Nội dung chính
Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn
MUJI là thương hiệu toàn cầu đại diện cho Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2021, công ty phát triển thương hiệu này là Ryohin Keikaku Co., Ltd. (tên gọi tắt là Ryohin Keikaku) đã có cửa hàng ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới[1]. Ở trụ sở của công ty tại Nhật Bản, cũng có nhiều nhân viên có quốc tịch khác nhau đang cùng làm việc.
Lần này, LIGHTBOAT có cơ hội trò chuyện với một nhân sự người nước ngoài của Ryohin Keikaku, người đã có duyên hiện thực hóa giấc mơ “tận hưởng công việc Nhật, cuộc sống Nhật”.
Qua đó, chúng tôi đã hiểu rõ về cách thức của công ty trong việc xây dựng môi trường phù hợp và hiệu quả, đó là coi giao tiếp với từng nhân viên và lặp đi lặp lại việc thử nghiệm, sửa chữa sai lầm như một phương pháp tích lũy kinh nghiệm, thay vì tiếp cận theo kiểu hình thức. Cũng nhờ đó, chúng tôi có thể nhìn thấy được những thành quả của hiện tại và cả thách thức trong tương lai.
Đây sẽ là một tài liệu tham khảo tuyệt vời cho nhiều công ty Nhật Bản đang cân nhắc tuyển dụng nhân sự nước ngoài.
Ngoài ra, câu chuyện và trải nghiệm của những người biết tận dụng tối đa thế mạnh của mình để gây dựng sự nghiệp và hỗ trợ phát triển thương hiệu MUJI từ Nhật Bản – nơi khởi nguồn thương hiệu, chắc chắn sẽ là bài học quý giá đối với những người nước ngoài muốn đến Nhật làm việc.
Mời các bạn đón đọc số thứ hai trong “Chuyên mục phỏng vấn nhân sự người nước ngoài tại Ryohin Keikaku”.
Giới thiệu khách mời phỏng vấn: Bạn Seo
Họ tên | Seo Uijae |
Nơi sinh | Hàn Quốc |
Tốt nghiệp | Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kyoto (nay là Đại học Nghệ thuật Kyoto) (năm 2020) |
Năm gia nhập Ryohin Keikaku Co., Ltd. | Năm 2021 |
Thời gian sống tại Nhật | 8 năm 9 tháng |
Cửa hàng làm việc | Café&Meal MUJI Yamashina Kyoto |
Lời mở đầu
Tốt nghiệp trung học ở Hàn Quốc và từng sống ở nhiều nơi như Hoa Kỳ, Cộng hòa Mozambique, v.v.. Seo đến Nhật Bản vào năm 2013. Sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ, Seo tiếp tục học lên đại học.
Seo kết hôn với người Nhật khi đang học đại học, bắt đầu hành trình làm mẹ và nuôi con. Từ năm 2021, Seo nhận công việc tại Café & Meal MUJI Kyoto Yamashina và hiện nay đang làm bán thời gian tại nhà hàng.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Seo, lắng nghe những khó khăn và trải nghiệm trong giao tiếp bằng tiếng Nhật khi làm trong ngành dịch vụ từ thời sinh viên cũng như cuộc sống hiện tại ở Nhật.
1. Bị thu hút bởi vẻ đẹp của con người Nhật Bản hơn cả nước Nhật hay văn hóa Nhật
– Cơ duyên nào khiến bạn quyết định đến Nhật?
Sau khi tốt nghiệp trung học, mình có một khoảng thời gian ngắn sống tại Mỹ. Mình bắt đầu hứng thú với Nhật Bản khi quen được những người bạn Nhật bên Mỹ.
Cơ duyên cụ thể hơn xuất phát từ một hoạt động gây quỹ mà mình đã tham gia hồi đó. Vào ngày 11/3/2011, lúc đứng một mình trên phố, người qua đường đã hỏi mình, “Bạn là người Nhật à? Sao không về Nhật?”. Lúc đó, mình mới biết tin về thảm họa động đất ở miền Đông Bắc Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, mình quen một số bạn Nhật, mình rất sốc khi biết tin họ mất liên lạc với gia đình và mất đi nhà cửa. Bản thân mình cũng có cảm giác thân thuộc khi được nói là giống người Nhật, có lẽ vì thế, mình thấy thực sự đồng cảm với họ.
Sau đó, mình bắt đầu giao lưu nhiều hơn với những người bạn đến từ đất nước mặt trời mọc và cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp về người Nhật.
Mình thấy đa số người Nhật luôn giữ lời. Cho dù đó là công khai hay riêng tư và ngay cả khi đó không phải là quy ước mang tính pháp lý, họ vẫn giữ lời hứa và rất có trách nhiệm.
Ngoài ra, người Nhật còn rất giỏi lắng nghe. Mỗi khi mình buồn, dù mình cố dùng các từ ngữ vui tươi để che giấu điều đó, nhưng những người bạn Nhật của mình đều hiểu cảm xúc thật của mình. Quả thật việc không nói ra cảm giác của bản thân là một thói quen không tốt, dẫu vậy, mình đã được vực dậy bởi chính sự tinh tế của người Nhật.
Và cũng chính vẻ đẹp ở những người bạn Nhật đó đã thôi thúc mình đến với Nhật Bản. Những người bạn mình gặp trên đất Mỹ cho đến hiện tại vẫn là những người bạn tốt và quan trọng đối với mình. Trong đó có chồng mình, mình đã gặp anh ấy ở Mỹ.
– Cuộc sống của bạn sau khi đến Nhật như thế nào?
Trước khi đến Nhật, mình chỉ nhớ mỗi bảng chữ Hiragana, nhưng mình đã rất cố gắng học tiếng Nhật.
Để tiết kiệm tiền học trường tiếng, mình bắt đầu đi làm thêm tại một nhà máy ở Nagoya. Mọi người làm việc tại đây đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Họ cảm thông về việc mình không thể nói được tiếng Nhật và họ chính là những người thầy dạy tiếng Nhật đầu tiên của mình.
Mình tập trung nhớ những đoạn hội thoại sử dụng trong công việc, lúc đầu 80% là tiếng Anh và 20% tiếng Nhật, nhưng dần dần mình bắt đầu sử dụng tiếng Nhật nhiều hơn.
Có rất nhiều thứ thú vị khi mình đến Nhật Bản, nhưng điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình chính là “hương vị”. Đồ ăn và thức uống của Nhật Bản có hương vị ngon đặc trưng khác hẳn với vị ngọt và cay nồng. Theo cảm nhận của mình, có vẻ hương vị ở đây được mô tả bằng từ “nibui (chát) ” là đúng nhất (cười).
Trà Hàn Quốc rất ngọt, vì vậy mình đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên uống trà Nhật. Ở Nhật có nhiều loại trà khác nhau, nhưng mình cảm nhận có một hương vị “nibumi” khác hẳn vị ngọt thông thường, và cũng khó xác định đắng hay chát. Mình nghĩ cách sử dụng hương vị của họ thật thú vị.
– Tư cách lưu trú của bạn như thế nào?
Đầu tiên, tư cách lưu trú của mình là “Working Holiday”[2]. Sau đó, mình nhận tư cách lưu trú là “Du học” để theo học một trường tiếng Nhật. Nhờ học tiếng Nhật từ các bạn và anh chị ở nhà máy, mình mới vào được lớp trình độ trung cấp ở trường tiếng Nhật đấy.
Sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ, tất cả các bạn cùng lớp của mình đều tiếp tục học lên đại học. Mỗi người đều có quốc tịch và ước mơ khác nhau, nhưng quãng thời gian sinh sống và giúp đỡ lẫn nhau ở Nhật, một đất nước xa lạ, đã trở thành tài sản quý giá với bọn mình. Trải nghiệm tại trường Nhật ngữ đem đến cho mình những người bạn và nó có ý nghĩa với mình hơn cả việc học được tiếng Nhật.
Mình có làm thêm khi đang theo học tại một trường Nhật ngữ. Tuy nhiên, với tư cách “Du học”, mình chỉ có thể đi làm thêm 28 giờ một tuần[3], nên rất vất vả để có thể xoay xở học phí và chi phí sinh hoạt.
Mình cũng đã thảo luận với gia đình về việc gửi tiền sang. Hàn Quốc và Nhật Bản có giá trị tiền tệ tương đương, nên mình cũng dễ nhờ cậy vào gia đình. Nhưng những người bạn của mình đến từ một quốc gia có giá trị tiền tệ chênh lệch lớn, chẳng hạn như Việt Nam, thì các bạn tương đối vất vả.
Sau khi nhập học trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kyoto (hiện nay là Đại học Nghệ thuật Kyoto), mình đã cố gắng xin học bổng. Và mình đã nhận được học bổng do trường tài trợ.
Nhiều học bổng dành cho sinh viên quốc tế không yêu cầu hoàn trả, nhưng thường số tiền trợ cấp sẽ ít. Khoảng vài chục nghìn yên mỗi tháng và có ít loại học bổng. Mình theo học một trường đại học nghệ thuật, học phí là 1.720.000 yên một năm (vào thời điểm đó).
Hồi học đại học, mình làm việc tại một cửa hàng ramen ở Kyoto, ở đó, việc đánh giá tăng lương (lương tình theo giờ) dựa vào khả năng thu hút khách du lịch bằng tiếng Anh. Vì quy định giới hạn làm thêm 28 giờ/tuần nên việc tăng lương theo giờ thực sự rất có ý nghĩa với mình.
– Bạn đã học những gì ở trường đại học nghệ thuật?
Mình học chương trình đào tạo diễn xuất và đạo diễn của Khoa Nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là học về đạo diễn. Tại kỳ thi đầu vào AO, mình đã đỗ phần thi thực hành về diễn xuất và đạo diễn.
Không giống như lĩnh vực mỹ thuật, có rất ít sinh viên quốc tế theo học chuyên ngành sân khấu, vốn có rào cản ngôn ngữ rất cao và thực tế, mình là người nước ngoài duy nhất trong khoa. Trước khi nhập học, mình đã tốt nghiệp trường Nhật ngữ trình độ cao cấp và mặc dù không còn gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, nhưng mình “vật vã” với các thuật ngữ chuyên môn về kịch.
Khi nói đến kịch cổ điển như các vở kịch của Shakespeare, tiếng Nhật được sử dụng là những cách diễn đạt cũ và có rất nhiều cách biểu đạt mà chỉ người Nhật mới có thể làm được. Mình phải nỗ lực luyện tập mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi dàn dựng một vở bi kịch Hy Lạp cổ đại, mình nhận ra một điều quan trọng, sân khấu là loại hình nghệ thuật của tập thể, vì vậy người khác làm những gì mình không thể làm và mình làm những gì họ không làm được. Đó là cách chúng mình có thể giúp đỡ lẫn nhau. Mình cũng nhận ra rằng vì vở kịch Hy Lạp cổ đại có thể được biểu diễn bởi cả người Nhật và người Hàn, nên ngay từ đầu, ngôn ngữ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, nó đã giúp mình có thể trở nên tự do hơn một chút, thoát khỏi những hạn chế bản thân tự đặt ra như “mình không thể làm được vì mình là người nước ngoài”. Vào ngày cuối cùng mình đã tự trấn an rằng, “mình sẽ không thấy xấu hổ ngay cả khi hiểu biết về Nhật Bản của mình còn nông cạn”. Không cần bận tâm về cách phát âm, cứ diễn theo cách của mình, điều này cũng là một bài học quan trọng đối với cuộc sống cũng như công việc của mình tại Nhật.
Khi học đại học, tư cách lưu trú của mình là “Du học”, nhưng vào mùa thu năm thứ ba đại học, mình kết hôn với chồng mình, một công dân Nhật Bản mà mình gặp ở Mỹ, tư cách lưu trú của mình được đổi thành “Vợ/chồng của công dân Nhật Bản”[4].
Sau khi chuyển đổi tư cách cư trú, mình dễ dàng vượt qua các kỳ thi phỏng vấn xin việc. Có lẽ vì nhà tuyển dụng yên tâm hơn khi ứng viên có tư cách lưu trú là “Vợ/chồng của công dân Nhật Bản”, những người được cho là sẽ sống ở Nhật lâu dài.
Buổi ra mắt vở bi kịch Hy Lạp “Những người Hy Lạp”. Seo ở ngoài cùng bên trái. Seo ở vị trí thứ 2 tính từ ngoài cùng bên phải (hàng thứ 2)
2. Là chính mình khi tiếp đón khách hàng, không cần giỏi tiếng như người bản xứ
– Cơ duyên nào khiến bạn ứng tuyển vào Café&Meal MUJI Kyoto Yamashina?
Sau khoảng thời gian dài nghỉ sinh, mình đã bắt đầu tìm việc làm thêm. Mình có nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ – chăm sóc khách hàng, vì vậy mình mong được làm việc trong môi trường có thể tận dụng những kinh nghiệm vốn có. Và lúc ấy, mình đã tìm thấy thông tin tuyển dụng của Café & Meal MUJI Kyoto Yamashina.
MUJI đã là thương hiệu yêu thích của mình từ hồi mình còn sống ở Hàn. Mình từng ước giá mà được làm việc ở đó. Hơn nữa, đây còn là một quán cà phê, chính xác là nơi mình tìm kiếm bấy lâu! Mình nhớ rằng mình đã phải vội vàng viết ngay CV.
Đối với người nước ngoài, yêu cầu ứng tuyển là có trình độ tiếng Nhật N2 trở lên. Vì đã có N1, nên mình đáp ứng các yêu cầu mà không gặp bất kỳ trở ngại nào và tham gia phỏng vấn.
– Đó chính xác là nơi làm việc mà bạn đang tìm kiếm nhỉ. Bạn đã học cách làm việc như thế nào? Mới vào công ty được một năm, bạn đã quen với công việc chưa?
Mình là kiểu người ghi nhớ rất nhanh bằng cách nếu có gì không hiểu thì hỏi ngay. Vì vậy, mình học việc bằng cách hỏi những nhân viên xung quanh mình ngay tại chỗ làm.
Kinh nghiệm trong ngành dịch vụ từ hồi sinh viên cũng là một lợi thế của mình, nhưng vẫn còn nhiều điều mình phải cố gắng. Đã là năm thứ 9 kể từ khi mình đến Nhật Bản, dù vậy, mình vẫn không thể hiểu ngay những gì khách hàng nói, và đôi khi, mình không thể sử dụng những cách diễn đạt khó.
Sau nhiều năm sống ở Nhật, mình nhận ra rằng “mình không thể trở thành người bản xứ”. Nhưng điều này không thể hiện sự bi quan. Thay vì “không thể trở thành người Nhật”, mình cải thiện kỹ năng đón tiếp khách hàng theo cách riêng của mình và không ngừng nỗ lực.
Kính ngữ tiếng Nhật rất phức tạp, vì vậy mình cố gắng vận dụng những kiến thức cơ bản, sử dụng nhuần nhuyễn “desu-masu”. Ngoài ra, mình cũng cố gắng xây dựng cách thể hiện riêng của bản thân, biến những từ khó thành những từ mà mình thấy dễ nói hơn.
Khi gặp khó khăn trong trả lời điện thoại hay nghe thông báo từ cửa hàng, mình không ngần ngại hỏi đồng nghiệp. Có những lúc mình cảm thấy gây phiền toái cho đồng nghiệp của mình, nhưng là một cửa hàng, mình nghĩ điều quan trọng là có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể cho khách hàng.
– Khách hàng của Café&Meal MUJI Kyoto Yamashina có đông người Nhật không?
Khách hàng của Kyoto Yamashina chủ yếu là người Nhật, ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cũng không có nhiều khách du lịch nước ngoài. Thực ra, đây cũng là một trong những trong lý do mình chọn cửa hàng này.
Khi còn là sinh viên, mình thường được giao cho công việc tiếp đón khách du lịch nước ngoài, còn bây giờ mình muốn làm việc trong một môi trường có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật. Nếu có điều gì đó mình muốn trau dồi, đó chính là làm việc chăm chỉ trong một môi trường mà bản thân được thử thách mỗi ngày.
Nhìn lại thời sinh viên, hồi đó mỗi tuần mình khóc không biết bao lần vì sự khó nhằn của tiếng Nhật dùng cho kịch nghệ. Nhưng mình luôn đối diện với vấn đề của bản thân, không nản chí cho đến khi tốt nghiệp. Tinh thần cầu tiến được tôi luyện qua quá trình rèn giũa, sửa chữa và khắc phục sai lầm như thế.
– Vì vậy, Seo đã chọn một môi trường để có thể trau dồi tiếng Nhật của mình hơn là tận dụng tiếng Anh và tiếng Hàn của bạn nhỉ? Seo đang nói tiếng Nhật phổ thông, nhưng khi làm việc ở cửa hàng bạn có sử dụng phương ngữ Kyoto không?
Mình đã làm việc bán thời gian ở Kyoto từ khi còn là sinh viên, nhưng mình không nói được tiếng địa phương Kyoto. Người Nhật cho rằng sống ở đâu sẽ bị ảnh hưởng phương ngữ của vùng đó đúng không nhỉ?
Quan sát những người nước ngoài xung quanh, mình có cảm giác rằng những người có kỹ năng nghe tốt sẽ bắt chước cách phát âm và nói tiếng địa phương rất tốt. Còn tính cách của mình là lấy bản thân làm “trung tâm”, có lẽ vì vậy mình không bị ảnh hưởng bởi cách phát âm của người khác.
Tuy nhiên, việc tiếp đón khách hàng bằng tiếng Nhật tiêu chuẩn có thể sẽ mang lại cảm giác thô cứng, gượng ép. Phục vụ tại cửa hàng không chỉ đơn thuần là món ăn mà phải đặt cả tình cảm của mình vào đó, vì vậy mình cho rằng phương ngữ là một cách hay, khiến khách hàng cảm thấy gần gũi hơn.
Mình không thể nói tiếng địa phương tốt, thay vào đó mình cố gắng tạo ra bầu không khí thoải mái, khuôn mặt luôn tươi cười để khách hàng thưởng thức bữa ăn ngon miệng.
3. Muốn hiểu Nhật Bản để hiểu gia đình mình
– Bạn có hình dung thế nào về tương lai của mình? Hay bạn mong muốn xã hội Nhật Bản sẽ như thế nào hay không?
Mình là người Hàn Quốc, vì vậy mình cảm thấy thoải mái nhất khi nói tiếng Hàn, mình sống ở Nhật lâu không có nghĩa là mình muốn trở thành giống như người Nhật.
Nhưng chồng và con mình là người Nhật. Gia đình mà mình yêu thương nhất trong cuộc đời là người Nhật, vì vậy mình muốn hiểu con người Nhật Bản và xã hội Nhật Bản để hiểu họ.
Mình thích Nhật Bản và có lẽ các con mình sẽ sống ở Nhật Bản trong tương lai, do đó mình hy vọng rằng xã hội Nhật Bản sẽ tốt đẹp hơn.
Mình hơi lấn cấn về việc người Nhật không thực sự muốn tranh luận với người khác. Ở Hàn Quốc, người dân thường tổ chức biểu tình để bày tỏ chính kiến khi phát sinh các vấn đề trong xã hội. Mọi người vẫn tranh luận về chính trị với bạn bè dù mỗi người có ý kiến khác nhau.
Mình cho rằng sau tranh luận sẽ có thay đổi. Tôn trọng và quan tâm đến người khác là một trong những đức tính tốt đẹp của người Nhật, nhưng nếu chúng ta không thảo luận, không có gì thay đổi và những điều tiêu cực sẽ còn lại mãi trong xã hội.
Cá nhân mình cảm thấy xã hội Nhật Bản có xu hướng tìm kiếm sự đồng nhất hơn là tính cá nhân. Bản thân mình đôi khi cũng tủi thân vì mình là người nước ngoài.
Tuy nhiên, mình muốn được là chính mình, với những suy nghĩ và khát khao của riêng mình. Mình muốn đưa mình đến tương lai của 10 năm sau nữa, khi đó mình vẫn được là chính mình. Mình muốn thấy một xã hội mà mọi người đều giữ bản sắc riêng, bất kể họ là người Nhật hay người nước ngoài.
– Bạn có thể kể thêm về gia đình mình không, chẳng hạn bạn có dạy con tiếng Hàn không?
Con mình về cơ bản sử dụng tiếng Nhật, nhưng khi chỉ có 2 mẹ con, bọn mình sẽ giao tiếp bằng tiếng Hàn.
Mỗi gia đình có một cách giáo dục khác nhau và bản thân mình cũng rất phiền não về điều đó. Tuy nhiên, mình tin rằng trẻ em trước hết nên được học về cảm xúc yêu thương và mối quan hệ với người gần gũi nhất với bọn trẻ, chính là người “mẹ”. Để xây dựng mối quan hệ với mình, một người mẹ có quốc tịch Hàn Quốc, tốt hơn hết con cũng nên sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng Hàn).
Mình không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng mình hy vọng các con có thể nói tiếng Hàn để thể hiện cảm xúc của mình và nếu các con hiểu được những bộ phim hay những cuốn sách tiếng Hàn yêu thích của mình, chắc hẳn chúng sẽ hiểu hơn về nhân vật được gọi là “mẹ” này.
Trước hết, mình muốn các con xây dựng nền tảng giao tiếp trong mối quan hệ với mình, điều đó còn quan trọng hơn cả ngôn ngữ.
– Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ về điều mà bạn mong đợi từ LIGHTBOAT không?
Mình hy vọng rằng LIGHTBOAT sẽ có tài liệu giảng dạy tiếng Nhật thương mại.
Khi học ở trường Nhật ngữ, mình đã tham gia các lớp học về tiếng Nhật dùng trong kinh doanh, nhưng tất cả đều dành cho nhân viên văn phòng. Những kiến thức thực sự hữu ích trong công việc của mình bây giờ lại là trải nghiệm từ khoảng thời gian làm thêm hồi sinh viên.
Mình nghĩ rằng có nhiều loại tiếng Nhật thương mại khác nhau tùy thuộc vào từng lĩnh vực, vì vậy sẽ rất tốt nếu có tài liệu giảng dạy về tất cả các lĩnh vực.
– Cảm ơn bạn đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Phần kết
Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ Seo, người luôn mang tinh thần học tiếng Nhật không ngừng nghỉ, và luôn tìm kiếm con đường riêng của mình thay vì nhắm đến trình độ bản ngữ.
Thay vì chỉ im lặng, chờ đợi người nước ngoài ở Nhật sẽ hiểu và nắm bắt được suy nghĩ của mình, chính người Nhật cũng được kì vọng là cần có thái độ tích cực cùng tiến lại gần nhau, tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Có thể nói rằng, bằng những nỗ lực tạo ra “quy tắc tiếng Nhật lịch sự dễ nói của riêng mình” và giao tiếp với con bằng tiếng mẹ đẻ, Seo – một người nước ngoài ở Nhật đã tạo ra “điểm trung hòa giữa người Nhật và người nước ngoài”.
Bản thân chúng tôi là người Nhật nhưng có lẽ rất khó nảy sinh những ý tưởng như thế. Tuy nhiên, khi số lượng cư dân tại Nhật Bản đã đạt gần 3 triệu người[6] và sẽ tiếp tục chào đón nhiều người nước ngoài trong tương lai, người Nhật không có lí do gì để không thay đổi.
Mượn lời Seo, đã đến lúc (hay đúng hơn là từ rất lâu rồi) chúng ta phải tranh luận để thay đổi.
Giao tiếp là điều không thể thiếu để tiến lại gần nhau. Nói đến giao tiếp với người nước ngoài, người ta nghĩ ngay đến “tiếng Anh” nhưng gần đây “tiếng Nhật dễ hiểu” ngày càng thu hút sự chú ý.
“Tiếng Nhật dễ hiểu” là tiếng Nhật đơn giản, dễ hiểu, thân thiện với người nước ngoài. Theo quan điểm “tiếng Nhật dễ hiểu”, ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp và coi trọng cách truyền đạt đúng ý hơn là sử dụng ngữ pháp hay thuật ngữ phức tạp.
Theo một cuộc khảo sát dành cho người nước ngoài, 68% người được hỏi mong muốn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người Nhật và 76% trả lời rằng họ muốn “tiếng Nhật dễ hiểu”. Ngoài ra, 22% trả lời “tiếng Nhật thông thường” và 12% trả lời “ngôn ngữ mẹ đẻ được dịch tự động”[7], điều đó cho thấy “tiếng Nhật dễ hiểu” đang là một đòi hỏi cấp thiết.
Tuy nhiên, “tiếng Nhật dễ hiểu” chưa được phổ cập đầy đủ đến toàn bộ người Nhật Bản. Để hiện thực hóa “xã hội cộng sinh” ở Nhật, việc truyền bá “tiếng Nhật dễ hiểu” ngày càng có vai trò quan trọng.
Năm 2020, Cục quản lý Xuất nhập cảnh và Cục Văn hóa đã xây dựng “Hướng dẫn tiếng Nhật dễ hiểu để hỗ trợ cư trú”[8]. Tài liệu này đặt trọng tâm vào ngôn ngữ viết, nhưng cũng đủ để có cái nhìn tổng quan về “tiếng Nhật dễ hiểu”.
Một số web công cụ cũng được phát triển để kiểm tra các văn bản theo quy chuẩn “tiếng Nhật dễ hiểu”. Những nhà tuyển dụng lao động người nước ngoài hãy thử dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giao tiếp hàng ngày và soạn thảo tài liệu nội bộ.
Tham khảo
Yasanichi Checker
http://www4414uj.sakura.ne.jp/Yasanichi1/nsindan/
Reading Tutor
https://chuta.cegloc.tsukuba.ac.jp/tools.html#input
Chúng tôi cũng đang từng bước cố gắng để chế tác và phân phối giáo trình “tiếng Nhật dễ hiểu” trên LIGHTBOAT bằng cách sử dụng cấu trúc ngữ pháp đơn giản và ghi phiên âm cách đọc lên mỗi chữ Hán. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin hữu ích và giữ vững phương châm thân thiện với người nước ngoài sống ở Nhật Bản.
[1] Ryohin Keikaku Co., Ltd., bài viết “Ryohin Keikaku nhìn từ những con số”, công bố tháng 8/2021, https://ryohin-keikaku.jp/corporate/about.html (Ngày xem: 5/4/2022)
[2] Là một loại tư cách lưu trú của “Hoạt động đặc định”. Thời gian lưu trú tối đa là một năm và khác với cách lưu trú “Du học”, người mang tư cách lưu trú này không bị giới hạn về giờ làm việc.
[3] Du học sinh có thể làm thêm 28 giờ/tuần nếu đã được phép “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú”. Vào kì nghỉ dài có thể làm việc 8 giờ/ngày.
[4] Tư cách cư trú của người nước ngoài đã kết hôn với người Nhật Bản. Khác với các loại tư cách lưu trú khác, bạn có thể làm việc tự do, không cần phải visa là đi học hay đi làm. Ngoài ra, không có giới hạn về giờ làm việc hoặc loại hình nghề nghiệp.
[5] MUJI Ryohin “Café & Meal_MUJI Kyoto Yamashina”, https://www.muji.com/jp/ja/shop/detail/045863 (Ngày xem: 6/6/2022)
[6] Tính đến tháng 6/2021, có 2.823.565 người nước ngoài tại Nhật Bản. Vào cuối năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người nước ngoài là 2.933.173 người, cao nhất từ trước đến nay.
Cơ quan quản lý Lưu trú, Xuất nhập cảnh “Số lượng cư dân nước ngoài tính đến cuối tháng 6/2021″, được công bố vào ngày 15/10/2021,
https://www.moj.go.jp/isa/publications/press/13_00017.html (Ngày xem: 13/5/2022)
Cơ quan quản lý Lưu trú, Xuất nhập cảnh, “Số lượng cư dân nước ngoài tính đến cuối năm 2019″, được công bố vào ngày 27/3/2020, https://www.moj.go.jp/isa/publications/press/nyuukokukanri04_00003.html (Ngày xem: 13/5/2022)
[7] Cựu Ủy ban Giao lưu Quốc tế Tokyo (Từ ngày 1 tháng 4 năm 2021, Tổ chức Tokyo Tsunagari Seosei sẽ tiếp quản) “Báo cáo khảo sát phỏng vấn về việc truyền tải thông tin cho người nước ngoài sống tại Tokyo”, được thực hiện vào tháng 3/2018, https://tabunka.tokyo-tsunagari.or.jp/info/2021/04/post-18.html (Ngày xem: 13/5/2022)
[8] Cục quản lý Xuất nhập cảnh, “Hướng dẫn tiếng Nhật dễ hiểu để hỗ trợ cư trú”, công bố vào 28/8/2020, https://www.moj.go.jp/isa/support/portal/plainjapanese_guideline.html (Ngày xem: 13/5/2022)