“Mình có thể sử dụng thư viện tại Nhật không nhỉ?”

Câu hỏi trên có thể là băn khoăn đối với nhiều người nước ngoài, vì vẫn chưa quen sử dụng thư viện khi mới đến Nhật.

Còn đối với người Nhật, thư viện lại là nơi gần gũi, thân thuộc. Không chỉ thuận tiện cho việc nghiên cứu, phục vụ học tập và công việc, nhiều người đến thư viện để cập nhật thông tin mới như tin tức, xu hướng ẩm thực, v.v. hay để giao lưu, tận hưởng sở thích cá nhân.

Thư viện tại Nhật không chỉ có thiết kế độc đáo mà còn có cả quán cà phê, nhà hàng bên trong. Chính vì vậy, thư viện ở Nhật Bản không chỉ dành cho người Nhật, mà LIGHTBOAT hi vọng tất cả những người nước ngoài đang sống ở Nhật đều được trải nghiệm.

Trong bài viết này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu những điều có thể làm tại thư việncách sử dụng thư viện một cách dễ hiểu cho những người chưa từng đến thư viện.

1. Thư viện Nhật Bản có gì?

Thư viện ở Nhật Bản chủ yếu có sách, tạp chí, báo v.v. Nói đến sách, bên cạnh sách chuyên môn, thư viện còn có đa dạng các loại sách khác như tiểu thuyết, sách hướng dẫn, sách kinh doanh, sách ảnh, light novel[1], v.v.

Một số thư viện còn có cả đĩa CD, DVD, truyện tranh, v.v. Tùy thư viện mà các đầu sách và thể loại sẽ khác nhau. Thư viện lớn thường có tương đối đầy đủ các thể loại.

2. Có thể làm gì ở thư viện?

Những điều bạn có thể làm trong thư viện bao gồm:

・Đọc và mượn sách

・Tìm kiếm cuốn sách bạn muốn đọc hoặc sách phù hợp với nội dung đang cần tra cứu

・Học tập, làm việc với không gian đủ để trải rộng tài liệu

・Sử dụng và máy tính và internet miễn phí

・Photo sách ở thư viện

・Sử dụng như một không gian cộng đồng

Đọc và mượn sách

Các tài liệu như sách, CD và DVD trong thư viện có thể tự do xem và nghe. Bạn có thể mượn tài liệu bằng cách thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng và làm thẻ thư viện.

Tìm kiếm cuốn sách bạn muốn đọc hoặc sách phù hợp với nội dung đang cần tra cứu

Bạn có thể sử dụng dịch vụ cửa sổ tư vấn (Reference service) để hỏi nhân viên thư viện những gì bạn muốn tra cứu hoặc những tài liệu bạn đang tìm kiếm.

Học tập, làm việc với không gian đủ để trải rộng tài liệu

Không chỉ là nơi đọc sách, thư viện còn có không gian cho bạn học, tra cứu, viết lách, làm việc bằng máy tính cá nhân với diện tích đủ để trải rộng hết những tài liệu cần thiết.

Sử dụng máy tính và internet miễn phí

Ở nhiều thư viện, bạn có thể sử dụng Wi-fi công cộng miễn phí. Không chỉ có thể sử dụng máy tính cá nhân, một số thư viện còn cho mượn máy tính và có ổ cắm điện để sạc pin.

Photo sách ở thư viện

Nhiều thư viện có trang bị máy photocopy và bạn có thể photo tài liệu trong thư viện với giá khoảng 10 yên mỗi trang.

Tuy nhiên, cần lưu ý, pháp luật nghiêm cấm việc sao chép toàn bộ cuốn sách mà chưa được tác giả cho phép[2]. Vì vậy, hãy chỉ photo những phần bạn cho là cần thiết.

Ngoài các tài liệu được sử dụng cho báo cáo và luận văn, bạn cũng thử photo công thức nấu ăn hay thông tin về các cửa hàng mà bạn quan tâm nữa nhé!

Sử dụng như một không gian cộng đồng

Một số thư viện còn có cả quán cà phê, quảng trường và hội trường, một không gian để thư giãn và giao lưu.

Hay ở những khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống, thư viện cũng là nơi tổ chức sự kiện, các buổi gặp gỡ với mục đích giao lưu giữa người nước ngoài và người Nhật.

3. Quy tắc ứng xử trong thư viện Nhật – Những điều bạn nên biết

Ghi nhớ những quy tắc sau đây khi sử dụng thư viện nhé!

・Cấm ăn uống trong thư viện

・Giữ im lặng trong thư viện

・Chú ý bảo quản tài sản có giá trị

Cấm ăn uống trong thư viện

Ở hầu hết các thư viện, việc ăn uống bị cấm để bảo vệ tài liệu và thiết bị điện tử.

Một số thư viện có quy tắc riêng như cho phép uống nước trong chai nhựa bình giữ nhiệt, hoặc chỉ được phép uống ở nơi được chỉ định, v.v. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu trước trên trang chủ của thư viện.

Giữ im lặng trong thư viện

Giữ im lặng trong thư viện cũng là một phép lịch sự. Cài đặt điện thoại di động của bạn ở chế độ im lặngtránh nói chuyện riêng hết mức có thể.

Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận với âm thanh lọt ra khỏi tai nghe, tiếng gõ bàn phím máy tính v.v. Hãy chú ý đến hành động của bản thân để mọi người sử dụng thư viện đều cảm thấy thoải mái.

Chú ý bảo quản tài sản có giá trị

Bạn có thể mang đồ cá nhân của mình vào thư viện. Tuy nhiên, hãy bảo quản những đồ vật có giá trị trong phạm vi trách nhiệm của mình như cất trong tủ khóa hoặc mang theo bên mình khi rời khỏi chỗ ngồi.

Tiếp theo, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu một số cách sử dụng thư viện cơ bản.

4. Cách sử dụng thư viện

・Cách tra cứu sách

・Cách đăng ký thành viên và mượn sách

・Cách trả sách

・Cách đặt trước sách cần mượn

Cách tra cứu sách

Đầu tiên, thử tìm cuốn sách bạn muốn đọc nhé! Thư viện công cộng, thư viện đại học và các thư viện khác ở Nhật Bản chủ yếu phân loại sách theo phương pháp gọi là “Phân loại thập phân Nippon[3].

【Ảnh 1: Bảng phân loại thập phân Nippon (Phân loại danh mục) 】

Nguồn: Thư viện thành phố Ichikawa, “Tra cứu theo Phân loại thập phân Nippon (NDC)”, https://www.city.ichikawa.lg.jp/library/search/1003.html (Ngày xem: 26/5/2022)

Trong nhiều thư viện, tài liệu sẽ được phân loại theo danh mục trên và được xếp vào các kệ và góc tương ứng.

Ví dụ, nếu bạn muốn đọc tạp chí, báo hay luận văn, hãy tìm khu vực “Loại 0”, sách ngôn ngữ trong khu “Loại 8” và tiểu thuyết ở khu “Loại 9”. Nếu biết cách phân loại của tài liệu cần tra cứu, thì bạn có thể tìm thấy chúng ở khu vực tương ứng.

Tất nhiên, bạn cũng có thể xem qua nhiều giá sách khác nhau để tìm cuốn sách muốn đọc mà không cần hiểu về quy tắc phân loại, hoặc trực tiếp hỏi nhân viên thư viện rằng “Tôi đang muốn tìm đọc cuốn sách này…”

Cách đăng ký thành viên và mượn sách

Nếu muốn mượn sách, bạn cần đăng ký thành viên. Để đăng ký thành viên, cần có giấy tờ tùy thân để xác nhận địa chỉ. Vì vậy, hãy xác nhận trước và đừng quên mang theo giấy tờ để làm thủ tục nhé.

giới hạn về số lượng sách có thể mượn trong một lần. Mặt khác, bạn không thể cho người khác mượn sách mà bạn đã mượn từ thư viện.

Cần bảo quản cẩn thận những cuốn sách đã mượn. Nếu làm hỏng hoặc làm mất sách, hãy liên hệ ngay với thư viện.

Cách trả sách

Bạn chỉ được mượn sách trong thời hạn cho phép. Vì vậy, cần tuân thủ thời gian mượn và cần trả lại cho thư viện đúng hạn.

Khi trả sách, hãy trả tại “Quầy trả sách“. Tại quầy, bạn cũng có thể gia hạn thời gian mượn bằng cách thực hiện “thủ tục gia hạn”. Tuy nhiên, nếu sách đã được đặt mượn trước hoặc đã quá thời hạn mượn thì không thể gia hạn nữa.

Nếu đóng cửa, thư viện sẽ chuẩn bị một thùng chuyên dụng để nhận sách trả lại, gọi là “Thùng trả sách“.

Cách đặt trước sách cần mượn

Nếu ai đó đang mượn cuốn sách bạn muốn đọc, bạn có thể đặt mượn cuốn sách đó. Sách phổ biến và các ấn phẩm mới thường rất khó tiếp cận nếu không đặt trước, vì vậy đừng ngần ngại sử dụng dịch vụ đặt trước nhé.

Ngoài cách đăng ký tại quầy thư viện, gần đây, ở nhiều nơi, bạn có thể đặt trước sách ngay trên điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân. Lần đầu thì nên nhờ nhân viên thư viện thao tác, sau đó bạn có thể tự mình đặt khi đã quen.

5. Thử khám phá thư viện của Nhật nào!

Cùng bọn mình khám phá thư viện Nhật nào! Với những bạn tới thư viện lần đầu, check lại xem mình cần chuẩn bị những gì nhé!

・Tìm thư viện bạn muốn đến

・Kiểm tra trang chủ thư viện

・Xác nhận đồ cần mang theo

Tìm thư viện bạn muốn đến

Trước hết, hãy xác định thư viện bạn muốn tới! Để bắt đầu, thì bạn nên tìm tới thư viện gần nhà hay nơi làm việc, hoặc thư viện tại trường đại học. Những thư viện lớn, nổi tiếng cũng là lựa chọn không tồi.

Kiểm tra trang chủ thư viện

Khi đã tìm thấy thư viện muốn đến, bước tiếp theo là kiểm tra trang chủ thư viện. Bạn cần chú ý những thông tin như giờ mở cửa, ngày đóng cửa, cách đến thư viện, những điểm cần lưu ý khi sử dụng thư viện, các giấy tờ cần thiết để đăng ký thành viên, v.v.

Cũng nhiều thư viện có video giới thiệu. Xem những video này sẽ giúp bạn biết được những thông tin cần thiết để chuẩn bị trước khi đi.

Tham khảo: Thư viện trung ương Tokyo, “Hướng dẫn Thư viện trung ương Tokyo”

Xác nhận đồ cần mang theo và chuẩn bị một số mẫu câu hay dùng

Hãy mang theo giấy tờ tùy thân một chiếc túi lớn đến thư viện để đựng sách cần mượn nhé! Bạn cũng nên viết trước tên sách muốn mượn và chuẩn bị những mẫu câu bạn có thể sử dụng ở thư viện.

Dưới đây là một số mẫu câu hay dùng trong thư viện.

・Konohon wa arimasuka (Có cuốn sách này không ạ)?

・Konohon o karitaidesu (Tôi muốn mượn cuốn này)

・Nansatsumade kariru koto ga dekimasu ka (Có thể mượn mấy quyển sách ạ)?

・Toshokan kado o tsukuritaidesu (Tôi muốn làm thẻ thư viện)

・Itsu made ni kaesanakereba narimasen ka (Khi nào tôi phải trả lại sách vậy)?

Khi cần tìm sách, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nói tên sách hoặc đưa cho nhân viên thư viện xem ghi chú, màn hình điện thoại có tên cuốn sách bạn muốn tìm.

6. Phần kết

Trong bài viết này, LIGHTBOAT đã giới thiệu về cách sử dụng thư viện ở Nhật.

Đối với người Nhật, thư viện không hề xa lạ. Một nơi tuyệt vời với rất nhiều đầu sách cho cả người lớn và trẻ em, nhiều thư viện còn có kiến trúc độc lạ, quán cà phê ngay trong khuôn viên, v.v.

Bạn có thể làm rất nhiều điều tại thư viện như:

・Đọc và mượn sách

・Tìm kiếm cuốn sách bạn muốn đọc hoặc sách phù hợp với nội dung đang cần tra cứu

・Học tập, làm việc với không gian đủ để trải rộng tài liệu

・Sử dụng máy tính và internet miễn phí

・Photo sách ở thư viện

・Sử dụng như một không gian cộng đồng

Thư viện ở Nhật Bản không chỉ là nơi đọc sách, mà còn là nơi để học tập, nghiên cứu, làm việc, giao lưu, thư giãndành thời gian cho sở thích cá nhân.

Bài viết cũng đã giới thiệu về một số quy tắc ứng xử trong thư viện, bao gồm 3 quy tắc chính sau:

・Cấm ăn uống trong thư viện

・Giữ im lặng trong thư viện

・Chú ý bảo quản tài sản có giá trị

Bạn cũng cần nhớ 4 điều cơ bản dưới đây khi sử dụng thư viện:

・Cách tra cứu sách

・Cách đăng ký thành viên và mượn sách

・Cách trả sách

・Cách đặt trước sách cần mượn

Nếu bạn đến thư viện lần đầu, hãy lưu ý những điều sau:

・Tìm thư viện bạn muốn đến

・Kiểm tra trang chủ thư viện

・Xác nhận đồ cần mang theo

Khi tới thư viện, bạn không chỉ có thể tiến bộ trong học tập và công việc, mà cuộc sống ở Nhật Bản cũng sẽ trở nên thú vị và trọn vẹn hơn. Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho chuyến thăm thư viện đầu tiên của bạn!

Xem bài viết bằng tiếng Nhật: https://lightboat.lightworks.co.jp/article/japan-library


[1]Thể loại tiểu thuyết mang tính giải trí cao nhắm đến độc giả ở độ tuổi từ 10 đến 20. Light novel thường có nội dung nhẹ nhàng, sử dụng nhiều câu đàm thoại.

[2]Thư viện Quốc hội,”Những lưu ý về bản quyền”,https://www.ndl.go.jp/jp/copy/copyright/index.html (Ngày xem: 26/05/2022)

[3]Thư viện quận Setagaya “Cách sắp xếp sách trong thư viện – Giới thiệu về NDC”, https://libweb.city.setagaya.tokyo.jp/kids/research1_1.html (Ngày xem: 26/5/2022)