Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

MUJI (viết tắt của Mujirushi Ryouhin) là thương hiệu toàn cầu đại diện cho Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2021, công ty phát triển thương hiệu này là Ryohin Keikaku Co., Ltd. (tên gọi tắt là Ryohin Keikaku) đã có cửa hàng ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới[1]. Từ năm 2012, công ty áp dụng cơ chế nhân sự toàn cầu, cho phép tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài vào làm việc[2]. Nền tảng của quá trình phát triển ấy là sự đề cao tính đa dạng của Tập đoàn Ryohin Keikaku với phương châm “Tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trong công ty trên toàn thế giới và mục tiêu hàng đầu là hạnh phúc bền vững cho những cộng sự đang cùng đồng hành”[3].

Lần này, LIGHTBOAT có cơ hội trò chuyện với một nhân sự người nước ngoài của Ryohin Keikaku, người đã có duyên hiện thực hóa giấc mơ “tận hưởng công việc Nhật, cuộc sống Nhật”.

Qua đó, chúng tôi đã hiểu rõ về cách thức của công ty trong việc xây dựng môi trường phù hợp và hiệu quả, đó là coi giao tiếp với từng nhân viên và lặp đi lặp lại việc thử nghiệm, sửa chữa sai lầm như một phương pháp tích lũy kinh nghiệm, thay vì tiếp cận theo kiểu hình thức. Cũng nhờ đó, chúng tôi có thể nhìn thấy được những thành quả của hiện tại và cả thách thức trong tương lai.

Phương châm và cách thức tạo lập hệ thống của Ryohin Keikaku trong việc thúc đẩy cơ chế tuyển dụng toàn cầu với phong cách độc lạ, chắc hẳn sẽ là một kênh tham khảo tuyệt vời cho nhiều công ty Nhật Bản đang tuyển dụng hoặc cân nhắc tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài.

Ngoài ra, câu chuyện và trải nghiệm của những người biết tận dụng tối đa thế mạnh của mình để gây dựng sự nghiệp và hỗ trợ phát triển thương hiệu MUJI từ Nhật Bản – nơi khởi nguồn thương hiệu, chắc chắn sẽ là bài học quý giá đối với những người nước ngoài muốn làm việc tại Nhật Bản.

Mời các bạn đón đọc số đầu tiên trong “Chuyên mục phỏng vấn nhân sự người nước ngoài tại Ryohin Keikaku”.

Giới thiệu khách mời phỏng vấn: Bạn Gu Chukuhin

Họ tênGu Chukuhin
Nơi sinhHồng Kông
Tốt nghiệpĐại học Hồng Kông (năm 2013)
Trường kinh doanh thuộc Đại học Hosei (năm 2021)
Năm gia nhập Ryohin Keikaku Co., Ltd.Năm 2013
Số năm làm việc8 năm rưỡi (trong đó có 2 năm làm ở Úc)
Vị trí hiện tạiPhòng Kế hoạch kinh doanh

Lời mở đầu

Vốn có ý định làm việc ở nước ngoài, Gu đã ứng tuyển vào công ty Ryohin Keikaku khi tình cờ nhìn thấy tờ áp phích tuyển dụng ở hành lang trường đại học. Sau khi vào công ty, Gu đảm nhiệm công việc ở các bộ phận khác nhau, từ hệ thống cửa hàng, phòng Kinh doanh quốc tế, công ty MUJI Retail (Úc)[4] và hiện tại là phòng Kế hoạch kinh doanh (Nhật Bản). Qua câu chuyện nhiệt huyết, hết mình ở những nơi mình từng làm việc, chúng ta còn thấy bóng dáng Gu, là một người luôn chú trọng giao tiếp với những người xung quanh. LIGHTBOAT đã có buổi trò chuyện về cuộc sống của Gu sau khi đến Nhật, lắng nghe bạn ấy chia sẻ về việc một người nước ngoài nên có thái độ như thế nào với những người xung quanh hay ngay cả với bản thân mình, để có thể làm việc và sống vui vẻ ở Nhật.

Năm đầu tiên, miệt mài học tiếng Nhật với tinh thần “dùng tiếng Anh là thua cuộc!”

– Gu có học tiếng Nhật trước khi đến Nhật Bản không nhỉ?

Mình bắt đầu học tiếng Nhật sau khi trúng tuyển vào công ty. Trong khoảng thời gian từ lúc tốt nghiệp Đại học Hồng Kông vào tháng 7/2013 đến tháng 10 khi vào làm việc tại công ty, mỗi ngày mình đều đi học tại trường Nhật ngữ ở Hồng Kông do công ty sắp xếp. Sau 3 tháng, tiếng Nhật của mình còn chưa đạt đến trình độ N4.

Tính cả mình thì có tổng cộng 10 người nước ngoài được tuyển theo cơ chế tuyển dụng quốc tế vào công ty cùng năm đó. Sau sáu tuần làm việc, bọn mình tham gia khóa đào tạo giống như các nhân viên mới người Nhật vào làm hồi tháng tư, hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Nơi làm việc đầu tiên của bọn mình là ở các cửa hàng nên nội dung đào tạo tập trung vào cách ứng xử với khách hàng và văn hóa doanh nghiệp. Do tất cả mọi người vẫn đang trong quá trình học tiếng Nhật nên từ điển điện tử được đặt ở trên bàn để hỗ trợ việc đào tạo và dù không hiểu đầy đủ ý nghĩa bọn mình vẫn phải cố gắng ghi nhớ các cụm từ đó.

– Công ty bạn đã có những chính sách hỗ trợ nhân viên mới như thế nào?

Bên đại lý ký hợp đồng với công ty đã hỗ trợ mình một số việc như tìm nhà, mở tài khoản ngân hàng, v.v.. Tuy nhiên, không phải mọi thứ họ đều có thể làm giúp mình. Mình đã phải tự xử lý hợp đồng điện và gas. Vất vả nhất là việc lắp đặt Internet. Trong hợp đồng có nhiều mục phải lựa chọn, nên rất khó để tìm ra điểm khác biệt bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, lúc đầu mình đã gặp trở ngại lớn trong việc nói chuyện qua điện thoại. Chỉ riêng chuyện quyết định ngày giao đồ đạc, việc nghe – nói cũng không được trôi chảy và khá mất thời gian.

Thời điểm mình gia nhập công ty, việc tuyển dụng người nước ngoài mới tốt nghiệp vẫn chưa đem lại nhiều thành tựu và công ty cũng đang trong quá trình “dò dẫm tìm hướng đi”. Gần đây, có vẻ như tình hình đã được cải thiện, khi những nhân viên là sinh viên mới tốt nghiệp vào làm vẫn được tiếp tục đi học ở trường Nhật ngữ sau khi đến Nhật và họ cũng được các anh chị tiền bối chỉ dạy nhiều điều.

Tại cửa hàng mà mình được phân công làm việc, mình là người nước ngoài duy nhất trong khoảng 80 nhân viên. Quản lý cửa hàng là người rất tốt, anh ấy đã bỏ nhiều công sức để giao tiếp với một người không hiểu rõ tiếng Nhật như mình. Chẳng hạn như, sau cuộc họp giao ban buổi sáng, anh ấy đã dành thời gian để xác nhận riêng với mình “Tôi đã nói về điều này trong lúc họp sáng, cậu nghĩ sao?”. Thời gian cuộc họp là có hạn, hơn nữa chỉ có mỗi mình là không hiểu nội dung trao đổi. Thật khó xử nếu đề nghị tạm dừng cuộc họp để đặt câu hỏi, kể cả khi những người khác cho rằng việc đó không có vấn đề gì. Vì vậy, mình đã rất biết ơn cách ửng xử khéo léo của anh ấy.

– Khi làm việc tại cửa hàng, bạn có người hướng dẫn không?

Mình luôn được phân làm cùng ca với phó quản lý cửa hàng. Sau khi kết thúc công việc, bọn mình cùng tổng kết lại một ngày làm việc và lần nào cũng nhận được góp ý từ phó quản lý. Ngoài ra, để ghi nhớ các sản phẩm, mình được giao nhiệm vụ ghi chép lại các sản phẩm bán chạy trong ngày từ dữ liệu ra giấy, và mình đã làm việc này trong vòng nửa năm.

Trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, những nhân viên xung quanh cũng thường giúp mình sửa lại cách sử dụng tiếng Nhật, chẳng hạn “Nên nói như thế này sẽ hay hơn”. Sau khi đến Nhật, vì không còn đi học ở trường Nhật ngữ nên mình chủ yếu trau dồi thêm tiếng Nhật trong quá trình làm việc ở cửa hàng.

Mình nghe nói rằng quản lý cửa hàng mình được đào tạo bởi chuyên gia bên ngoài khoảng 1~ 2 tháng trước khi tiếp nhận vị trí này. Trước khi khóa sau được tuyển dụng vào làm việc, mình cũng đã tham gia khóa đào tạo dành cho quản lý cửa hàng. Nội dung là để hiểu biết đa văn hóa, chẳng hạn như sự khác nhau trong cách suy nghĩ về tổ chức công ty hay cách giao tiếp. Mình rất biết ơn vì nội dung đào tạo này được đưa vào và cảm giác toàn bộ cửa hàng đã có sự chuẩn bị để đón nhận mình.

– Làm việc ở cửa hàng trong khi không thể giao tiếp nhiều bằng tiếng Nhật, chắc hẳn Gu đã gặp không ít khó khăn phải không?

Mình thấy khổ sở vì không thể giải thích về những điều mình đang nghĩ và những điều mình muốn làm. Vốn dĩ có thể dùng tiếng Anh, nhưng mình đã nghĩ “nếu nói tiếng Anh thì sẽ thua cuộc”. Mình quyết tâm trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả ngoài giờ làm việc cũng phải nói tiếng Nhật, vì vậy mình đã cố gắng nói chuyện với mọi người kể cả khi giải lao.

Nhờ vậy mà đến năm thứ hai, mình đã được phụ trách ở quầy bán hàng và có thể nói chuyện với các nhân viên khác trong cuộc họp giao ban buổi sáng. Việc giao tiếp với mọi người cũng tăng lên, mình nghĩ rằng bọn mình đã rất nỗ lực để cùng hướng tới mục tiêu chung. Mình còn phụ trách hỗ trợ các cửa hàng khác và hỗ trợ khai trương cửa hàng mới. Thực ra, mình đã thi đỗ N1 sau 2 năm.

Nhận thức được thế mạnh “mình là nhân viên nước ngoài”

– Vậy là Gu đã trau dồi thêm năng lực tiếng Nhật khi làm việc ở cửa hàng nhỉ. Sau đó, bạn làm ở những bộ phận nào nữa?

Mình được bố trí vào phòng Kinh doanh quốc tế. Môi trường làm việc thay đổi hoàn toàn, mình đã rất lo lắng vì đột nhiên lại ngồi làm việc ngay cạnh giám đốc, song đó cũng là môi trường tốt để một nhân viên trẻ như mình có thể nghiêm túc trình bày ý kiến của bản thân.

Thời điểm đó, phòng Kinh doanh quốc tế có nhiều nhân viên người Nhật và họ đều có tầm nhìn hướng ra thế giới. Khi ấy, mình cảm thấy quan điểm của mình với tư cách là một người nước ngoài rất có giá trị. Vượt qua rào cản tiếng Nhật, lần này, mình cảm thấy thật may mắn vì là người nước ngoài ở đây.

Nhiệm vụ của mình chủ yếu là hỗ trợ việc kinh doanh liên quan đến điều hành các cửa hàng ở nước ngoài. Mình cũng tham gia khóa đào tạo dành cho nhân viên người nước ngoài và mình phụ trách phiên dịch bằng cả tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nhật để họ hiểu điều Ryohin Keikaku muốn làm.

– Nghe nói sau đó Gu được cử đến làm việc tại Úc. Ở Úc, công ty tiếp tục giao cho bạn một công việc khác phải không nhỉ?

Khi mình đến Úc làm việc vào năm 2016, ở đó có 3 cửa hàng. Vì quy mô công ty và văn phòng vẫn còn nhỏ, mình đã phụ trách toàn bộ các công việc kế toán, sổ sách, nhân sự, hành chính và IT.

Mình và giám đốc là 2 người được phái cử từ công ty mẹ đến trụ sở ở Úc, những nhân viên khác được tuyển dụng toàn bộ tại địa phương. Trong số họ, có một nửa là người Nhật, các nhân viên còn lại có quốc tịch và dân tộc rất đa dạng, bởi vì Melbourne, nơi đặt văn phòng, vốn được coi là một “thành phố đa quốc tịch”.

– Bầu không khí ở đó có khác so với cửa hàng ở Nhật Bản không?

Đúng vậy, cả môi trường và hoạt động của nhân viên đều rất khác.

Ở Nhật Bản, yêu cầu đối với chất lượng dịch vụ tại các cửa hàng bán lẻ rất cao. Khách hàng coi đó là điều hiển nhiên, bản thân nhân viên cũng nhận được những dịch vụ và được đào tạo như vậy.

Nhưng ở Úc, khách hàng không thực sự muốn như vậy. Chẳng hạn, so với việc nhận được nhiều lời giới thiệu, chào hỏi từ nhân viên thì việc tạo ra một môi trường để khách hàng có thể thoải mái mua sắm sẽ quan trọng hơn. Ngay cả khi các nhân viên dù có được đề nghị thử trải nghiệm dịch vụ tiếp đón khách hàng kiểu Nhật, nhưng vì chưa từng trải nghiệm nên họ sẽ không thực sự hiểu được cảm giác đó là như thế nào.

Qua quá trình làm việc ở Úc, mình học được rằng điều quan trọng là phải vận hành một cửa hàng phù hợp với văn hóa và môi trường địa phương.

– Kinh nghiệm làm việc tại Úc đã được vận dụng như thế nào vào công việc sau này của bạn?

Phụ trách toàn bộ công việc của văn phòng hỗ trợ tại Úc phải nói là tương đối lớn đối với mình. Mình làm việc ở đó khoảng 2 năm rưỡi và đến tháng 1/2019 mình quay về Nhật, làm tại phòng Kế hoạch kinh doanh. Vì cảm thấy còn phải học thêm nhiều điều, mình quyết định học lên tại Đại học Hosei, chi phí tự túc và nhận bằng Thạc sĩ MBA năm 2021. Để nhập học, trưởng phòng của mình hồi đó đã viết thư tiến cử cho mình.

Ở phòng Kế hoạch kinh doanh, mình tham gia vào những việc như xây dựng báo cáo tài chính, hoạch định kế hoạch trung – dài hạn. Đồng thời, thông qua những công việc đó, mình đóng vai trò là hỗ trợ các phòng ban và các công ty con ở nước ngoài thực hiện những việc họ muốn làm.

Tránh nói “Không sao đâu”. Hòa nhập để vượt qua mọi thử thách!

– Sau khi đã trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau như cửa hàng, trụ sở chính và Úc, hiện tại, Gu nghĩ gì về sự đa dạng của Ryohin Keikaku?

Ở các cửa hàng mà mình đã làm việc tại Nhật Bản, cả nhân viên và khách hàng toàn bộ đều là người Nhật nên mình không có cảm giác về tính đa dạng. Tuy nhiên, việc họ đón nhận và giao tiếp với một người nước ngoài như mình, đó chính là sự hòa nhập.

Khi mình trở về từ Úc và nhìn công ty ở mặt tổng thể, mình thấy rằng việc thực hiện sự đa dạng không hề dễ dàng. Vì nhiều chế độ và quy tắc đã cũ, việc đổi mới không thể diễn ra một sớm một chiều. Tuy nhiên, mình cảm thấy đã có những chuyển biến trong 3 năm mình làm việc tại phòng Kế hoạch kinh doanh.

Từ tháng 12/2021, Ủy ban Diversity đã được thành lập đi vào hoạt động bởi những người cùng chí hướng trong công ty. Ryohin Keikaku luôn chủ trương “tôn trọng sự đa dạng” và lần này đã mạnh dạn kêu gọi những người cùng chí hướng trong công ty, cùng nhau chia sẻ nhận thức về những vấn đề, suy nghĩ xem “thách thức hiện tại là gì?”, “làm thế nào để thay đổi công ty?”, “làm thế nào để phản ánh những điều đó qua thương hiệu Ryohin Keikaku?”. Những nhân viên tham gia uỷ ban này mang nhiều quốc tịch khác nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, v.v..

Dù mới chỉ là khởi đầu, nhưng mình muốn chia sẻ về những gì đang diễn ra cũng như những gì mình đang làm liên quan đến tính đa dạng ở bộ phận của mình. Trên cơ sở đó, mình hy vọng có thể vừa thảo luận vừa thúc đẩy những hoạt động nói trên.

Ngoài ra, nhìn từ quan điểm của phòng Kế hoạch kinh doanh, mình nghĩ việc nỗ lực tích hợp ý tưởng MUJI với sự đa dạng mà công ty đang hướng tới tại địa phương và truyền tải nó một cách khéo léo là điều cần thiết. Ý tưởng theo đuổi sự đơn giản của MUJI lấy cảm hứng từ “Zen (Thiền)” nhưng khi mang ra nước ngoài, đôi khi nó chỉ dừng lại ở cách hiểu là “một thương hiệu đơn giản có xuất xứ từ Nhật Bản”.

Với kinh nghiệm tại Úc, mình nghĩ rằng điều quan trọng đối với thương hiệu không chỉ là vận hành cửa hàng phù hợp với từng địa điểm, còn phải truyền bá rộng rãi để mọi người hiểu bản chất của thương hiệu MUJI tại các cửa hàng ở từng khu vực trên thế giới.

– Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản sẽ tiếp nhận nhiều người nước ngoài hơn đến sinh sống, học tập và làm việc. Gu có điều gì muốn gửi gắm đến những người nước ngoài cũng như người Nhật không?

Điều đầu tiên mình muốn nói chính là “du lịch và sinh sống là khác nhau”. Mình nghĩ những người đến du lịch sẽ chỉ nhìn thấy điểm tốt của vùng đất này. Chẳng hạn, người Nhật tốt bụng, đồ ăn Nhật ngon. Tuy nhiên khi bạn thực sự sống ở Nhật Bản, bạn sẽ hiểu rằng ở đây có rất nhiều quy tắc, bao gồm cả những quy tắc vô hình. Hơn nữa, nó còn khác nhau ít nhiều tùy theo khu vực (cười).

Chẳng hạn, khi mới bắt đầu sống ở Nhật, mình đã nhầm lẫn về cách đổ rác. Sau một thời gian, mình được một người hàng xóm chỉ dẫn. Rất ít khi người khác sẵn lòng chỉ ra sai sót của bạn như vậy nên mình đã rất vui khi được nhắc nhở.

Nhiều người nói “Không sao đâu!” nhưng thực ra là hoàn toàn không ổn chút nào (cười). Lúc đầu, mình cũng không hiểu sắc thái của từ này. Mình thấy buồn trong khi mình cố gắng để nói chuyện, đối phương lại kết thúc bằng câu “Không sao đâu”.

Mình hi vọng người Nhật sẽ dần cởi mở hơn và sẵn sàng giao tiếp với những người nước ngoài xung quanh họ.

Đối với người nước ngoài, mình mong rằng các bạn sẽ luôn sẵn sàng thấu hiểu và tiếp nhận xã hội Nhật Bản. Khi không hiểu về điều gì đó, hãy cố gắng tìm hiểu bối cảnh của nó thay vì lập tức “cự tuyệt”. Đứng từ góc nhìn của người được tiếp nhận, mình nghĩ rằng thái độ này rất quan trọng.

Việc gặp gỡ những người bạn cùng quốc tịch cũng tốt nhưng điều này có thể giải quyết mọi vấn đề xung quanh bạn hay không lại là câu chuyện khác. Theo mình, nếu quyết định sống ở Nhật, các bạn nên giao tiếp với người Nhật và nhận lời khuyên từ họ.

Ngoài ra, mình mong rằng mọi người sẽ không gán mác quốc tịch cho một người bất kể đó là Nhật Bản hay nước ngoài. Mỗi người có một cá tính riêng nên tốt nhất là chúng ta bỏ cách nói “vì là người nước X nên…” và giao tiếp với nhau không thành kiến.

– Bản thân Gu cũng đã vượt qua những rào cản như vậy và xây dựng sự nghiệp nhỉ. Vậy, bạn có thể chia sẻ về sự nghiệp đã gây dựng từ trước đến nay và dự định tương lai được không?

Ở Ryohin Keikaku, không có lộ trình riêng đối với cơ chế tuyển dụng toàn cầu. Cách xây dựng sự nghiệp hoàn toàn giống như đối với nhân viên người Nhật. Thời điểm gia nhập công ty, mình chưa quyết định rõ ràng con đường phát triển của bản thân, nhưng qua quá trình làm việc ở nhiều nơi, dần dần mình cũng xác định được định hướng riêng. Mình đã nói rõ sẽ làm những gì mình muốn làm. Việc đến phòng ban hiện tại cũng là mong muốn của mình. Trong tám năm qua, mình đã tự đặt ra những nguyện vọng như vậy và mình nghĩ rằng mình đã phát triển sự nghiệp của bản thân theo đúng những gì mình tưởng tượng.

Năm ngoái, mình đã được cấp visa vĩnh trú ở Nhật Bản. Hiện tại, điều mình muốn làm nhất là nuôi một con mèo (cười). Mình rất thích mèo. Mình ao ước có một gia đình, nuôi mèo và sống những tháng ngày hạnh phúc hơn nữa ở Nhật.

Ngoài ra, mình muốn hỗ trợ những người nước ngoài đã đến Nhật. Thông qua các sản phẩm và dịch vụ của MUJI, và với tư cách cá nhân, mình cũng sẽ tích cực làm điều đó. Vì đã sống ở Nhật một thời gian dài, mình hy vọng có thể truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân và giúp ích phần nào cho những thế hệ đến Nhật sau mình.

– Cuối cùng, Gu có thể chia sẻ về những điểm bạn thích ở Nhật Bản được không?

Mình thích các công trình kiến trúc, các con phố ở Nhật rất đẹp. Có thể quan điểm hơi khác lạ, nhưng mình cảm nhận được gu thẩm mỹ trong thiết kế ngang dọc của các tòa nhà ở cả trung tâm thành phố lẫn vùng nông thôn. Chỉ cần ngắm nhìn đường viền của những tòa nhà in lên nền trời cũng khiến mình rất vui.

– Cảm ơn Gu rất nhiều vì những chia sẻ ngày hôm nay!

Phần kết

Gần đây, “sự đa dạng” và “hòa nhập” dường như luôn gắn liền với nhau. Tuy nhiên, câu chuyện của Gu cho thấy sự hòa nhập có thể được tạo ra ngay cả ở những nơi làm việc chưa có sự đa dạng.

Trong “Báo cáo Kinh tế Tài chính thường niên” (công bố tháng 7/2019), Văn phòng Nội các đã phát biểu, “kết quả so sánh giữa doanh nghiệp ngày càng đa dạng về nguồn nhân lực nhưng chưa có biện pháp thúc đẩy sự đóng góp của các nguồn nhân lực đa dạng đó với các doanh nghiệp có tính chất tương tự nhưng sự đa dạng không tăng”[5] thì “doanh nghiệp có tính đa dạng tăng nhưng không nỗ lực thúc đẩy sự tham gia tích cực của nguồn nhân lực đa dạng” có tốc độ tăng trưởng TFP[6] thấp hơn[7].

Nhật Bản vẫn chưa phải là một vùng đất mà sự đa dạng quốc tịch đã được thực hiện hóa như Melbourne (Úc) nơi Gu đã từng làm việc. Trong một môi trường như vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản nếu chỉ thúc đẩy sự đa dạng trước tiên thì có lẽ không đạt được hiệu quả như kì vọng.

Chính vì vậy, cần phải thực hiện đồng thời, cả đa dạng và hòa nhập. Ở Nhật Bản, cần phải có ý thức nuôi dưỡng sự hòa nhập như một giai đoạn chuẩn bị để thực hiện hóa “sự đa dạng”. Có thể nói, điều này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, cho từng khu vực mà còn cho toàn xã hội Nhật Bản.

Khi xem xét việc hòa nhập nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản, giáo dục tiếng Nhật được coi là nền tảng cần thiết. Gu đã nỗ lực thi đỗ N1 chỉ trong vòng hai năm, nhưng thời điểm mới sang Nhật, bạn ấy cũng gặp rất nhiều khó khăn để ổn định cuộc sống và công việc do tiếng Nhật chưa được tốt.

Theo một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp Nhật Bản (do Công ty TNHH DISCO thực hiện vào tháng 12/2021), khi các doanh nghiệp tuyển dụng du học sinh nước ngoài, tại thời điểm quyết định tuyển dụng, 44,8% trong số đó yêu cầu ứng cử viên có trình độ tiếng Nhật thương mại cao cấp[8] trở lên, nhưng sau khi vào làm việc, tỷ lệ đó tăng đáng kể, lên tới 74,7%[9].

Ngoài ra, có khá nhiều vấn đề trong việc tuyển dụng nhân lực người nước ngoài chất lượng cao[10] như “ít nhân lực đáp ứng được yêu cầu về năng lực tiếng Nhật” (42,3%), còn sau khi vào công ty thì vấn đề lớn nhất là “không đủ năng lực giao tiếp tiếng Nhật trong công ty” (40.9%)[11]. Từ những kết quả trên, có thể thấy rằng công ty nào cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhân sự nước ngoài.

Ở Ryohin Keikaku, cơ chế tuyển dụng toàn cầu đã dần hoàn thiện, nhân viên khi được tuyển dụng từ khắp nơi trên thế giới sau khi vào công ty vẫn có thể tiếp tục học tiếng tại các trường Nhật ngữ. Tất nhiên đào tạo nhân viên và xây dựng cơ chế tiếp nhận họ là điều quan trọng, nhưng phía doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực nhiều mặt, chẳng hạn như hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật, vận dụng “tiếng Nhật dễ hiểu”[12] đối với nhân viên nước ngoài. Không sớm thỏa mãn với thực tại, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, khắc phục từng vấn đề và từng chút một chắc chắn sẽ thu được quả ngọt.

Cần phải nói thêm, không phải cứ giỏi tiếng Nhật rồi là có thể yên tâm sau khi vào công ty. Đối với các bạn nhân viên nước ngoài sau này được tuyển dụng cùng cơ chế với mình, Gu không nghĩ rằng “vì họ nói tiếng Nhật tốt rồi nên sẽ không có vấn đề gì”. Mặt khác, Gu luôn hỗ trợ để họ quen với cuộc sống ở Nhật bao gồm cả việc chuẩn bị về mặt tâm lý hay cố gắng giải thích về các sắc thái ý nghĩa khác nhau trong tiếng Nhật.

LIGHTBOAT cũng muốn hỗ trợ bằng các hoạt động như vậy. Cụ thể, chúng tôi sẽ đóng góp vào việc xây dựng sự hòa nhập trong các công ty và xã hội Nhật Bản bằng cách tăng cường các tài liệu học tập trực tuyến (e-Learning) hữu ích cho việc học tiếng Nhật hay làm việc và sinh sống tại Nhật Bản.

[1] Ryohin Keikaku Co., Ltd., bài viết “Ryohin Keikaku nhìn từ những con số”, công bố tháng 8/2021, https://ryohin-keikaku.jp/corporate/about.html (Xem ngày: 5/4/2022)

[2] Ryohin Keikaku Co., Ltd., bài viết “Tôn trọng đồng nghiệp đồng hành bền vững”, https://ryohin-keikaku.jp/sustainability/co-worker/diversity/(Xem ngày: 5/4/2022)

[3] Như trên

[4] Một công ty con của Ryohin Keikaku Co., Ltd., phát triển hoạt động kinh doanh MUJI tại Úc, thành lập ngày 21/3/2013.

[5] Văn phòng Nội các “Báo cáo Kinh tế Tài chính thường niên, năm 2019”, công bố vào tháng 7/2021, https://www5.cao.go.jp/j-j/wp/wp-je19/index_pdf.html (Xem ngày: 8/4/2022)

[6] Năng suất nhân tố tổng hợp. Một chỉ số năng suất xem xét tất cả các yếu tố như lao động, tài sản và đổi mới công nghệ.

[7] Giống mục 6

[8] Khảo sát này định nghĩa “trình độ tiếng Nhật thương mại cao cấp” là “có năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật phù hợp trong các tình huống kinh doanh.”

[9] Công ty TNHH DISCO “Khảo sát về tuyển dụng du học sinh nước ngoài/nguồn nhân lực nước ngoài cao cấp”, khảo sát tháng 12 năm 2021. (Xem ngày: 7/4/2022). Ngoài ra, số liệu được trích dẫn từ các sinh viên khoa học xã hội.

[10] Nguồn nhân lực nước ngoài với tri thức và công nghệ cao. Tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nó được định nghĩa là nguồn nhân lực có tư cách lưu trú, tốt nghiệp đại học, v.v.. đang làm công việc sử dụng công nghệ và tri thức, có tư cách lưu trú “kỹ thuật, kiến thức nhân văn, nghiệp vụ quốc tế”.

Ngoài ra, trong khảo sát của Công ty TNHH DISCO, nguồn nhân lực nước ngoài chất lượng cao được xác định là nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản “Nguồn nhân lực nước ngoài chất lượng cao là gì?”, https://www.jetro.go.jp/hrportal/forcompanies/about.html (Xem ngày: 19/4/2022)

[11] Giống mục 10

[12] Tiếng Nhật dễ hiểu với cấu trúc câu đơn giản và viết thêm phiên âm hiragana cho chữ Hán. Nó được sử dụng để cung cấp thông tin một cách chính xác và phù hợp cho những người không nói tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ của họ.

Ông Akira Yoshikai, đại diện Hiệp hội nghiên cứu tiếng Nhật du lịch dễ hiểu, đề xướng quy tắc “Hasami”, nghĩa là “nói rõ ràng, nói đến cuối cùng, nói ngắn gọn”, đây cũng được coi là nền tảng cơ bản của “Tiếng Nhật dễ hiểu”. (Akira Yoshikai, “Nhập môn Tiếng Nhật dễ hiểu – nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Nhật”, NXB Ask, năm 2022)