“Tại sao truyện tranh (hay còn gọi là manga) Nhật Bản ngày xưa lại hay thế?”
Các bạn có từng nghĩ thế không?
“Vì tranh vẽ đẹp”
“Vì cốt truyện hay, lôi cuốn”
“Vì văn hoá Nhật Bản thú vị”

Và còn rất nhiều câu trả lời khác nhau.
Truyện tranh Nhật Bản trải qua lịch sử phát triển lâu dài cho đến ngày hôm nay.

Để nâng bước cho sự phát triển của văn hoá truyện tranh như thế, đầu tiên phải kể đến nỗ lực của các tác giả, không ngừng tìm tòi, sáng tạo nên những câu chuyện mới mẻ hơn, độc đáo hơn, là nhà xuất bản đang ngày ngày tìm hiểu thị trường hay những biến động của xã hội xem “người ta đòi hỏi một bộ manga như thế nào?”, từ đó biết cách xây dựng chiến lược. Và tất nhiên, không thể không kể đến đóng góp của độc giả, đã mua và đọc những bộ manga mình yêu thích.

Manga có lịch sử phát triển lâu đời như thế nhưng những tác phẩm ra đời vào giai đoạn 1950~1960, đến nay vẫn được coi là “khởi nguồn cho manga” ở Nhật Bản. Không ít người vì ngưỡng mộ những tác phẩm thời kì đó mà trở thành hoạ sĩ manga. Và thế hệ sau, sau nữa cũng tiếp nối mạch nguồn cảm hứng như vậy…

Với dòng chảy đó, văn hoá truyện tranh Nhật Bản được kế thừa qua nhiều thế hệ, được chuyển thể thành anime, được dịch và đón đọc ở nước ngoài, có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Ở bài viết này, tôi muốn giải thích qua một chút về lịch sử truyện tranh Nhật Bản để bạn đọc Việt Nam nắm được sơ lược “lịch sử truyện tranh Nhật Bản được hình thành như thế nào?”. Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu những bộ manga được yêu thích ở Việt Nam, đặc biệt có những bộ manga mới, các bạn đang và sẽ tiếp tục thưởng thức trong thời gian tới.

Bài viết có thể sẽ hơi dài một chút nhưng nếu đọc hết, chắc hẳn bạn đã tiến thêm một bước để trở thành “fan chân chính và đích thực của truyện tranh Nhật Bản” rồi đấy!

Những bạn yêu thích truyện tranh, những bạn đang muốn tìm đọc truyện tranh, hãy cùng tham khảo xem sao nhé!

1. Lịch sử truyện tranh Nhật Bản – Những bộ manga ngày xưa và ngày nay

Ngày nay, truyện tranh được mọi giới, mọi lứa tuổi say mê đón đọc, nhưng thưở ban đầu manga chỉ đơn thuần là một “loại hình giải trí cho trẻ em”.

Vậy làm thế nào mà manga lại trở thành “hiện tượng văn hoá” được cả người lớn và trẻ em, thậm chí độc giả trên toàn thế giới yêu mến và đón nhận. Trên thực tế không phải người Nhật nào cũng nắm rõ bối cảnh lịch sử ra đời của manga. Thế nên, chỉ cần biết thêm một chút, ghi nhớ một chút về manga thôi, bạn đã có thể tự hào với người Nhật rồi.

Chúng ta cùng thử nhìn lại lịch sử phát triển lâu đời của manga Nhật nhé.

1-1. Manga cổ nhất và sự ra đời của văn hoá manga

※Nguồn: “Choju jinbutsu giga” trên website chính thức của Kouzanji (đã được phép đăng tải)

“Choju-giga” được xem là bộ truyện tranh cổ nhất của Nhật Bản, ra đời vào khoảng thế kỉ 12-13. Hình ảnh những con vật như thỏ, ếch, khỉ chơi đấu vật, nghịch nước hay bắn cung được miêu tả vô cùng sống động bằng các “đường hiệu ứng”[1], một kỹ thuật dùng để tái hiện những chuyển động vẫn được sử dụng trong manga hiện đại. Ngoài ra, chúng ta cũng bắt gặp một số kỹ thuật khác vẫn được sử dụng trong manga hiện đại.

Trải qua một thời gian dài, vào khoảng thế kỉ 18, thuật ngữ “manga” được hình thành và năm 1862, Charles Wirgman[2] cho ra đời tạp chí manga đầu tiên của Nhật, với tựa đề “Japan Punch”.

Những bộ manga giai đoạn này có tính châm biếm cao (gián tiếp công kích mặt trái của xã hội hay một số nhân vật có tên tuổi). Tuy nhiên, khi nước Nhật tham gia chiến tranh thế giới thứ 2, việc kiểm soát thông tin trở nên gắt gao, những bộ manga như thế không được cấp phép, dẫn đến việc các bộ manga nổi tiếng liên tiếp bị đình bản, ngừng phát hành giữa chừng và văn hoá manga tạm thời rơi vào thoái trào.

[1] Đường hiệu ứng: nét vẽ phác hoạ cảm xúc, sự chuyển động hay thần thái của nhân vật trên màn hình manga.
[2] Charles Wirgman: hoạ sĩ manga người Anh. Ông đến Nhật cuối thời Mạc phủ với tư cách phóng viên, truyện tranh của ông mô tả những khung cảnh, sự kiện hay phong tục Nhật Bản thời kì đó.

1-2. Sự xuất hiện của Tezuka Osamu và cuộc cách mạng trong giới manga

Vào những năm 1950, hoạ sĩ manga Tezuka Osamu làm nên một cuộc cách mạng trong thế giới manga. Sau thế chiến thứ 2, ông lần lượt cho ra đời những tác phẩm tạo tiếng vang như “Atom cậu bé tay sắt”, “Jungle Taitei”, “Chim lửa” hay “Ribon no Kishi”.

Tezuka Osamu là một fan hâm mộ lớn của Disney, có lẽ vì thế mà nét vẽ và cách phác hoạ nhân vật của ông chịu khá nhiều ảnh hưởng từ phim hoạt hình Disney.

Nhân vật dễ thương, được mọi người yêu mến, cốt truyện kịch tính hấp dẫn làm nên phong cách manga của Tezuka Osamu. Nhân vật trong truyện của ông luôn nỗ lực và trưởng thành, đôi khi là hy sinh. Cảm xúc của các nhân vật được biểu đạt thực sự tinh tế. Vào thời điểm đó, những bộ truyện tranh khiến độc giả đồng cảm và bị cuốn vào mạch cảm xúc như thế cực kỳ mới lạ.

Ngoài ra, khi bộ “Atom cậu bé tay sắt” được dựng thành anime, thủ pháp limited animation[3](hoạt hình giới hạn) được vận dụng, giúp giảm đáng kể chi phí cũng như công đoạn sản xuất cho bộ phim. Thủ pháp này giúp biểu đạt các chuyển động và nhịp điệu vô cùng độc đáo trong anime Nhật, hiện vẫn được sử dụng.

Phong cách manga của Tezuka Osamu vẫn được kế thừa cho đến ngày nay và ông được coi là người đặt nền móng cho nền văn hoá manga hiện đại. Chính vì thế, Nhật Bản gọi ông là “huyền thoại của thế giới manga”.

[3] Limited animation: thủ pháp thể hiện 8 khung hình chuyển động trên 1 giây. So với thủ pháp 24 hình hay 12 hình trên 1 giây thì thủ pháp này tiết kiệm đáng kể về thời gian và công đoạn sản xuất.

1-3. Ra mắt những tạp chí manga nổi tiếng

Đầu thế kỉ 20, giá một cuốn truyện tranh là khoảng 220~240 yên. Quy đổi ra giá trị hiện tại, nó rơi vào khoảng 2000 yên (tính tiền Việt là 400.000 đồng, với số tiền đó bạn có thể ăn món bún chả yêu thích khoảng 10 lần đúng không nào?), một số tiền tương đối lớn thời đó và trẻ em không dễ gì mua được.

Vì thế, việc đọc manga ở những hàng cho thuê sách – truyện trở nên phổ biến.

Cũng trong bối cảnh đó, từ thập niên 50-60, hàng loạt ấn phẩm tạp chí truyện tranh lần lượt ra đời và vẫn thịnh hành cho đến ngày nay. Ấn phẩm tuần san khá rẻ, giá dao động từ 30 đến 40 yên, nên bán rất chạy, ngay cả trẻ em cũng dễ dàng mua và thưởng thức được.

Những tạp chí manga xuất bản thời kì này được thống kê như sau.

Năm phát hành

Tạp chí manga

Năm 1954

Nakayoshi

Năm 1955

Ribon

Năm 1959

Weekly Shounen Magazine

Weekly Shounen Sunday

Năm 1968

Weekly Shounen Jump

Ngoài “Ribon” và “Nakayoshi” là các tạp chí dành cho dòng shoujo manga (truyện tranh dành cho thiếu nữ), “Weekly Shounen Magazine” hay “Weekly Shounen Sunday” lần lượt ra đời và hiện nay vẫn rất phổ biến.

“Weekly Shounen Jump” ra đời muộn hơn một chút, nhưng những chủ đề hàng tuần của Jump cũng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của trẻ em thời bấy giờ.

1-4. Làn sóng mang tên “chung cư Tokiwa-so”

ドラえもん

Tạp chí manga trở nên phổ biến cũng là thời điểm những hoạ sĩ manga sống ở khu “chung cư Tokiwa-so” cho ra đời rất nhiều kiệt tác. Ngày nay, chung cư Tokiwa-so vẫn được xem là thánh địa manga, một nơi đáng mơ ước của mọi hoạ sĩ manga Nhật.

Fujiko F. Fujio sáng tác “Doraemon” ngay tại chung cư Tokiwa-so và “Doraemon” trở thành hiện tượng, cực kì nổi tiếng không chỉ ở Nhật mà còn khắp nơi trên thế giới.
Xem chi tiết trên Amazon

Ngoài ra, “Osomatsu-kun”, “Tensai Bakabon”, “Himitsu no Atsukochan” của Akatsuka Fujio, hay “Cyborg 009” của Ishinomori Shotaro cũng là những bộ manga tiêu biểu ra đời tại chung cư Tokiwa-so.

Chung cư này bị phá bỏ năm 1987, sau đó được khôi phục vào tháng 7 năm 2020 và trở thành “Bảo tàng truyện tranh Tokiwa-so”, thuộc quận Toshima.

Nguồn: “Bảo tàng manga Tokiwa-so, Quận Toshima” (https://tokiwasomm.jp/)
Bảo tàng manga Tokiwa-so, Quận Toshima

Bảo tàng manga Tokiwa-so, Quận Toshima
●Thời gian mở cửa: AM10:00 ~18:00 (thời gian vào cửa là đến 17:30)
●Ngày nghỉ: Thứ 2 hàng tuần (nếu rơi vào ngày lễ, bảo tàng sẽ đóng cửa ngày tiếp theo trong tuần)
Những ngày nghỉ khác: năm mới, nghỉ bù khi có lịch triển lãm
●Vé vào cửa: miễn phí
※Vì một số lý do khách quan, giờ mở cửa có thể thay đổi. Vui lòng liên hệ trước để biết thông tin chính xác.

1-5. Làn sóng shoujo manga và sự ra đời của văn hoá otaku

ベルサイユのばら

Thập niên 70, những bộ truyện tranh như “The rose of Versailles” (Ikeda Riyoko), “Aim for the Ace!” (Yamamoto Sumika), “Candy Candy” (Nội dung: Mizuki Kyoko, vẽ tranh: Igarashi Yumiko), đã manh nha cho sự bùng nổ của dòng shoujo manga. Những cô gái thời đó đắm chìm và thổn thức trong thế giới của manga.
Xem chi tiết trên Amazon

Mặt khác, Nhật Bản bước vào thời kì ổn định với nền kinh tế phát triển thịnh vượng, kéo theo đó ngành công nghiệp manga bắt đầu lớn mạnh.

Từ “otaku” ra đời vào khoảng năm 1975. “Otaku” là một từ lóng trong tiếng Nhật, dùng để ám chỉ những người say mê cuồng nhiệt và mạnh mẽ đối với văn hoá đại chúng, tiêu biểu là manga, anime, hay trò chơi điện tử, “văn hoá otaku” ra đời vào thập niên 70 này.

Ngoài ra, thời kì này, số lượng tác giả doujin (những người có cùng phong cách, sở thích) tăng lên, họ tổ chức hội chợ dành cho các doujin-shi như “Hội chợ manga Nhật Bản”, “Hội chợ Comic”, ở đó các nhóm doujin-shi có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Ngày nay, “Hội chợ Comic” vẫn được tổ chức và trở thành Hội doujin-shi lớn nhất thế giới.

1-6. Thiên tài Toriyama Akira và sự ra đời của seinen manga

ドラゴンボール

Năm 1980, Toriyama Akira bắt đầu xuất bản bộ manga dài kì “Dr. Slump”. Ông được coi là bậc thầy của thế giới manga, không người Nhật nào không biết đến tên tuổi của ông. Sau đó, năm 1984, ông cho ra đời “7 viên ngọc rồng”, bộ truyện tranh nổi tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới.
Xem chi tiết trên Amazon

Cần phải nói thêm, trẻ em của thập niên 60-70, thời đại manga bùng nổ mạnh mẽ, nay đã là những người trưởng thành, có lẽ vì thế mà vào thời đại này, dòng seinen manga (truyện tranh cho người lớn) bắt đầu lan toả rộng, manga trở thành món ăn tinh thần cho cả người lớn và trẻ em.

Trong những bộ truyện cực kỳ thịnh hành với những người trưởng thành phải kể đến “Urusei Yatsuya”, nổi tiếng với hình ảnh đầy gợi cảm của Ramuchan, một mỹ nhân ngoài không gian, hay “Touch”, thuộc dòng manga bóng chày, nhưng khoan bàn về cốt truyện xoanh quanh đề tài “thể thao đầy máu lửa”, “Touch” miêu tả một cách tinh tế sự ngọt ngào, chua xót và cả nỗi buồn của tuổi trẻ.

Ngoài ra, không thể không gọi tên những bản hit thành công vang dội khác như: “Nausicaa of the Valley of the Wind” của Miyazaki Hayao, hay “AKIRA” của Otomo Katsuhiro…

Những bộ manga như “7 viên ngọc rồng”, “Nausicaa of the Valley of the Wind” hay “AKIRA”, vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản, được yêu thích cả ở nước ngoài, nó cũng trở thành chất xúc tác thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế đến Nhật Bản.

1-7. Thời kì hoàng kim của Jump! Những kiệt tác bất hủ lần lượt ra đời

スラムダンク

Thập niên 90 được coi là “thời kì hoàng kim của Jump” bởi Weekly Shounen Jump lần lượt cho ra đời các bản hit đình đám.
Xem chi tiết trên Amazon

Hãy cũng điểm lại những tác phẩm tiêu biểu được xuất bản bởi Weekly Shounen Jump.

Tác phẩm

Tác giả

SLAM DUNK

Inoue Takehiko

YuYu Hakusho

Togashi Yoshihiro

HUNTER×HUNTER

ONE PIECE

Oda Eiichiro

NARUTO

Kishimoto Masashi

Đây là những tác phẩm nổi tiếng khắp trong và ngoài nước đến tận hôm nay. Nhìn vào danh sách này, các bạn cũng hiểu được một loạt “kiệt tác” lần lượt ra đời từ Jump đúng không nào?

Trong số đó, “ONE PIECE” trở thành bom tấn huyền thoại khi số lượng phát hành liên tục phá vỡ kỉ lục Guiness thế giới.

Như một lẽ tất yếu, văn hoá cũng như giá trị quan của người Nhật trở nên đa dạng cùng những thay đổi của thời đại, nhờ đó các dòng manga cũng ngày càng phong phú.

Có thể nói manga Nhật được yêu thích trên toàn thế giới vì sự đa dạng nhiều thể loại, phù hợp với thị hiếu của đông đảo bạn đọc, đây cũng được coi là đặc trưng nổi bật của manga Nhật.

Và chỉ cần nhìn qua tựa đề một số bộ tiêu biểu dưới đây, các bạn cũng hiểu được sự phong phú của thể loại manga, trong đó phải kể đến “Shin – cậu bé bút chì” (Usui Yoshito) – tác phẩm đại diện cho dòng manga hài, “Thám tử lừng danh Conan” (Aoyama Gosho) – kiệt tác của dòng manga trinh thám, hay “Crows” (Takahashi Hiroshi) – đại diện cho dòng manga gangster…

1-8. Kỷ nguyên manga mới với hàng loạt tác phẩm khiến người lớn say mê

NANA

Vào những năm 2000, do tác động của tỷ lệ sinh giảm, manga dành cho giới trẻ (người lớn) có xu hướng phổ biến hơn manga dành cho trẻ em.

Seinen manga thịnh hành vào thập kỷ 80 nhưng thời đó, chủ yếu là những bộ truyện có tình tiết “gợi cảm” dành cho nam giới, còn manga thời kỳ này “có nội dung sâu sắc, gợi nhiều suy tưởng”, nên được đón nhận và không phân biệt giới tính.

Ví dụ “NANA” (Yazawa Ai), được xuất bản nhiều kì từ năm 2000, thuộc dòng shoujo manga, có nội dung khá người lớn. “NANA” khắc hoạ tinh tế câu chuyện về tình yêu – ước mơ – xung đột của những chàng trai, cô gái ở độ tuổi 20 và nắm bắt được tâm lý của đông đảo nữ giới độ tuổi trưởng thành.
Xem chi tiết trên Amazon

“Kingdom” (Hara Fujihisa) được xuất bản nhiều kì từ năm 2006, là bộ truyện tranh có nhiều yếu tố lịch sử với bối cảnh chủ đạo là thời Chiến quốc của Trung Quốc, cũng gây tiếng vang lớn đối với người lớn.

Truyện tranh trở thành văn hoá “không chỉ trẻ em mà người lớn cũng say mê” bắt nguồn từ Nhật Bản theo cách đó. Bộ “Thanh gươm diệt quỷ” (Gotouge Koyoharu) hiện đang rất thịnh hành cũng được hai thế hệ là trẻ em và người lớn yêu thích. Ngoài ra, “7 viên ngọc rồng” hay “ONE PIECE” nổi tiếng từ rất lâu với cả các bậc phụ huynh hay các em nhỏ, đó cũng là cách để cha mẹ và các con chia sẻ, thưởng thức cùng nhau.

Mặt khác, sự phổ cập của điện thoại thông minh khiến các ứng dụng về manga ngày càng thịnh hành. Trước kia, các bộ truyện phát hành trên tạp chí manga như “Weekly Shonen Jump” đóng vai trò chủ đạo, nhưng gần đây không ít bộ manga ra đời trên nền tảng ứng dụng.

Manga Nhật Bản hiện đại tiếp tục phát triển và đổi mới, này càng phong phú về thể loại cũng như cách tiếp cận. Tuy nhiên, có một điều mãi mãi không thay đổi, đó là vai trò của manga “một loại hình giải trí đem lại niềm vui cho mọi người”.

Nói cách khác, từ chỗ chỉ đơn thuần là “sách truyện dành cho trẻ em”, manga trở thành “văn hoá – một món ăn tinh thần dành cho cả nam và nữ thuộc mọi lứa tuổi khiến họ say mê, thưởng thức”.

Chúng ta hãy cũng đón chờ xem manga sẽ còn phát triển như thế nào trong tương lai. Việc nhìn lại những thay đổi của văn hoá manga qua từng thời kì như thế này có lẽ cũng là một cách thưởng thức manga rồi đúng không nào?

2. Sức hấp dẫn của truyện tranh Nhật Bản ngày xưa là gì?

Những bộ truyện tranh ngày xưa vẫn được yêu thích đến tận bây giờ và phải gọi đó là những “kiệt tác lịch sử”. Chúng ta thường nhận xét về một bộ manga dựa trên nhiều góc độ khác nhau, chẳng hạn như cốt truyện hấp dẫn, cách vẽ và sáng tạo nhân vật, những bức tranh tuyệt đẹp, thủ pháp thể hiện…

Còn một tác phẩm được coi là “kiệt tác lịch sử” phải là một tác phẩm có tầm cỡ về mọi mặt và phải được đánh giá toàn diện.

Ngoài ra, những bộ manga phản ánh được bối cảnh xã hội, văn hoá thời đại còn được đọc hay tra cứu như một loại tư liệu mang tính lịch sử.

Chẳng hạn, khi bạn đọc những tác phẩm của Tezuka Osamu theo trình tự thời gian, bạn sẽ hiểu được tình hình kinh tế – xã hội Nhật Bản, mức độ phát triển của công nghệ từ thời hậu chiến đến thời kì kinh tế phát triển thần kì.

Manga chứa đựng những thông tin cần biết về “thời đại đó” như thời trang, cách xây dựng nhà cửa, khung cảnh đường phố, hình dáng những chiếc ô tô, đồ điện tử, v..v..

Manga còn phản ánh các giá trị quan và mối liên hệ giữa con người với con người.

Ví dụ, nhân vật trong manga hiện đại sẽ cầm điện thoại thông minh, còn manga ngày xưa đương nhiên không xuất hiện điện thoại thông minh. Chính vì thế, “những điều bây giờ dễ như trở bàn tay” hay “những gì tưởng chừng tự nhiên” như bày tỏ suy nghĩ, tình cảm cho ai đó, hẹn gặp ai đó, thì hoá ra ngày xưa không phải thế.

Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể phân tích được chẳng hạn, manga ngày xưa thì dễ dàng sử dụng các yếu tố “hiểu lầm” trong phát triển câu chuyện, hay dễ dàng thêm vào các nút thắt mở, chuyển cảnh trong truyện.

Những bộ manga đăng dài kì cũng thay đổi cách mô tả hay sự việc có liên quan khi thời thế thay đổi.

Bộ “Thám tử lừng danh Conan” được xuất bản nhiều kì từ năm 1994 đến nay, mô tả phương thức phạm tội cũng thay đổi theo thời gian. Chi tiết Conan hồi xưa còn dùng điện thoại công cộng hay máy nhắn tin[4] để liên lạc, gần đây đã chuyển sang dùng điện thoại thông minh thật thú vị đúng không nào?

Đọc manga Nhật Bản ngày xưa không chỉ đơn thuần là “thưởng thức manga”, chúng ta còn học được lịch sử văn hoá Nhật Bản trong đó.

[4] Máy nhắn tin: một thiết bị liên lạc nhỏ dùng để xác nhận tin nhắn gửi từ điện thoại, thịnh hành ở Nhật Bản vào thập niên 90. Bạn có thể gửi tin nhắn với chuỗi kí tự hoặc chữ số đơn giản từ điện thoại đến máy nhắn tin.

3. Giải mã những bộ manga Nhật ngày xưa vẫn được yêu thích ở Việt Nam

Lần này, khi tìm hiểu về truyện tranh Nhật Bản ở Việt Nam, tôi nhận thấy, những bộ manga ngày xưa vẫn được bạn đọc Việt Nam yêu mến và đón nhận. Điều này hết sức thú vị bởi tôi thường chỉ để mắt những bộ đang thịnh hành gần đây ở Nhật, nhưng đây cũng là cơ hội để tôi nhìn lại văn hoá manga của Nhật một cách toàn diện.

Vì thế, tôi muốn lý giải kỹ hơn về những bộ truyện tranh được coi là “kiệt tác” của Nhật Bản vẫn được yêu thích ở Việt Nam.

Cốt truyện của manga cũ đơn giản hơn so với manga hiện đại và đều là những tác phẩm tương đối dễ đọc, đối với độc giả nước ngoài. Nếu bạn chưa từng đọc manga Nhật, hãy thử xem sao nhé!

3-1. “Doraemon” của Fujiko F. Fujio (Thời gian phát hành: 1969-1996)

ドラえもん

【Cốt truyện】

Tác phẩm miêu tả cuộc sống hàng ngày của Doraemon, chú mèo máy đến từ thế kỉ 22 và Nobita Nobi, một cậu bé hậu đậu hay bị chế nhạo, cùng những người bạn khác của hai người.

Mỗi lần Doraemon lấy từ chiếc túi ở bụng mình ra một đồ vật thần kì của thế giới tương lai để giúp đỡ những ai gặp khó khăn, hay đôi khi là để chơi khăm, chúng ta lại được thưởng thức những câu chuyện cười sảng khoái, thú vị.

Mặc dù bộ manga đã kết thúc, nhưng anime truyền hình vẫn đang tiếp tục được phát sóng. Kể từ buổi ra mắt lần đầu cách đây 48 năm, mức độ nổi tiếng của của nó vẫn không hề suy giảm (tính đến thời điểm năm 2021).
Xem chi tiết trên Amazon

3-2. “Thám tử lừng danh Conan” của Aoyama Gosho (Thời gian phát hành: 1994-)

コナン

【Cốt truyện】

Một ngày nọ, Kudo Shinichi – thám tử trung học có khả năng suy luận và tài quan sát phi thường, vô tình chứng kiến thương vụ làm ăn của một tổ chức bí ẩn tại công việc giải trí khi cậu đến đó cùng Mori Ran – bạn thân từ thời ấu thơ. Cậu bị đầu độc bởi nhân vật tên Jin – người của tổ chức áo đen, khiến cậu teo nhỏ thành hình hài của một cậu bé lớp 1.

Shinichi quyết định ở lại nhà của Ran và lấy tên là Edogawa Conan để che giấu thân phận. Câu chuyện xoay quanh việc Conan vận dụng khả năng suy luận và óc quan sát thiên bẩm để giải quyết các vụ án xảy ra liên tiếp ngay gần cậu.

Bộ manga cực kỳ hấp dẫn bởi bức màn bí ẩn của mỗi vụ án được hé mở qua từng tập, thêm vào đó là hàng loạt sự thật dần sáng tỏ khi Conan và nhóm bạn lần theo tung tích của tổ chức áo đen.
Xem chi tiết trên Amazon

3-3. “Shin – cậu bé bút chì” của Usui Yoshito (Thời gian phát hành: 1990-2010)

クレヨンしんちゃん

【Cốt truyện】

Thuộc dòng manga hài, kể về Nohara Shinnosuke, cậu bé đang học mẫu giáo lớn lớp 5 tuổi, tính cách có phần nghịch ngợm, đầu óc lúc nào cũng treo ngược cành cây. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của Shin với gia đình cậu có mẹ là Misae, bố là Hiroshi và những người bạn ở lớp mẫu giáo.

Nhiều người có thể ấn tượng mạnh mẽ đây là truyện tranh dành cho trẻ em, nhưng thời gian đầu khi mới xuất bản, nó được xem là seinen manga và những tập đầu tiên có cả những tình tiết dành cho người lớn.

Dù thuộc dòng manga hài, nhưng một trong những điểm cuốn hút của nó chính là cốt truyện ấm áp về tình cảm gia đình hay bạn bè với những tình tiết cảm động khiến người lớn cũng bật khóc.
Xem chi tiết trên Amazon

3-4. “7 viên ngọc rồng” của Toriyama Akira (Thời gian phát hành: 1984-1995)

ドラゴンボール

【Cốt truyện】

Câu chuyện bắt đầu khi một cậu bé có đuôi tên là Son Goku gặp Bulma, cô gái có bộ óc thiên tài, có thể phát minh ra rất nhiều vật phẩm khác nhau, bọn họ lên đường đi tìm “ngọc rồng”. Nếu thu thập đủ 7 viên, thì bất cứ nguyện ước nào cũng thành hiện thực.

Mục đích ban đầu là thu thập ngọc rồng, nhưng câu chuyện Goku dùng sức mạnh của người Saiya để chiến đấu và đánh bại nhiều kẻ thù đến thăm trái đất từ “hành tinh đại ma vương Piccolo” trở thành chủ đề chính.

Ở đầu truyện, Goku vẫn còn là một đứa trẻ nhưng khi câu chuyện phát triển, Goku thành người lớn và nửa sau, hình ảnh con cháu của Goku là Gohan và Goten tả xung hữu đột, dũng mãnh đứng lên bảo vệ gia đình, bạn bè cũng chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của bộ manga này.
Xem chi tiết trên Amazon

3-5. “ONE PIECE” của Oda Eiichiro (Thời gian phát hành: 1997-)

ONE PIE

【Cốt truyện】

Vào “kỷ nguyên hải tặc vĩ đại”, các hải tặc trên toàn thế giới chiến đấu tranh giành quyền tối cao xoay quanh chiếc vương miện độc tôn “One Piece” do “vua hải tặc” Gol D. Roger để lại.

Câu chuyện kể về Monkey D. Luffy, vô tình ăn phải trái ác quỷ “Gomu Gomu no mi”, khiến cậu trở thành người cao su và không thể bơi được nữa, nhưng cậu bắt đầu hành trình để được gặp lại Shanks, ân nhân cứu mạng cậu và để trở thành ông Vua hải tặc mới.

Trong chuyến phiêu lưu của mình, Luffy gặp gỡ, kết bạn với nhiều người, đôi khi có cả chia ly, nhưng nó khiến cậu ngày càng mạnh mẽ. Một trong những điểm cuốn hút của “ONE PIECE” chính là vô số những châm ngôn rút ra từ những tập nói về tình bằng hữu. Những câu châm ngôn làm lay động độc giả, đến nỗi fan của bộ truyện đình đám này gọi đây là “bộ manga kinh điển của châm ngôn”.
Xem chi tiết trên Amazon

4. Những bộ manga nổi tiếng của Nhật ngày nay không được bỏ qua

Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số bộ manga đang rất thịnh hành ở Nhật ngày nay. Tôi lựa chọn dựa trên bảng xếp hạng doanh số bán ra từ dịch vụ phân phối manga và xếp hạng đề xuất của các nhà sách (tính đến tháng 3/2021).

Một số truyện có nội dung hơi phức tạp và khó hiểu một chút, nên các bạn đã quen với manga Nhật thì nhất định nên đọc thử nhé.

Các bạn có thể tham khảo một số bộ manga dưới đây.

4-1. “Thanh gươm diệt quỷ” của Goutoge Koyoharu (Thời gian phát hành: 2016-2020)

鬼滅の刃

【Cốt truyện】
Một ngày nọ, Kamado Tanjiro lên thị trấn bán than củi như thường lệ, bán hết than cậu trở về nhà thì mới hay gia đình mình bị quỷ sát hại. Người duy nhất sống sót là em gái cậu Nezuko, cậu ôm Nezuko xuống núi cầu cứu. Đến giữa đường, Nezuko hoá thành quỷ.

Zezuko có hình hài của quỷ nhưng không đánh mất trái tim người và không tấn công người khác. Chính vì vậy, Tomioka Giyu, một thành viên của đoàn diệt quỷ đuổi theo và định tiêu diệt Nezuko, nhưng đã tha mạng cho Tanjiro và Nezuko.

Tanjiro muốn tìm cách trả lại hình hài cho Nezuko, cậu chịu khó tu luyện, gia nhập đoàn quân tinh nhuệ “Kisatsutai” để diệt quỷ. Hành trình diệt quỷ đó còn có mục đích truy tìm Kibutsuji Muzan, tổ tiên của loài quỷ với năng lực biến người thành quỷ.
Xem chi tiết trên Amazon

【Điểm nhấn】
Khi mới đăng trên tạp chí Weekly Shounen Jump, “Thanh gươm diệt quỷ” đã ngay lập tức trở nên nổi tiếng và được chuyển thể thành Anime. Bộ Anime cũng được coi là một hit lớn và trở thành hiện tượng xã hội.

Ra mắt vào tháng 10 năm 2020 và tính đến thời điểm tháng 3 năm 2021, bộ phim đạt doanh thu phòng vé là 38,4 tỷ yên, trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản.

Có thể nói đây là tác phẩm “bom tấn huyền thoại” trong giới manga ngày nay.

4-2. One-punch man (Nội dung: ONE, vẽ tranh: Murata Yusuke) (Thời gian phát hành: 2009-)

ワンパンマン

【Cốt truyện】
Saitama, một chàng trai trẻ đang loay hoay trong chuỗi ngày đi tìm việc, tình cờ giải cứu một cậu bé khỏi con quái vật hung hãn trên phố. Nhờ đó, Saitama nhớ lại ước mơ “trở thành anh hùng” thời thơ ấu, anh quyết định từ bỏ công cuộc đi tìm việc và trở thành anh hùng. Sau 3 năm tu luyện gian khổ, đến mức rụng hết tóc, anh đạt được sức mạnh vô song khủng khiếp và đánh bại bất kì kẻ địch nào chỉ bằng một cú đấm “one-punch”

Tuy nhiên, chính vì luôn đánh bại kẻ thù chỉ bằng một cú đấm, anh bắt đầu cảm thấy sự nhàm chán trong mỗi trận chiến và ngay khi đã trở thành anh hùng, anh vẫn có những tháng ngày tưởng như chán chường, thiếu sức sống.
Xem chi tiết trên Amazon

【Điểm nhấn】
“Nhân vật chính chiến đấu dũng mãnh và giành chiến thắng ở những giây cuối cùng”, “Thất bại trước kẻ thù thì quá ê chề, suy nghĩ ấy thành động lực để tôi rèn luyện” là những triết lý chủ đạo của dòng shounen manga. Trái lại, “One-punch Man” là bộ truyện tranh có nội dung mới lạ, “người anh hùng có sức mạnh vô song, đánh bại mọi kẻ thù chỉ bằng một cú đấm nhưng luôn chán chường vì điều đó”.

Độc giả bị cuốn hút không phải bởi chất anh hùng đơn thuần mà bởi thế giới quan siêu thực với những yếu tố kì lạ của nó.

4-3. “Jujutsu Kaisen” của Akutami Gege (Thời gian phát hành: 2018-)

呪術廻戦『芥見下々』

【Cốt truyện】
Một ngày nọ, Itadori Yuji, một học sinh cấp 3 sở hữu năng lực thể chất phi thường, chiến đấu với lũ yêu ma và bùa chú chuyên tấn công mọi người. Khi đó, pháp sư Fushiguro Megumi xuất hiện để thu hồi bùa chú, hai người chiến đấu để cứu những tiền bối của Yuji chẳng may bị liên luỵ, khiến Yuji rơi vào tình thế sinh tử. Itadori Yuji tự mình ăn lời nguyền là ngón tay Sukuna để giành sức mạnh, nhưng bị Vua lời nguyền Ryomen Sukuna chiếm lấy cơ thể, cậu vẫn giữ được linh hồn của mình.

Theo chú thuật của Ryomen Sukuna, nhẽ ra Itadori Yuji bị xử tử hình bởi pháp sư nhưng cậu giữ được ý chí ngoan cường và chấp nhận việc cơ thể mình bị chiếm hữu.

Khi đó, Itadori Yuji được ban cho lời nguyền “nuốt hết tất cả những ngón tay Sukuna rồi chết”. Cậu nhập học trường chuyên môn chú thuật và bắt đầu hành trình gian khổ của một pháp sư để thu hồi Ryomen Sukuna rải rác trên khắp đất nước.
Xem chi tiết trên Amazon

【Điểm nhấn】
Đường phố xuất hiện trong tác phẩm có bối cảnh là nước Nhật hiện đại. Những cái tên thuộc khu phố trung tâm ở Nhật như “Harajuku”, “Roppongi” hay “Shibuya” làm nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Ngoài ra, đây được xem là một phẩm giúp độc giả nước ngoài hiểu biết về nước Nhật, bởi các nhân vật được xây dựng theo những giá trị quan của của người Nhật đương đại.

4-4. “Học viên siêu anh hùng” của Horikoshi Kohei (Thời gian phát hành: 2014-)

僕のヒーローアカデミア

【Cốt truyện】
Bối cảnh của câu chuyện là một xã hội của những siêu nhân, nhiều người sở hữu năng lực đặc biệt và nó được coi là “cá tính” của mỗi người. Có một nghề gọi là “anh hùng”, các anh hùng phát huy “cá tính” để tiêu diệt kẻ thù (nhân vật phản diện), những kẻ lạm dụng “cá tính” để làm điều xấu.

Nhân vật chính Midoriya Izuku là một thiếu niên không sở hữu “cá tính”, tức năng lực đặc biệt gì cả. Cậu ngưỡng mộ người anh hùng All Might, được ca tụng là biểu tượng của hoà bình và dù không sở hữu siêu năng lực nhưng cậu đặt mục tiêu đỗ vào khoa Anh hùng của trường phổ thông Eiyu, nơi đào tạo rất nhiều anh hùng.

Một ngày nọ, Izuku bất chấp hiểm nguy, cố gắng cứu Bakugo Katsuki, một người bạn của mình bị kẻ xấu tấn công. All Might chứng kiến nỗ lực đó và nhận thấy những tố chất của một anh hùng ở Izuku, nên chỉ định Izuku là người kế thừa cá tính “một cho tất cả” của All Might.

Izuku khổ luyện để kế thừa cá tính của All Might và đỗ vào trường trung học phổ thông Eiyu, nơi cậu gặp được những chiến hữu của mình và cùng đặt mục tiêu trở thành anh hùng.
Xem chi tiết trên Amazon

【Điểm nhấn】
Một tác phẩm có vô số những nhân vật với muôn vàn cá tính khác nhau, trong đó phải kể đến nhân vật chính Midoriya Izuku, nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu trở thành anh hùng, đôi khi là hình ảnh dũng cảm đương đầu với kẻ thù hiểm ác (lũ phản diện), đã chiếm trọn tình cảm của độc giả

Đây là tác phẩm được cả trẻ em và người lớn yêu thích, bởi sự kết hợp đủ 3 nguyên tắc chính của Weekly Shounen Jump là “tình bạn – nỗ lực – chiến thắng”.

4-5. “Đại chiến Titan” của Isayama Hajime (Thời gian phát hành: 2009-)

進撃の巨人

【Cốt truyện】
Loài người dần bị ăn thịt và bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng khi những “người khổng lồ” đột ngột xuất hiện. Những người còn sống sót xây dựng 3 bức tường khổng lồ là Wall Maria, Wall Rose, Wall Sina và sống yên bình bên trong bức tường khoảng chừng 100 năm.
Eren Yeager, một cậu thiếu niên sống ở quận Shiganshina, khu vực gần bên ngoài bức tường ở cực nam của Wall Maria, trải qua những ngày yên bình bên những người bạn thưở ấu thơ như Mikasa Ackerman hay Armin Arlert. Mặt khác, Eren và Armin vẫn thầm khao khát thế giới bên ngoài bức tường và thường nói chuyện với nhau về giấc mơ bên ngoài bức tường.

Chuỗi ngày bình yên đó bỗng chốc bị phá vỡ cùng sự sụp đổ bức tường. Năm Eren lên 10, những người siêu khổng lồ với thân hình vạm vỡ còn hơn cả bức tường, phá huỷ cánh cổng của quận Shiganshina, đám người khổng lồ đột nhập vào bên trong bức tường, tấn công người dân ở quận Shiganshina. Eren đã chứng kiến mẹ mình bị một gã khổng lồ ăn thịt.

Bị người khổng lồ cướp hết tất cả, Eren quyết tâm tiêu diệt lũ người khổng lồ. 5 năm sau vụ xâm lược của người khổng lồ, Eren gia nhập quân đoàn với tư cách là binh lính huấn luyện, mục đích là thành lập Đoàn trinh sát để tiến hành điều tra bên ngoài bức tường.
Xem chi tiết trên Amazon

【Điểm nhấn】
Nội dung tưởng chừng đơn giản về “con người với người khổng lồ”, nhưng rồi những âm mưu tầm cỡ quốc gia, chân tướng về người khổng lồ dần dần hé mở và phát triển thành một câu chuyện hùng tráng.
Không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, kết cấu chuyện khiến chúng ta hồi hộp khi lật giở từng trang sách, người lớn cũng bị cuốn theo say mê.
Tác giả dường như đã lên ý tưởng về toàn bộ câu chuyện ngay từ đầu và đôi chỗ khéo léo lồng ghép một vài chi tiết bước ngoặt, làm nên sức cuốn hút cho bộ manga này. Mỗi lần nhận ra tình tiết bước ngoặt đó, độc giả tự hỏi, “ơ, thế này là…” và không thể không đọc lại thêm một lần nữa.

5. Phần kết

Các bạn thấy thế nào? Tôi đã lần lượt giới thiệu đến các bạn về lịch sử cũng như sức hấp dẫn của truyện tranh Nhật Bản.
Dưới đây là danh sách những tác phẩm tôi đã điểm qua trong bài viết.

●Lịch sử truyện tranh Nhật Bản

Thời gian phát hành

Tên tác phẩm

Tác giả

Khái quát

Thế kỉ 12~13

Choju-giga

Khuyết danh

Được xem là manga đầu tiên của Nhật

1862-1877

Japan Punch

Charles Wirgman

Tạp chí manga đầu tiên của Nhật

1950-1954

Jungle Taitei

Tezuka Osamu

Những tác phẩm tiêu biểu của “huyền thoại manga” Tezuka Osamu

1951-1981

Atom cậu bé tay sắt

Tezuka Osamu

1953-1967

Ribon no Kishi

Tezuka Osamu

1954-1986

Chim lửa

Tezuka Osamu

1962-1969

Osomatsu-kun

Akatsuka Fujio

Những kiệt tác ra đời ở chung cư Tokiwa-so

1962-1965

Himitsu no Akkochan

Akatsuka Fujio

1964-1985

Cyborg 009

Ishinomori Shotaro

1967-1978

Tensai Bakabon

Akatsuka Fujio

1972-1973

The rose of Versailles

Ikeda Riyoko

Những tác phẩm nổi tiếng của làn sóng shoujo manga thập niên 70

1973-1975

1978-1980

Aim for the Ace

Yamamoto Sumika

1975-1973

Candy Candy

Nội dung: Mizuki Kyoko
Vẽ tranh: Igarashi Yumiko

1982-1994

Nausicaa of the Valley of the Wind

Miyazaki Hayao

Những tác phẩm tiêu biểu đưa manga Nhật thâm nhập thị trường nước ngoài

1982-1990

AKIRA

Otomo Katsuhiro

1990-1984

Dr. Slump

Toriyama Akira

Kiệt tác sánh ngang “7 viên ngọc rồng” của “bậc thầy manga” – Toriyama Akira

1990-1996

SLAM DUNK

Inoue Takehiko

Những tác phẩm nổi tiếng vào thời hoàng kim của Jump

1990-1994

YuYu Hakusho

Togashi Yoshihiro

1997-

ONE PIECE

Oda Eiichiro

1998-

HUNTER×HUNTER

Togashi Yoshihiro

1999-2014

NARUTO

Kishimoto Masashi

2005-

NANA

Yazawa Ai

Thuộc dòng shoujo manga, phong cách tươi mới dành cho người lớn, miêu tả tình yêu – ước mơ – xung đột độ tuổi 20

2006-

Kingdom

Hara Yasuhisa

Bộ manga nổi tiếng dành cho người lớn, với bối cảnh là thời Chiến quốc của Trung Quốc

● Truyện tranh Nhật Bản ngày xưa được yêu thích ở Việt Nam

Thời gian phát hành

Tên tác phẩm

Tác giả

1969-1996

Doraemon

Fujiko F. Fujio

1994-

Thám tử lừng danh Conan

Aoyama Gosho

1990-2010

Shin – cậu bé bút chì

Usui Yoshito

1984-1995

7 viên ngọc rồng

Toriyama Akira

1997-

ONE PIECE

Oda Eiichiro

 ●Truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng ngày nay

Thời gian phát hành

Tên tác phẩm

Tác giả

2016-2020

Thanh gươm diệt quỷ

Goutoge Koyoharu

2009-

One-punch Man

Nội dung: ONE
Vẽ tranh: Murata Yusuke

2018-

Jujutsu Kaisen

Akutami Gege

2014

Học viện siêu anh hùng

Horikoshi Kohei

2009

Đại chiến Titan

Isayama Hajime

Truyện tranh Nhật Bản được sáng tác bởi rất nhiều hoạ sĩ manga tên tuổi như Tezuka Osamu, đem lại niềm yêu thích, say mê cho bao thế hệ độc giả. Có thể nói những nỗ lực không ngừng, cộng sức sáng tạo phi thường của các hoạ sĩ manga lớn trong quá khứ khiến manga không đơn thuần là để giải trí, nó dần có chỗ đứng, trở thành một loại hình “văn hoá của Nhật Bản”, được cả bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận.

Giới manga vẫn liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng và tiếp nối lịch sử phát triển lâu đời của manga. Thử nghĩ xem, những bộ manga chúng ta đang đọc ngày nay biết đâu sẽ thành “kiệt tác lịch sử” sau 100 năm nữa, thật thú vị phải không nào?

Ở Nhật Bản, đôi khi “nói chuyện về bộ manga mình yêu thích” được xem là một phương thức để giao tiếp, bởi đó là loại hình giải trí đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho mọi người, nó thấm nhuần vào đời sống của mỗi cá nhân.

Tôi hi vọng bài viết này là bước đầu tiên để các bạn đặt chân vào thế giới manga còn rất sâu và rộng. Ngoài ra, những bạn muốn “biết thêm, đọc thêm về thế giới manga”, các bạn nhất định phải tới Nhật. Ở Nhật có vô số truyện tranh hay loại hình văn hoá có liên quan ngoài những bộ manga tôi đã giới thiệu trong bài viết và tôi tin chắc các bạn sẽ thấy vô cùng thích thú.