizaisaisei/pdf/zentaihombun_160602.pdf (Ngày xem: 20/12/2021)
[4] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Xem xét về giải pháp tuyển dụng lao động nước ngoài Lần 4”, (Biên bản thảo luận) https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_19263.html (Ngày xem: 20/12/2021)