Trong bốn mùa, mùa thu là mùa trăng đặc biệt sáng và đẹp. Hơn nữa, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trăng tròn và đẹp nhất trong năm vào “Tết Trung thu”, ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ở Nhật Bản, tết Trung thu được gọi là “Otsukimi”, nghĩa là “Ngắm trăng” hay “Juugoya”, nghĩa là “Đêm mười lăm”, và được xem là nét đặc trưng riêng biệt của mùa thu.

Trong bài viết này, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu về lịch sử, các hoạt động trong tết Trung thu ở Nhật Bản và những địa điểm ngắm trăng đẹp ở Tokyo.

1. Tết Trung thu Nhật Bản, nguồn gốc và sự khác biệt với tết Trung thu Việt Nam

Đầu tiên, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu về nguồn gốc tết Trung thu Nhật Bản và sự khác biệt với tết Trung thu Việt Nam.

Nguồn gốc Otsukimi – Tết Trung thu của Nhật Bản

Tết Trung thu hay Otsukimi ở Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ khi văn hóa tết Trung thu của Trung Quốc phổ biến trong giới quý tộc vào thời kỳ Heian. Trong “Truyện kể Genji” – tiểu thuyết nổi tiếng mang màu sắc lịch sử Nhật Bản kể về thời đại Heian, có nhắc đến “Bữa tiệc ánh trăng” – yến tiệc nơi mọi người uống rượu và thưởng thức âm nhạc.

Sau đó, văn hóa ngắm trăng đã phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Tuy nhiên, trong dân gian, ngày này mang ý nghĩa gần giống lễ thu hoạch, người dân “kính dâng sản vật thu hoạch được lên mặt trăng, tạ ơn mùa màng và cầu mong một vụ mùa bội thu”.

Otsukimi – Tết Trung thu Nhật Bản diễn ra khi nào?

Trước đây, Otsukimi – Tết Trung thu Nhật Bản cũng được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, vì sau này Nhật Bản chỉ sử dụng lịch dương, nên ngày này thay đổi hàng năm và thường rơi vào khoảng giữa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Sự khác nhau giữa tết Trung thu Nhật Bản và Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam cũng giống như Nhật Bản, có nguồn gốc từ tết Trung thu của Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Vì mùa vụ bận rộn nên theo thông lệ, người dân thường tổ chức ăn uống cùng gia đình và được xem như một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau vụ thu hoạch vào dịp này.

Ngoài ra, tết Trung thu ở Việt Nam còn mang ý nghĩa là “Tết thiếu nhi”. Đây là sự kiện đặc biệt dành cho trẻ em, các em nhỏ được phát kẹo và được bố mẹ mua đồ chơi. Các phong tục như rước đèn và ăn bánh Trung thu cũng là những nét độc đáo trong ngày tết Trung thu của người Việt.

Mặt khác, ở Nhật Bản thì hai thức đồ truyền thống gắn liền với Tết Trung thu là cỏ lau (Susuki) và bánh mochi bột gạo (Tsukimi Dango). Người Nhật sẽ trang trí bằng cỏ lau, còn đồ cúng là bánh Dango và sau đó, vừa thưởng trăng vừa ăn Dango, nhấp thêm một chút rượu. Đặc biệt, ngày nay, thưởng trăng là mục đính chính trong tết Trung thu, hơn là cầu nguyện cho mùa màng bội thu.

2. Những câu chuyện thú vị xung quanh tết Trung thu

Tiếp theo, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu những câu chuyện thú vị xung quanh tết Trung thu ở Nhật Bản.

Truyền thuyết về chú thỏ trên cung trăng

Ở Nhật Bản, có một truyền thuyết nổi tiếng kể về việc “Chú thỏ đang giã bột làm bánh mochi trên cung trăng”. Có lẽ vì vậy mà trong lễ Otsukimi, chúng ta thường nhìn thấy nhiều đồ trang trí và món ăn được được thiết kế dựa có họa tiết hay hình dáng con thỏ.

Hoa văn trên mặt trăng “tựa như chú thỏ đang giã bánh”

Truyền thuyết về thỏ được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản thực ra có nguồn gốc từ câu chuyện thần thoại Ấn Độ như sau:

Một ngày nọ, khỉ, cáo và thỏ phát hiện một ông lão đang ngất xỉu vì đói. Cả ba đều đi tìm thức ăn cho ông: khỉ trèo cây hái quả hồng, cáo bắt cá dưới sông. Nhưng dù có cố gắng thế nào, thỏ cũng không thể chuẩn bị được gì, nên cuối cùng nó nhóm lửa nhảy vào đó và nói: “Xin hãy ăn thịt tôi!”.

Thực ra, ông lão đó chính là vị thần Taishakuten. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, vị thần này đã hồi sinh và đưa chú thỏ lên cung trăng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có câu chuyện thần thoại cổ xưa, “trên mặt trăng, có một con thỏ cầm chày và đang làm thuốc trường sinh bất tử” và có giả thuyết cho rằng: khi câu chuyện này du nhập vào Nhật Bản, thuốc đã được đổi thành bánh mochi.

Những cách gọi khác của Otsukimi

Có nhiều cách gọi khác nhau đối với Otsukimi – tết Trung thu của Nhật Bản. Mặc dù có thể hơi rắc rối, nhưng đây là cách diễn đạt điển hình của Nhật, vì vậy hãy ghi nhớ những cách gọi này nhé!

Chuushuu no meigetsu (Trăng rằm Trung thu)

Mặt trăng tròn và sáng có thể nhìn thấy trong Tết Trung thu được gọi là “Chuushuu no meigetsu (Trăng rằm Trung thu)”.

Trung thu là ngày 15 tháng 8 âm lịch, tức là “giữa thu”. Theo âm lịch, mùa thu kéo dài 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9, ngày 15 tháng 8 rơi vào chính giữa mùa thu được gọi là “Trung thu (giữa thu)”.

Juugoya (Đêm mười lăm)

Đây là một từ được sử dụng giống như “Otsukimi”. Vốn dĩ Juugoya là ngày thứ 15 tính từ ngày đầu tiên của tháng và từ này dùng để chỉ ngày 15 hàng tháng (tính theo âm lịch).

Dần dần theo thời gian, đêm có thể nhìn thấy trăng rằm Trung thu được gọi là “Đêm mười lăm” (Juugoya).

Imo-meigetsu

Văn hóa tết Trung thu đã lan rộng trong dân gian từ thời Edo với ý nghĩa chủ yếu là “cảm tạ mùa màng bội thu”, và người ta dùng những sản vật thu hoạch được để cúng. Thời đó, khoai sọ (Satoimo) thường được dùng làm đồ cúng, nên trăng rằm Trung thu còn được gọi là “Imo-meigetsu (Trăng rằm Imo)”.

Cũng có giả thuyết cho rằng Tsukimi Dango – món bánh phổ biến trong tết Trung thu ngày nay, được làm mô phỏng theo hình ảnh củ khoai sọ.

Column Ngày tết Trung thu trên thế giới

Tết Trung thu là văn hóa truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc và đang được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới. LIGHTBOAT sẽ giới thiệu đến các bạn những nét văn hóa khác nhau trong tết Trung thu ở một số quốc gia.

Trung Quốc

Tết Trung thu được coi là ngày đoàn viên trong truyền thống Trung Quốc. Phong tục khác nhau tùy theo từng khu vực và có các hoạt động văn hóa đa dạng như ngắm trăng trên mặt nước, săn trăng, đan tre, v.v.

Hàn Quốc

Tết Trung thu hay còn gọi là Chuseok là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào ngày này, người Hàn thường mặc trang phục truyền thống và làm bánh songpyeon (một loại bánh giầy được làm bằng bột nếp và hấp với lá thông tươi) để làm quà tặng nhau.

Thái Lan

Ở quốc gia Phật giáo – Thái Lan, vào dịp tết Trung thu người dân sẽ mặc trang phục dân tộc và đến chùa lạy Phật Quan âm. Ở đây có phong tục ăn mía và đào thay vì ăn bánh trung thu.

Campuchia

Theo phong tục, sau lễ hội, người già sẽ hấp gạo nếp, cán ra thành bánh và mang cho trẻ em. Điều này mang ý nghĩa “trọn vẹn” và “hòa thuận”, trẻ em sẽ nhai bánh gạo nếp thật kỹ đến khi chúng không thể nhai được nữa.

3. Trải nghiệm tết Trung thu theo phong cách Nhật Bản

Hãy thử trải nghiệm tết Trung thu của Nhật Bản nào!

Món ăn truyền thống trong tết Trung thu

Bánh mochi Tsukimi Dango là đồ cúng điển hình trong dịp Otsukimi. Cách làm và cách thờ cúng bánh Dango khác nhau tùy theo vùng miền, và số lượng bánh dâng lên cúng cũng khác nhau, ví dụ cúng 15 viên ứng với ngày rằm, hoặc 12 viên ứng với 12 tháng trong năm.

Có người sẽ mua bột và tự làm bánh Tsukimi Dango, nhưng cũng có những người không quá cầu kỳ và họ mua bánh kẹo truyền thống được làm cho dịp tết Trung thu. Hằng năm, các cửa hàng bánh kẹo Nhật bán rất nhiều loại bánh truyền thống, thật thú vị khi ăn thử và so sánh chúng phải không?

Bánh kẹo truyền thống được tạo hình con thỏ như “bánh bao thỏ” rất được yêu thích

Chuẩn bị đồ cúng và cách trang trí

Ngoài bánh Tsukimi Dango, cỏ lau Susuki cũng là phần quan trọng trong tết Trung thu ở Nhật Bản. Cỏ lau nhìn giống như bông lúa, được trưng bày với ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu và xua đuổi ma quỷ. Ngoài ra, còn có phong tục cúng các nông sản mùa thu như hạt dẻ hay trái hồng cùng nước và rượu, v.v.

Sau khi chuẩn bị đồ cúng, hãy dựng và trang trí một Đài ngắm trăng – Tsukimidai ở nơi bạn có thể nhìn thấy mặt trăng. Có thể sử dụng một chiếc bàn hoặc khay đơn giản để làm đài ngắm trăng. Người ta nói rằng sau tết Trung thu, bằng cách ăn đồ cúng (thụ lộc), bạn sẽ có thể có được sức khỏe và hạnh phúc.

4. Năm địa điểm ngắm trăng nhất định phải ghé qua một lần ở Tokyo

Có lẽ nhiều người có ấn tượng rằng Tokyo là nơi có nhiều tòa nhà chọc trời nên không thể quan sát rõ mặt trăng. Sau đây, LIGHTBOAT sẽ giới thiệu một số địa điểm bạn có thể ngắm trăng ngay ở nội thành Tokyo.

Tháp Tokyo

Ở tháp Tokyo, bạn có thể tận hưởng màn trình diễn ánh sáng đặc biệt (Light up) vào tết Trung thu. Ngoài việc ngắm trăng từ đài quan sát, đừng quên chụp một tấm ảnh tháp Tokyo cùng mặt trăng từ phía xa!

Tokyo Skytree

Tokyo Skytree được cho là “nơi quan sát gần mặt trăng nhất ở Nhật Bản”. Nơi đây, có hai đài quan sát ở độ cao 350m và 450m, là địa điểm lý tưởng để ngắm trăng. Ngoài ra, Tokyo Skytree còn được bầu chọn là “Di sản cảnh đêm Nhật Bản”, “Japan 100 Moon”, v.v.

Shibuya Scramble Square

Đây là địa điểm quan sát nổi tiếng được mở tại Shibuya vào năm 2019, có không gian quan sát cả trong nhà và ngoài trời. Tại “Sky Stage” bạn có thể tận hưởng phong cảnh 360 độ từ độ cao 229m ở Shibuya và thoải mái ngắm trăng với cảm giác thoáng đãng trên sân thượng rộng rãi.

Roppongi Hills

Không chỉ có đài quan sát, Roppongi Hills còn có các nhà hàng nơi bạn có thể vừa dùng bữa vừa ngắm trăng. Tại đài quan sát ngoài trời “Skydeck” còn tổ chức các sự kiện để bạn có thể vừa ngắm trăng vừa nghe giải thích từ các chuyên gia.

Vườn Mukōjima-Hyakkaen

“Lễ hội ngắm trăng” là sự kiện truyền thống từ thời Edo và được tổ chức hàng năm trong vòng ba ngày. Bạn có thể thưởng thức diễn tấu đàn Koto và tiệc trà, trải nghiệm “Lễ hội ngắm trăng của Nhật Bản” rất hữu tình tại khu vườn đầy mê hoặc này.

5. Phần kết

Tết Trung thu của Nhật Bản còn được biết đến với cái tên là Otsukimi – Lễ hội ngắm trăng, ban đầu được tổ chức với ý nghĩa gần giống lễ thu hoạch. Trước đây, Otsukimi diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch nhưng vì sau này Nhật Bản sử dụng lịch dương nên mỗi năm ngày tháng sẽ có sự thay đổi và rơi vào khoảng từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Giống như Việt Nam, Otsukimi bắt nguồn từ tết Trung thu của Trung Quốc nhưng có sự khác biệt về đồ cúng và phong tục. Đồ cúng là Tsukimi Dango và trang trí với cỏ lau Susuki là những nét đặc trưng trong tết Trung thu Nhật Bản.

Nhật Bản có truyền thuyết “Chú thỏ giã bột trên cung trăng” nên vào ngày tết Trung thu chúng ta có thể nhìn thấy nhiều món ăn và đồ trang trí có hoạ tiết hay hình dạng con thỏ. Ngoài tên gọi Otsukimi, người Nhật có rất nhiều cách khác nhau để gọi tên tết Trung thu như: “Chuushuu no meigetsu (Trăng rằm trung thu)”, “Chuushuu no meigetsu (Đêm mười lăm)” hay “Imo-meigetsu (Trăng rằm Imo)”.

Trong dịp tết Trung thu, người Nhật sẽ bày biện đài ngắm trăng với Tsukimi Dango, bánh kẹo truyền thống, cỏ lau Susuki, v.v. Người ta nói rằng việc ăn đồ đã cúng (thụ lộc) sẽ mang lại sức khỏe và hạnh phúc.

Cuối cùng, nhất định đừng bỏ lỡ một trong những địa điểm ngắm trăng nổi tiếng ở nội thành Tokyo, đó là:

Tháp Tokyo

Tokyo Skytree

Shibuya Scramble Square

Roppongi Hills

Vườn Mukōjima-Hyakkaen

Hiện nay, ở Nhật Bản, mọi người có thể thưởng thức lễ hội và ngắm trăng theo nhiều phong cách khác nhau, từ đơn giản đến truyền thống. Hãy thử trải nghiệm tết Trung thu Nhật Bản “Otsukimi” theo cách của bạn nữa nhé!