Câu nói “người Nhật ăn bằng mắt” rất nổi tiếng ở Việt Nam, nó có hai ý nghĩa, vừa ám chỉ “số lượng ít” vừa muốn nói đến “hình thức tuyệt đẹp trong việc trình bày món ăn”.

Trước khi đến Nhật, mình cũng có ấn tượng như thế về văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Mình thậm chí còn nghĩ rằng người Nhật ăn cá sống, cụ thể là sushi và sashimi hàng ngày trong bữa ăn.

Tuy nhiên, sau khi đến Nhật mình khá bất ngờ, hóa ra đồ ăn của người Nhật không chỉ có sushi hay sashimi mà thực đơn cực kì phong phú, du nhập văn hóa ẩm thực từ nhiều nước trên thế giới. Thêm vào đó, mình nhận thấy ẩm thực Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với ẩm thực Việt Nam, điều đó thực sự thú vị.

Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu về văn hóa ẩm thực Nhật Bản dưới góc nhìn của bản thân mình, là một người Việt Nam. Mình tin rằng nếu hiểu sâu hiểu rõ về văn hóa ẩm thực Nhật Bản, các bạn có thể giao lưu, trò chuyện vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp người Nhật khi nói về đặc trưng các món ăn, sự khác nhau về quy tắc trên bàn ăn giữa hai nước.

1. Văn hóa ẩm thực Nhật Bản, phải chăng là “cao cấp”?

Nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ rằng món ăn Nhật thường chỉ được thưởng thức ở những nhà hàng “cao cấp”. Trên thực tế, món ăn Nhật không phải chỉ toàn là đồ “cao cấp” và đắt đỏ. Để hiểu rõ hơn về “văn hóa ẩm thực Nhật Bản”, hãy cùng mình tìm hiểu xem “món ăn Nhật” là những món như thế nào nhé!

Trong tiếng Việt, mình vẫn hay nói “món ăn Nhật”, “quán ăn Nhật” nhưng trong tiếng Nhật có hai từ “món ăn Nhật”“washoku”, mỗi từ có một ý nghĩa riêng.

“Món ăn Nhật” chỉ những món được phục vụ ở nhà hàng và thường có ấn tượng là đồ ăn cao cấp, còn “washoku” chỉ đồ ăn Nhật truyền thống và “washoku” được dùng để nói về “văn hóa ẩm thực Nhật Bản” nói chung, bao gồm cả những món ăn trong gia đình. Chữ Hán của “washoku” bao gồm chữ “hòa (wa)” và chữ “thực (shoku)”, chữ “hòa” chính là chữ Hán chỉ nước Nhật.

Khi nói đến món ăn Nhật, hẳn nhiều bạn sẽ liên tưởng đến những món ăn cao cấp trong nhà hàng như sushi hay sashimi. Đúng thế, vốn dĩ đồ ăn Nhật truyền thống bắt nguồn từ văn hóa của “gạo và cá”. Ở Việt Nam, những nhà hàng “sushi” Nhật cực kì đắt đỏ và có cảm giác cao cấp, nhưng thử tìm hiểu lịch sử món “sushi”, các bạn sẽ thấy món ăn gọi là “nigiri-sushi” (tên một loại sushi) thực ra là đồ ăn bình dân. Bản thân mình khi tới Nhật mới biết tới nhiều loại nhà hàng sushi khác nhau, có quán cao cấp, có quán bình dân vừa tiền như “kaiten-zushi (sushi băng chuyền)” chẳng hạn.

Ngoài ra, sau Minh Trị Duy Tân, người Nhật tích cực học hỏi văn hóa từ các nước phương Tây, “văn hóa ẩm thực” cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều món ăn nước ngoài du nhập vào Nhật Bản như sukiyaki, ramen, cơm cà ri,v.v.. và dần phát triển thành văn hóa ẩm thực độc đáo của Nhật Bản.

Ngày nay, từ “washoku” được sử dụng với hàm nghĩa rộng hơn, chỉ nền “văn hóa ẩm thực Nhật Bản” nói chung, bao gồm cả những món ăn gia đình cũng như các món ăn cao cấp trong nhà hàng. Đặc biệt, vào năm 2013, “washoku” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhật Bản là nước thứ 5 được công nhận trong lĩnh vực “ẩm thực”, đồng nghĩa với việc “washoku” trở thành “văn hóa ẩm thực” được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

Nhìn bức ảnh đồ ăn Nhật truyền thống, có thể các bạn đã nhận ra, những đầu bếp chuyên nghiệp của Nhật khi chế biến món ăn, họ vô cùng đầu tư và cầu kỳ để tạo nên sự hài hòa về màu sắc, hình dáng giữa nguyên liệu với bát đĩa hay dụng cụ ăn. Bởi vì yếu tố thẩm mỹ trong món ăn Nhật là tái tạo lại thiên nhiên. Chẳng hạn như món cá thu chiên được bày trí cùng rau xanh trên đĩa nhìn giống hệt như ngọn cỏ mọc trên đỉnh núi. Người đầu bếp kỳ công trang trí món ăn sao cho màu sắc, hình dáng của nguyên liệu hài hòa với mùa và thời tiết.

Yếu tố “mùa” có quan hệ mật thiết với món ăn Nhật, không đơn thuần là “mùa nào thức nấy”, mà quan trọng hơn là thể hiện “cảm thức về mùa” vào thời điểm đó. Chẳng hạn, người Nhật sẽ dùng bát đĩa có hình dáng hay hoa văn phù hợp cho từng mùa.

Với những đầu bếp chuyên nghiệp, đó gần như là điều đương nhiên, còn trong gia đình người Nhật thì sao? Rất nhiều gia đình chuẩn bị nồi và dụng cụ ăn theo mùa. Ví dụ, “oden” là món thường được ăn vào mùa lạnh và họ thường dùng loại nồi đất để nấu “oden”. Ngược lại, mùa hè thì họ hay ăn mỳ soba đựng trong chén đĩa bằng thủy tinh vì đồ thủy tinh nhìn trong suốt và tạo cảm giác mát mẻ. Vào mỗi dịp đầu năm, họ sẽ xếp đồ ăn truyền thống của năm mới vào chiếc hộp đựng đồ ăn có tên gọi là “jubako” (loại hộp truyền thống thường có hình vuông, làm bằng gỗ và gồm nhiều khay xếp chồng lên nhau).

Vậy những quan niệm và triết lý trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản bắt nguồn từ đâu?
Về mặt cơ bản, “washoku” của Nhật coi trọng chữ “ngũ (số 5)”[1], bao gồm 5 nguyên tắc: “ngũ sắc, ngũ vị, ngũ pháp, ngũ tích, ngũ giác”. Những nguyên tắc này được cho là bắt nguồn từ thuyết “âm dương ngũ hành” của Trung Quốc, nhưng nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản hình thành và phát triển phù hợp với cảm quan của người Nhật. Sau đây mình sẽ giải thích cụ thể hơn về các quy tắc.

Đầu tiên là “ngũ sắc”, nghĩa là 5 màu sắc bao gồm trắng, đen, vàng, đỏ, xanh (xanh lá cây). Màu sắc nguyên liệu, dụng cụ đựng đồ ăn kết hợp với nguyên liệu trang trí tạo cảm thức về mùa và cảm giác ngon miệng của món ăn.

Ngũ vị nghĩa là 5 vị bao gồm ngọt, chua, cay, mặn, đắng. Những loại gia vị chính được sử dụng trong món ăn Nhật là đường, dấm, muối, xì dầu và miso, mỗi loại gia vị tương ứng với một vị.

Ngũ pháp nghĩa là 5 phương pháp chế biến bao gồm sống, ninh, nướng, hấp, rán. Người Nhật khi mời khách ăn cơm về cơ bản họ sẽ thết đãi 5 loại đồ ăn được nấu theo các phương pháp này.

Ngũ giác bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Khi thưởng thức đồ ăn, họ không chỉ cảm nhận bằng lưỡi mà bằng tất cả mọi giác quan.

“Ngũ tích” bao gồm “nhiệt độ thích hợp” để chỉ đồ ăn nóng thì ăn khi còn nóng, đồ ăn lạnh thì sẽ ăn lạnh, “nguyên liệu phù hợp” với độ tuổi, giới tính của khách, “lượng vừa đủ” không quá ít không quá nhiều, “kỹ năng phù hợp” để gia giảm gia vị vừa phải, “tâm trí phù hợp” chỉ không khí nơi thết đãi cũng phải hợp tâm trạng để thưởng thức đồ ăn.

Những triết lý đó quả thật rất sâu sắc và tinh tế phải không nào?

Thông thường những món ăn truyền thống được phục vụ theo suất, lượng đồ ăn trong từng món thoạt nhìn có vẻ ít nhưng với mỗi món ăn như thế, không chỉ đơn thuần là để thưởng thức hương vị thơm ngon, mà còn ẩn chứa cả vẻ đẹp của nguyên liệu – dụng cụ ăn, sự tinh tế khéo léo của người đầu bếp và tinh thần omotenashi (sự hiếu khách) ở trong đó.

[1] Nguồn tham khảo: Izumiya – Tầm quan trọng của chữ “ngũ” trong washoku
Link: http://izumiya-inc.co.jp/other/1725.html(Ngày xem: Ngày 25 tháng 1 năm 2022)

2. Thực ra ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng

Gần đây, số lượng nhà hàng Nhật Bản tăng đáng kể và rất được yêu thích ở Việt Nam nhưng có thể vẫn nhiều người chưa biết đến đồ ăn gia đình thường ngày ở Nhật. Bản thân mình từng nhiều lần được mời đến gia đình người Nhật và thưởng thức những món ăn thường ngày của người Nhật. Mình nhận ra món ăn gia đình của Nhật rất gần gũi và có nhiều điểm tương đồng với đồ ăn Việt Nam. Sau đây mình sẽ giới thiệu cụ thể hơn.

2-1. Lương thực chính là gạo

Rất nhiều người Việt Nam vẫn mang ấn tượng như mình trước kia là người Nhật ăn đồ sống (sushi hay sashimi) hàng này trong bữa cơm gia đình. Sự thật là lương thực quen thuộc nhất với người Nhật là gạo, điều này giống với người Việt. Văn hóa lúa nước phát triển từ thời cổ đại và ngày nay, nhiều gia đình Nhật vẫn ăn cơm mỗi ngày. Theo một số liệu điều tra vào năm 2016 của NHK – đài truyền hình quốc gia Nhật Bản, có đến 90% số người được được hỏi trả lời rằng họ ăn cơm hàng ngày. Ngoài ra, trên 50% nói rằng ít nhất 2 trong số 3 bữa ăn chính trong ngày họ ăn cơm.[2]

Trong tiếng Nhật, từ “gohan” để chỉ cơm được nấu từ gạo. Ngoài ra, “gohan” còn có ý nghĩa là “bữa ăn/bữa cơm”. Điều này cho thấy, lương thực chính trong bữa ăn của người Nhật từ xưa đã luôn có sự có mặt của “cơm, gạo”.

Phong cách cơ bản trong bữa ăn của người Nhật bao gồm “ichiju sansai” (1 món canh, 3 món ăn kèm), để chỉ các món ăn cùng với cơm, vốn là lương thực chính. Điểm này cũng giống bữa cơm của gia đình người Việt đúng không nào? Các món mặn ăn kèm thường là thịt hoặc cá, món ăn chế biến từ rau, ngoài ra có thêm canh, thường là canh miso hoặc dưa muối.

Ngày nay, văn hóa phương Tây phổ biến rộng rãi ở Nhật, ngày càng nhiều người ăn bánh mỳ hoặc pasta thay cho cơm. Nhưng đại đa số các gia đình Nhật, đặc biệt là bữa tối sẽ ăn cơm. Ngoài ra, nhiều quán ăn trưa phục vụ cơm bán theo suất và các bạn có thể hình dung vẫn nhiều người ăn cơm cho bữa trưa.

2-2. Coi trọng tự nhiên

Năm 2013, “washoku” được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể, bởi “washoku” tái hiện tinh thần “coi trọng tự nhiên” của người Nhật và điều đó được mọi người khắp nơi trên thế giới công nhận.

Một quốc đảo bao quanh là biển, thời tiết bốn mùa rõ nét là những đặc điểm có ảnh hưởng lớn đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Nguyên liệu nấu ăn được lấy chủ yếu từ biển – núi – đồng ruộng, nên các loại thủy hải sản, nông sản và rau quả cực kỳ phong phú, người Nhật có thể chế biến đồ ăn tươi sống như sushi hay sashimi từ nguồn nguyên liệu dồi dào đó.

Nguyên liệu chế biến món ăn của Việt Nam cũng được lấy chủ yếu từ biển – núi – đồng ruộng, nhưng những khác biệt về khí hậu khiến cách chế biến của người Việt hơi khác. Ở Việt Nam chúng ta thấy có nhiều món ăn bảo quản được lâu như cá khô, các loại nước chấm làm từ cá hoặc tôm – tép (nước mắm, mắm tôm, mắm tép, v.v..)

Còn Nhật Bản thì coi trọng việc giữ nguyên độ tươi sống và hương vị nguyên sơ của đồ ăn, phương thức bảo quản thực phẩm vô cùng khắt khe. Có thể nói đó là lí do khiến người Nhật có thói quen ăn đồ sống nhiều hơn so với người Việt.

2-3. Cân bằng dinh dưỡng

Khi mới tới Nhật và đi mua đồ ở siêu thị có một điều khiến mình vô cùng ngạc nhiên. Đó là tất cả các loại thực phẩm đều được ghi chú rất rõ ràng lượng calo trong đó. Ngoài ra, khi nói chuyện với người Nhật về đồ ăn, “một món ăn có lượng calo bao nhiêu” thường xuyên xuất hiện trong chủ đề nói chuyện của người Nhật. Vốn là người không có thói quen để ý lượng calo trong thức ăn nên mình có ấn tượng người Nhật rất có ý thức về việc cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của họ.

Ngày nay, những món ăn phương Tây như bánh mỳ, xúc xích, thịt xông khói, v.v.. xuất hiện ngày càng nhiều trong bữa ăn của người Nhật, thói quen ăn uống của người Nhật cũng dần thay đổi những có lẽ ý thức về sự cân bằng dinh dưỡng thì không thay đổi.

Kỹ thuật y học tiên tiến cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe – bảo hiểm y tế tốt được cho là những nguyên nhân chính khiến người Nhật có tuổi thọ trung bình cao. Cũng có ý kiến cho rằng tuổi thọ trung bình cao có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống của người Nhật. Những loại thực phẩm mà người Nhật hay ăn đó là hạt đậu tương, thủy hải sản, rau tươi… Chính vì thế, món ăn Nhật không chỉ ngon miệng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe.

Thực phẩm của Việt Nam thì thế nào? Văn hóa quán ăn đường phố cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài. Chính vì thế, người ta thường cho rằng món ăn Việt Nam chú trọng vào hương vị hơn là giá trị dinh dưỡng, nhưng trên thực tế món ăn Việt Nam sử dụng rất nhiều các loại rau. Một điều gây kinh ngạc cho du khách quốc tế đó là hầu như món ăn nào của Việt Nam cũng kèm thêm nhiều loại rau sống.

Nếu bạn thử ăn các món như phở, bún chả, bánh xèo, v.v.. ở ngoài hàng chẳng hạn, thì bên cạnh món ăn chính sẽ là một đĩa to với đủ loại rau sống ăn kèm. Vì thế, mình nghĩ đồ ăn Việt Nam cũng ngon và tốt cho sức khỏe không thua kém đồ ăn Nhật!

2-4. Món ăn theo mùa

Món Sakuramochi được gói bằng lá anh đào

Thực tế là khí hậu bốn mùa rõ nét có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguyên liệu chế biến món ăn. Ngoài nguyên liệu, việc trang trí món ăn bằng lá và hoa theo mùa cũng là một trong những đặc trưng nổi bật của món ăn Nhật. Bởi vì việc thưởng thức món ăn bằng vị giác và thị giác theo sự thay đổi của mùa tạo cảm giác món ăn ngon hơn bội phần. Ví dụ vào mùa hoa anh đào, những loại bánh kẹo, mochi (bánh dày), dango (một loại bánh trôi làm từ bột gạo) có hương anh đào hay bánh kem màu anh đào được bán rất nhiều và được khách hàng yêu thích.

Một món ăn truyền thống đại diện cho mùa hè là mòn đá bào. Chỉ là một lớp siro ngọt phủ lên đá được bào nhỏ và mịn, món ăn cực kì đơn giản đó không thể thiếu vào mùa hè, cũng chính là mùa lễ hội.

Ngoài ra, vào mùa thu, mùa lá vàng lá đỏ đẹp nao lòng, bạn có thể thấy rất nhiều nhà hàng trang trí món ăn bằng lá phong, loại lá tượng trưng của mùa thu. Họ cũng sử dụng bát đũa và dụng cụ ăn hợp với mùa thu.

Các loại bánh kẹo Nhật được bán giới hạn theo mùa như sản phẩm “chỉ bán vào mùa thu” hay “chỉ bán vào mùa đông” không phải là điều hiếm gặp. Những sản phẩm bày bán giới hạn theo mùa như thế không chỉ là một trong những chiến lược kinh doanh nhằm thu hút khách hàng mà còn bởi vì các loại bánh kẹo của Nhật có liên hệ mật thiết với từng mùa.

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản còn gắn liền với các sự kiện theo mùa diễn ra trong một năm.

Dưới đây là danh sách các món ăn tiêu biểu cho từng lễ hội hay sự kiện.

Bảng1)Danh sách lễ hội và món ăn truyền thống của Nhật

Ngày 1 tháng 1Ngày đầu năm mớiOsechi, Ozoni
Ngày 7 tháng 1Jinjitsu no sekku (Nhân nhật)Cháo thất thảo
Ngày 2 tháng 3Setsubun (Tiết phân)Fukumame (túi đậu may mắn)
Ngày 3 tháng 3Ngày bé gái (Lễ hội búp bê Hina)Canh ngao, Hishi-mochi (giống bánh dày)
Ngày 5 tháng 5Ngày bé trai (Tết thiếu nhi)Chimaki (giống bánh chưng)
Kashiwa-mochi
Ngày 7 tháng 7Lễ hội Tanabata
(Ngưu Lang – Chức Nữ)
Mỳ lạnh
Giữa tháng 8Lễ ObonMón ăn chay
Ngày 9 tháng 9Choyo no sekku (Lễ hội hoa cúc)Rượu hoa cúc, món ăn từ hoa cúc
Nửa sau tháng 9Trung thuTsukimi-dango (một loại bánh trôi)
Ngày 15 tháng 11ShichigosanChitose-ame, xôi đậu đỏ
Ngày 22 tháng 12Ngày đông chíBí ngô, đậu đỏ
Ngày 31 tháng 12Omisoka (Đêm Giao thừa)Mỳ soba
※ Những món ăn đại diện nêu trên đây có thể khác nhau tùy từng địa phương.
Nguồn tham khảo: “Giảng dạy về Washoku” (Bộ Nông lâm thủy sản)
Link: https://www.maff.go.jp/j/keikaku/syokubunka/culture/attach/pdf/index-164.pdf

Nhìn vào danh sách này, chắc các bạn đã nhận ra là Việt Nam cũng có những lễ hội, sự kiện hay những món ăn truyền thống tương đối giống Nhật. Ví dụ, vào giữa tháng 8, Nhật Bản có lễ Obon, ngày lễ này giống “Lễ Vu Lan” của Việt Nam rơi vào rằm tháng 7 âm lịch. Vào dịp Obon, người Nhật có văn hóa chuẩn bị đồ cúng là món ăn chay để đón linh hồn tổ tiên về. Nó giống hệt văn hóa người Việt trong ngày “Lễ Vu Lan”, thật thú vị phải không nào?

Có thể nói văn hóa ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam rất gần gũi, nên nếu có dịp tới Nhật, các bạn thử tìm hiểu sâu hơn và thưởng thức các món ăn Nhật xem sao nhé!

[2]Viện nghiên cứu văn hóa đài truyền hình NHK “Thăm dò dư luận về thói quen ăn uống của người Nhật
Link: https://www.nhk.or.jp/bunken/research/yoron/pdf/20161001_7.pdf(Ngày xem: ngày 26 tháng 1 năm 2022)

3. Quy tắc trong bữa ăn của người Nhật

Chắc hẳn các bạn sẽ có nhiều cơ hội đi ăn cùng người Nhật. Ví dụ được người Nhật mời đến nhà, đi ăn với đối tác hay rất nhiều trường hợp khác, thế nên có một số lưu ý để không hành động hay cư xử thất lễ. Hãy cũng xem lại những quy tắc cần ghi nhớ khi đi ăn cùng người Nhật nhé.

3-1. Những quy tắc chung

Nhìn chung, việc tạo ra tiếng động khi ăn được coi là không lịch sự. Tuy nhiên, khi ăn các loại mỳ sợi như soba chẳng hạn, thì việc tạo ra âm thanh khi ăn là điều bình thường. Tiếng động đó thể hiện bạn đang ăn rất ngon miệng.

Cách dùng đũa về cơ bản là giống với văn hóa dùng đũa của người Việt, nhưng có một số nguyên tắc cần ghi nhớ. Chẳng hạn, tuyệt đối không cắm đũa lên bát cơm hay dùng đũa gắp chuyền thức ăn bởi đó là những hành động kiêng kị, làm liên tưởng đến cái chết hoặc lễ tang. Những hành động như thế có thể phá hỏng không khí của bữa ăn.
Ngoài ra, khi thưởng thức “washoku”, việc cầm bát cơm trên tay để ăn được coi là đúng cách.

3-2. Văn hóa khi dùng bữa với đối tác

Sau khi tốt nghiệp và đi làm ở các doanh nghiệp của Nhật, có thể bạn sẽ có nhiều cơ hội đi ăn với người Nhật. Trong những trường hợp này, có một nguyên tắc bạn phải ghi nhớ đó là “ưu tiên người có thứ bậc cao hơn”. Người Việt Nam có câu “kính trên nhường dưới”, “kính lão đắc thọ”, tuy nhiên khi dùng bữa với đối tác người Nhật hay cấp trên, hãy ưu tiên đối phương và hành động lịch thiệp.

Chẳng hạn khi vào nhà hàng, thông thường nhân viên nhà hàng sẽ dẫn đến bàn ăn. Khi đó hãy nói “Xin mời anh/chị!”, và nhường đối tác hoặc cấp trên đi trước.

Chỗ ngồi cũng được phân thành 2 loại là “kamiza” và “shimoza” với nguyên tắc người có địa vị cao hơn sẽ ngồi chỗ “kamiza”. Nếu chỗ ngồi “kamiza” hay “shimoza” không rõ ràng, hãy chủ động nói với đối phương “Anh/chị thấy ngồi chỗ ngồi nào thoải mái để em sắp xếp ạ!”. Việc chủ động như thế sẽ tạo ấn tượng tốt với đối phương.

Ngoài ra, khi nâng ly, hãy đặt cốc của mình ở vị trí thấp hơn đối phương một chút, đó cũng được coi là một hành động lịch thiệp trong giao tiếp.

3-3. Khi được mời đến nhà người Nhật

Nếu có bạn bè người Nhật, thỉnh thoảng bạn sẽ được mời đến nhà chơi và dùng bữa, chỉ cần giữ đúng những quy tắc cơ bản khi ăn thì không có vấn đề gì. Ngoài ra, để tạo mối quan hệ thân thiết hơn với người Nhật, bạn có thể tìm hiểu và ghi nhớ thêm về văn hóa của họ.

Ví dụ, khi được mời cơm ở gia đình người Nhật, hãy chuẩn bị một chút quà nhỏ mang đến và tặng họ. Lúc tặng quà, hãy nói “Đây là chút lòng thành của tôi!”, thì đối phương sẽ rất vui. Ngoài ra, việc ăn hết các món ăn họ chuẩn bị cũng được coi là phép lịch sự. Nếu có đồ ăn mà bạn thực sự không thích hoặc không thể nào ăn được, đừng ngần ngại hãy nói trước cho họ biết.

Ngoài ra, dù món ăn có hợp khẩu vị với mình hay không, cũng đừng quên bày tỏ lòng biết ơn vì họ đã chuẩn bị đồ ăn cho mình, hãy nói “Cảm ơn anh/chị vì bữa ăn hôm nay.”

3-4. Những trường hợp khác

Ngoài ra, các bạn sẽ có cơ hội đi ăn với bạn bè ở trường đại học hoặc người cùng làm ở chỗ làm thêm. Nếu là những người đồng trang lứa, tâm thế cũng thoải mái hơn và dễ dàng nói chuyện, giao lưu một cách thân tình. Chỉ có một điều cần lưu ý, đó là cách trả tiền sau khi ăn, phần lớn là chia đều hoặc ai trả phần của người đó. Người Việt nhiều khi là người mời hoặc người lớn tuổi hơn sẽ trả tiền, còn ở Nhật chia tiền là điều đương nhiên, nên các bạn hãy lưu ý đến quy tắc này và vui vẻ giao lưu với người Nhật nhé.

4. Những câu nói “thần thánh” liên quan đến bữa ăn

Thông thường chúng ta có thể trò chuyện về mọi chủ đề khi đi ăn cùng nhau, nhưng vì một số lý do như rào cản ngôn ngữ, văn hóa mà việc giao tiếp có thể không suôn sẻ. Tuy nhiên, chỉ cần cố gắng ghi nhớ một vài câu nói của nước bạn, không khí bữa ăn sẽ trở nên vui vẻ, hứng khởi hơn. Có một số câu nói cực kỳ quan trọng, mình vẫn gọi là những câu nói “thần thánh”, mà khi nói ra, mình nghĩ đối phương sẽ rất vui. Những câu nói đó không hề cao siêu, mình được học ở trình độ sơ cấp, các bạn cũng ghi nhớ và dùng thử xem sao nhé.

Đầu tiên, trước khi ăn, người Nhật sẽ nói “Itadakimasu” với ý nghĩa là “Mời mọi người ăn cơm!”. Người Việt Nam trước khi ăn sẽ phải mời từng người một nhưng người Nhật thì nói “Itadakimasu” một lần và dùng cho tất cả mọi người được. Rất dễ nhớ phải không nào?

Khi đồ uống của tất cả mọi người đã sẵn sàng và cùng nâng ly, người Nhật nói “Kanpai!”. Ý nghĩa của từ này giống với “Một, hai, ba, Dzô!” trong tiếng Việt, giúp hâm nóng bầu không khí. Ngoài ra, khi bạn bày tỏ cảm nghĩ của mình về món ăn, “Totemo oishii desu! (Món này ngon quá!)” thì đối phương sẽ rất vui.

Trong trường hợp bạn được mời, thì cuối bữa ăn đừng quên bày tỏ lòng biết ơn với người đã mời mình bằng câu nói “Gochisousamadeshita!” với ý nghĩa là “Cảm ơn anh/chị vì bữa ăn rất ngon!”. Bạn cũng có thể sử dụng câu nói này với nhân viên trong nhà hàng để cảm ơn họ.

Ngoài ra, vào lần gặp tiếp theo, hãy mở đầu câu chuyện bằng câu nói “Senjitsu ha doumo arigatougozaimashita (Cảm ơn anh/chị rất nhiều vì bữa ăn ngon hôm nọ)” là bạn đã ghi thêm điểm và tạo ấn tượng cực tốt cho đối phương.

Bằng những câu nói đơn giản và chân thành như thế, bạn có thể trở nên thân thiết với người Nhật và mối quan hệ càng trở nên sâu sắc đúng không nào? Hãy thử vận dụng những câu nói “thần thánh” thế này trong hội thoại với người Nhật xem sao nhé!

5. Phần kết

Mình đã giới thiệu đôi nét về ẩm thực Nhật Bản trong bài viết này. Có thể nhiều bạn vẫn ấn tượng về đồ ăn Nhật là “cao cấp” và đắt tiền, nhưng như trong bài mình có viết, lương thực chính trong bữa ăn của người Nhật là lúa gạo, hay văn hóa dùng đũa thực sự là những nét tương đồng và gần gũi với người Việt.

Thưởng thức đồ ăn bằng mắt” thực ra bắt nguồn từ triết lý “âm dương ngũ hành” của Trung Quốc, kết hợp với cảm quan của người Nhật để hình thành nên một nền văn hóa ẩm thực độc đáo như ngày nay. Nếu bạn yêu thích ẩm thực Nhật, hãy thử tìm hiểu sâu hơn nhé! Mình tin là các bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế, những triết lý sâu xa trong món ăn Nhật và cả tinh thần omotenashi (sự hiếu khách) của người Nhật.

Mỗi nước sẽ có những đặc trưng về món ăn hay văn hóa trên bàn ăn khác nhau, thế nên khi có cơ hội đi ăn cùng người Nhật, điều quan trọng là cố gắng ghi nhớ những quy tắc và văn hóa ứng xử của người Nhật để hai bên có thể cùng hiểu nhau, hiểu sự khác biệt về văn hóa của nhau. Việc hiểu biết văn hóa, cách ứng xử trên bàn ăn không chỉ tạo ấn tượng tốt đẹp mà nó còn giúp bạn gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đối phương.